LTS: Trong suốt hơn 50 năm qua, từ năm 1967, năm thành lập Chi hội Văn nghệ Nghệ An, sau đó là Chi hội VHNT Nghệ Tĩnh, rồi Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, nền văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà có nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tài năng thuộc nhiều lĩnh vực. Họ đã cống hiến một đời cho sự nghiệp VHNT và để lại nhiều tác phẩm giá trị.

Có thể nói, gia đình là chỗ dựa vững chắc cho văn nghệ sĩ sau những thác ghềnh trên con đường nghệ thuật. Hạnh phúc biết bao khi nhiều văn nghệ sĩ có con cũng theo đuổi niềm đam mê cùng cha, mẹ, tiếp bước mẹ, cha theo đuổi nghệ thuật, như những mầm cây được nuôi dưỡng bằng nguồn nhựa sống đam mê. Chung một con đường nghệ thuật – nơi đó vừa có chông gai thử thách, nhưng cũng xiết bao hạnh phúc.

Cha, mẹ và con cùng tắm mình trên dòng sông nghệ thuật. Cha, mẹ dìu dắt con, con noi theo tấm gương của cha, mẹ mà dần vững vàng, mà tự bơi ra biển lớn. Ấy là hạnh phúc, là hồng phúc không chỉ của gia đình mà còn là của cả một nền văn nghệ địa phương.

Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt là kế thừa những giá trị của cha ông. Thế hệ con cháu luôn trân trọng cống hiến của những người đi trước, đặc biệt là của chính gia đình mình. Với người Việt, truyền thống gia đình là giá trị vĩnh hằng mà tất thảy chúng ta ai cũng khát khao gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, nếu trong các lĩnh vực khác, việc tiếp nối truyền thống cha ông không quá khó, thì trong lĩnh vực nghệ thuật không đơn giản chút nào bởi nó đòi hỏi những tố chất đặc biệt, niềm đam mê đặc biệt mới có thể theo đuổi cái nghiệp của cha ông.

Thật may mắn khi nền văn nghệ Nghệ An có những cặp cha – con, mẹ – con cùng nhau tiếp bước trên con đường nghệ thuật. Họ đem đến cho khu vườn văn nghệ tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc, mỗi người mỗi vẻ. Điều đáng mừng là nhiều văn nghệ sĩ thuộc thế hệ sau đã thoát khỏi cái bóng của cha, mẹ mà khẳng định tên tuổi của mình.

Để tri ân những bậc cha, mẹ đã dìu dắt con trên con đường nghệ thuật, ghi nhận những nỗ lực của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay, Tạp chí Sông Lam xây dựng chuyên đề “Những gia đình văn nghệ ‘cha truyền con nối’” với mong muốn gửi tới quý độc giả những câu chuyện hay, xúc động của những cặp cha – con, mẹ – con nghệ sĩ và những giá trị quý báu của văn hóa gia đình trên mảnh đất Nghệ An suốt hàng chục năm qua.

Bài 11: “TRAO TRUYỀN: DUYÊN NGHIỆP

Gắn bó với nhiếp ảnh từ những năm chống Pháp, trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ rồi hòa bình xây dựng đất nước đến nay, gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Lê Văn Vĩnh đã xây dựng nên một thương hiệu ảnh gắn với lịch sử phát triển của thành phố Vinh – hiệu ảnh Cô Nghệ. Sau này, con trai ông là NSNA Lê Quang Dũng cũng tiếp bước con đường của bố, anh là một NSNA tên tuổi của nhiếp ảnh xứ Nghệ. Hai cha con cố NSNA Lê Văn Vĩnh và NSNA Lê Quang Dũng là những người dám dấn thân vì đam mê, vì cái duyên với nghiệp nhiếp ảnh.

Người chép sử bằng những khuôn hình

Cố NSNA Lê Văn Vĩnh.

