Đó là nội dung trọng tâm được thảo luận trong Hội thảo khoa học “Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam – Định hướng chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030” do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sáng ngày 27/12 tại thành phố Vinh (Nghệ An).

Ban chủ trì Hội thảo

GS,TS Đinh Xuân Dũng – Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; TS Bùi Đình Long – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; TS Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; ông Võ Văn Dũng – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Th.s Trần Thị Mỹ Hạnh – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Th.s Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa cũng như Đề cương về văn hóa Việt Nam; cho biết mục tiêu của Hội thảo là tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị cốt lõi về lý luận và thực tiễn, tầm ảnh hưởng Đề cương văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua đối với các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Nghệ An; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp định hướng chiến lược phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội Nghệ An đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo. Bà nhấn mạnh “Hội thảo là một diễn đàn giúp tỉnh Nghệ An có cơ hội tham vấn ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý đề xuất ý tưởng để định hướng chiến lược cho chặng đường phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội Nghệ An đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo”.

Ths. Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao phát biểu đề dẫn Hội thảo

Hội thảo nhận được 50 bài tham luận, tập trung làm rõ 3 nội dung chính: Bối cảnh ra đời và giá trị lý luận, thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943; Thực trạng phát triển văn hóa Nghệ An giai đoạn hiện nay; Giải pháp, định hướng phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030 từ giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Trình bày tham luận “Tạo bước đột phá trong phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An từ nay đến 2030”, GS, TS Đinh Xuân Dũng – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng tiềm năng văn hóa của quê hương Nghệ An còn rất lớn, chúng ta chỉ mới “khai thác” phần “lộ thiên”, chưa được phát huy và nuôi dưỡng cần thiết. Ông đề xuất một số phương án để tạo bước đột phá trong phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An như: Xây dựng một con đường di sản đặc biệt, đi từ truyền thống yêu nước đến truyền thống cách mạng, đi tới các ngôi sao khuê ngời sáng – những con người vĩ đại của Nghệ An và của cả dân tộc ta, từ đó hình thành và phát triển các tuyến du lịch về nguồn trên đất Nghệ An; Tạo những điểm du lịch nghỉ dưỡng, sức khỏe… trên các vùng biển, đảo thuộc phía đông Nghệ An; Nâng “Tiếng hát làng Sen” thành một Festival lớn mang tầm quốc gia và mở rộng nội hàm của “tiếng hát” thành các hoạt động văn hóa tổng hợp; tạo con đường di sản, đánh thức miền Tây Nghệ An…

GS, TS Đinh Xuân Dũng – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương trình bày tham luận

TS Nguyễn Minh Tuấn – Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chia sẻ một số kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa ở địa phương của Hàn Quốc và Việt Nam, từ đó đề xuất một số khuyến nghị để phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Nghệ An như: nghiêm túc xác định, làm rõ các ưu điểm, hạn chế và thách thức của Nghệ An trong việc phát triển CNVH trong từng giai đoạn, của từng lĩnh vực, của mỗi địa phương trong tỉnh để từ đó đề ra được phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, vượt qua thách thức trong ngắn hạn và dài hạn; nghiên cứu và tìm ra giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển các yếu tố cần thiết cho ngành công nghiệp văn hóa, trong đó tập trung vào nguồn nhân lực – vật lực – hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa cấp tỉnh và cấp cơ sở; đặt mục tiêu phấn đấu trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (cùng với Hà Nội, Hội An, Đà Lạt); xây dựng thí điểm và hình thành các khu công nghiệp văn hóa trọng điểm của tỉnh, huyện, trong đó cần lựa chọn các khu vực có nhiều ưu thế, điều kiện thuận lợi để xây dựng thí điểm (như Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn, Đô Lương, Thái Hòa, Con Cuông); tích cực và chủ động xây dựng thương hiệu tỉnh Nghệ An; tăng cường công tác truyền thông thông tin, tới người dân trong nước đồng thời nghiên cứu có chiến lược truyền thông trong ngắn hạn và dài hạn hướng tới du khách và bạn bè quốc tế;….

