Trong bài viết khép lại năm 2022, tôi đã kết lại bằng câu nói của diễn viên Morgan Freeman với Ghanim Al Muftah tại lễ khai mạc World Cup 2022, rằng: “Điều kết nối chúng ta lại với nhau ở đây, trong khoảnh khắc này, lớn hơn những gì chia rẽ chúng ta.” Với câu nói đó, tôi, cũng như rất nhiều người, đều hy vọng thế giới sẽ khép lại những bất đồng, khác biệt để bước vào một năm mới tươi sáng hơn, bình yên hơn. Thế nhưng, năm 2023 đã trôi qua không như mong đợi. Chúng ta phải tiếp tục chứng kiến những xung đột, mất mát, đau thương bắt nguồn từ chính sự bất đồng, chia rẽ. Trong những ngày tháng thế giới đầy khó khăn và bất ổn, một lần nữa, ta phải giật mình nhìn lại điều Samuel P. Huntington từng nhận định trong “Sự va chạm của các nền văn minh” rằng: “Trong thế giới hậu Chiến tranh lạnh, văn hóa vừa là sức mạnh đoàn kết vừa là sức mạnh chia rẽ.” Những khủng hoảng, bấp bênh đã giúp ta nhận ra sự hiện diện của văn hóa và thực sự thấm thía sức mạnh, tầm quan trọng của nó.

Những người nhập cư vượt sông Rio Grande khi băng từ Mexico vào Hoa Kỳ 9/2023. Ảnh: John Moore/Getty Images

Giữa bất ổn, bấp bênh…

Có lẽ, trong những bài thống kê, tổng hợp cuối năm, hiếm khi các sự kiện văn hóa được lọt vào danh sách những sự kiện nổi bật, ảnh hưởng lớn đến đời sống trong nước, quốc tế. Chiếm ưu thế trên các trang báo cũng như trong sự quan tâm của mỗi người luôn là những vấn đề chính trị, kinh tế như xung đột, chiến tranh, suy thoái… Không ngoại lệ, tiêu điểm của năm 2023 cũng xoay quanh những sự kiện đó. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, để lại hậu quả nghiêm trọng với những đợt nắng nóng lịch sử, cháy rừng, bão lũ,… và đặc biệt, thảm cảnh kinh hoàng trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria còn ám ảnh chúng ta đến tận hôm nay, thì những xung đột là nét nổi bật của tình hình quốc tế 2023. Khi xung đột Nga – Ukraine chưa tìm được lời giải thì chiến sự lại nổ ra tại dải Gaza. Hơn 2 tháng trôi qua, cuộc đối đầu giữa lực lượng Hamas và Israel đã gây ra bao thương vong, mất mát, đẩy người dân vô tội vào thảm họa nhân đạo, đe dọa hòa bình, an ninh chung của khu vực. Năm 2023 cũng là năm chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang, mối đe dọa hạt nhân không hề “giảm nhiệt” và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn có nhiều diễn biến mới. Cùng với đó, trên thế giới, những vụ xả súng giết người hàng loạt vẫn diễn ra, kỷ lục là tại nước Mỹ; châu Âu trải qua những ngày biểu tình, đình công lan rộng, nội bộ EU nảy sinh nhiều bất đồng, tranh cãi; vấn đề Đài Loan và tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp… Những xu hướng hợp tác, cạnh tranh, xung đột năm qua đã và đang sắp xếp lại tương quan và hé lộ một trật tự thế giới mới trong tương lai.

Trong một thế giới có quá nhiều biến động, thành công của Việt Nam là đã duy trì được môi trường hòa bình, ổn định, lạm phát thấp và tốc độ tăng trưởng khá. Đặc biệt, năm 2023 là năm thành công trong lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam trên tất cả các kênh, giúp vị thế tiếng nói của chúng ta được nâng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa, không quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc, không quốc gia nào có thể tránh khỏi hệ lụy từ những biến động của đời sống chính trị quốc tế. Năm 2023, các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn (trong 10 tháng đầu năm có 146.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), công nhân thất nghiệp, xuất nhập khẩu giảm, sản xuất công nghiệp giảm… Mỗi cá nhân ít nhiều đều có thể cảm nhận được những khó khăn và bất an của thời cuộc đang tác động đến cuộc sống của mình.