NSNA Lê Văn Vĩnh (1934 – 2020) là người gốc miền Bắc, ông sinh ra, lớn lên và gắn bó với thành phố Vinh suốt cả cuộc đời. Trải qua tuổi thơ trong những năm trước Cách mạng tháng Tám, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rồi hòa bình lập lại, ông hiểu Vinh như hiểu một cuộc đời, một số phận. Phải chăng vì vậy mà suốt sự nghiệp nhiếp ảnh của mình ông ghi lại những thăng trầm, những bước trưởng thành của Vinh từ đau thương gian khổ đến một thị xã, một đô thị trẻ trung năng động.

Năm 15 tuổi, cậu bé Lê Văn Vĩnh đã được nhà báo Trần Đắc Bách, một người hàng xóm, bày dạy cho những kĩ năng cơ bản của nhiếp ảnh và khơi gợi trong ông những đam mê. Sau một thời gian học nghề, Lê Văn Vĩnh đã mở một hiệu ảnh nhỏ khi mới 20 tuổi với tên là hiệu ảnh Hòa Bình ở ngã tư Vinh ngày nay.

Bức ảnh chụp tại hiệu ảnh Hoà Bình tại phố Phan Đình Phùng (ngã tư Vinh) năm1961.

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1953 – 1954, NSNA Lê Văn Vĩnh đã được thị xã cử đi tác nghiệp nhằm ghi lại cuộc sống lao động của cán bộ, công nhân công trường 311, Liên khu IV, trên tuyến đường Vinh – Mường Xén phục vụ chiến dịch Thượng Lào. Tại đây, Lê Văn Vĩnh đã hòa mình vào cuộc sống lao động, chiến đấu vô cùng vất vả, gian nan của những người công nhân. Ông kịp ghi lại những khoảnh khắc chân thật mà xúc động của những người công nhân đã đổ bao mồ hôi, thậm chí là xương máu cho những công trình phục vụ kháng chiến.

NSNA Lê Quang Dũng tâm sự, bố tôi vẫn thường kể cho con cháu câu chuyện năm xưa ông được Ty Công an cử đi theo đoàn đón những chiến sĩ cộng sản người Nghệ Tĩnh từ Côn Đảo trở về. Ông đã bị ám ảnh bởi những hy sinh, gian khổ của những người tù Côn Đảo, hàng trăm con người, mỗi người như bộ xương khô, khuôn mặt hốc hác, quần áo rách rưới, bệnh tật… nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm vui được trở về với người thân, đồng chí và một khí phách kiên cường. Ông đã không kìm được nước mắt. Những bức ảnh ông chụp đã được đăng trên số 2, Báo ảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đón các chiến sĩ tù Côn Đảo trở về.

Sau Hiệp định Giơnevơ, Lê Văn Vĩnh tham gia công tác thanh niên tại Thị đoàn Vinh, rồi được bầu làm Chủ nhiệm HTX Nhiếp ảnh thị xã Vinh. Ông lại tiếp tục những công việc để cống hiến cho ngành nhiếp ảnh thị xã.

Trong những năm chống Mỹ, 1970 -1972, NSNA Lê Văn Vĩnh được cử vào Ban Điều tra tội ác giặc Mỹ giặc Mỹ của thị xã Vinh. Qua mỗi thước phim, ông ghi lại những đau thương mất mát của Nhân dân ta và tội ác kẻ thù, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta, sự phi nghĩa của đế quốc Mỹ. Trong một lần chụp ảnh bộ đội pháo cao xạ của ta bắn máy bay Mỹ, NSNA Lê Văn Vĩnh đã bị một mảnh bom găm vào tay. Tuy vậy, ông vẫn nén đau chụp lại bức ảnh một viên phi công Mỹ tử trận bên xác máy bay còn đang bốc cháy.

UBND thành phố Vinh cùng các ban ngành do ông Trần Đình Sâm – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Điều tra tội ác chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đón đoàn đại biểu quốc tế. Ảnh chụp năm 1972.

Năm 1963, hiệu ảnh Hòa Bình của NSNA Lê Văn Vĩnh bị cháy do bom Mỹ. Rất nhiều trang thiết bị đã bị thiêu hủy cùng với các tư liệu quý. Đây là một sự việc đáng tiếc không chỉ với gia đình ông mà còn với lịch sử thành phố Vinh. Nhiều sự kiện quan trọng, nhiều hình ảnh đáng nhớ đã bị ngọn lửa chiến tranh thiêu rụi.

