LTS: Trong suốt hơn 50 năm qua, từ năm 1967, năm thành lập Chi hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà có nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tài năng thuộc nhiều lĩnh vực. Họ đã cống hiến một đời cho VHNT và để lại nhiều tác phẩm giá trị.

Có thể nói, gia đình là chỗ dựa vững chắc cho văn nghệ sĩ sau những thác ghềnh trên con đường nghệ thuật. Hạnh phúc biết bao khi nhiều văn nghệ sĩ có con cũng theo đuổi niềm đam mê cùng cha, mẹ, cùng tiếp bước mẹ, cha theo đuổi nghệ thuật, như những mầm cây được nuôi dưỡng bằng nguồn nhựa sống đam mê. Chung một con đường nghệ thuật – nơi đó vừa có chông gai thử thách, nhưng cũng xiết bao hạnh phúc.

Cha, mẹ và con cùng tắm mình trên dòng sông nghệ thuật. Cha, mẹ dìu dắt con, con noi theo tấm gương của cha, mẹ mà dần vững vàng mà tự bơi ra biển lớn. Ấy là hạnh phúc, là hồng phúc không của chỉ của gia đình mà còn là của cả một nền văn nghệ địa phương.

Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt là kế thừa những giá trị của cha ông. Thế hệ con cháu luôn trân trọng cống hiến của những người đi trước, đặc biệt là của chính gia đình mình. Với người Việt, truyền thống gia đình là giá trị vĩnh hằng mà tất thảy chúng ta ai cũng khát khao gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, nếu trong các lĩnh vực khác, việc tiếp nối truyền thống cha ông không quá khó, thì trong lĩnh vực nghệ thuật không đơn giản chút nào bởi nó đòi hỏi những tố chất đặc biệt, niềm đam mê đặc biệt mới có thể theo đuổi cái nghiệp của cha ông.

Thật may mắn khi nền văn nghệ Nghệ An có những cặp cha – con, mẹ – con cùng nhau tiếp bước trên con đường nghệ thuật. Họ đem đến cho khu vườn văn nghệ tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc, mỗi người mỗi vẻ. Điều đáng mừng là nhiều văn nghệ sĩ thuộc thế hệ sau đã thoát khỏi cái bóng của cha, mẹ mà khẳng định tên tuổi của mình.

Để tri ân những bậc cha, mẹ đã dìu dắt con trên con đường nghệ thuật, ghi nhận những nỗ lực của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay, Tạp chí Sông Lam xây dựng chuyên đề “Những gia đình văn nghệ ‘Cha truyền con nối’ với mong muốn gửi tới quý độc giả những câu chuyện hay, xúc động của những cặp cha – con, mẹ – con nghệ sĩ trên mảnh đất Nghệ An suốt hàng chục năm qua.

Bài 4: GIA ĐÌNH ÂM NHẠC ĐA SẮC

Những người yêu âm nhạc xứ Nghệ hẳn không ai là không biết một giọng ca nam dòng dân gian truyền thống từng làm say đắm bao thế hệ người yêu nhạc với những ca khúc: Đi trong hương tràm; Đi tìm câu hát lý thương nhau; Neo đậu bến quê; trăng khuyết; Người về thăm quê… và rất nhiều ca khúc khác. Thế hệ trẻ hiện nay cũng nhiều người biết đến ca sĩ Hương Tràm, một “tiểu diva” của dòng nhạc nhẹ với những ca khúc: Em gái mưa; Duyên mình lỡ; Ngốc; Cho em gần anh thêm chút nữa… Ca sĩ Tiến Mạnh, con trai NSND Tiến Dũng, ca sĩ Phương Thanh, con dâu, cũng là những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho ca nhạc Việt Nam.

Gia đình NSND Tiến Dũng.