TS. Nguyễn Minh Tuấn – Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội trình bày tham luận tại Hội thảo

GS,TS Bùi Quang Thanh – giảng viên cao cấp, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã chỉ ra nhiều vấn đề trong quá trình bảo tồn và khai thác giá trị di sản, một số nguy cơ đặt ra từ thực tế đối với nhiệm vụ phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Theo đó, các địa phương vẫn còn hạn chế trong các khâu sưu tầm, ghi chép về lịch sử di tích văn hóa tín ngưỡng cũng như diễn trình của lễ hội truyền thống địa phương; tại nhiều làng/xóm, các hình thức tổ chức trò chơi dân gian gắn với các bài giặm hầu như biến mất; nhiều bài ví, giặm được các bậc trí thức, khoa bảng sáng tạo, nâng cấp và hoàn thiện đã bị rơi rụng, không được trao truyền một cách nguyên bản; phần lớn đội ngũ cán bộ quản lý, nghiệp vụ văn hóa còn hạn chế về kiến thức về văn hóa truyền thống, ý thức học hỏi, đi sâu thực tiễn nghiên cứu chưa cao nên việc tham gia quản lý văn hóa cơ sở gặp không ít hạn chế, thậm chí có phần sai lệch cả về nhận thức chuyên môn lẫn nhu cầu của đời sống văn hóa cộng đồng; Kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng nhiều dân tộc thiểu số vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu, khai thác một cách sâu sắc và có hệ thống;…

GS,TS Bùi Quang Thanh – giảng viên cao cấp, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam trình bày tham luận

Với tham luận “Khai thác vốn văn hóa vào phát triển kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số Nghệ An”, TS Bùi Minh Hào – Tạp chí Sông Lam nhấn mạnh “kinh tế thị trường đang ngày càng phát triển mạnh mẽ ở vùng dân tộc thiểu số Nghệ An và vốn văn hóa là nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển. Khai thác nguồn vốn văn hóa vào phát triển kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số sao cho có hiệu quả để góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là mong muốn của đồng bào, cũng là mong muốn của chính quyền địa phương. Vậy nên, cần phải nhận thức lại vấn đề này một cách rõ ràng hơn cả về mặt lý thuyết cũng như thực tế để có những gợi mở, những định hướng phù hợp nhằm góp phần thực hiện mong muốn của chính quyền, của đồng bào”. Từ thực trạng khai thác vốn văn hóa vào phát triển kinh tế thị trường vùng dân tộc thiểu số ở Nghệ An, TS Bùi Minh Hào đã đưa ra một số định hướng phát triển kinh tế thị trường dựa vào vốn văn hóa như: phát triển du lịch cộng đồng hay du lịch văn hóa; phát triển kinh tế từ các di tích kiến trúc văn hóa nghệ thuật, di tích lịch sử văn hóa; phát triển kinh tế di sản từ các hoạt động bảo tàng và nghệ thuật biểu diễn; phát triển kinh tế dược liệu dựa vào nguồn vốn tri thức dân gian về y học của các cộng đồng; phát triển thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống theo hướng thị trường; phát triển kinh tế lễ hội;…

TS Bùi Minh Hào – Tạp chí Sông Lam trình bày tham luận

Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ ra người Nghệ và những tính cách đặc trưng như bộc trực, thẳng thắn, chung thủy, nghĩa tình,… là nguồn lực quan trọng để phát triển văn hóa Nghệ An. Theo ông, tỉnh Nghệ An thời gian tới cần tập trung quyết liệt vào 5 yếu tố: văn hóa gia đình, văn hóa công sở và đạo đức công vụ, văn hóa doanh nghiệp, văn học nghệ thuật, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Mục tiêu hướng đến là xây dựng Nghệ An thành một tỉnh mạnh về kinh tế, giàu về văn hóa, sạch về môi trường; gắn văn hóa với thể thao, du lịch, kinh tế;… Ông cũng đề xuất triển khai một số công trình để tôn vinh, nâng cấp văn hóa Nghệ An như: phục hồi lại Văn miếu Nghệ An, đầu tư cho Hòn Ngư du lịch 4 mùa, gắn du lịch với thể thao, khai thác thác Khe Kèm, thác Chín tầng, khu vực hồ Vực Mấu; xây dựng khu du lịch theo chân Bác ở núi Chung (Nam Đàn); phát huy các danh nhân văn hóa…

