LTS: Trong suốt hơn 50 năm qua, từ năm 1967, năm thành lập Chi hội Văn nghệ Nghệ An, sau đó là Chi hội VHNT Nghệ Tĩnh, rồi Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà có nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tài năng thuộc nhiều lĩnh vực. Họ đã cống hiến một đời cho VHNT và để lại nhiều tác phẩm giá trị.

Có thể nói, gia đình là chỗ dựa vững chắc cho văn nghệ sĩ sau những thác ghềnh trên con đường nghệ thuật. Hạnh phúc biết bao khi nhiều văn nghệ sĩ có con cũng theo đuổi niềm đam mê cùng cha, mẹ, tiếp bước mẹ, cha theo đuổi nghệ thuật, như những mầm cây được nuôi dưỡng bằng nguồn nhựa sống đam mê. Chung một con đường nghệ thuật – nơi đó vừa có chông gai thử thách, nhưng cũng xiết bao hạnh phúc.

Cha, mẹ và con cùng tắm mình trên dòng sông nghệ thuật. Cha, mẹ dìu dắt con, con noi theo tấm gương của cha, mẹ mà dần vững vàng, mà tự bơi ra biển lớn. Ấy là hạnh phúc, là hồng phúc không chỉ của gia đình mà còn là của cả một nền văn nghệ địa phương.

Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt là kế thừa những giá trị của cha ông. Thế hệ con cháu luôn trân trọng cống hiến của những người đi trước, đặc biệt là của chính gia đình mình. Với người Việt, truyền thống gia đình là giá trị vĩnh hằng mà tất thảy chúng ta ai cũng khát khao gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, nếu trong các lĩnh vực khác, việc tiếp nối truyền thống cha ông không quá khó, thì trong lĩnh vực nghệ thuật không đơn giản chút nào bởi nó đòi hỏi những tố chất đặc biệt, niềm đam mê đặc biệt mới có thể theo đuổi cái nghiệp của cha ông.

Thật may mắn khi nền văn nghệ Nghệ An có những cặp cha – con, mẹ – con cùng nhau tiếp bước trên con đường nghệ thuật. Họ đem đến cho khu vườn văn nghệ tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc, mỗi người mỗi vẻ. Điều đáng mừng là nhiều văn nghệ sĩ thuộc thế hệ sau đã thoát khỏi cái bóng của cha, mẹ mà khẳng định tên tuổi của mình.

Để tri ân những bậc cha, mẹ đã dìu dắt con trên con đường nghệ thuật, ghi nhận những nỗ lực của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay, Tạp chí Sông Lam xây dựng chuyên đề “Những gia đình văn nghệ ‘cha truyền con nối’” với mong muốn gửi tới quý độc giả những câu chuyện hay, xúc động của những cặp cha – con, mẹ – con nghệ sĩ và những giá trị quý báu của văn hóa gia đình trên mảnh đất Nghệ An suốt hàng chục năm qua.

Bài 7: NGƯỜI NGHỆ SĨ BẾ CON ĐI BIỂU DIỄN

Nghệ sĩ Minh Thống.

Nghệ sĩ múa Cao Thị Minh Thống là người có nhiều đóng góp cho nghệ thuật múa Nghệ An, chị công tác tại Đoàn Văn công miền núi Nghệ An từ năm 1967 đến năm 1992, khi Đoàn đổi tên thành Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Nghệ An. Gia đình nghệ sĩ Cao Minh Thống là một gia đình nghệ thuật. Chồng chị, nghệ sĩ Lữ Minh Dân là nhạc công chơi Saxophone. Con gái chị – NSND Kiều Lê, cũng là một nghệ sĩ múa nổi tiếng được nhiều người biết đến.

Một lần lỡ hẹn đồng hương

Nghệ sĩ múa Cao Minh Thống, sinh năm 1952, chị là người dân tộc Thổ ở xã  Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An, hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, nguyên Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh Nghệ An.

Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Minh Thống đã có nhiều cống hiến, chị đạt được nhiều giải thưởng cao quý, có thể kể đến: Huy chương Vàng với tác phẩm múa Những cô gái Khơ Mú, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại Huế, 1998. Huy chương Bạc với tác phẩm múa Hương rừng – Liên hoan Tiếng hát người lao động toàn quốc tại Hà Nội, 1998. Huy chương Vàng với tác phẩm múa Tiếng sáo gọi bạn – Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Công an Nhân dân, 2007 tại Đắc Lắc. Huy chương Vàng với tác phẩm múa Mừng lúa mới – Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Công an nhân dân, 2005 tại Đắc Lắc. Huy chương Vàng với tác phẩm múa Đêm phường vải, Ngày mùa lúa mới – Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc tổ chức tại Nghệ An năm 2008…

