Nhà thơ Xuân Hoài sinh ngày 15 tháng 5 năm 1941 tại thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh; từng đảm nhận Chủ tịch Hội VHNT Nghệ Tĩnh (1985 – 1990) và Chủ tịch Hội VHNT Hà Tĩnh (1991 – 1995). Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ năm 1981), tác giả của 7 tập thơ; đạt nhiều giải thưởng như: giải Khuyến khích báo Văn nghệ (1969), giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (1985, 1988)…
Thơ Xuân Hoài thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước. “Con đường về bến Tam Soa” là một trong số đó.
Con đường
về bến Tam Soa

Con đường về bến Tam Soa
Như câu thơ đẹp trải ra đón mời.
Xanh chi lắm cỏ đê ơi
Để anh muốn chọn chỗ ngồi với em.

Đò ai thả giọng hò quen
Cho người trên bến muốn xen lời vào
Nghìn năm chưa thỏa ước ao
“Người ơi” câu ví vẫn xao xuyến lòng.

Em như dòng nước xanh trong
Bao nhiêu bến hẹn bờ mong trải dài
Anh như đò dọc đi hoài
Bao xuôi ngược cũng không ngoài mặt sông.
Người đi xa mấy năm ròng
Chưa ai quên một khúc vòng con đê
Cỏ xanh như chính lời thề
Hai bờ đê gợi bước về vương vương.

Bến Tam Soa. Ảnh: Trang Đoan

Ai có dịp về Đức Thọ (Hà Tĩnh), đứng trên đồi Linh Cảm để ngắm “sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” (Huy Cận) của Ngàn Phố, Ngàn Sâu hay phóng tầm mắt xa hơn nhìn sang “Thiên Nhẫn trùng trùng soi bóng xuống Tam Soa” (Duy Thảo), hẳn sẽ hiểu một phần vì sao mảnh đất này sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt: Phan Đình Phùng, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai…, lắm danh nhân, thi sĩ: La Sơn Phu Tử, Hoàng Xuân Hãn, Huy Cận,… như vậy.
Bài thơ “Con đường về bến Tam Soa” của nhà thơ Xuân Hoài lại thiên về cảm hứng khác. Trước phong cảnh đẹp như tranh của quê hương, anh liên tưởng đến tình yêu trong sáng, thủy chung của mình và bao bạn bè cùng trang lứa: “Người đi xa mấy năm ròng/ Chưa ai quên một khúc vòng con đê/ Cỏ xanh như chính lời thề...”. Trên con đường từ Vinh về bến Tam Soa – quê anh, hay trên con đường trở về quá khứ – một thời thanh xuân tươi đẹp, anh đã có một phát hiện khá độc đáo: “Con đường về bến Tam Soa/ Như câu thơ đẹp trải ra đón mời”. Kể ra dùng hình ảnh câu thơ để ví với con đường cũng hơi cầu kỳ, khập khiễng. Nhưng quả thật con đường về bến Tam Soa hơi lạ. Nó được đặt trên một con đê dài, phẳng, chạy song song với dòng sông La xanh trong, êm đềm, mơ mộng. Và phía bên kia cũng có một con đường chạy song song như vậy nhưng ngắn hơn, dễ liên tưởng đến câu thơ sáu – tám rất đỗi quen thuộc với tâm hồn người Việt. Hơn nữa cỏ hai bên triền đê luôn xanh mướt, xanh đến nỗi khiến “anh muốn chọn chỗ ngồi với em” thì việc gợi nhớ đến sức sống trào dâng của tuổi trẻ với mối tình đẹp như thơ cũng là điều hết sức tự nhiên.
Tình yêu trong thơ Xuân Hoài nói chung và trong bài thơ “Con đường về bến Tam Soa” luôn trong sáng, thủy chung, trọn vẹn. Đây là một nét riêng, rất riêng trong thơ tình Xuân Hoài. Là một nhà thơ nổi danh ở xứ Nghệ, lại từng giữ nhiều trọng trách quản lý, Xuân Hoài có điều kiện đến nhiều vùng đất, tiếp xúc với nhiều lớp người, nhưng anh luôn giữ được mực thước trong giao tiếp và cả trong tình yêu: “Anh như đò dọc đi hoài/ Bao xuôi ngược cũng không ngoài mặt sông”. Phải chăng những phẩm chất tốt đẹp của người thầy giáo trong tâm hồn anh thời thanh xuân vẫn lưu lại nơi hồn thơ anh suốt đời?!

Lê Quốc Hán