Từ anh cán bộ địa chất… 

NSND Phạm Tiến Dũng sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Anh Sơn, Nghệ An nhưng cả nhà đều rất đam mê nghệ thuật. Anh nói vui, nếu sống trong điêu kiện thuận lợi như bây giờ biết đâu bố anh cũng là ca sĩ hay nhạc sĩ. Phạm Tiến Dũng cho rằng, mình may mắn được sinh ra ở một vùng quê là cái nôi của dân ca ví, giặm Nghệ An. Xưa, ở quê anh, bên này sông là xã Tường Sơn 1, bên kia là xã Tường Sơn 2, vì không có cầu nên phải đi đò để hát đối đáp dân ca ví, giặm. Thời ấy, làng Dừa nổi tiếng hát hay, con gái lại xinh đẹp nên có câu “nhất kinh kỳ, nhì Dừa Lạng”. Những cuộc hát đối đáp diễn ra tới tận khuya. Bố Phạm Tiến Dũng là một quân nhân, sau chuyển sang ngành địa chất, ông có một cây ghi ta đã cũ, ông vừa hát vừa đệm đàn rất hay.

NSND Tiến Dũng.

Phạm Tiến Dũng hồi tưởng, hồi ấy, quê anh có một cái loa phát thanh của Hợp tác xã. Những buổi phát thanh chương trình văn nghệ, cậu bé Phạm Tiến Dũng thường trông ngóng đến giờ nghe. Anh thần tượng giọng ca của ca sĩ Kiều Hưng, Thu Hiền, những giọng ca thường xuyên được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe các ca khúc vài ba lần là Tiến Dũng có thể thuộc lõm bõm rồi sau đó anh cố học lời cho nhuần nhuyễn. Từ hồi còn là học sinh cấp 2, cấp 3, Tiến Dũng luôn được tín nhiệm làm lớp trưởng kiêm quản ca. Tiến Dũng luôn có vai trò quan trọng trong tất cả các hoạt động văn nghệ lớn nhỏ của trường, của lớp.

NSND Phạm Tiến Dũng, sinh năm 1959, tên khai sinh là Nguyễn Cảnh Dũng, quê xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Anh là Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An; hội viên Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An; hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Tác phẩm chính lĩnh vực sáng tác: Ép duyên (1992); Nơi các anh để lại (1994); Hết giận rồi thương (1995); Nét mới bản làng; Tâm sự cô gái bản (1996); Hương sắc sông Lam (1999); Cảm xúc từ câu hò điệu ví (2002); Trở về xứ Nghệ (2004); Yêu lắm quê mình (2005); Nếu anh (2006); Hát trọn về anh (2007); Tìm về câu ví giặm (2012); Sông Lam tình mẹ (2016); Về với quê mình (2023)… và rất nhiều ca khúc về đề tài miền núi: Bình minh miền Tây; Về bản Ơ Đu cùng em; Sắc xuân miền Tây…

Trong lĩnh vực biểu diễn, NSND Tiến Dũng cũng gặt hái nhiều thành công: Năm 1982, giải Vàng cuộc thi Tiếng hát sân khấu tại Nghĩa Bình; Năm 1994, anh đoạt huy chương vàng hội diễn tại Lai Châu; Năm 1992 giải Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc Toàn quốc; 1995 anh đoạt 2 huy chương Vàng Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc tại Hải Phòng; Năm 1999 Tiến Dũng song ca cùng NSƯT Ngọc Hà đạt giải Vàng tại Đà Nẵng; Giải C năm 2005, 02 giải B, năm 2010 và 2015 – giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương; giải nhì cuộc vận động sáng tác ca khúc Nghệ An năm 2012; giải Nhất Cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2015; giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam…