Khung cảnh sau các cuộc không kích của Israel vào Gaza ngày 23/10/2023. Ảnh: Ali Jadallah – Anadolu/Getty Images

Là lúc cần nhìn sâu vào những giá trị văn hóa

Rõ ràng, khi con người phải đối mặt với vô vàn khó khăn, phải vật lộn với từng miếng ăn, giấc ngủ, với sự sống còn thì khó có thể nghĩ đến hay ưu tiên nghĩ đến các giá trị văn hóa. Đặc biệt, ở những nước kém phát triển, ở những nơi đang xảy ra thảm họa nhân đạo, các hoạt động văn hóa sẽ không được xem là thiết yếu. Nhưng chúng ta dường như quên đi rằng chính trong những nơi khó khăn và đau thương nhất, điều vực dậy tinh thần của con người là sức mạnh của tình thương, của những giá trị văn hóa. Và, nhiều khi, người ta chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng chỉ để bảo vệ cho được một giá trị tinh thần nào đó. Vậy, hơn lúc nào hết, vấn đề đặt ra trên phạm vi toàn cầu cũng như mỗi quốc gia bây giờ là cần xác định rõ vị trí của văn hóa, cần thấy sự hiện diện của nó trong tất cả mọi vấn đề của cuộc sống, thấy được nó là căn nguyên của nhiều cuộc chiến tranh, xung đột, chia rẽ,… thấy “những khác biệt lớn trong phát triển chính trị và kinh tế giữa các nền văn minh thường có nguồn gốc văn hóa sâu sắc” (Samuel P.Huntington, Sự va chạm của các nền văn minh). UNESCO cũng đã từng thống kê 75% xung đột, mâu thuẫn xảy ra trên thế giới là do những khác biệt về văn hóa. Văn hóa là cội nguồn, là động lực của phát triển nhưng cũng có thể là căn nguyên của chiến tranh. Việc đảm bảo sự đa dạng và hòa hợp văn hóa có ý nghĩa sống còn đối với hòa bình và văn minh nhân loại.

Thế giới loài người từ khi hình thành đến nay đã trải qua vô vàn hiểm họa nhưng những giá trị văn hóa, nghệ thuật vẫn mạnh mẽ sống cho tới tận hôm nay. Còn con người thì còn văn hóa và nhân loại không thể tồn tại mà thiếu đi văn hóa – nghệ thuật. Ở Việt Nam, có thể thấy, chính sức mạnh văn hóa đã giúp chúng ta tồn tại, thoát khỏi mọi ách đô hộ, thống trị để có được độc lập, tự do. Văn hóa đã luôn đồng hành cùng với mọi biến đổi, thăng trầm của dân tộc. Nó không chỉ là một lĩnh vực, một vài hoạt động cụ thể mà có mặt trong chính trị, kinh tế, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó là sức đề kháng, là nội lực, là một yếu tố mà nếu mất đi ta không còn là ta nữa. Nhìn ở góc độ nhỏ hơn, những hoạt động văn hóa tinh thần giúp định hướng, nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn mỗi người; giúp họ thoát khỏi những vấn đề tâm lý, chiến thắng khó khăn, bệnh tật,…

Một tiết mục mang đậm dấu ấn cung đình của đoàn NTQC Huế tại Festival Dân ca ba miền diễn ra tại Nghệ An năm 2023. Ảnh: Xuân Thủy

Đáng tiếc thay, thời gian qua, văn hóa vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Các giá trị văn hóa, đạo đức của nhân loại nói chung ít nhiều bị lãng quên, coi nhẹ, xâm phạm. Tại Việt Nam, dù văn hóa được xác định là động lực, là nền tảng phát triển của xã hội song đầu tư cho nó còn hạn chế. Đặc biệt, nhận thức về tầm quan trọng thực sự của văn hóa ở nhiều người, thậm chí cả những người đang trực tiếp làm trong lĩnh vực này còn chưa đúng. Chúng ta đang phân tán nguồn lực cho những hoạt động mang tính hình thức, nhỏ nhặt, đang đồng nhất công tác văn hóa với câu chuyện “cờ, đèn, kèn trống” mà thiếu đầu tư, quan tâm cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và khai thác các giá trị. Chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế về văn hóa của nước mình, chưa biến nó thành sức mạnh thực sự to lớn trong quá trình phát triển, chưa đầu tư tương xứng cho ngành công nghiệp văn hóa, chưa biến các giá trị văn hóa thành những sản phẩm hấp dẫn để “xuất khẩu” ra bên ngoài. Nguồn nhân lực cho công tác văn hóa còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Chúng ta đặt ra nhiều mục tiêu khá xa như nâng cao năng lực cảm thụ, thẩm mỹ; xây dựng thế giới quan khoa học, xây dựng hệ giá trị chuẩn của người Việt hiện đại,… trong khi nhiều vấn đề nhức nhối, cấp thiết tồn tại trong bao nhiêu năm qua vẫn chưa được giải quyết. Trong số đó, đáng nói nhất vẫn là sự xuống cấp, suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ người Việt; là sự mai một đáng lo ngại của các giá trị văn hóa đạo đức truyền thống.