Hòa bình lập lại, NSNA Lê Văn Vĩnh lại tiếp tục gắn bó với nghề nhiếp ảnh nhưng trong một tâm thế khác: đất nước trọn niềm vui, ông lấy nghề nhiếp ảnh làm nghiệp kiếm sống và cũng là để thỏa niềm đam mê.

Dân Vinh giúp đỡ nhau di chuyển nhà.

Sau năm 1975, vợ chồng NSNA Lê Văn Vĩnh lại bắt tay làm lại với hiệu ảnh mang tên Cô Nghệ, tên vợ ông. NSNA Lê Quang Dũng nhớ lại: lúc ấy Vinh chỉ có 3 hiệu ảnh của ông Đối, ông Vĩnh và của HTX Nhiếp ảnh. Hiệu ảnh Cô Nghệ ngày càng ăn nên làm ra, người dân khắp nơi trong thành phố không ai là không biết đến. Người ta chụp ảnh làm kỷ niệm, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, mừng thọ, đám cưới, chia tay lên đường nhập ngũ, sinh nhật, chụp ảnh cho con, chụp ảnh hồ sơ, ảnh gặp mặt… Người đến chụp ảnh phải xếp hàng chờ. Cũng may, gia đình có một khu vườn rất rộng đủ để cả trăm người ngồi chờ. Hiệu ảnh thường hẹn khách 10 ngày sau mới được nhận ảnh. Mọi người trong gia đình phải thức tận khuya và dậy thật sớm để làm việc kịp phục vụ khách hàng.

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp văn học nghệ thuật, NSNA Lê Văn Vĩnh vinh dự được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Nhiếp ảnh Việt Nam.

Ám ảnh từ những tác phẩm của cha

NSNA Lê Quang Dũng sinh năm 1963 tại Vinh. Cũng như bố, anh đã sớm chọn nhiếp ảnh làm nghiệp và gắn bó từ những năm tuổi trẻ đến nay. Nhiếp ảnh vừa là nghề để anh kiếm sống vừa giúp anh thỏa niềm đam mê sáng tạo. Quang Dũng là một nghệ sĩ đa năng, anh vừa chụp ảnh thời sự – báo chí vừa sáng tác ảnh nghệ thuật và gặt hái được nhiều thành công.

NSNA Lê Quang Dũng tác nghiệp tại Trường Sa.

Tâm sự về nghề, Quang Dũng chia sẻ: những bức ảnh bố chụp đã để lại một ấn tượng mạnh trong tôi từ khi còn nhỏ. Đó là những bức ảnh ông chụp tại Nghi Phú, sau khi máy bay B52 dội bom, xác người chết chồng lên nhau, có những em bé nằm cạnh hố bom, xác trâu, bò chết cũng phơi thân bên làn khói bom nghi ngút trông thật khủng khiếp. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi không phải chứng kiến những cảnh như thế, thay vào đó là những cảnh đẹp, cảnh cuộc sống đi lên, những đặc sắc văn hóa của con người xứ Nghệ, con người Việt Nam.

Hồi học cấp 2, khi bố mẹ đi làm, Quang Dũng ở nhà lén mở rương chống ẩm lấy máy ảnh ra vọc vạch không may đã làm hỏng máy. Mấy hôm sau, bố phát hiện máy ảnh bị hỏng, ông đã điều tra ra rồi quất cho Dũng mấy roi nhớ đời.

Tác phẩm “Thúy điện Bản Vẽ”.

Lớn lên, Quang Dũng vừa đi học cấp 3 vừa phụ bố làm việc tại hiệu ảnh. Lúc ấy chỉ có chị Nhung và Dũng có thể giúp bố. Cậu bé ham chơi đã phải lao động tối ngày với bao nhiêu công việc như chụp, rửa ảnh, in tráng… Quang Dũng đã được bố bày cho từ những việc nhỏ nhất như cách chụp ảnh, lấy sáng đến các thao tác làm ảnh. Cứ thế, niềm đam mê và kĩ năng nhiếp ảnh lớn dần trong anh.