Năm 1967, nghệ sĩ múa Cao Minh Thống được tuyển về công tác tại Đoàn Văn công miền núi Nghệ An. Nhờ đa năng trong nghệ thuật, Minh Thống tham gia biểu diễn ở nhiều lĩnh vực như múa, hát, kịch. Thế nhưng, chị nhận ra múa là bộ môn phù hợp với mình nhất nên đã thi tuyển và đi học Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) hệ 3 năm (từ 1979 đến 1982). Ra trường, chị lại tiếp tục về đoàn công tác, lại lặn lộn trên khắp những chặng đường xứ Nghệ từ miền xuôi lên miền ngược, sang nước bạn Lào.

Nhớ lại những năm thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX nghệ sĩ Cao Minh Thống chia sẻ, những năm chiến tranh, đoàn phải sơ tán nhiều nơi vừa để đi diễn lưu động, vừa tránh bom Mỹ: năm 1965 Đoàn đóng ở Thạch Ngàn (Con Cuông), từ 1966 – 1967, năm chị về đoàn, đóng ở Thanh Tường, Thịnh Sơn (Thanh Chương), năm 1968 chuyển về các xã thuộc huyện Yên Thành: xã Đức Thành năm 1969, xã Công Thành năm 1970, đến năm 1972 về Hợp Thành, cuối năm 1972 mới về Vinh. Đến mỗi địa điểm, anh chị em lại bắt tay xây dựng một cơ sở mới gồm lán, lều để ở, sinh hoạt, tập luyện… nói chung là rất sơ sài, tạm bợ. Ngày ấy, tuyến đường chúng tôi đi biểu diễn hàng chục, hàng trăm cây số, mải miết hết vùng này đến vùng khác, phương tiện là bằng xe đạp, một số anh chị em đi bộ vì không có xe đạp, mỗi người tự mang tư trang của mình, đạo cụ của đoàn chỉ có ít thì chia nhau. Thương bác Hoàng Thọ – lúc ấy là Trưởng đoàn, nhưng bao giờ cũng dắt xe đi sau cùng với những người đi bộ, chiếc xe thì lặc lè bởi hầu như chúng tôi tấp đồ lên đó hết. Năm 1968, trong một lần đi diễn ở nước bạn Lào phục vụ bộ đội ta và Nhân dân các bộ tộc Lào, lúc ấy đoàn có một chiếc ô tô thô sơ, cũ kỹ do Ty Văn hóa cấp, đường đi vô cùng gian nan, nhiều người không quen nên nôn ói và mệt hơn đi bộ. Anh Nguyễn Quang Vinh (lúc ấy là cán bộ hành chính, sau này là Trưởng đoàn) tếu táo: “đi Lào hay đi lao” thế là hôm sau bị Trưởng đoàn Hoàng Thọ đưa ra kiểm điểm vì phát ngôn thiếu lập trường tư tưởng. NS Cao Minh Thống nói tiếp, bác Hoàng Thọ là người giản dị, tình cảm nhưng rất nghiêm khắc, mẫu mực trong cuộc sống. Những năm ấy, Đoàn có  trên 20 người, sống với nhau chan hòa, tình cảm, chỉ biết lo việc tập tành, biểu diễn, hầu như không ai quan tâm gì đến chế độ đãi ngộ. Bản thân tôi lúc ấy mới vào nghề, đến bữa anh chị gọi ăn cơm là đi, ăn xong đi tập, đi diễn, chỉ cần biết có vậy nhưng luyện tập và biểu diễn thì hăng say lắm. Đoàn đi đến đâu cũng nhận được sự chào đón của Nhân dân, dân cho gà, vịt, cho lợn, hoa quả, rau củ… không có nơi ở thì dân cho ở nhờ, chúng tôi xúc động lắm, giữa Nhân dân địa phương và anh em trong đoàn luôn luôn có một tình cảm đặc biệt.

Nghệ sĩ Minh Thống và con gái – NSND Kiều Lê.

