LTS: Trong suốt hơn 50 năm qua, từ năm 1967, năm thành lập Chi hội Văn nghệ Nghệ An, sau đó là Chi hội VHNT Nghệ Tĩnh, rồi Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà có nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tài năng thuộc nhiều lĩnh vực. Họ đã cống hiến một đời cho VHNT và để lại nhiều tác phẩm giá trị.

Có thể nói, gia đình là chỗ dựa vững chắc cho văn nghệ sĩ sau những thác ghềnh trên con đường nghệ thuật. Hạnh phúc biết bao khi nhiều văn nghệ sĩ có con cũng theo đuổi niềm đam mê cùng cha, mẹ, cùng tiếp bước mẹ, cha theo đuổi nghệ thuật, như những mầm cây được nuôi dưỡng bằng nguồn nhựa sống đam mê. Chung một con đường nghệ thuật – nơi đó vừa có chông gai thử thách, nhưng cũng xiết bao hạnh phúc.

Cha, mẹ và con cùng tắm mình trên dòng sông nghệ thuật. Cha, mẹ dìu dắt con, con noi theo tấm gương của cha, mẹ mà dần vững vàng mà tự bơi ra biển lớn. Ấy là hạnh phúc, là hồng phúc không chỉ của gia đình mà còn là của cả một nền văn nghệ địa phương.

Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt là kế thừa những giá trị của cha ông. Thế hệ con cháu luôn trân trọng cống hiến của những người đi trước, đặc biệt là của chính gia đình mình. Với người Việt, truyền thống gia đình là giá trị vĩnh hằng mà tất thảy chúng ta ai cũng khát khao gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, nếu trong các lĩnh vực khác, việc tiếp nối truyền thống cha ông không quá khó, thì trong lĩnh vực nghệ thuật không đơn giản chút nào bởi nó đòi hỏi những tố chất đặc biệt, niềm đam mê đặc biệt mới có thể theo đuổi cái nghiệp của cha ông.

Thật may mắn khi nền văn nghệ Nghệ An có những cặp cha – con, mẹ – con cùng nhau tiếp bước trên con đường nghệ thuật. Họ đem đến cho khu vườn văn nghệ tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc, mỗi người mỗi vẻ. Điều đáng mừng là nhiều văn nghệ sĩ thuộc thế hệ sau đã thoát khỏi cái bóng của cha, mẹ mà khẳng định tên tuổi của mình.

Để tri ân những bậc cha, mẹ đã dìu dắt con trên con đường nghệ thuật, ghi nhận những nỗ lực của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay, Tạp chí Sông Lam xây dựng chuyên đề “Những gia đình văn nghệ ‘cha truyền con nối’” với mong muốn gửi tới quý độc giả những câu chuyện hay, xúc động của những cặp cha – con, mẹ – con nghệ sĩ trên mảnh đất Nghệ An suốt hàng chục năm qua.

Bài 6: Niềm đam mê hội họa của người lính biên phòng

Trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, nhiều họa sĩ chạy đua với thị trường tranh Việt bằng các đề tài mới của thời công nghệ số nhưng vẫn có một người cứ lặng lẽ, mải miết vẽ về những miền ký ức của thời lính, những câu chuyện đẹp đẽ về tình quân dân hay đâu đó là sự đổi thay của bản làng nơi miền biên ải… Ông là họa sĩ Nguyễn Bá Siếu – người có một tình yêu “đặc biệt” với hình ảnh người chiến sỹ biên phòng.

Họa sĩ Nguyễn Bá Siếu, sinh năm 1957 tại xã Diễn Lộc (huyện Diễn Châu). Thế nhưng, cuộc đời ông lại gắn bó với mảnh đất Tân Kỳ nhiều hơn khi gia đình ông đi nông trang lên xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ vào những năm 1960. Ông từng là người lính biên phòng sau đó chuyển ngành làm cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tân Kỳ (1981 – 2005) và gắn bó với Trung tâm Văn hóa tỉnh cho tới khi nghỉ hưu (năm 2016).

Những trận đòn roi và quyết tâm theo đuổi đam mê hội họa

Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu hội họa. Những bài tập thủ công hay trang trí báo tường ở lớp, ở trường của Nguyễn Bá Siếu luôn làm cho các thầy cô và bạn bè ngạc nhiên, thích thú. Ông kể, khi đang là cán bộ đoàn của xã Kỳ Sơn, ông thường xuyên xuống cơ sở vẽ tranh, hoặc hướng dẫn nghiệp vụ… Để có những bức vẽ trực quan sinh động đáp ứng công tác tuyên truyền, hàng ngày ông miệt mài phóng to tranh lên pano treo dọc  đường và những nơi đông người qua lại. Ngày đó, phương tiện thông tin còn ít ỏi nên tranh cổ động tuyên truyền được người dân hứng khởi đón nhận.

