Tác giả Phan Hồng Khánh sinh năm 1944 tại thành phố Vinh. Ông mang hai dòng máu: mẹ Việt Nam, cha người Pháp; từng tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, lăn lộn nhiều năm trên các vùng trọng điểm ác liệt, về sau chuyển sang lái xe vận tải. Ông mất ngày 16 tháng 2 năm 2002, khi hồn thơ đang độ chín.

   Phan Hồng Khánh là hội viên lâu năm và nhiệt thành của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An. Ông để lại cho đời nhiều bài thơ hay, “Những lời người nói” là một trong số đó.

NHỮNG LỜI NGƯỜI NÓI

Những lời người nói xa xôi
Với tôi ngày ấy nào tôi biết gì
Núi chưa vọng tiếng từ quy
Sông chưa chảy xiết, bờ thì chưa cao
Mồng tơi chưa bén dậu rào
Dâu chưa nên cội, tằm nào đã ươm
Tiếng cu cườm, tiếng cu cườm
Gáy chi giục giã sau vườn người ơi
Cái thời sợi chỉ còn lơi
Cau chưa nứt bẹ, trầu thời đang xanh
Ruột bầu chưa nấu làm canh
Gừng cay muối mặn chưa thành ca dao
Mận chưa đến tuổi hỏi đào
Cành hồng chưa gãy lối vào còn sương
Lòng tôi tơ nhện chưa vương
Chưa buồn lá rụng bên đường ngày thu
Như mây trời thích lãng du
Tôi chưa hay đá Vọng Phu ngóng chồng.

Thế rồi con sáo sang sông
Để cho câu hát cứa lòng người ơi!

                                              Phan Hồng Khánh

Ảnh minh họa: Pinterest

   Phan Hồng Khánh mang trong mình hai dòng máu thuộc hai nền văn minh khác nhau (cha – người Pháp, mẹ – Việt Nam), nhưng thơ anh rất thuần Việt, đậm đà hương vị ca dao, dân ca. Bài thơ lục bát hay nhất của anh “Những lời người nói”, tiêu biểu cho khuynh hướng sáng tác đó.

   Cả bài thơ là một chuỗi hoài niệm về quá khứ, khi tâm hồn anh còn vô tư, trong sáng lạ thường: Lòng tôi tơ nhện chưa vương/ Chưa buồn lá rụng bên đường ngày thu. Tâm hồn trong sáng ấy được đặt trong một thiên nhiên gần gũi, thân thuộc nhưng cũng rất hoang sơ như thuở khai thiên lập địa: Núi chưa vọng tiếng từ quy/ Sông chưa chảy xiết, bờ thì chưa cao. Tất cả đều chưa đạt tới sự hoàn chỉnh, như chính bản thân cơ thể anh, tâm hồn anh chưa đến tuổi trưởng thành.

   Nhưng rồi, giữa bức tranh thiên nhiên tươi đẹp ấy bỗng xuất hiện một hình ảnh bất thường: Mồng tơi chưa bén dậu rào. Nó như tiếng cu cườm đang giục giã sau vườn, báo hiệu một sự thay đổi trong cuộc đời anh, trong tâm hồn anh. Từ một cậu bé vô tư, ngây thơ, hồn nhiên, anh bắt đầu băn khoăn đến những sự việc xẩy ra xung quanh mình: Dâu chưa ươm cội, tằm nào đã ươm. Sự quan tâm của anh dù vô tình hay hữu ý, đã bắt đầu hướng về hôn nhân, về tình yêu đôi lứa: Cái thời sợi chỉ còn lơi/ Cau chưa nứt bẹ, trầu thời đương xanh/… /Mận chưa đến tuổi hỏi đào/ Cành hồng chưa gãy lối vào còn sương. Dẫu rằng tâm hồn anh lúc đó “như mây trời thích lãng du”, dẫu rằng lúc đó anh “chưa hay đá Vọng Phu ngóng chồng”, nhưng nếu sau này anh không từng đau khổ trước cảnh “Ruột bầu chưa nấu làm canh, gừng cay muối mặn chưa thành ca dao” thì làm sao có thể nhớ về quá khứ ấy với một niềm luyến tiếc đớn đau như thế, làm sao có thể viết được những câu thơ lay động lòng người đến thế!

   “Những lời người nói xa xôi/ Với tôi ngày ấy nào tôi biết gì”. Giá thời ấy Phan Hồng Khánh nhạy cảm hơn, sớm khôn hơn, hẳn anh đã không phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng: Thế rồi con sáo sang sông/ Để cho câu hát cứa lòng người ơi! Nhưng nếu vậy, hẳn chúng ta cũng đã không được thưởng thức thi phẩm Những lời người nói tuyệt bút của anh, một bài thơ có thể đặt bên cạnh các áng ca dao, dân ca trữ tình.

 Lời bình: Nhà thơ Lê Quốc Hán

(Bài đã đăng trên chuyên mục Tiếng thơ đọng lại, tạp chí Sông Lam số 29, 11+12/2022)