Chọi gụ, còn gọi là chọi cù, một trò chơi phổ biến của trẻ con thế hệ 9x trở về trước. Nó hấp dẫn bởi tính đối kháng cũng như kỹ thuật chế tác, kỹ thuật chơi. Một mình hay nhiều người đều có thể chơi gụ. Đám trẻ con chúng tôi đứa nào cũng có một vài con gụ, có đứa năm, sáu con với các chất liệu gỗ lim, táu, sến, ổi, thị… các thể loại gụ chân đinh, gụ chân gỗ. Đứa nào không có thì thèm thuồng lắm.

Đám trẻ chúng tôi thường tụ tập nhau ở một nơi có địa hình bằng phẳng, rộng rãi, mát mẻ chơi chọi gụ. Ở quê tôi, cách chơi gụ không phải giật dây một các nhẹ nhàng mà chúng tôi quấn dây quanh gụ rồi vung tay lên quá đầu, “vạc” một cái thật mạnh để tạo ra một lực xoay lớn nhất, giúp con gụ xoay được lâu nhất. Còn khi chọi gụ, kiểu động tác ấy sẽ tạo độ sát thương cho gụ đối phương rất cao. Với cái đinh sắc như lưỡi rìu, khi bị chọi trúng, có khi gụ đối phương bị sứt một miếng rõ to khiến con gụ không thể chơi được nữa. Nếu là đinh tròn thì cắm vào gụ đối phương tạo nên một lỗ sâu và lớn. Có đứa gụ bị cắm hàng chục mũi đinh vẫn phải để chơi. Thường thì gụ của ai “bị thương” nhiều lỗ hoặc sứt mẻ nhiều sẽ bị chúng bạn chê cười, bị mất thể diện với bạn nên phải đẽo gụ khác. Chỉ những đứa không biết đẽo gụ, phải nhờ người đẽo hay đi xin thì mới phải để chơi tạm.

Đẽo gụ cũng là cả một nghệ thuật, không phải đứa trẻ nào cũng biết làm. Chúng tôi phải nhìn các anh lớn khéo tay đẽo gụ, phụ giúp các anh rồi về nhà tập đẽo. Để đẽo thành công một con gụ tạm ưng ý, tôi đã làm hỏng không biết bao nhiêu lần. Tôi đi dọc bờ, tìm trong vườn những cành cây có kích cỡ vừa đủ, tầm như cán cuốc, cán liềm gì đó chặt về đẽo gụ. Với quyết tâm tự đẽo gụ để chơi, tôi đã chặt hết cây này đến cây khác, bị bố mẹ và hàng xóm xếp vào tội “phá hoại” nên bị mắng, thậm chí bị roi quất vào mông.

Đầu gụ được đẽo hình chóp nón, khi đẽo phải xoay vòng thật đều, sao cho đỉnh gụ trùng với tâm khúc gỗ, tất cả các bên phải cân đối. Rồi đến phần thân gụ, khi đẽo phải vát theo hình e líp tạo độ dốc vừa phải, cũng đòi hỏi phải cân đối, trơn tru. Phần chân gụ có hai loại là chân gỗ và chân đinh. Chân gỗ được nối liền với thân gụ. Gụ chân gỗ dễ làm, lại tiện lợi vì không phải mất công tìm đinh mà đinh ngày xưa thì không nhiều, tìm được cái đinh ưng ý cũng vàng mắt. Lắm khi chúng tôi phải đi gỡ khắp chuồng lợn, chuồng gà, chuồng trâu bò… may ra mới tìm được một cái. Nếu chơi gụ chân đinh thì phải cắt phần chuôi bằng của chiếc định 10, đóng đầu nhọn vào thân gụ rồi mài mòn đầu đã cắt. Loại đinh được ưa chuộng nhất của “nghề” chơi gụ chúng tôi gọi là đinh nốc, loại đinh lớn dùng để đóng vào nốc (thuyền nhỏ) có 4 mặt vuông, một đầu to, một đầu nhỏ, rất cứng. Thường gụ chọi phải có chân đinh, gụ chơi thì chân gỗ. Xóm tôi có đứa tạo kỷ lục bằng cách đẽo những con gụ chọi gỗ thị, gỗ mít cứng rức, to bằng cái cốc uống nước, cái đinh cũng to, nhọn hoắt và sáng quắc làm bạn bè nể phục.