Họa sĩ Nguyễn Bá SIếu

Ông nhớ lại, hồi ấy với đam mê hội họa, ông ước mơ được đi học thêm môt lớp mỹ thuật của tỉnh nhưng ông cụ thân sinh kiên quyết phản đối, thậm chí ông còn vác roi đuổi đánh ông chạy khắp xóm. Nhưng những trận đòn roi không làm ông nhụt chí. Ông vẫn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê hội họa. Cuối cùng, biết là không cản nổi, ông cụ lại động viên con đi học. Thế là, chàng trai trẻ mới 16 tuổi, khoác trên lưng bao tượng gạo đi bộ xuống  học lớp sơ cấp mỹ thuật của tỉnh hồi ấy đang sơ tán ở xã Diễn Đoài (Diễn Châu).

Học xong lớp sơ cấp mỹ thuật ông trở về địa phương công tác thì có giấy gọi nhập ngũ. Đợt tuyển quân năm đó, bạn bè đều lần lượt vào Nam chiến đấu, nhưng Bá Siếu là người duy nhất được giữ lại để tuyển vào lực lượng công an vũ trang (nay là bộ đội Biên phòng) với lý do vẽ đẹp. Thế là, người họa sĩ của làng quê đã trở thành người lính phục vụ công tác tuyên truyền cho lực lượng biên phòng tỉnh. Ông tâm sự: “Có lẽ những tháng năm công tác ở lực lượng biên phòng đã ảnh hưởng nhiều tới sáng tác của tôi sau này. Với tôi hình ảnh người chiến sĩ biên phòng luôn đẹp đẽ và lung linh.”

Về bản (lụa)

Nguyễn Bá Siếu có rất nhiều ý tưởng sáng tác về đề tài người lính biên phòng. Với bố cục lạ và đẹp, đường nét hài hòa, tinh tế đã chạm đến cảm xúc và trái tim công chúng yêu hội họa. Dù đã gặt hái thành công, nhưng ông vẫn khiêm nhường khi nói về mình. Mỗi bức tranh như một câu chuyện mang đậm bóng dáng quê hương, người thân yêu, tình đồng chí, đồng đội càng trân quý tinh thần lao động nghệ thuật cần mẫn, sáng tạo của ông.

Dạy học vùng cao (sơn dầu)

Tranh của họa sĩ Nguyễn Bá Siếu không chỉ phản ánh dáng vẻ bên ngoài sự vật, hiện tượng, mà còn quan tâm biểu đạt cả nội tâm. Ông đi nhiều, đến những bản làng xa xôi và những đồn biên phòng nơi miền biên viễn. Ông tìm hiểu đặc thù công việc, trong quá trình sinh hoạt với cán bộ, chiến sĩ để nắm bắt các hoạt động chung. Chính sự quan sát tỉ mỉ, hình họa vững vàng mà nét vẽ luôn sinh động, chân thực. Trong tác phẩm “Về bản” (lụa) thể hiện một tình cảm sâu nặng giữa những chiến sỹ biên phòng trên đường tuần tra với đồng bào vùng cao.

Múa khèn (Acrylic)

Đến với đồn biên phòng thân yêu, lăng kính người nghệ sĩ luôn hướng về anh bộ đội. Chứng kiến hình ảnh người lính biên phòng ngày đêm dạy chữ cho đồng bào bên đèn leo lét của lớp học vùng cao, Nguyễn Bá Siếu có tác phẩm “Dạy học vùng cao” (sơn dầu) vừa chân thực vừa xúc động. Với bút pháp ước lệ, tác giả muốn chuyển tải đến người xem câu chuyện tình quân dân thắm thiết keo sơn, bộ đội giúp đỡ đồng bào, đồng bào chính “là tai, là mắt” để góp phần bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau mỗi chuyến đi, Nguyễn Bá Siếu lại bổ sung vào “gia tài” của mình những bức ký họa, những bức tranh đầy ắp cảm xúc về mảnh đất, con người nơi ông vừa qua.

Ngoài những dòng tranh nghệ thuật, Nguyễn Bá Siếu là họa sĩ sáng tác thành công về thể loại tranh cổ động. Theo ông thì tranh cổ động là một hình thức tuyên truyền trực quan sinh động đã tác động trực tiếp vào thị giác của người xem. Muốn có một bức tranh cổ động tốt, rõ ràng về nội dung, hấp dẫn về hình thức, người họa sĩ phải nghiên cứu kĩ đề tài và tìm cách thể hiện một cách khái quát sao cho cô đọng, dễ hiểu mới mang lại hiệu quả tuyên truyền cao.

Tranh đạt giải Nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống bộ đội biên phòng

Dòng tranh cổ động không phải là lựa chọn của nhiều người bởi độ khó của nó nhưng ông vẫn dấn thân vì nhận thấy tranh cổ động phù hợp với phong cách của mình. Theo ông, chỉ có đam mê, cần cù mới níu giữ được nghề và tìm được sự thăng hoa trong làm nghề.

