Chuyên mục Tiếng thơ đọng lại trên Tạp chí Sông Lam số 28 trân trọng gửi tới độc giả những cảm nhận đầy tinh tế của nhà thơ Lương Khắc Thanh về tác phẩm Làng của nhà thơ Vũ An*. 

Đồng xa bước mẹ vội vàng
Dấu chân bấm lõm đường làng chiều mưa.

Trâu gầy lấm cỏ bờ đê
Ao làng con cá rô thia búng chiều.

                                           (Làng – Vũ An)

Ảnh minh họa, nguồn báo Công lý

    Làng quê là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Giữa vô vàn bức tranh quê được vẽ nên bằng con chữ, Làng của Vũ An lại gây ấn tượng với ta bới nét vẽ mộc mạc mà thăm thẳm miền hoài niệm:

“Đường xa bước mẹ vội vàng
Dấu chân bấm lõm đường làng chiều mưa”.

   Cặp lục bát đã thể hiện một tứ thơ độc lập về làng. Một bức phù điêu với cánh đồng xa xa, chiều mưa, lui cui dáng mẹ. Nhân vật trữ tình mẹ mang cái hồn cốt máu thịt của làng được hiển lộ ngay từ những bước chân vội vàng, từ những dấu chân bấm lõm đường làng chiều mưa ấy. Chỉ hai câu lục bát với mười bốn chữ tác giả đã khắc họa được bức tranh quê ấn tượng và thân thương đến thế! Những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương, nắng mưa tần tảo, thân cò lặn lội đã làm nên nét đẹp của làng. Thi nhân lựa chọn hình ảnh, gam màu thật đắt để khắc họa bức chân dung làng qua dáng mẹ. Động từ đi liền trạng ngữ “bấm lõm” của dấu chân mẹ như một nét chạm trổ tài hoa trong điêu khắc để hồn cốt câu thơ được hiển lộ thật ám ảnh người đọc. Cặp lục bát thứ hai độc lập, như một bài thơ nữa về làng:

“Trâu gầy lấm cỏ bờ đê
Ao làng con cá rô thia búng chiều“.

   Ta được gặp ở đó có hai hình ảnh về làng được ghép lại. Một hình ảnh làng trong nghèo khó, nơi con “trâu gầy lấm cỏ bờ đê”, nơi ta lớn lên phải trải qua bao ngày giáp hạt, còn vọng câu “No ba ngày Tết, ấm ba tháng hè”. Và, một hình ảnh làng đầy bình yên với “ao làng con cá rô thia búng chiều”. Bài thơ khép lại trong dư âm của tiếng cá quẫy nước, của vẻ đẹp bình dị, thân thương.

   Bài thơ Làng chỉ vỏn vẹn hai cặp lục bát nhưng đã vẽ nên một bức tranh đa sắc, chân thực và đầy rung cảm về làng quê. Đọc Vũ An, ta nhận ra vì sao “Làng” vẫn mãi là nơi trái tim ta luôn đau đáu hướng về.

Nhà thơ Lương Khắc Thanh giới thiệu

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 28, phát hành tháng 10/2022)

____

* Nhà thơ Vũ An tên khai sinh là Vũ Văn An, sinh năm 1936 tại Nam Đàn, Nghệ An. Ông hiện đang thường trú tại phường Hưng Bình, thành phố Vinh, là hội viên Hội LH VHNT Nghệ An.