LTS: Trong suốt hơn 50 năm qua, từ năm 1967, năm thành lập Chi hội Văn nghệ Nghệ An, sau đó là Chi hội VHNT Nghệ Tĩnh, rồi Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh nhà có nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tài năng thuộc nhiều lĩnh vực. Họ đã cống hiến một đời cho sự nghiệp VHNT và để lại nhiều tác phẩm giá trị.

Có thể nói, gia đình là chỗ dựa vững chắc cho văn nghệ sĩ sau những thác ghềnh trên con đường nghệ thuật. Hạnh phúc biết bao khi nhiều văn nghệ sĩ có con cũng theo đuổi niềm đam mê cùng cha, mẹ, tiếp bước mẹ, cha theo đuổi nghệ thuật, như những mầm cây được nuôi dưỡng bằng nguồn nhựa sống đam mê. Chung một con đường nghệ thuật – nơi đó vừa có chông gai thử thách, nhưng cũng xiết bao hạnh phúc.

Cha, mẹ và con cùng tắm mình trên dòng sông nghệ thuật. Cha, mẹ dìu dắt con, con noi theo tấm gương của cha, mẹ mà dần vững vàng, mà tự bơi ra biển lớn. Ấy là hạnh phúc, là hồng phúc không chỉ của gia đình mà còn là của cả một nền văn nghệ địa phương.

Một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt là kế thừa những giá trị của cha ông. Thế hệ con cháu luôn trân trọng cống hiến của những người đi trước, đặc biệt là của chính gia đình mình. Với người Việt, truyền thống gia đình là giá trị vĩnh hằng mà tất thảy chúng ta ai cũng khát khao gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, nếu trong các lĩnh vực khác, việc tiếp nối truyền thống cha ông không quá khó, thì trong lĩnh vực nghệ thuật không đơn giản chút nào bởi nó đòi hỏi những tố chất đặc biệt, niềm đam mê đặc biệt mới có thể theo đuổi cái nghiệp của cha ông.

Thật may mắn khi nền văn nghệ Nghệ An có những cặp cha – con, mẹ – con cùng nhau tiếp bước trên con đường nghệ thuật. Họ đem đến cho khu vườn văn nghệ tỉnh nhà thêm nhiều hương sắc, mỗi người mỗi vẻ. Điều đáng mừng là nhiều văn nghệ sĩ thuộc thế hệ sau đã thoát khỏi cái bóng của cha, mẹ mà khẳng định tên tuổi của mình.

Để tri ân những bậc cha, mẹ đã dìu dắt con trên con đường nghệ thuật, ghi nhận những nỗ lực của thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay, Tạp chí Sông Lam xây dựng chuyên đề “Những gia đình văn nghệ ‘cha truyền con nối’” với mong muốn gửi tới quý độc giả những câu chuyện hay, xúc động của những cặp cha – con, mẹ – con nghệ sĩ và những giá trị quý báu của văn hóa gia đình trên mảnh đất Nghệ An suốt hàng chục năm qua.

Bài 9: BẢN HÒA TẤU ĐẬM TÌNH CHA CON

Nhạc sĩ – NSND Phạm Hoàng Thành.

Chúng tôi đến thăm gia đình nhạc sĩ – NSND Phạm Hoàng Thành tại phường Quang Trung, thành phố Vinh khi hai người con của ông cũng về thăm gia đình. Nhạc sĩ Phạm Hoàng Tuấn hiện đang công tác tại Đoàn Văn công Quân khu IV và người em trai Phạm Hoàng Hùng là nhạc công từng công tác tại Đoàn Nghệ thuật Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp cũng là những nghệ sĩ đang khoác trên mình màu xanh áo lính.

Con đường âm nhạc

Nhạc sĩ, NSND Phạm Hoàng Thành, sinh năm 1952, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông là hội viên Hội VHNT Nghệ An, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT NA.

Năm 11, 12 tuổi, cậu bé Phạm Hoàng Thành đã say mê tiếng đàn accordion, chính vì vậy sau này Phạm Hoàng Thành quyết tâm thi vào học trung cấp Khoa Acordion tại Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1967. Sau 4 năm khổ luyện, năm 1971, ông tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc rồi về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 4 với vai trò là nhạc công. Trong thời gian làm việc tại đây, nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành đã tự học để sáng tác ca khúc và chỉ huy dàn nhạc.