Nguyễn Bá Siếu đã giành được nhiều giải thưởng lớn qua các cuộc thi vẽ tranh cổ động như giải Nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống bộ đội biên phòng; giải Nhất cuộc thi vẽ tranh cổ động kỷ niệm 75 năm ngày thành lập QĐND năm 2019; nhiều lần được giải thưởng qua các cuộc thi về Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Giấy khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại triển lãm tranh khu vực Bắc Trung Bộ năm 2000; 3 lần được trao tặng giải VHNT Hồ Xuân Hương năm 2002, 2010, 2021.

Truyền đam mê cho con gái

Trong số hai người con của họa sĩ Nguyễn Bá Siếu, cô con gái đầu lòng – Nguyễn Thị Lê Hồng đã chọn đi theo nghiệp vẽ của bố. Chị chia sẻ: “Để có được trái ngọt trên con đường sống với ước mơ và đam mê hội họa, bên cạnh những nỗ lực của bản thân thì tôi luôn có sự đồng hành của bố. Với tôi, bố vừa là thầy dạy vẽ, cũng là một người bạn hiểu mình nhất.”

Bố con họa sĩ Nguyễn Bá Siếu và họa sĩ Nguyễn Thị Lê Hồng

Tôi may mắn được thừa hưởng năng khiếu hội họa từ bố. Từ bé, tôi đã được bố chỉ bảo từ cách cầm bút vẽ, cách pha màu nên học hỏi và lĩnh hội được sự chuyên nghiệp trong nghề. Tôi được theo bố đi dự những cuộc triển lãm tranh, được tiếp xúc với nhiều bạn bè của bố là những họa sĩ tài hoa xứ Nghệ. Từ đó đã nuôi dưỡng trong tôi tình yêu hội họa. Sau này vào học Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tôi lại may mắn hơn khi được nhiều họa sĩ lớn dìu dắt như thầy Lê Văn Sửu, thầy Lê Anh Vân…”

Họa sỹ Nguyễn Thị Lê Hồng sinh năm 1981, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội chuyên ngành sư phạm, hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An. Là giảng viên dạy mỹ thuật Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An, chị là người tiếp lửa niềm đam mê hội họa cho các thế hệ sinh viên. Theo chị, công việc dạy học luôn là nguồn cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật. Trong giảng dạy, chị luôn tìm cách đổi mới phương pháp, phát huy khả năng sáng tạo, gợi mở cho sinh viên các đề tài mới, lạ, có sức hấp dẫn. Ngoài thời gian lên lớp, chị luôn tìm hiểu, nghiên cứu học hỏi qua nhiều kênh khác nhau để cập nhật kiến thức, xu hướng mới về hội họa nhằm hoàn thiện hơn qua từng nét vẽ.

Họa sĩ Nguyễn Thị Lê Hồng được nhắc đến với “sở trường” dòng tranh lụa và sơn mài. Ở hai dòng tranh mang đậm bản sắc dân tộc này có nhiều độc đáo và có độ “khó” riêng, nhất là đối với dòng tranh sơn mài. Chia sẻ về đam mê vẽ sơn mài, họa sĩ Lê Hồng cho biết, khó khăn lớn nhất là bài toán kinh tế. Tranh sơn mài vừa khó, chi phí lại cao. Ngoài việc tốn kém, tranh sơn mài đòi hỏi người họa sỹ phải tỉ mỉ, dày kinh nghiệm và trải nghiệm. Có lẽ vì những khó khăn đó, mà ít người dám theo đuổi dòng tranh này. Họa sỹ Nguyễn Thị Lê Hồng cho biết, một trong những lý do để chị lựa chọn dòng tranh sơn mài bởi đây là dòng tranh truyền thống, mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa Việt Nam. Dòng tranh này cũng từng được xem là một trong những niềm tự hào của người Việt. Chính vì vậy, lựa chọn vẽ tranh sơn mài chị mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc giới thiệu, phát triển dòng tranh này nhiều hơn nữa đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Tác phẩm “Chùa Thầy” (sơn mài)

Họa sĩ Nguyễn Thị Lê Hồng đã giành được nhiều giải thưởng mỹ thuật qua các cuộc thi đề tài về lực lượng vũ trang và các triển lãm tranh khu vực. Năm 2022, chị đã giành được giải thưởng do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức cho tác phẩm “Chùa Thầy” trên chất liệu sơn mài.

Chị tâm sự: “Sự chăm chỉ, nghiêm túc trong nghề của bố ảnh hưởng tích cực đến tôi. Bố dạy cho tôi rất nhiều, là người truyền cảm hứng, truyền tình yêu và đam mê hội họa. Tôi rất khâm phục bố mình cả về tài năng lẫn nhân cách nhưng trong hội họa thì tôi cố gắng tìm cho mình một lối đi riêng. Với bản thân, tôi chưa hài lòng với chính mình mà luôn nỗ lực cố gắng tạo cho mình một hướng đi và sự bứt phá trong hoạt động nghệ thuật và vẫn đang nỗ lực, từng ngày cống hiến cho con đường nghệ thuật  mà mình đã chọn bằng chính niềm đam mê”.

Hoàng Nguyên