LTS: Hơn 50 năm qua, từ năm 1967, năm thành lập Chi hội Văn nghệ Nghệ An, sau đó là Chi hội VHNT Nghệ Tĩnh, rồi Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà có nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tài năng thuộc nhiều lĩnh vực. Họ đã cống hiến một đời cho VHNT và để lại nhiều tác phẩm giá trị.

Có thể nói, gia đình là chỗ dựa vững chắc cho văn nghệ sĩ sau những thác ghềnh trên con đường nghệ thuật. Hạnh phúc biết bao khi nhiều văn nghệ sĩ có con cũng theo đuổi niềm đam mê cùng cha, mẹ, cùng tiếp bước mẹ, cha theo đuổi nghệ thuật, như những mầm cây được nuôi dưỡng bằng nguồn nhựa sống đam mê. Chung một con đường nghệ thuật – nơi đó vừa có chông gai thử thách, nhưng cũng xiết bao hạnh phúc.

Cha, mẹ và con cùng tắm mình trên dòng sông nghệ thuật. Cha, mẹ dìu dắt con, con noi theo tấm gương của cha, mẹ mà dần vững vàng mà tự bơi ra biển lớn. Ấy là hạnh phúc, là hồng phúc không chỉ của gia đình mà còn là của cả một nền văn nghệ địa phương.

Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt là kế thừa những giá trị của cha ông. Thế hệ con cháu luôn trân trọng cống hiến của những người đi trước, đặc biệt là của chính gia đình mình. Với người Việt, truyền thống gia đình là giá trị vĩnh hằng mà tất thảy chúng ta ai cũng khát khao gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, nếu trong các lĩnh vực khác, việc tiếp nối truyền thống cha ông không quá khó, thì trong lĩnh vực nghệ thuật không đơn giản chút nào bởi nó đòi hỏi những tố chất đặc biệt, niềm đam mê đặc biệt mới có thể theo đuổi cái nghiệp của cha ông.

Thật may mắn khi nền văn nghệ Nghệ An có những cặp cha – con, mẹ – con cùng nhau tiếp bước trên con đường nghệ thuật. Họ đem đến cho khu vườn văn nghệ tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc, mỗi người mỗi vẻ. Điều đáng mừng là nhiều văn nghệ sĩ thuộc thế hệ sau đã thoát khỏi cái bóng của cha, mẹ mà khẳng định tên tuổi của mình.

Để tri ân những bậc cha, mẹ đã dìu dắt con trên con đường nghệ thuật, ghi nhận những nỗ lực của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay, Tạp chí Sông Lam xây dựng chuyên đề “Những gia đình văn nghệ ‘cha truyền con nối’” với mong muốn gửi tới quý độc giả những câu chuyện hay, xúc động của những cặp cha – con, mẹ – con nghệ sĩ trên mảnh đất Nghệ An suốt hàng chục năm qua.

Bài 8: CHUYỆN VỀ MỘT GIA ĐÌNH NGHỆ SĨ – NHÀ GIÁO

Sinh ra và lớn lên ở  huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) trong một gia đình không có ai theo con đường nghệ thuật nhưng họa sĩ Đình Truyền với niềm đam mê “nghiệp vẽ” đã vượt qua nhiều gian khó, thử thách và trở thành một họa sĩ có nhiều thành tựu trong nền mỹ thuật Nghệ Tĩnh/Nghệ An. Càng tuyệt vời hơn khi ông chính là người thầy – người bố truyền niềm đam mê ấy đến các thành viên trong gia đình, để cùng theo đuổi, cùng cống hiến và thành công trong trên con đường nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Đình Truyền say sưa từng nét vẽ

Một họa sĩ tài hoa, người thầy mẫu mực

Hoạ sĩ Nguyễn Đình Truyền sinh năm 1958 tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là người con thứ 4 trong một gia đình có 6 anh chị em nhưng ngay từ nhỏ, cậu bé Đình Truyền đã bộc lộ năng khiếu đặc biệt về hội họa. Với một cục gạch, viên phấn, bút chì… ngày thơ bé, ông thường vẽ những nhân vật mà mình yêu thích. Lên cấp 3 ông là tay bút trang trí báo tường nổi tiếng của trường, rồi nhận trang trí cho các đám cưới trong huyện. Từng ngày trôi qua, niềm đam mê ấy lớn dần. Khó khăn nhất với ông là không được đào tạo qua trường lớp hay chuyên ngành hội họa nào. Thứ ông có duy nhất chính là niềm đam mê và sự cố gắng đã giúp ông thi đỗ vào khóa học đầu tiên tại Trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật Nghệ Tĩnh năm 1981.