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Phạm Tiến Dũng được tuyển dụng vào ngành địa chất, anh vừa học vừa làm để tạo nguồn cho việc thi vào Trường Đại học Mỏ – Địa chất. Ở Đoàn Địa chất 407 thuộc Liên đoàn Địa chất 4, Tiến Dũng cũng là cây văn nghệ nổi tiếng. Có anh, không khí ở Đoàn vui tươi sôi nổi hẳn lên, ai cũng thích được cùng Tiến Dũng tham gia các tổ thực địa. Năm 1979, khi Tiến Dũng đang học thì Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh có đợt tuyển sinh khu vực dọc đường 7 và đường 48. Hôm đó là Chủ nhật, Tiến Dũng cùng mấy người bạn đi Thái Hòa chơi thì đọc được thông báo tuyển sinh. Anh tự tin đăng ký dự thi với bài hát Gửi em chiếc nón bài thơ của nhạc sĩ Lê Việt Hòa, Tiếng trống quê hương của nhạc sĩ Thái Cơ. Giọng ca Phạm Tiến Dũng được Bạn Giám khảo trầm trồ khen ngợi. Sau đó Ban Giám khảo yêu cầu Tiến Dũng hát thêm 4, 5 bài và hát thử một vài làn điệu dân ca ví, giặm. Cuối buổi, một vị trong Ban Giám khảo nói: đáng lẽ ra em phải về Vinh dự chung kết, nhưng hôm nay chúng tôi đã kiểm tra kĩ và quyết định cho em trúng tuyển, đề nghị em chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về Đoàn.

Thế là Phạm Tiến Dũng chuyển sang Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh công tác. Sân khấu dân ca Nghệ Tĩnh thời bấy giờ vẫn là loại hình còn mới mẻ, đang ở giai đoạn thể nghiệm, vì trước đó các diễn viên vẫn chỉ hát dân ca ví, giặm theo bản năng chứ chưa có trường lớp dạy hát dân ca. Về Đoàn 3 năm, sau thời gian vừa học vừa tham gia biểu diễn thì Tiến Dũng được lãnh đạo Đoàn tin tưởng cho đảm nhận một số vai chính trong các vở diễn. Đến năm 1982, anh được cử đi dự Hội diễn Sân khấu kịch hát toàn quốc tại Quy Nhơn (Bình Định) cùng 4 nghệ sĩ tên tuổi của Đoàn là: Song Thao, Hồng Năm, Danh Cách và Linh Quảng. Tiến Dũng đã xuất sắc giành được Huy chương Vàng. Cũng trong năm 1982, anh được cử đi học lớp thanh nhạc Trường Trung học VHNT Nghệ Tĩnh, nay là Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An với mong muốn nghiên cứu cách hát, lối hát ví giặm có sự vận dụng thanh nhạc và phù hợp với sân khấu kịch hát dân ca.

Cũng phải nói thêm rằng dân ca ví, giặm là lối hát không nhạc đệm, khi đưa dân ca lên sân khấu, chưa có một hệ thống bài bản về sử dụng các làn điệu cũng như các hình thức biểu diễn. Do đó, các nghệ sĩ – diễn viên thời đó khi hát rất khó khăn trong xử lý kỹ thuật thanh nhạc ở những đoạn cao trào. Tiến Dũng đã ấp ủ ý tưởng của mình trong đề tài “Phương pháp vận dụng thanh nhạc vào hát dân ca Nghệ Tĩnh”. Đề tài này được anh trình bày tại hội thảo do Viện Sân khấu Việt Nam và Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh tổ chức, được nhiều chuyên gia tán đồng, lãnh đạo ngành, lãnh đạo Đoàn Dân ca đề nghị anh triển khai.

Học xong, Tiến Dũng được giữ lại làm giáo viên giảng dạy của Trường Trung học VHNT Nghệ Tĩnh. Tại đây, trường mở lớp Sân khấu dân ca đầu tiên của tỉnh, đào tạo các diễn viên theo hướng chuyên nghiệp.

Năm 1988, khi đang giảng dạy tại Trường Trung học VHNT Nghệ Tĩnh, Tiến Dũng được mời đi Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc cùng Đoàn Ca múa Nghệ Tĩnh. Anh tham gia thi dòng nhạc dân gian. Qua vòng 1, vòng 2, anh được vào vòng 3 cùng 12 ca sĩ của miền Bắc, trong đó có 11 ca sĩ đến từ các nhà hát Trung ương, chỉ duy nhất Tiến Dũng là diễn viên tỉnh lẻ. Vào chung kết, anh xuất sắc giành giải Nhì với 2 ca khúc: Đi trong hương tràmĐi tìm câu hát lý thương nhau. Đây là giải thưởng mà anh không bao giờ quên vì đã đánh dấu tên tuổi Tiến Dũng cùng ca khúc “Đi trong hương tràm”.