TS Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Hội thảo

PGS,TS Lê Thanh Bình – Học viện Ngoại giao cho biết: “Văn hóa và du lịch luôn gắn bó, đồng hành, tương tác, bổ sung cho nhau và văn hóa đã và đang trở thành yếu tố thu hút trung tâm trong du lịch. […] Văn hóa đã trở thành sản phẩm chủ chốt trên thị trường du lịch quốc tế, với lượng khách du lịch tham gia các hoạt động văn hóa chiếm 40% lượng khách quốc tế vào năm 2016 (UN WTO, Citation 2016)”. Từ tiềm năng, thành tựu phát triển du lịch – văn hóa Nghệ An, ông đưa ra một số khuyến nghị về giải pháp phát triển đồng bộ, tương tác, bền vững văn hóa du lịch Nghệ An. Theo đó, tỉnh cần tiếp tục tập trung thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch; Chủ động tích cực tham gia có hiệu quả các hợp tác, liên kết liên địa phương, liên vùng (nhất là các nơi kề cận như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình) nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi du lịch văn hóa có sự kiện, nhân vật liên quan đến Nghệ An; Phát triển, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa xứ Nghệ, tập trung vào các sản phẩm du lịch chủ đạo: Du lịch Văn hóa – Lịch sử; Du lịch biển và nghỉ dưỡng; Du lịch sinh thái, khám phá, thám hiểm; Du lịch cộng đồng, trải nghiệm; Du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo); Tiếp tục đa dạng hóa việc quảng bá, xúc tiến du lịch- văn hóa, mở rộng thị trường khách gắn với công tác chuyển đổi số trong du lịch. Ông cũng chỉ ra một số mô hình cụ thể trên thế giới có thể học tập, áp dụng xây dựng tại Nghệ An như: mô hình “Cổ trấn” của Trung Quốc, mô hình xây dựng lều, trại, trải nghiệm trong khu di tích lịch sử của các nước phương Tây;…

PGS,TS Lê Thanh Bình – Học viện Ngoại giao trình bày tham luận tại Hội thảo

Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ghi nhận, đánh giá cao chất lượng, tâm huyết của các tham luận. Ông đánh giá, Hội thảo đã khẳng định những giá trị cốt lõi của văn kiện và nhấn mạnh vai trò của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 như một động lực phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng. Về nội dung thực trạng phát triển văn hóa Nghệ An, ông nhận định “các tham luận đã tập trung đánh giá tiềm năng phát triển văn hóa đa dạng và phong phú của Nghệ An, từ văn hóa vật thể (di tích, danh thắng) cho đến văn hóa phi vật thể (tài nguyên về con người, văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng). Các tham luận đã khách quan nhìn nhận lại hành trình xây dựng và phát triển văn hóa Nghệ An trong những năm qua; Đã ghi nhận sự phát triển đồng đều toàn diện và từng bước hình thành diện mạo mới theo đúng định hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hoạt động văn hóa đã thể hiện những đặc trưng riêng có của văn hóa xứ Nghệ, đã có những điểm sáng của văn hóa Nghệ An, trên các lĩnh vực: di sản văn hóa, du lịch văn hóa, văn học nghệ thuật, văn hóa thể thao, văn hóa gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng rất thẳng thắn chỉ ra thực trạng phát huy giá trị văn hóa chưa xứng so với tiềm năng văn hóa của tỉnh. Với những cụm từ được nhắc đến như “ngủ quên, chưa được đánh thức, đơn điệu, thưa thớt, xuống cấp”. Những việc chưa làm được và làm chưa đến nơi từ cơ chế chính sách cho đến hoạt động quản lý, hoạt động chuyên môn ở cấp cơ sở. Các bài viết cũng phân tích, cảnh báo các nguy cơ khách quan và chủ quan tác động tiêu cực tới sự bảo tồn và phát huy văn hóa. Trong đó đặc biệt lưu ý nguy cơ từ nguồn lực: nguồn lực con người, tài chính và nguồn lực tự thân của văn hóa.”

TS Bùi Đình Long – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tổng kết Hội thảo.

TS Bùi Đình Long cũng đã điểm lại các giải pháp, định hướng chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030 được các tham luận đưa ra, giao Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục nghiên cứu các giải pháp được Hội thảo định hướng, đề xuất để nâng cao hoạt động chuyên môn, tham mưu chủ trương, chính sách, kế hoạch cụ thể để phát triển, chấn hưng văn hóa, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.

Tin & Ảnh: Trang Đoan