Những năm tháng chiến tranh, bộ đội Việt Nam và các nghệ sĩ công tác ở Lào phải chịu đựng nhiều gian khổ. Ban ngày đi diễn, tối về phải vào hang đá ngủ để tránh bom đạn. Chị nhớ lại một kỷ niệm không thể nào quên. Hôm ấy, sau khi diễn xong một tiết mục, từ xa có người gọi to: “Thống làng Vạ phải không, anh Báu làng Mo đây”. Đúng là đồng hương của  mình rồi, anh Báu hơn chị hai tuổi, anh em biết nhau từ hồi học cấp 2, do chị thường tham gia vào các hoạt động văn nghệ của trường. Chị vui lắm, vậy mà bận diễn nên chỉ có thể hẹn vội với anh cuối buổi anh em gặp nhau nói chuyện. Thế nhưng hết buổi diễn, chị tìm anh thì không thấy. Một anh bộ đội đưa cho chị tấm vải dù anh tặng chị và mảnh giấy viết vội: “Anh phải lên đường nhận nhiệm vụ, mong được gặp lại em sau”. Chị cầm mảnh giấy và món quả anh tặng mà rưng rưng muốn khóc. Một thời gian sau, khi đoàn chị qua đơn vị của anh, hỏi thăm thì mới biết anh Báu đã hy sinh. Những kỷ niệm cũ trong lần gặp gỡ chớp nhoáng người đồng hương năm ấy ùa về làm chị xót xa.

Nghệ sĩ Minh Thống tâm sự: ngày ấy, gần như năm nào chúng tôi cũng đi diễn nhân dịp tết của người Mông (Kỳ Sơn) vào khoảng tháng 11. Đường lên Kỳ Sơn gian khó vô cùng: xa ngái, gập ghềnh, giá lạnh, sương giăng mờ mịt… phải đến hơn 9 giờ sáng mới nhìn thấy nhau. Thi thoảng có những con dốc dựng đứng mà chúng tôi nói đùa là đầu người đi sau chạm mông người đi trước. Vùng bà con dân tộc Mông sinh sống cũng là vùng hoạt động của nhiều toán phỉ. Có hôm đang diễn, bỗng nghe mấy tiếng súng nổ, chúng tôi nằm rạt ngay xuống đất, đoán là có phỉ đụng độ với bộ đội ta nhưng sau mới biết đó là tiếng súng của một anh dân quân đang trực ca đêm, vì muốn xem văn công mà không được nên bức xúc quá mà bắn lên trời. Những năm đó chúng tôi đã kết hợp biểu diễn và sưu tầm dân ca, dân nhạc, dân vũ. Đi đến đâu là sống hòa nhập với người dân bản địa để tiện cho công việc. Những gì có được hôm nay là kết quả của những năm tháng khó khăn ấy.

Người nghệ sĩ với khát vọng gắn quốc tịch cho múa Việt Nam

Cô con gái lớn của nghệ sĩ Cao Minh Thống và Lữ Minh Dân là Lữ Kiều Lê, sinh năm 1973, đã tiếp bước con đường của mẹ. Nghệ sĩ Minh Thống tâm sự: Kiều Lê phải tự lập từ rất sớm. Khi đi diễn xa nhà, bố mẹ phải gửi Lê cho bà ngoại chăm. Lúc ấy, Ngọc Anh, người con thứ hai, còn đang bú mẹ nên vợ chồng nghệ sĩ Cao Minh Thống phải bế đi theo. Trên những chặng đường công tác xa xôi, hai vợ chồng thay nhau bồng con, thi thoảng nhờ đồng nghiệp giúp đỡ. Nhiều đêm Ngọc Anh phải nằm ngủ ở cánh gà sân khấu chờ bố mẹ biểu diễn. Sau này, khi Ngọc Anh lớn hơn thì hai chị em ở nhà, Kiều Lê vừa đi học, vừa phải tự làm việc nhà và chăm sóc em.

NSND Kiều Lê.

Kiều Lê bộc lộ năng khiếu múa từ khá sớm. Hồi nhỏ, Lê thường đứng bên cánh gà sân khấu xem mẹ và các cô, chú múa rồi nhớ và múa theo rất đẹp. Kiều Lê là cây văn nghệ năng nổ của trường, Lê dàn dựng các tiết mục cho đội văn nghệ của trường, lớp. Lê và những bạn cùng trang lứa trong đoàn như Mỹ Hạnh, Thuận Giang, Ái Hoa… lập đội văn nghệ đi thi và đạt giải của thành phố. Khi đoàn Ca múa miền núi Nghệ Tĩnh cần diễn viên nhí thì Kiều Lê cũng được chọn tham gia.

Từng trải qua những năm tháng vất vả, cả bố và mẹ đều không muốn cho Kiều Lê theo nghiệp múa vì lo cho con nhưng Kiều Lê vẫn quyết tâm theo nghiệp múa. Bố Dân đã không ít lần cấm con gái học múa. Kiều Lê phải viết “bản cam kết” hứa với bố: “con phấn đấu chăm ngoan, học giỏi, nỗ lực vượt qua những khó khăn vất vả và không bỏ ngang giữa chừng…”. Vì vậy mà Kiều Lê đã nỗ lực, kiên trì để theo đuổi đam mê. Chính quyết tâm dám sống chết với nghề đã giúp nữ nghệ sĩ không ngừng gặt hái được những thành công. Sau này mẹ Thống bảo: “hồi ấy vất vả như thế mà sao con vẫn theo nghiệp múa”. Kiều Lê hồn nhiên bảo: “con có thấy khổ gì đâu”.

