Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (1947 – 2019) quê Diễn Châu, Nghệ An. Ông là một nghệ sĩ tài hoa. Sáng tác của ông phong phú trên cả ba lĩnh vực: thi ca, âm nhạc và hội họa. Ông đã trình làng 15 tập thơ và trường ca. Các ca khúc Làng quan họ quê tôi, Sông quê của ông khá nổi tiếng được đông đảo độc giả yêu thích. Ông là tác giả mẫu cờ Thơ được treo trong ngày Thơ Việt Nam dịp Tết Nguyên tiêu do Hội Nhà văn tổ chức hàng năm.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Sông Lam xin giới thiệu một bài thơ của ông viết về người mẹ kính yêu của mình.

 Mẹ tôi

Mẹ tôi dòng dõi nhà quê
Trầu cau từ thuở mới về làm dâu
Áo sồi nâu, mấn bùn nâu
Trắng trong dải yếm bắc cầu làm duyên.

Cha tôi chẳng đỗ Trạng nguyên
Ông đồ hay chữ thường quên việc nhà
Mẹ tôi chẳng tiếng kêu ca
Hai tay đồng áng lợn gà nồi niêu.

Chồng con yên phận phải chiều
Ca dao ru lúa câu Kiều ru con
Gái trai bảy đứa vuông tròn
Chiến tranh mình mẹ ngóng con thờ chồng
Bây giờ phố chật người đông
Đứa Nam đứa Bắc nâu sồng mẹ thăm
Tuổi già đi lại khó khăn
Thương con nhớ cháu đêm nằm chẳng yên.

Mẹ tôi tóc bạc răng đen
Nhớ thương xanh thắm một miền nhà quê.

                                       Nguyễn Trọng Tạo

“Mẹ tôi tóc bạc răng đen/Nhớ thương xanh thắm một miền nhà quê.” Ảnh minh họa: Võ Khánh

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Trọng Tạo đã giới thiệu mẹ anh bằng những nét chấm phá mà ấn tượng. Đó là người thôn nữ xưa hồn nhiên, giản dị: Áo sồi nâu, mấn bùn nâu/ Trắng trong dải yếm bắc cầu làm duyên. Ca dao xưa, thơ ca một thời đã dành biết bao nhiêu lời đẹp nhất để ca ngợi vẻ đẹp của chiếc áo nâu sồng, nhưng có lẽ Nguyễn Trọng Tạo là người đưa chiếc mấn bùn nâu vào thơ. Mấn là tên người Bắc Trung Bộ gọi chiếc váy người phụ nữ nông thôn ngày xưa thường mặc. Mẹ tôi kể lại để có một chiếc mấn bùn nâu bền đẹp phải mất nhiều công sức lắm. Lần đầu tiên giã củ nâu lấy nước nhuộm tấm vải mộc, đem phết bùn lên, phơi thật khô rồi đem ra bờ sông giặt thật sạch. Lần thứ hai giã củ nâu lấy nước nhuộm lại tấm vải rồi đem phơi khô, như vậy vải mới bền, màu mới cắm… Mấn bùn nâu dành cho con gái nhà nghèo dòng dõi nhà quê, còn con gái, phụ nữ nhà giàu thì mặc gấm vóc nhung lụa.

Dẫu dòng dõi nhà quê, nhưng chắc chắn Ca dao ru lúa câu Kiều ru con. Phải chăng những câu ca dao, câu Kiều ấy đã góp phần nuôi dưỡng hồn thơ Nguyễn Trọng Tạo, để sau này anh thành một thi sĩ, một nhạc sĩ được nhiều người yêu mến? Mẹ anh được ông Tơ bà Nguyệt xe duyên với một người con trai thật đặc biệt: chẳng đỗ Trạng nguyên/ Ông đồ hay chữ thường quên việc nhà. Do đó, người phụ nữ ngày xưa vốn đã vất vả thì đối với mẹ anh, cái vất vả đó được nhân đôi lên, nhưng mẹ anh vẫn hồn nhiên gánh vác việc nhà: Mẹ tôi chẳng tiếng kêu ca/ Hai tay đồng áng lợn gà nồi niêu. Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, người mẹ cần cù chịu thương chịu khó của anh đã làm tròn bổn phận mình: Chồng con yên phận phải chiều/ … /Gái trai bảy đứa vuông tròn/ Chiến tranh mình mẹ ngóng con thờ chồng. Hy sinh mất mát trong chiến tranh là lẽ tự nhiên và phần nào đó là sự hiến dâng cao quý. Tuy nhiên, một gia đình được toàn vẹn (cả về con người và danh dự) qua chiến tranh, thì đó là một gia đình có phúc lớn. Và cội nguồn của phúc lớn này, trước hết phải do đức hiền của mẹ. Tình cảm mẹ anh dành cho anh, cho mọi người trong gia đình vẫn nguyên vẹn đến ngày nay: Tuổi già đi lại khó khăn/ Thương con nhớ cháu đêm nằm chẳng yên.

Thơ Nguyễn Trọng Tạo thường có cấu tứ độc đáo, với cách diễn đạt mới mẻ hiện đại, nhưng bút pháp anh dùng khi viết bài Mẹ tôi hoàn toàn khác. Với thể thơ lục bát của dân tộc, với cách diễn đạt giản dị như ca dao, với những từ ngữ đời thường áo sồi nâu, mấn bùn nâu, dải yếm bắc cầu, lợn gà, nồi niêu… bài thơ khắc họa hình ảnh người mẹ với những nét đẹp truyền thống. Từ đó làm cho độc giả càng thấy gần gũi, yêu quý mẹ anh hơn, mẹ mình hơn.

Lê Quốc Hán