Năm 1989, Phạm Tiến Dũng về Đoàn Ca Múa Nhạc Nghệ Tĩnh làm Đội trưởng Đội Ca. Sau khi tách tỉnh, Tiến Dũng công tác tại Đoàn Ca Múa Kịch Nghệ An. Năm 1993, anh được bổ nhiệm làm Phó đoàn, năm 1995 anh đi học Trường Đại học Văn hóa, đến năm 1997 Tiến Dũng được bổ nhiệm làm Trưởng Đoàn Ca Múa Kịch và được phong NSƯT. Năm 2009, NSƯT Phạm Tiến Dũng được đề bạt làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An. Anh được phong NSND năm 2015.

Không những sở hữu giọng hát ngọt ngào và mãnh liệt, NSND Tiến Dũng còn là một nhà soạn nhạc tài hoa. Bên cạnh biểu diễn, NSND Phạm Tiến Dũng còn đi sâu nghiên cứu, soạn lời cho các làn điệu ví, giặm để cho ra đời những tác phẩm quen thuộc được nhiều người yêu thích như: Một lòng đợi bạn; Bần hát ghẹo; Làng chài quê tôi; Hết giận rồi thương; Hương sắc sông Lam… Phạm Tiến Dũng đã dành một đời để hoạt động nghệ thuật và gắn bó với quê hương, với dân ca ví, giặm. Quá trình biểu diễn, sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác những làn điệu ví, giặm giúp anh thấm thía và trân quý hơn giá trị của dân ca ví, giặm quê mình. Một trong những đóng góp quan trọng khác của NSND Tiến Dũng với quê hương là ông đã góp phần cùng đồng nghiệp đưa ví, giặm Nghệ Tĩnh trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Năm 2018, NSND Phạm Tiến Dũng đánh dấu hành trình 40 năm ca hát bằng đêm nhạc “Tìm về miền ví, giặm”. Đêm nhạc đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả.

Gia đình Sao Mai

Ngoài ca sĩ Hương Tràm, NSND Tiến Dũng còn có người con trai là ca sĩ Tiến Mạnh, ca sĩ của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Tiến Mạnh từng lọt vào top 10 Sao Mai điểm hẹn 2010. Tiến Mạnh có nhiều bài hát được khán giả yêu mến như: “Có một tình yêu như thế”, “Ngày lặng gió”… Vợ Tiến Mạnh là ca sĩ Phương Thanh, người từng đoạt giải Nhì cuộc thi Sao Mai năm 2012, dòng nhạc dân gian.

NSND Tiến Dũng và con trai – ca sĩ Tiến Mạnh.

Tiến Mạnh chia sẻ: “Tôi may mắn được thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ bố. Từ bé, tôi đã được cùng bố đi xem các chương trình ca nhạc nên học hỏi và lĩnh hội được sự chuyên nghiệp trong nghề. Sự chăm chỉ, nghiêm túc trong nghề của bố ảnh hưởng tích cực đến tôi. Bố dạy cho tôi rất nhiều, từ những câu dân ca đầu tiên đến một ca khúc mới. Bố chính là người truyền cảm hứng, truyền tình yêu và đam mê âm nhạc cho tôi”.

Nói về người con trai của mình, NSND Tiến Dũng cho biết: “với Tiến Mạnh, gia đình định hướng từ rất sớm, Mạnh được đầu tư bài bản, được đi học Nhạc viện Hà Nội từ khá sớm để được đào tạo nghiêm túc. Tiến Mạnh là chàng trai trầm tính, chỉn chu nên việc Mạnh đi theo con đường nghệ thuật không khiến bố mẹ phải lo lắng nhiều”.