Năm1989, Kiều Lê được tuyển vào Đoàn Ca múa Nghệ Tĩnh. Vào đoàn được hai năm, năm 1991 chị được cử đi học trung cấp tại Trường Múa Việt Nam. Tại môi trường chuyên nghiệp này, Kiểu Lê đã nhận ra những giá trị sâu sắc trong mỗi tác phẩm múa. Mỗi tiết mục múa như một tác phẩm văn học, có thân phận, có cao trào, có “thắt nút” – “mở nút”… Lại có khi, mỗi tác phẩm múa như một bức tranh sinh động với đường nét, những gam màu sáng tối,… Trong mỗi tác phẩm múa, người nghệ sĩ phải truyền tải được những ý tưởng, thông điệp về cuộc sống.

Năm 1994, Kiều Lê đi học tại Khoa Biên đạo, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Chị tốt nghiệp với thành tích xuất sắc nên được nhận về giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và công tác cho đến nay.

Chị kể: “có lần, khi đang tập luyện với những động tác đưa mình lên cao, tôi đã bị ngã do bạn diễn đuối sức vì trước đó biểu diễn nhiều tiết mục. Tôi phải khâu nhiều mũi ở đầu gối, nằm viện khoảng 2 tuần. Trên người tôi có nhiều vết sẹo. Tai nạn với nghệ sĩ múa là chuyện không ai mong muốn nhưng hết sức bình thường, bằng niềm đam mê người nghệ sĩ sẽ tự chữa lành những vết thương ấy”.

Với Kiều Lê, người nghệ sĩ múa không được phép lười biếng cả về vận động cơ thể và vận động trí não. Những trải nghiệm thực tế để có nhiều vốn sống là điều không thể thiếu giúp tác phẩm múa hay, đẹp và gần gũi. Theo chị, mỗi tác phẩm múa phải nói lên được tiếng nói của cuộc sống qua lăng kính của người nghệ sĩ.

Đau đáu với múa, Kiều Lê trải lòng: “tôi luôn mong ước làm sao để nghệ thuật múa Việt Nam cũng giống như mỗi con người, có quê hương, có quốc tịch. Tôi mong múa Việt Nam khi đến với bạn bè quốc tế sẽ được thế giới nhận ra bản sắc, đặc trưng Việt Nam giống như người ta biết đến múa ba lê của châu Âu, kinh kịch của Trung Quốc vậy!”.

Chính vì vậy, nhiều tác phẩm do chị biên đạo như Vọng nguyệt; Gạo mới; Cánh cò bay lả bay la; Cặp ba lá… chị đều thổi hồn Dân tộc vào các tiết mục của mình. Các tác phẩm của chị đã tái hiện lại một cách sinh động không gian các vùng quê nước Việt thông qua các đạo cụ như: mành tre trúc, áo tơi, nón lá, nơm cá, chõng tre… Kiều Lê kết hợp giữa múa với những làn điệu dân ca, với âm nhạc truyền thống như tiếng trống, tiếng đàn, tiếng nhị, tiếng sáo…  Tác phẩm múa Cánh cò bay lả bay la do Kiều Lê dàn dựng đã đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa quốc tế năm 2014, tổ chức ở Huế, đã để lại ấn tượng sâu sắc với giới chuyên môn quốc tế. Vị giám khảo người Philippines (đất nước có nghệ thuật múa đương đại phát triển) tìm gặp Kiều Lê chỉ để chia sẻ rằng, bà rất thích tác phẩm này từ vũ điệu, âm nhạc, đạo cụ, mỹ thuật sân khấu… rất Việt Nam, rất ấn tượng.

Với những thành tích xuất sắc và cống hiến to lớn cho nghệ thuật múa, năm 2012 chị được Chủ tịch nước tặng danh hiệu NSƯT, năm 1016 được phong tặng danh hiệu NSND. Hiện nay chị mang quân hàm Đại tá, Chủ nhiệm khoa Múa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Gia đình nghệ sĩ múa Cao Minh Thống là một gia đình của những người đam mê, tận hiến vì nghệ thuật. Những vết sẹo của những người nghệ sĩ múa rồi sẽ ra da, những đau đớn, mệt mỏi rồi sẽ trôi qua bởi ở họ ngọn lửa nhiệt huyết, sự dấn thân với nghề là liều thuốc chữa lành những vết thương cơ thể.

Thanh Châu