Nao nao nhớ, nao nao thương, ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam không chỉ là ngày “tết” của các thầy cô giáo mà còn là tết của những cô cậu học sinh. Nhớ, vì đó là những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò. Thương, vì một thời gian khó, thầy cô đã vượt qua bao khó khăn vất vả để đem từng con chữ đến với các em; những cô cậu học trò nghèo, khờ khạo, ríu rít trên các ngả đường, không kể nắng mưa đến thăm thầy cô giáo.

Chúng tôi rủ nhau đi bộ, hoặc đèo nhau trên những chiếc xe đạp cũ kĩ cùng đến nhà chúc tết thầy cô. Ảnh: Nguyễn Đạo.

Trong cái lạnh se se, trong cái nắng hanh hao của những ngày cuối thu, từng đoàn học sinh từ các em tiểu học đến các cô cậu cấp 3 nô nức trên các nẻo đường. Đi tết thầy, tết cô, và cũng là ngày hội của chúng tôi.

Lần đầu tiên tôi đi tết cô trong sự bẽn lẽn, ngại ngùng xấu hổ, ấy là năm tôi học lớp 1. Hồi đó, các bạn cùng lớp chưa có khái niệm gì về đi tết cô. Còn tôi, bố mẹ là nhà giáo, bố mẹ bảo chị gái dẫn tôi lên nhà cô giáo chủ nhiệm chúc tết cô, tôi chỉ việc đi theo, lẳng lặng ngồi nghe chị và cô nói chuyện. Món quà chị mang theo chỉ là một gói thuốc lá Điện Biên, một gói kẹo nhỏ. Đến năm lớp 3 thì cả lớp đã biết rủ nhau cùng đi tết cô thầy.

Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là ngày hội của học trò chúng tôi. Ảnh: Lê Quang Dũng.

Xưa nghèo nên cái lễ đem đến thầy cô cũng vô cùng đơn giản: vài gói kẹo hoa quả, kẹo dừa – chúng tôi thường nói đùa là “kẹo nhổ răng”, kẹo dồi hoặc kẹo chanh… không có hoa nhưng lòng người tràn ngập hương hoa.

Năm tôi học lớp 4, lớp 5, một vài bạn năng động đứng ra rủ các bạn tham gia. Chỉ có một cô giáo, lại ở trong xã, nên việc đi đến cô rất nhanh nhưng việc rủ nhau lại mất cả buổi sáng. Chúng tôi đi bộ lòng vòng đến gần như tất cả các xóm, mãi đến trưa mới được vài chục đứa tham gia. Chúng tôi đến nhà cô giáo chủ nhiệm khi đã về trưa. Đi bộ nhiều nên đứa nào cũng đói. Còn nhớ, hôm ấy, cả lớp góp mua biếu cô được mấy gói kẹo mà ngồi ăn gần hết, chỉ còn vài gói mà nhiều đứa vẫn thòm thèm. Thằng Hòa lớp trưởng tỏ ra nhanh nhẹn và chủ động nhất. Nó với tay lấy gói kẹo bóc ra đĩa một cách tự nhiên trong sự phấn khích thầm lặng của những đôi mắt hau háu. Loáng một cái, đĩa kẹo vơi đi rồi đĩa kẹo lại đầy.

Lên cấp 3, quà tặng thầy cô là những bó hoa, những món quà nhỏ như bộ ấm chén hoặc tấm vải, tấm áo… Suốt ngày, cả đoàn đạp xe đèo nhau rong ruổi trên các nẻo đường khắp nửa huyện, một số thầy cô ở xa hơn chúng tôi cũng đến. Có lớp còn đạp xe vô tận Vinh thăm các thầy cô giáo kiến tập, thực tập.

Đôi khi, ngày Tết lại là ngày mà những đứa học trò nghịch ngộ gây phiền toái cho thầy cô. Khi đã về trưa, bụng đói, lúc ấy không có quỹ lớp hay tiền túi để ăn bánh trái, tất cả phải nhịn đói về ăn cơm rồi chiều đi tiếp. Chính vì vậy, những điểm đến cuối buổi, tầm 12 giờ trưa, là thời điểm mà có lẽ thầy cô “mệt” nhất. Vào thời điểm ấy, vườn nhà thầy cô có gì là cuối buổi trơ trụi. Thường thì cả bọn lấm lét ngó trước, ngó sau rồi lẩn ra vườn. Những táo, ổi hay trái cây nào có thể ăn được dù chưa kịp chín thì sau một loáng chỉ còn trơ cuống. Nghĩ cũng thương thầy thương cô, cả năm nuôi trồng, mong đến ngày hái bán để thêm cho con bát gạo, con cá, thế mà bọn học trò đến “xơi” gần hết.

Ngày Tết thầy, Tết cô còn được xem là ngày “xóa tội” đối với những cậu học sinh nghịch ngộ, nhác học. Các bạn tỏ ra ngoan hơn, vì đó cũng là một trong những ngày ít ỏi mà các bạn không nơm nớp lo sợ bị hỏi bài, bị trách mắng, bị phạt như những ngày thường. Những thầy cô khó tính nhất, nghiêm khắc nhất cũng hiền lành, cởi mở hơn. Chúng tôi cảm nhận được niềm vui ấm áp từ ánh mắt, nụ cười, câu chuyện của thầy cô, không phải vì một vài món quà nhỏ của học sinh mà đó là những ngày vui đầy tự hào, ý nghĩa trong đời thầy cô. Lúc gặp nhau tại nhà thầy cô, nhân không khí thân thiện, hài hòa, thầy cô thường gọi những bạn nghịch ngộ, học kém đến khuyên bảo một cách thân tình. Các bạn bao giờ cũng bẽn lẽn lắng nghe và hứa sẽ cố gắng.

Ngày nay, truyền thống tết thầy cô đã ít nhiều thay đổi, nhưng vẫn còn nhiều lắm những tấm gương thầy cô giáo vất vả vượt mưa lũ, vượt núi đồi đi gieo từng con chữ ở những nơi xa xôi, ngày lễ nhận của học trò những bông hoa rừng, từng cây mía, củ khoai… là những món quà xuất phát từ tấm lòng các em. Vẫn còn đó những ông giáo, bà giáo già đã nghỉ hưu nhưng vẫn được học trò cũ về thăm trong niềm vui, niềm xúc động chân thành. Tuy rằng, hiện nay đây đó còn có những nỗi ưu tư về những biểu hiện của ngày 20/11, nhưng không khí ngày tết hiến chương nhà giáo, không khí lễ hội vẫn tỏa rạng khắp mọi miền quê đất nước từ nông thôn đến thành thị thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo bao đời của dân tộc ta.

Hữu Vinh