Ca sĩ Phương Thanh, con dâu NSND Tiến Dũng, vợ ca sĩ Tiến Mạnh, cũng là một tài năng âm nhạc được công chúng yêu mến, cô chọn cho mình dòng nhạc dân gian. Nhiều người khuyên Phương Thanh nên chuyển sang hát nhạc nhẹ vì đối tượng khán giả đông đảo, cát-xê cao, cô lại có ngoại hình sáng sân khấu. Tuy nhiên, Phương Thanh khiêm tốn xác nhận, nhạc nhẹ không phải sở trường, đam mê của cô. Cô muốn làm việc theo niềm đam mê mà không đặt nặng việc chạy theo thị trường. Trong nhiều chương trình, khi được yêu cầu, Phương Thanh có thể hát dân ca theo cách mới mẻ, pha hơi hướng nhạc nhẹ chứ không chuyển hẳn sang nhạc trẻ.

Ca sĩ Phương Thanh.

Phương Thanh tâm sự: Tôi không muốn có bất cứ so sánh nào giữa anh chị em trong nhà. Bởi vì mỗi người có một hướng đi riêng, một “gu” âm nhạc khác nhau. Dòng nhạc nhẹ về bản chất nó đã sôi nổi hơn, và bao giờ cũng nổi bật hơn dòng nhạc dân gian của tôi. Nhưng dòng dân gian luôn có một sức sống lâu bền mà không cần màu mè. Tôi tin nó vẫn có chỗ đứng riêng trong làng âm nhạc”.

Phương Thanh chọn cho mình một lối đi riêng, lặng lẽ mà vững vàng với dòng nhạc dân gian trữ tình đậm chất truyền thống, và cuộc sống của cô dường như cũng bình lặng, yên ả, nhẹ nhàng như vậy.

Và cô con gái mang tên một bài ca

Để kỷ niệm sự kiện năm 1987, sau khi giành giải Nhì tại hội diễn toàn quốc, ca khúc “Đi trong hương tràm” đã đưa tên tuổi của Tiến Dũng đến với độc giả khắp cả nước, Tiến Dũng bàn với vợ, nếu sinh con gái sẽ đặt tên là Hương Tràm. Và như một cái duyên tiền định, cô con gái thứ hai đã được đặt cho cái tên rất xinh, sau này là ca sĩ Hương Tràm, một “tiểu diva” của dòng nhạc nhẹ.

NSND Tiến Dũng và con gái – ca sĩ Hương Tràm.

NSND Tiến Dũng chia sẻ về cô con gái ca sĩ được giới trẻ yêu thích: “Hương Tràm bộc lộ năng khiếu từ khi còn rất bé. Ngay từ thời còn học mầm non, Tràm đã biết hát và được các cô lựa chọn biểu diễn những tiết mục dành cho tuổi thơ. Hương Tràm rất đam mê âm nhạc, hồi học cấp 2, cấp 3, Tràm thường đưa bạn bè về nhà, tự dàn dựng các tiết mục văn nghệ nhà trường giao. 15 tuổi, Hương Tràm không xin phép bố mẹ, tự ý đăng ký cuộc thi Sao Mai, trong khi tuổi quy định là 17. Tràm không ngờ, khi vào vòng chung khảo bố lại là Trưởng ban Giám khảo. “Vì không muốn con bị ảnh hưởng đến việc học hành, tôi đã chủ động trao đổi với các vị trong Ban Giám khảo không để Tràm vào sâu trong cuộc thi, dù các thành viên Ban Giám khảo đều đánh giá cao giọng hát của Tràm” – NSND Tiến Dũng chia sẻ.

