Mặc dù những tác hại do việc lạm dụng bóng cười gây ra đã được các phương tiện truyền thông cảnh báo nhiều trong thời gian qua nhưng hiện nay giới trẻ vẫn tìm đến nó chỉ để có những phút vui ngắn ngủi mà không màng hệ lụy. Thực trạng sử dụng bóng cười cũng như các chất kích thích, chất hướng thần mới ở một bộ phận người trẻ đang thực sự đáng lo ngại và cần được quan tâm bởi phía sau những thú vui nhất thời ấy là nhiều vấn đề về tâm lý, là nỗi cô đơn khó giãi bày của giới trẻ.
Bóng cười là loại bóng có chứa khí N2O (còn gọi là khí gây cười), loại khí này sau khi sử dụng sẽ tác động mạnh tới hệ thần kinh, đem lại những khoái cảm, sự phấn khích nhất thời, tạo ảo giác gây cười. Lạm dụng khí này trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như: giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, suy yếu sức khỏe,…; nghiêm trọng hơn có thể gây tổn thương tủy sống, não và thậm chí dẫn tới tử vong. Người trẻ tìm đến bóng cười hay các chất hướng thần khác ban đầu đều chỉ để mua vui nhất thời nhưng dần trở nên nghiện, bị lệ thuộc và hậu quả để lại rất khó lường. Hiện nay, Bộ Công an đang phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan chủ động nắm tình hình, xác định lại thực trạng sử dụng bóng cười và các chất hướng thần trong nước để có biện pháp siết chặt việc nhập khẩu cũng như ban hành, bổ sung các quy định chặt chẽ về việc mua, bán, sử dụng khí N2O.
Việc rà soát và có những quy định chặt chẽ là rất cần thiết để ngăn chặn tình trạng sử dụng, mua bán chất này tràn lan hiện nay. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề, để người trẻ không lao vào việc sử dụng các chất kích thích, chúng ta phải quan tâm đến sức khỏe tinh thần của họ, đến chấn hưng các giá trị văn hóa. Ngoài tò mò, bị bạn bè lôi kéo thì phấn lớn người trẻ chủ động dùng các chất kích thích để tìm niềm vui, quên đi những áp lực, mệt mỏi, muộn phiền trong cuộc sống. Nói cách khác, đằng sau những tiếng cười tạm bợ trên các vỉa hè, các quán bar, vũ trường,… là nỗi đau không chỉ của riêng họ. Sự cô đơn ở giới trẻ là thực trạng đáng báo động không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên thế giới hiện nay. Điều đáng nói, những vấn đề tâm lý, tinh thần của lứa tuổi thanh thiếu niên tại Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức; họ nhận về nhiều lời chỉ trích hơn là thông cảm, thấu hiếu, chia sẻ. Đó là lý do rất nhiều người trẻ cảm thấy cô đơn không chỉ trong xã hội, trong tập thể, trong các mối quan hệ bên ngoài mà ngay trong chính nhà mình. Những cuộc vui của giới trẻ rút cục cũng chỉ để khỏa lấp đi khoảng trống trong lòng, để tạm quên đi những mỏi mệt và sự đơn độc, lạc lõng.
Tuổi trẻ ngày nay phải đối diện với nhiều vấn đề: áp lực học hành, thi cử; khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp, trong tình yêu và hôn nhân,… Bao trách nhiệm với bản thân, gia đình cần gánh vác lại còn phải trả lời cho được đã làm gì cho xã hội. Họ mông lung giữa bao lựa chọn và ngã rẽ cuộc đời; mắc kẹt giữa những bất đồng quan điểm thế hệ, giữa trách nhiệm và đam mê; giữa tranh đấu và buông xuôi… Nhiều người đã tự giam mình trong một mớ hỗn độn để rồi hư hao theo ngày tháng vì những cơn mất ngủ, trầm cảm,… Trước mắt họ là bao trở trăn, chênh vênh và nỗi cô đơn không thể giãi bày. Phía sau cuộc sống tưởng như đủ đầy và chỉ biết hưởng thụ là những lo lắng cho tương lai, cho những kỳ vọng gia đình đã đặt lên mình, cho chính hạnh phúc của mình. Ai biết họ khao khát được sẻ chia? Ai biết đằng sau những chuyến đi, những góc quán, những rạp chiếu phim, những show ca nhạc, những thú vui thoáng chốc độc hại,… là nỗi cô đơn và có khi cả sự bế tắc? Tại sao chúng ta không thử đặt câu hỏi về nguyên do của sự yếu đuối, bi quan, buồn chán ở một bộ phận thanh thiếu niên thay vì chỉ lên án họ? Tại sao chúng ta không tìm cách để lắng nghe, thấu hiểu, để giải quyết tận gốc những vấn nạn trong giới trẻ hiện nay thay vì chỉ xử lý phần ngọn?
Bóng cười hay các chất kích thích khác, nếu siết chặt quản lý và mạnh tay xử lý thì sớm muộn gì cũng có thể dẹp bỏ. Tuy nhiên, ai biết rồi sau đó người ta sẽ lại tìm đến những chất hướng thần mới nào, những thú vui độc hại nào. Vậy nên, điều quan trọng là phải giải quyết gốc rễ vấn đề; nghĩa là phải quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của giới trẻ, là tạo thêm nhiều không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, tạo nhiều cơ hội để người trẻ cống hiến, là xây dựng một xã hội trong sạch, văn minh, nhân văn và vực dậy những giá trị đạo đức, tinh thần bị lãng quên. Chỉ khi làm được điều đó chúng ta mới có thể góp phần giải quyết thấu đáo những vấn đề tâm lý giới trẻ đang đối diện hiện nay để họ không còn cảm thấy cô đơn, không phải buông mình trong những cuộc vui vô nghĩa.
Trang Đoan