Sắc thu là cảnh, tiết thu là tình. Mùa thu là mùa có đủ cảnh và tình nên dễ làm lòng người xao xuyến. Cái se se lạnh đêm thu làm những ai xa nhà dễ nhớ, những ai xa người dễ thương. Nỗi nhớ trong mùa thu có cái gì đó dịu ngọt như ngọn gió heo may làm hồng đôi má người thiếu nữ. Mùa thu là mùa của nỗi buồn, người phương Đông đã mặc định như vậy, thế nên (trong Hán tự) chữ “sầu” gồm chữ “thu” trên chữ “tâm” là vậy.

Mùa thu, bầu trời cao xanh, những cánh đồng lúa chín vàng óng ả. Ảnh: Hồ Long.

Xưa, thu gắn với với hoa cúc vàng hay vầng trăng ngơ ngác, tiếng gió xào xạc hay côn trùng rả rích đêm mưa… Nay, người ta ít để ý tới cúc vàng cũng như vầng trăng. Thế nên cúc vẫn vàng mà lẻ bạn, trăng vẫn đẹp mà lẻ bóng, tiếng gió dễ chìm trong tiếng đời hỗn độn, tiếng côn trùng thì thảng hoặc mới có. Có chăng, khi cây lá như co mình lại, chuyển màu và rơi rụng, một cơn mưa bất chợt khiến người ta lành lạnh trong lòng mà giật mình nhớ đến tiết thu, mà quên đi cái bộn bề của cuộc sống. Người tinh tế chợt nhớ năm nào mẹ đi chợ thường mua cho bánh cốm, những quả thị vàng lựng thơm mùi cổ tích, rồi kí ức về đêm rằm trung thu lung linh hiện về với những chiếc đèn ông sao, chiếc bánh ngọt… Thế rồi ai đó chạnh lòng vì thời gian đã trôi qua, chợt nhớ câu thơ của thi sĩ họ Lưu mà tự trách mình: “Em không nghe mùa thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô”. Giờ cái cảnh “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” trong thơ Nguyễn Khuyến ngày nào về mùa thu đồng bằng Bắc Bộ cũng không còn phổ biến nữa; có chăng, vẫn  còn đó cái không khí ngàn năm thu trong “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”, cái màu vàng của những cánh đồng lúa chín, hương vị thơm nồng của bữa cơm lúa mới.

Cánh đồng thơm hương lúa mới. Ảnh: Nguyễn Đạo.

Nắng thu không còn cái gay gắt bừng bừng hơi lửa như mùa hè. Sự dịu dàng nữ tính làm người ta có cảm giác được mơn trớn vuốt ve, muốn được đắm chìm trong cái không gian se se lạnh gần sáng ấy. Cái lạnh chuyển mùa sang đông đủ để những cô gái làm duyên với đôi má hồng, cánh áo bịn rịn mà tươi mát. Bầy chim sẻ rộn ràng hơn trên những mái nhà thôn quê, trên những con đường làng rải rắc rơm thơm. Mùa thu đến, thành phố như trút đi cái bực dọc trong ngày mà mùa hè oi bức buộc nó trở thành người cáu bẳn. Hoa sữa lên hương. Thành phố lên hương. Con đường trở nên thanh thoát, không còn những đám bụi mù trời khi chiếc xe chạy qua làm bạn phải nhíu mày, nín thở. Một khúc nhạc vang lên đâu đó: “Tháng Tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ – Từ độ người đi thương nhớ âm thầm…” cũng đủ làm thành phố như thu mình lại theo những rung động xa xăm. Sắc màu mới của mùa thu hôm nay là màu cờ đỏ sao vàng chạy dài theo những con phố, hai bên đường làng, trong mỗi nhà dân và trong các công sở từ nông thôn đến thành thị mừng ngày quốc khánh.

Sông thu, Ảnh: Nguyễn Đạo.

Mùa thu Việt Nam hiếm cảnh lá vàng nhuộm khắp không gian như tranh của Le. Vital. Không có rừng phong đỏ – hận chia li, cũng không có cảnh những đỉnh núi hùng vĩ phủ đầy tuyết trắng. Nhưng mùa thu nước Việt vẫn mang vẻ đẹp ban sơ quyến rũ phương Đông, mang hồn non nước. Cái chất thu Đông phương mà Vương Bột chấp bút (*) vẫn còn đó trong thơ thu Xuân Diệu: “Mây biếc về đâu bay gấp gấp/ Con cò trên ruộng cánh phân vân/ Chim nghe trời rộng giang thêm cánh/ Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần”. Mùa thu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, cách chúng ta hằng mấy trăm năm, vẫn phảng phất đâu đây cái hồn cốt, màu thu, tình thu nước Việt. Mùa thu năm ấy vẫn hiện hình trong cuộc sống hôm nay: “Long lanh đáy nước in trời / Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”.

Hữu Vinh

(*) Hai câu thơ của Vương Bột:
“Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”.
(Cánh cò cô lẻ cùng bay với ráng chiều
Nước thu và bầu trời rộng một màu)