Năm 1975, ông thành công ở vị trí nhạc trưởng Đoàn kiêm sáng tác ở Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4. Ca khúc “Anh tình nguyện và khúc hát lâm tơi” là tác phẩm đầu tay của ông trong lĩnh vực sáng tác. Ngay sau khi ra đời, bài hát này đã để lại dư âm rất tốt trong lòng khán giả, ca khúc góp phần đưa nhạc sĩ Hoàng Thành đến gần hơn với công chúng. Ông chia sẻ: trong một lần đoàn đi diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ trong trận đánh đuổi phỉ Vàng Pao ở Long Chẹn (Lào). Lúc đó ông bị thương, dập ngón tay trỏ, mặc dù phải băng bó nhưng ông vẫn say sưa chơi đàn để bộ đội được vui hưởng ca nhạc. Nhớ mãi cảm xúc lần biểu diễn đó, nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành đã viết nên ca khúc “Anh tình nguyện và khúc hát lâm tơi”. Sau đó, ông liên tục viết nhạc múa cho đoàn, có nhiều tác phẩm do ông sáng tác đã đoạt  huy chương vàng, huy chương bạc tại các hội diễn toàn quân, toàn quốc.

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành cùng đồng đội đã trải qua không biết bao nhiêu buổi biểu diễn trên những sân khấu dã chiến ở những chiến trường trọng điểm của Khu IV và nước bạn Lào. Với ông, đó là những năm tháng đáng nhớ trong cuộc đời nghệ sĩ – chiến sĩ của mình. Nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành hồi tưởng: sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), đầu tháng 3/1973, diễn ra cuộc trao trả tù binh – tù chính trị giữa ta và đối phương trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Các cuộc trao trả được phái đoàn quốc tế (ICCS) giám sát, Phái đoàn Quân sự 4 bên ấn định 4 đợt trao trả tù binh trong năm 1973. Ngày 12/3 là đợt đầu tiên trao trả tù binh tại sông Thạch Hãn. Cuộc trao đổi diễn ra trong sự xúc động trào dâng của những người có mặt. Tôi còn nhớ, những chiến sĩ của ta khi mới ra đến giữa sông đã nhảy xuống bơi vào bờ. Các nghệ sĩ cùng bộ đội, người thân của các chiến sĩ được trao trả cũng chạy xuống dìu các anh lên bờ rồi biểu diễn phục vụ ngay tại chỗ. Nhìn hình ảnh các anh trở về mừng mừng tủi tủi, ôm chầm mẹ già, vợ, con thơ và đồng đội không ai là không rơm rớm nước mắt. Nhiều người đã khóc lên vì sung sướng. Chúng tôi có nhiều buổi biểu diễn xuất thần ngoài dự định, diễn như chưa bao giờ được diễn.

Khi đã thành công ở lĩnh vực sáng tác, nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành tiếp tục thử nghiệm trong lĩnh vực biên tập chương trình. Để tổ chức được các chương trình chuyên nghiệp, ông đã dàn dựng các chương trình không chuyên ở Nghệ An, sau đó tiếp tục đi học cao đẳng tại Khoa Sáng tác, Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành là một trong những người đầu tiên đưa hơi thở nhạc nhẹ vào âm nhạc ở Nghệ Tĩnh. Năm 1985, chương trình nghệ thuật do ông chỉ đạo cho Tỉnh đoàn Nghệ An tham gia Festival Thanh niên toàn quốc đã giành Huy chương Vàng. Cũng trong năm này, tiết mục tham gia dự Hội diễn “Từ Làng Sen” của Đoàn Văn công Quân khu IV do ông chỉ đạo nghệ thuật cũng giành giải Nhất.

Năm 1995, ông chỉ đạo chương trình nghệ thuật tham gia hội diễn toàn quân đầu tiên của Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV tại Thành phố Hồ Chí Minh đã giành giải đặc biệt với 5 huy chương vàng, trong đó có Huy chương Vàng của NSƯT Thu Hằng (vợ nhạc sĩ Hoàng Thành) thể hiện ca khúc “Người mę Làng Sen” của ông phổ thơ Vi Phong. Các tiết mục của Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV do ông dàn dựng, chỉ đạo tham gia các hội diễn toàn quân, toàn quốc và chương trình nghệ thuật “Đường 9 xanh – Nhịp cầu xuyên Á” đã đoạt nhiều huy chương vàng.