Năm 1984, ông ra trường nhận công tác tại Ban Tuyên giáo, Thành đoàn Vinh. Sau đó theo học khoa Đồ hoạ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam (1998 – 2003). Nhiều năm, ông là giáo viên mỹ thuật tại Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt – Đức. Hiện nay, ông là Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Nghệ An, Trưởng Ban Mỹ thuật Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An.

Trung thu (khắc gỗ) – một tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Đình Truyền

Hoạ sĩ Nguyễn Đình Truyền sáng tác trên nhiều chất liệu: khắc gỗ, sơn dầu, acrylic, trổ giấy… nhưng thế mạnh của ông nổi bật ở 2 thể loại trổ giấy và khắc gỗ. Ông thường đi để ghi chép tại những bản làng, đồng quê, công trường, góc phố, núi sông, bãi biển, tàu thuyền…. Bởi thế, những tác phẩm khắc gỗ, trổ giấy tuy chỉ có hai màu đen trắng nhưng đã tái hiện cuộc sống xã hội một cách sinh động, hấp dẫn. Càng về sau, ông càng sáng tác nhiều về tranh trổ giấy như một bản năng nghề nghiệp với đủ các kích cỡ, to, nhỏ, vuông, dài. Tranh của họa sĩ Nguyễn Đình Truyền giàu chất thơ, trữ tình, lãng mạn, đề cập nhiều về tuổi thơ, thiếu nữ, nông dân, lễ hội, các dân tộc vùng cao… Mỗi bức tranh như một thông điệp mô tả không gian, thời gian, sự kiện và nhân vật. Con người trong tranh của ông được khắc hoạ rõ tính cách, vui buồn, khát vọng vượt lên chính mình và được bóp hình với những đường nét chắc khỏe.

Hoạ sĩ Nguyễn Đình Truyền đã tiếp thu một cách có chọn lọc những giá trị văn hóa dân gian, từ nguyên lý kỹ thuật chạm khắc, đồ nghề và vật liệu giấy mực,… đến những cảm hứng sáng tạo hình tượng, cuộc sống có nội dung hơi thở của thời đại mang tính thời sự để có những tác phẩm ra đời chất lượng, mang phong cách riêng. Cứ thế, liên tục nhiều năm, ông gặt hái thành công. Đó là thành quả của quá trình miệt mài sáng tạo, vắt hết những trí lực và tâm hồn để có những ý tưởng hay, đề tài sôi động bắt nhịp được cuộc sống đời thường.

Họa sĩ Trịnh Hoàng Tân nhận xét: “Nguyễn Đình Truyền đem đến cho người xem không phải là bức tranh đời sống đứng yên mà luôn luôn sông động, lung linh, huyền ảo, vừa vô hình vừa hữu hình…. Có thể thấy, nghệ thuật trổ giấy tạo hình của ông có đặc trưng ngôn ngữ biểu đạt riêng không giống với các loại hình nghệ thuật khác. Nghệ thuật đồ hoạ tạo hình của hoạ sĩ Nguyễn Đình Truyền là một hình thức tư duy bao hàm cả yếu tố cảm tính và lý trí. Nó bao hàm những yếu tố đặc tính của trị giác ghi lại, phản ánh những đặc trưng cụ thể của nó, và tư duy lý tính chỉ mang tính phỏng đoán, phản ánh một cách trừu tượng bản chất của những loại sự vật, hiện tượng có những đặc trưng mang tính phổ biến chung. Biểu hiện cái chung trong cái riêng, cái phổ biến trong cái cá biệt, cái hiện thực trong cái mơ hồ, cái bản chất trong yếu tố hiện tượng”.

