Tạp chí Sông Lam số 27 trân trọng gửi tới bạn đọc chuyên mục “Tiếng thơ đọng lại”. Trong chuyên mục này, các hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, bạn đọc của Tạp chí Sông Lam sẽ tôn vinh, giới thiệu những bài thơ của các hội viên xưa, nay hoặc các tác giả từ những vùng miền khác viết về xứ Nghệ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc theo suốt chiều dài năm tháng.
   Trong số đầu tiên ra mắt, nhà thơ Lương Khắc Thanh sẽ giới thiệu tới độc giả bài thơ “Không đề” của nhà thơ Hồ Quang Diệu.

Không đề

Nước trong, trong tận góc trời

Bóng tre xanh với bóng người ngồi câu

Cá vào mây trắng trời sâu

Người ngồi câu, cứ ngồi câu bóng mình.

                                   Hồ Quang Diệu

Ảnh minh họa, nguồn: Itbelts.com

    Hồ Quang Diệu quê ở xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông nguyên là công nhân thợ máy tàu thủy của xí nghiệp đánh cá Cửa Hội trước đây, nguyên là hội viên Hội LH VHNT tỉnh Nghệ An.

   Bài thơ “Không đề” của ông vỏn vẹn có bốn câu lục bát mà làm ta nao lòng đến vậy. Nước trong vắt thế kia mà người đi câu vẫn ngồi thả câu để kiếm cá hay thỏa thú vui tiêu khiển của mình?

“Nước trong, trong tận góc trời
Bóng tre xanh với bóng người ngồi câu”.

    Hai câu thơ tả thực để dẫn nhập. Nước là tấm gương lớn soi đến tận góc trời, soi rõ cả bóng tre, bóng người ngồi câu. Làm gì có tăm cá? Thương cho hoàn cảnh, thời khắc, địa điểm của người ngồi câu! Hai câu sau bộc lộ cảm xúc trữ tình của người thơ. Câu thứ ba mang đến một thi ảnh giữa cái hư, cái thực thật tài: “Cá vào mây trắng, trời sâu”. Ảo mà lại hay, mà rất thực, mà gợi lên thật nhiều suy nghĩ… Đến câu kết ta đã nhận ra cái thú chơi chữ, mượn cảnh buông câu mà thể hiện thôi: “Người ngồi câu, cứ ngồi câu bóng mình”. Hóa ra, người thơ đi tìm mình chứ không phải đi tìm cá!

    Tác giả đã một đời đi tàu, theo nghề đánh bắt; trải rất nhiều lần buông lưới, buông câu mà không gặp cá. Câu kết đắc địa ấy đã hình thành ngay từ trong hoàn cảnh mưu sinh của nghề nghiệp. Bài thơ trên thực tế đã diễn ra ở một quy trình sáng tạo ngược. Từ câu kết mà dựng tứ, lập ý, lập ngôn. Chỉ quan sát ảnh dưới bóng nước mà hình dung thơ. Tìm mình cũng chỉ gặp cái bóng của mình thôi. Thi nhân từ chỗ quan sát, quán chiếu về sự vô thường của vạn vật mà chạm đến chân lý. Khẳng định rõ mình ở cái tôi bản ngã ư? Không, nó đang chuyển hóa về vô ngã. Bài thơ từ đấy mà lan tỏa được sự thấu hiểu và sẻ chia năng lượng yêu thương tới mỗi phận người.

    Bài thơ hay ở chỗ nhẹ nhàng, không rườm chữ mà thoát nghĩa; sử dụng thể thơ lục bát truyền thống nhưng vẫn rất mới và hiện đại. Thiết nghĩ, dù cổ hay tân, ở hình thức gì đi nữa, chữ nghĩa phải dễ hiểu như “Truyện Kiều” thì mới có thơ để đời vậy!

Lương Khắc Thanh (giới thiệu)

(Bài đã đăng trên tạp chí Sông Lam số 27, phát hành tháng 9/2022)