Dây quấn gụ thường là dây vải áo phông cũ, vì khi xé ra nó sẽ tự xoăn lại thành một sợi tròn, phẳng phiu và mềm, nếu là các loại vải khác thì phải xoắn lại rồi tết như một dây thừng nhỏ. Nhưng loại dây sang chảnh nhất vẫn là dây dù. Đây là loại dây “quý tộc” vì nó có độ bền cao, dây tròn và mềm, dễ quấn. Hồi ấy dây dù cũng rất hiếm nên thi thoảng lắm mới có một vài đứa có.

Chúng tôi thường tụ tập ở những bãi đất trống, bằng phẳng, mát mẻ chơi chọi gụ. Ảnh: Quốc Đàn.

Chúng tôi tụ tập chơi chọi gụ đến quên ăn. Luật chơi cũng đơn giản: đầu tiên, tất cả cùng quay sau một nhịp hô “hai… ba”. Gụ đứa nào quay lâu nhất thì tiếp tục được quay, những đứa còn lại phải bỏ vào một vòng tròn vẽ trên mặt đất. Người chọi nhắm vào đó mà đánh, con gụ nào văng ra khỏi vòng tròn thì xem như “thêm mạng” được tiếp tục chơi. Nếu tất cả đều văng ra khỏi vạch thì con gụ gần vạch nhất phải nằm lại. Nếu chẳng may đứa cầm quyền chọi mà gụ không quay do va vấp phải chướng ngại vật thì tất cả được “sống lại”. Đôi khi chúng tôi chia ra làm hai phe, cùng phe thì cố cứu nhau ra khỏi vạch một cách nhẹ nhàng để gụ đội kia lại. Khác phe thì bị bổ cho những vết trời giáng có thể làm con gụ đau điếng bởi những vết thương. Thường thì gụ chân gỗ hay chân đinh đều có thể chơi chung. Những đứa có gụ chân đinh luôn chiếm ưu thế.

Trò chơi gụ cũng đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật nhất định. Thằng Chuột là một đứa chơi gụ thuần thục đến mức có thể biểu diễn với con gụ như làm xiếc. Nó ném con gụ thật mạnh, con gụ réo lên vu vu như tiếng ga xe máy rồi nó đưa tay hất con gụ đang xoay dưới đất lên, con gụ vẫn xoay tít trên tay, nó tiếp tục tung lên tung xuống trên tay như tung quả bóng, con gụ vẫn quay trong sự nể phục của chúng bạn.

Chọi gụ là trò chơi dân gian có từ rất lâu, ở khắp nơi trên các vùng miền đất nước. Mỗi vùng có một cách đẽo gụ riêng, tạo nên những hình dáng riêng, cách chơi cũng khác nhau đôi chút. Song tất cả đều đem lại niềm vui lành mạnh cho những đứa trẻ. Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, con gụ là một tài sản quý mà chúng tôi luôn đeo bên mình chơi vào những lúc giải lao giữa giờ học, lúc đi chăn trâu, hay ở nhà giữ nhà…

Bây giờ, trò chơi chọi gụ không còn ở thành phố Vinh, hiếm khi xuất hiện vùng nông thôn đồng bằng. Chỉ những đứa trẻ ở vùng miền núi Nghệ An là vẫn còn thú vui này. Mỗi lần đi công tác được thấy những đứa trẻ hò reo dõi theo từng vòng xoay của con gụ lòng tôi lại nao nao. Miền ký ức trẻ thơ lại ‘xoay’ trong lòng tôi những cảm xúc thương mến.

Hữu Vinh