Tác phẩm “Nhịp sống mới” (trổ giấy) đạt giải B (không có giải A) Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ 28, năm 2023 tại Thừa Thiên Huế.

Trong sự nghiệp của mình, Đình Truyền đã từng đạt được nhiều giải thưởng về nghệ thuật, có thể kể đến các tác phẩm: “Lễ hội” – giải Khuyến khích Liên hoan Mỹ thuật Bắc miền Trung (năm 2006); “Hoa rừng” – giải B Liên hoan Mỹ thuật Bắc miên Trung (2016); “Phiên chợ vùng cao” – giải Khuyến khích Triển lãm khu vực Bắc miền Trung (năm 2019). Gần đây nhất, ông giành giải B (không có giải A) Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Bắc Trung Bộ lần thứ 28, năm 2023 tại Thừa Thiên Huế với tác phẩm “Nhịp sống mới” (trổ giấy). Nhiều tranh trổ giấy của ông được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc như: “Lễ hội”, “Lễ hội trái cây” (năm 2010); “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” (năm 2015); “Phiên chợ vùng cao” (năm 2020),… Ông cũng vinh dự được trao Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương tỉnh Nghệ An các giai đoạn: 2002 – 2005, 2005 – 2010, 2010 – 2015, 2015 – 2020.

Họa sĩ Nguyễn Đình Truyền là người thầy dạy vẽ cho nhiều thế hệ học sinh.

Hoạ sĩ Nguyễn Đình Truyền ít khi nói về mình. Ông có phong thái nhẹ nhàng, mực thước của một nhà giáo. Ông lặng lẽ làm việc và cống hiến với niềm đam mê. Hai niềm vui của ông là dạy học và vẽ tranh. Đó là những hạnh phúc đơn sơ, mà rất đẹp của một nghệ sĩ – nhà giáo.

Người bố – người thầy truyền ngọn lửa đam mê

Trong những năm tháng công tác ở Nhà Thiếu nhi Việt – Đức và cho đến nay đã dù nghỉ hưu, họa sĩ Nguyễn Đình Truyền vẫn đang là người thầy dạy vẽ cho nhiều thế hệ học sinh, đặc biệt là các em lứa tuổi thiếu nhi. Bằng tâm huyết và lòng yêu nghề, ông đã nhen nhóm ngọn lửa đam mê nghệ thuật, vun đắp tâm hồn cho biết bao thế hệ học trò nhỏ. Đặc biệt hơn, chính ông là người thầy đã dìu dắt, chỉ bảo cho ba cô con gái từ những nét vẽ, gam màu, bố cục cho đến những thành công qua những cuộc thi.

Gia đình họa sĩ Nguyễn Đình Truyền

Họa sĩ Nguyễn Đình Truyền đã cho tôi xem bộ sưu tập rất ấn tượng với hàng chục tấm huy chương, bằng khen, giấy khen của ba cô con gái đạt được trong các cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi trong nước và quốc tế.

Cả ba chị em Nguyễn Thị Hà Phương, Nguyễn Thị Hà An, Nguyễn Thị Hà Vinh đã giành được rất nhiều giải thưởng vẽ tranh thiếu nhi trong nước và quốc tế. Trong đó, một thành tích đáng nể là em Nguyễn Thị Hà Phương đạt tới 6 giải quốc tế tổ chức ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Indonexia, Thái Lan, Iran, Banglades. Năm 2002, Hà Phương đã giành Giải thưởng lớn tại cuộc thi mỹ thuật  “Nhật ký bằng tranh – ENIKKI – Liên hoan Mỹ thuật thiếu nhi châu Á lần thứ VI” tại Nhật Bản, tại giải này người em gái Nguyễn Thị Hà Vinh cũng đạt giải Khuyến khích.

Nguyễn Thị Hà Phương giành Giải thưởng lớn tại cuộc thi mỹ thuật  “Nhật ký bằng tranh- ENIKKI – Liên hoan Mỹ thuật thiếu nhi châu Á lần thứ VI” tại Nhật Bản năm 2004. (Trong ảnh: Hà Phương trên bìa tạp chí của Nhật Bản)

Có lẽ, chính sự đam mê và sự sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc của họa sĩ Đình Truyền đã truyền sang cho 3 cô con gái để đến khi trưởng thành mỗi người đã tạo được dấu ấn cho riêng mình.

