Theo đuổi dòng tranh trổ giấy từ những ngày còn học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Đình Truyền đã từng bước khẳng định tên tuổi trên diễn đàn mỹ thuật Bắc miền Trung. Trong những năm gần đây, anh liên tiếp gặt hái được những giải thưởng cao quý của khu vực. Gần nhất là giải B (không có giải A) Triển lãm Mỹ thuật Khu vực Bắc Trung bộ lần thứ 28, năm 2023, tổ chức tại Thừa Thiên Huế với tác phẩm Nhịp sống mới, chất liệu trổ giấy.

Chân dung họa sĩ Nguyễn Đình Truyền.

Họa sĩ Nguyễn Đình Truyền sinh năm 1958 tại xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Vinh, Nghệ An. Năm 1981, anh học Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh, sau đó theo học Khoa Đồ họa Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (1998-2003). Anh sáng tác trên nhiều chất liệu nhưng có lẽ tranh trổ giấy là dòng tranh đem lại nhiều thành công nhất.

Trong sự nghiệp sáng tác, họa sĩ Nguyễn Đình Truyền đã đạt được nhiều giải thưởng mỹ thuật cao quý của Trung ương, khu vực và địa phương như Liên hoan Mỹ thuật Bắc miền Trung với các tác phẩm: “Lễ hội” – giải Khuyến khích năm 2006; “Hoa rừng” – giải B năm 2016; “Phiên chợ vùng cao” – giải Khuyến khích năm 2019; “Những người lính trên công trường”-  giải C năm 2022; “Hội nhập và phát triển” – giải B, giải Sáng tác và Quảng bá tác phẩm VHNT Báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Mimh” (giai đoạn 2016 – 2018) do Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức; đạt nhiều giải Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương tỉnh Nghệ An: giải C – giai đoạn 2002 – 2005; giải A giai đoạn 2005 – 2010; giải B giai đoạn 2010 – 2015; giải A giai đoạn 2015 – 2020…

Họa sĩ Nguyễn Đình Truyền tâm sự, triển lãm lần này được tổ chức tại một thành phố là trung tâm mỹ thuật của khu vực, nơi có nhiều họa sĩ tên tuổi của Bắc miền Trung và cả nước, chắn chắn sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt. Thế nhưng niềm vui đã đến với họa sĩ Nguyễn Đình Truyền khi tác phẩm Nhịp sống mới của anh đã nhận được giải cao nhất, giải B, cùng với tác phẩm Vi vu của họa sĩ Hoàng Thanh Phong (Thừa Thiên Huế).

Tác phẩm “Nhịp sống mới”.

Nhịp sống mới là tác phẩm trổ giấy kích thước 160 x100cm, được Nguyễn Đình Truyền sáng tác trong vòng 10 ngày.

Nhịp sống mới lấy cảm hứng từ những thành tựu xây dựng và phát triển đất nước của toàn Đảng, toàn dân ta trong những năm qua. Những tầng cao công trình tượng trưng cho sự phát triển kỳ diệu của quê hương, đất nước. Những người công nhân trên công trường xây dựng đang hối hả làm việc mỗi ngày tạo nên nhịp sống sôi động của non sông đất nước. Những tổ nhóm làm việc thể hiện ý chí, quyết tâm và sức mạnh đoàn kết. Điều đặc biệt, bối cảnh công trường xây dựng, với những tòa nhà chọc trời, những dàn giáo, cần cẩu… vươn lên nền trời lồng lồng là một ý tưởng sáng tạo, là điều kiện tiên quyết để họa sĩ trổ tài trổ hàng trăm, hàng ngàn nét trổ.

Không gian hội họa như đang chuyển động theo cả 3 chiều cùng câu chuyện và ý tưởng của họa sĩ: chiều cao là bầu trời lồng lộng, những công trình đang vươn lên; chiều sâu là cảnh gần, xa; chiều rộng giúp ta có thể hình dung công trường như đang mở rộng dần với một quy mô đồ sộ. Những nét trổ tinh tế, có thể nói là tinh vi, khắc họa từng chi tiết, giúp bối cảnh và nhân vật sinh động như đang hiển hiện trước mắt chúng ta. Bức tranh với rất nhiều chi tiết nhưng vẫn tạo được điểm nhấn ở cả điểm gần và điểm xa. Tác phẩm chứa đựng một nội dung, một câu chuyện đủ để người xem hiểu và tiếp tục khám phá theo trí tưởng tượng riêng của mỗi người. Bức tranh còn được Hội đồng Chuyên môn đánh giá cao bởi bố cục chặt chẽ mà độc đáo, thể hiện được sự sáng tạo của họa sĩ.

Họa sĩ Nguyễn Đình Truyền cho biết: Để sáng tác nên một bức tranh trổ giấy, nếu chăm chỉ cũng phải mất từ 10 đến 15 ngày, còn thong thả thì cả tháng mới mới xong. Công việc làm tranh trổ giấy vừa phải có tư chất nghệ sĩ vừa phải có sự cần mẫn của người thợ thủ công, nhưng đòi hỏi cao hơn về ý tưởng lẫn sự khéo léo. Trước hết là công đoạn quét màu làm nền, sau đó là vẽ phác thảo, bức tranh phải được vẽ trái từ phía sau, đây là công đoạn đòi hỏi tư duy nghệ thuật cao nhưng giai đoạn quyết định sự thành bại của bức tranh là trổ tranh. Tranh được trổ bằng dao sao cho tạo ra được những nét nhỏ mà vẫn sắc, tạo nên những chi tiết sống động, thể hiện được cái hồn của vạn vật. Sau giai đoạn trổ là bồi tranh, nếu không cẩn thận tranh sẽ lệch, gãy nét, đứt nét… bức tranh sẽ hỏng, giai đoạn này cần sử dụng những kỹ thuật chống mốc, chống ẩm để bức tranh bảo quản được lâu. Cuối cùng là bo tranh hoàn thiện.

Nói đến Nguyễn Đình Truyền là nói đến dòng tranh trổ giấy, một dòng tranh đòi hỏi rất nhiều tố chất của người họa sĩ: cần mẫn, sáng tạo, khéo léo, ý tưởng phù hợp với chất liệu… Để có được một bức tranh trổ giấy, chắc họa sĩ Nguyễn Đình Truyền phải mất nhiều lắm những giọt mồ hôi, phải nhiều đêm trăn trở cùng những nhân vật của mình, nhưng bù lại anh lại được dòng tranh này ưu ái lựa chọn như lựa chọn một thiên sứ để vẽ nên những nhịp sống cho đời.

Hữu Vinh