Năm 17 tuổi, đang học lớp 12, trong dịp nghỉ hè, Hương Tràm xin phép bố mẹ ra Hà Nội thăm anh trai Tiến Mạnh. Hai anh em thỏa thuận nói dối bố mẹ để Hương Tràm tham gia cuộc thi The Voice (giọng hát Việt). Tràm đến nơi thì đã hết thời gian sơ khảo nhưng Ban Giám khảo thương tình một cô bé xinh xắn từ tận Nghệ An xa xôi ra dự thi nên đã cho Hương Tràm thử sức. Hương Tràm được lọt vào chung khảo nhưng hôm sau nữa phải có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc này, không còn cách nào khác, Hương Tràm phải gọi điện về cho bố mẹ. Vừa giận vừa thương, cũng vui vì thành tích của con, NSND Tiến Dũng đã mua vé cho con từ Hà Nội bay vào Thành phố Hồ Chí Minh kịp dự thi, còn mẹ Tràm thì  từ Vinh bay vào hỗ trợ cùng con gái. Cô đã xuất sắc giành ngôi quán quân sau những vòng thi căng thẳng.

Từ khi Hương Tràm đặt chân vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, NSND Phạm Tiến Dũng đã theo dõi con sát sao hơn. Anh giúp con xử lý những vấn đề trong hoạt động nghệ thuật, khuyến khích con phát huy cá tính, phong cách trong biểu diễn. Những lúc Hương Tràm gặp khó khăn trong cuộc sống, gia đình, mà đặc biệt bố Dũng là nguồn động viên an ủi, chia sẻ và giúp Hương Tràm vượt qua những sai lầm tuổi trẻ. Tới khi thấy con đã đứng vững trong nghề và có đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ, NSND Tiến Dũng mới tạm yên lòng.

Với Hương Tràm, bố Tiến Dũng là hình mẫu lý tưởng mà cô luôn tin tưởng và là tấm gương để cô học hỏi. Hương Tràm cho biết, cô chịu ảnh hưởng từ bố rất nhiều, bố cũng nổi tiếng từ khi còn rất trẻ. Cô tự nhận mình giống bố cả về ngoại hình lẫn tính cách. Những khi gặp khó khăn, cô chỉ cần nói chuyện với bố khoảng 3 phút là có thể giải quyết mọi việc một cách thấu đáo. Có lần Hương Tràm chia sẻ cùng công chúng: “Bố Tràm khó ngủ, cứ mỗi khi làm điều gì là phải hoàn hảo, khiến bản thân ông lúc nào cũng bị áp lực và mệt mỏi. Tràm ngỏ ý muốn bố nghỉ ngơi sớm hơn một chút để hai con lo cho bố mẹ. Nhưng bố từ chối và nói rằng: “bố còn nặng gánh với quê hương”. Câu nói này Tràm nghe nhiều lắm, bố nói và nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ lúc Tràm còn nhỏ. Cho tới khi bố nỗ lực, dành cả tâm huyết để ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Tràm mới thấy được nụ cười mãn nguyện thật sự trên môi bố.

Vậy là lúc đó Tràm hiểu rằng, ông sẽ không bao giờ rời xa mảnh đất Nghệ An và Tràm đã có một lời hứa với bố: “Bố ở nhà cống hiến cho quê hương, còn con sẽ mang tinh thần xứ Nghệ đi tới khắp bốn phương bố nhé”.

Có thể nói, gia đình NSND Tiến Dũng là một gia đình âm nhạc đa hương sắc với con trai, con gái, con dâu đã thành danh trên con đường âm nhạc. Mỗi người một vẻ, họ tìm cho mình một lối đi, nhưng họ gặp nhau ở niềm đam mê âm nhạc. Vợ NSND Tiến Dũng, chị Dư Thị Thủy cũng từng học nghệ thuật nhưng chấp nhận làm một công việc khác để dành thời gian giúp chồng con yên tâm cống hiễn cho nghệ thuật. Truyền thống gia đình là một giá trị mà các con của NSND Tiến Dũng luôn trân quý. Dưới mái nhà chung, NSND Tiến Dũng vừa là người cha, người thầy và cũng là người bạn giúp các con yên lòng trên những chặng đường phía trước.

Hữu Vinh
(Ảnh do NSND Tiến Dũng cung cấp)