Cô con gái đầu Nguyễn Thị Hà Phương (sinh năm 1990). Cô bé bộc lộ năng khiếu rất sớm, từ nhỏ đã đạt nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi. Cô đã chọn thi vào trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Ra trường với một tương lai rộng mở nhưng cô vẫn quyết định quay về Nghệ An dạy mỹ thuật tại Trường Sư phạm thực hành Đại học Vinh. Cô tâm sự: “Có lẽ tôi chịu nhiều ảnh hưởng từ bố, và đó cũng là cái duyên yêu nghề, yêu trẻ nên tôi đã quyết định chọn nghề dạy mỹ thuật, tiếp tục gieo mầm ước mơ cho các em nhỏ”. Ngoài dạy học ở trường cô còn mở lớp dạy vẽ cho các em thiếu nhi.

Không giống với người chị, Nguyễn Thị Hà An (sinh năm 1992) đã lựa chọn cho mình một con đường đi riêng. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, Hà An bước vào thị trường lao động với tâm thế “không biết đam mê của mình là gì”, “Rốt cuộc tôi chọn nghề phù hợp nhất với mình lúc đấy là tạo tác thủ công miniature (mô hình tí hon). Tôi dành 2 năm để thử hết tất cả mọi thứ từ làm bánh, thêu dệt, làm búp bê.” Hà An nhớ lại.

Ở thời điểm đó, tạo tác thủ công là một nghề vừa lạ, vừa quen. Khi nói về sáng tạo, người ta chỉ nghĩ tới hoặc là nhà thiết kế hoặc là nghệ nhân. Hà An lại chia sẻ rằng mình không tách bạch nghề nghiệp như thế, mà chỉ đơn giản bước vào sân chơi thủ công với tư duy của một nghệ sĩ thiết kế.

Các sản phẩm mô hình tí hon do chính Nguyễn Thị Hà An tạo tác.

Hà An hiện là nhà sáng lập của Veene studio chuyên tạo ra các sản phẩm thủ công mang đậm màu sắc cổ truyền. Năm 2020, mô hình đồ ăn siêu nhỏ có tên Vietnamese Food của Hà An đã được hãng thông tấn Pháp AFP đăng lên trang chủ, ca ngợi là “kỳ quan thu nhỏ của Việt Nam”. Sau đó, Hà An cũng được tờ Channel News Asia (CNA) vinh danh bằng một bài báo, kèm dòng giới thiệu “nữ nghệ nhân Việt Nam tạo ra các mô hình đồ ăn tí hon đặc biệt”. Hà An chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã học được rất nhiều điều ở bố. Bố không bao giờ gò ép các con trong con đường sáng tạo, bố tôi luôn dạy những việc chưa làm thì phải thử và kiên trì một hành trình dài thì mới biết đấy chính là đam mê. Tôi nghĩ đam mê là cái mình làm tốt nhất, phù hợp với khả năng và có thể nuôi sống mình được. Đam mê cũng là một công việc. Và mình cần làm việc một cách nghiêm túc thì nó mới bắt đầu thành đường thành lối để đi theo”.

Riêng cô con gái út Nguyễn Thị Hà Vinh (sinh năm 1995) quyết định chọn ngành kinh tế, hiện đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Cô chia sẻ: “Bố chính là người thầy đầu tiên của tôi, ông đã chắp cánh ước mơ, nuôi dưỡng tâm hồn cho ba chị em. Dù hiện nay công việc không liên quan tới hội họa nhưng những lời dạy về chân, thiện, mỹ, về yêu cái đẹp của bố khiến tôi luôn luôn ghi nhớ. Hội họa là nghề vinh quang, nó đem lại cho con người ta cảm xúc rất lớn và nó còn giáo dục thẩm mỹ, hướng tới cái đẹp. Cái ác có thể tự chuyển hóa mất đi nếu ta biết nuôi dưỡng cái đẹp chứ không cần roi vọt”.

Hoàng Nguyên