Cùng với việc kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, năm 2023 là năm câu chuyện văn hóa được đề cập đến rất nhiều. Đồng thời, cũng trong năm nay, chúng ta phải chứng kiến không ít sự việc nhức nhối liên quan đến văn hóa. Đặc biệt, điều thu hút sự quan tâm của dư luận hơn cả là con số 350 nghìn tỷ đồng đề xuất cho mục tiêu “chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn 2025-2035”. Nhiều người đặt câu hỏi về cơ sở của đề xuất ấy và liệu nó có thực sự cần thiết trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn?

Có thể khẳng định việc chấn hưng văn hóa trong thời điểm hiện nay là vô cùng cấp thiết song mức đầu tư phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng sao cho hiệu quả, tối ưu, tránh lãng phí. Tuy nhiên, có lẽ, câu hỏi cần được đặt ra hơn lúc này là: Việc chấn hưng văn hóa cần bắt đầu từ đâu? Những vấn đề đặt ra trong quá trình chấn hưng là gì? Thiết nghĩ, không thể khác, chúng ta phải bắt đầu từ con người, phải vực dậy những giá trị đạo đức, tinh thần đang xuống cấp trong xã hội; phải khai mở nhận thức, tư duy để mọi công dân hiểu được vai trò, sức mạnh của văn hóa. Đặc biệt, song song với bảo tồn, vực dậy những giá trị tinh thần tốt đẹp, chúng ta cần có kế hoạch, chiến lược dài hạn cho ngành công nghiệp văn hóa. Hy vọng 350 nghìn tỷ dự kiến sẽ không lãng phí trong những chương trình biểu diễn manh mún, những công trình trang trí tạm bợ, những dự án nửa vời…

Muốn biết đầu tư cho văn hóa bao nhiêu là đủ và có lãng phí hay không thì chúng ta cần nhận thức rõ: đầu tư cho văn hóa không phải là đầu tư ngay lập tức sinh lợi nhuận. Đó là đầu tư cho lâu dài, cho tương lai, cho cả sự tồn vong của dân tộc. Nó không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế lớn nếu biết cách khai thác, phát huy mà còn rất quan trọng đối với đời sống tinh thần, tình cảm của người dân hôm nay và mai sau.

Chính trị gia người Pháp Edouard Herriot từng nói: “Văn hóa là cái còn lại khi người ta đã quên đi tất cả”. Và tôi tin, sau một năm nhìn lại, dù là ai, ở bất cứ quốc gia nào thì cái neo giữ ta, cái khiến ta thấy hạnh phúc hay khổ đau, cái khiến ta nở nụ cười hay rơi nước mắt vẫn luôn là những giá trị văn hóa, tinh thần. Năm 2023 khép lại với nhiều điều đáng nhớ và cũng đáng quên nhưng có một điều ta không được phép đánh mất đó là niềm tin vào sức mạnh của những giá trị văn hóa. Dù hôm nay đây có thể chúng ta đang bước đi trong nhiều khó khăn, thách thức nhưng tương lai chắc chắn sẽ tươi sáng hơn nếu ta biết bám giữ lấy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi một con người, trong hồn dân tộc; biết tôn trọng sự khác biệt về văn hóa của nhau. Trong thời khắc thiêng liêng cuối cùng của năm, khi nâng ly tiễn năm cũ, hãy cùng nhau thắp lên và lan tỏa niềm tin ấy. Hãy xích lại gần nhau, lắng nghe và thấu hiểu hơn để thế giới không còn phải chứng kiến những mất mát, đau thương vì chia rẽ, xung đột; để chúng ta có thể quên đi tất cả những hiềm khích, toan tính, hiểu lầm,… để còn lại sau cùng luôn là tình yêu thương và sự sẻ chia!

Trang Đoan