Nói về những bước tiến trong công nghệ chụp ảnh ở Vinh những năm đầu sau giải phóng, Quang Dũng cho biết: thời kỳ đầu là chụp ảnh đen trắng bằng các máy ảnh, giấy ảnh của Liên Xô, Tiệp Khắc, Trung Quốc. Giai đoạn sau có tiến bộ hơn với “công nghệ” tô màu cho ảnh đen trắng bằng mực nước của Trung Quốc. Mỗi quyển màu được xé ra hòa với nước rồi tô lên ảnh. Chỉ khi khách hàng yêu cầu mới tô vì tô màu mất thời gian và đòi hỏi các thao tác tỉ mỉ để nước màu không bị loem ra hoặc lấn sang các vùng khác. Về sau, hiệu ảnh đã dùng các loại máy của Nhật như Frapica, Nikon nhưng vẫn mất rất nhiều công đoạn: sau khi chụp là tráng phim, sửa phim, đây là khâu nâng cấp cho ảnh đẹp hơn bằng một loại bút chì chuyên dụng để xóa những chỗ thừa như nốt ruồi, vết nhăn, hình ảnh rối… đặc biệt cần thiết đối với ảnh chân dung. Bước tiếp theo là tô mực đỏ để giảm độ tương phản rồi sấy phim, phơi cho phim khô ráo, sau đó đem in tráng thủ công bằng các máy in phóng, cuối cùng là phơi, sấy ảnh. Nói chung gia đình có thể tự làm mọi công đoạn từ đầu đến cuối. Những hiệu ảnh khác phải đến hiệu Cô Nghệ để rửa ảnh và in tráng.

Tác phẩm “Bến đỗ”.

Quang Dũng ôm máy đi sáng tác từ những năm 1990. Anh theo chân các NSNA kỳ cựu như Bùi Xuân Lương, Từ Tiện, Văn Hoành… đi chụp ảnh phong cảnh, ảnh thời sự, nghệ thuật khắp mọi miền quê trong tỉnh và nhiều vùng miền đất nước.

Từ năm 1996 đến 2000, Quang Dũng theo học Khoa Báo chí Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội. Có thêm kiến thức báo chí, Quang Dũng lại dấn thân vào con đường ảnh báo chí, anh là cộng tác viên ảnh đắc lực của Báo Nghệ An, Tạp chí Sông Lam và nhiều báo, tạp chí trên cả nước.

Anh nhớ mãi kỷ niệm một lần tham dự Liên hoan Ảnh Nghệ thuật Bắc miền Trung lần thứ 3. Quang Dũng cùng NSNA Sỹ Minh đi xe máy từ Vinh vào Quảng Trị. Ban Tổ chức bố trí một chuyến đi thực tế tại đảo Cồn Cỏ. Lúc đi trời nắng đẹp, các NSNA được tập trung lên 3 thuyền, thuyền Quang Dũng có khoảng 20 người đi cùng. Chiều về thì biển động, trời tối sầm lại. Bộ đội biên phòng khuyên anh em nên ở lại đảo chờ biển lặng thì về nhưng ai cũng nôn nóng muốn về nên đã bất chấp thời tiết. Quả nhiên, đi được nửa đường, cách bờ khoảng 8 hải lý, tương đương 14 km, thì biển động mạnh, sóng gió nổi lên làm thuyền chòng chành nghiêng ngả. Con thuyền trở nên nhỏ bé giữa biển khơi ngoi lên ngụp xuống dữ dội, thuyền lại hỏng một máy. Sau khi thuyền chao đảo, quay vòng thì người lái thuyền mất phương hướng, không biết hướng nào là bờ. May thay, lúc ấy có một NSNA người Quảng Bình nguyên là sĩ quan Hải quân đã vận dụng kinh nghiệm của mình lái thuyền vượt qua sóng gió vào bờ an toàn. Về đến bờ, Ban Tổ chức đã đứng sẵn chờ đón đoàn trong niềm vui mừng khôn xiết. Đến giờ NSNA Quang Dũng vẫn không thể nào quên cảm giác ớn lạnh khi đối diện với hiểm nguy trong chuyến đi năm ấy.

Năm 2018, NSNA Quang Dũng được đi sáng tác tại Trường Sa. Đó cũng là chuyến đi đáng nhớ trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh. Anh kể, trên thuyền ai cũng say, kể cả bộ đội, mọi người nằm la liệt. Sóng biển đánh vào làm thuyền nghiêng ngả, có lúc biển động, gió giật hất tung cả cửa phòng. Quang Dũng nằm trên gường, lấy thắt lưng cột mình vào thành giường. Trải qua những khó khăn gian khổ anh có bộ ảnh “Nhớ mãi Trường Sa”. Bộ ảnh được dự triển lãm của 12 tác giả về Trường Sa tại Hà Nội; dự triển lãm “Biển đảo quê hương”; đoạt giải tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019; giải B giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020.

Tác phẩm “Du khách Pháp, Anh tham quan đồi hoa hướng dương TH”.

Quang Dũng đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, anh thường xuyên vác ba lô, với lỉnh kỉnh máy móc lên đường trong những chuyến đi xa. Để phát hiện cái hay, cái đẹp trên mọi miền đất nước anh đã đặt chân lên khắp các vùng miền từ miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam… Ảnh Quang Dũng luôn mang một phong cách riêng, anh luôn nỗ lực phát hiện cái bên trong của vạn vật, con người nên ảnh Quang Dũng bao giờ cũng hàm chứa một nội dung sâu sắc, một ý nghĩa nhân văn bên cạnh những yếu tố nghệ thuật.

Trong sự nghiệp hoạt động văn học – nghệ thuật, NSNA Quang Dũng đã gặt hái được nhiều giải thưởng cao quý như: Giải Vàng Liên hoan Ảnh nghệ thuật Bắc Trung Bộ năm 2012, tác phẩm “Trao truyền”; giải khuyến khích cuộc thi ảnh báo chí Khoảnh khắc Vàng – Báo Nghệ An 2021; giải Nhất cuộc thi Ảnh đẹp du lịch Nghệ An 2021 cho tác phẩm “Du khách Pháp, Anh tham quan đồi hoa hướng dương TH”; giải Nhì, giải thưởng sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Nghệ An cho tác phẩm “Thủy điện Bản Vẽ” và nhiều giải thưởng VHNT ở trung ương và địa phương.

Tác phẩm “Trao truyền”.

Tác phẩm “Trao truyền” được anh chụp năm 2012 với hình ảnh một cụ già râu tóc bạc phơ đang truyền dạy cho cháu gái những làn điệu dân ca ví, giặm – cô bé với gương mặt trong sáng đang say sưa, hào hứng hát những điệu dân ca đã nói lên tất cả những gì Quang Dũng muốn chuyển tải: ấy là niềm vui, là trách nhiệm của thế hệ trước đối với thế hệ sau trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa cổ truyền. Đó là niềm tự hào, là nỗ lực của thế hệ cháu con trong việc bảo tồn vốn văn hóa cổ. “Trao truyền” như ứng với cuộc đời hoạt động văn học nghệ thuật của hai cha con nghệ sĩ Lê Văn Vĩnh, Lê Quang Dũng. Ông cũng đã “trao truyền” cho con trai cả cái duyên với nghề lẫn sự đa mang với nghiệp của mình.

Hiện nay NSNA Lê Quang Dũng là Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tại Nghệ An, Trưởng ban Ảnh – Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An. Anh vừa sáng tác vừa gây dựng phong trào cho hoạt động nhiếp ảnh tỉnh nhà. Anh là người phát hiện, bồi dưỡng những nghệ sĩ trẻ để kết nạp vào Ban Ảnh của Hội. Quang Dũng được đồng nghiệp yêu quý bởi tài năng, nhân cách và sự hết lòng vì bạn bè, công việc.

Thanh Châu

(Ảnh: NSNA Quang Dũng cung cấp)