Về đào tạo, huấn luyện âm nhạc, nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành được mời giảng dạy tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Ông góp phần đào tạo nhiều thế hệ học viên của trường. Nhạc sĩ Hoàng Thành được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” năm 2001, “Nghệ sĩ Nhân dân” năm 2016.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ – NSND Phạm Hoàng Thành để lại một số lượng tác phẩm lớn và phong phú như: hợp xướng 4 chương: Quảng trường sáng mãi niềm tin; hợp xướng 1 chương: Bầu trời, Biển và mặt đất; 25 tác phẩm nhạc múa, độc tấu nhạc cụ dân tộc với dàn nhạc; 100 ca khúc như: Anh lính tình nguyện với khúc hát lăm tơi; Buông áo em ra; Tiếng sáo diều tuổi thơ; Bên dậu cúc tần; Nhớ dòng sông tuổi thơ; Lính tân binh; Anh nuôi tuyệt vời…

Nhạc sĩ – NSND Phạm Hoàng Thành cũng vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý của Trung ương và địa phương như: Giải A, Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương, 2000; giải Nhì, Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương năm 2005 và giải C năm 2010; giải Nhì (không có giải nhất) Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Tổng cục Chính trị; 4 tác phẩm nhạc múa, độc tấu nhạc cụ dân tộc với dàn nhạc Huy chương Vàng toàn quân, toàn quốc và nhiều giải thưởng khác. Ông về hưu với quân hàm Đại tá, chức vụ Trưởng Đoàn Văn công Quân khu IV.

Về hưu, nhạc sĩ – NSND Phạm Hoàng Thành vẫn tham gia vào nhiều hoạt động ở Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An với chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực (2013-2019). Ông vẫn luôn hăng hái, nhiệt tình tham gia dàn dựng, sáng tác cho nhiều chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh và Quân khu IV. Ngoài ra ông còn mở lớp đào tạo những em học sinh có năng khiếu âm nhạc để thi vào các trường chuyên nghiệp. Nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành chia sẻ: việc giảng dạy là để thỏa mãn đam mê của mình và truyền cho lớp trẻ tình yêu, cảm hứng với âm nhạc.

Truyền thống gia đình

Hai cha con nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành, Phạm Hoàng Tuấn.

Nói đến truyền thống âm nhạc của gia đình nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành mọi người trong gia đình ông đều nhớ đến cụ Phạm Hoàng Thọ, bố của nhạc sĩ Hoàng Thành. Nghệ sĩ Hoàng Thọ được biết đến với tư cách là một nhà viết kịch bản sân khấu nhưng ông có vốn liếng âm nhạc rất sâu rộng. Nghệ sĩ Hoàng Thọ đã viết chung với nhạc sĩ Lê Hàm, Thanh Lưu cuốn sách nghiên cứu, sưu tầm những làn điệu dân ca ví, giặm và dân ca của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ Tĩnh. Nhớ về người bố, nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành xúc động: Bố tôi là một nghệ sĩ đa năng, ngoài viết kịch bản sân khấu, cụ còn vẽ, trang trí sân khấu, sáng tác âm nhạc và chơi vi-ô-lông. Cụ là hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An.

Nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành đã được cha hướng theo con đường nghệ thuật từ rất sớm. Kiến thức về dân ca các vùng miền Nghệ Tĩnh mà cụ Hoàng Thọ để lại là chất liệu quan trọng cho quá trình sáng tác của nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành và các con ông sau này.

Nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành tâm sự: có hai yếu tố tạo nên chất nhạc trong tâm hồn ông là quê hương và gia đình. Ông sinh ra và lớn lên bên dòng sông La thơ mộng, làng quê Đức Phong (Đức Thọ – Hà Tĩnh) với những câu hò, điệu ví đậm tình xứ Nghệ đã nuôi dưỡng tâm hồn ông từ những ngày thơ bé.

Cả gia đình nhạc sĩ Hoàng Thành đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Vợ ông – NSƯT Thu Hằng, là giọng ca vàng một thời được ví như “con chim sơn ca” của Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV. Giờ đây, tuy đã nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, nhưng bà vẫn góp phần thắp lửa đam mê cho rất nhiều ca sĩ trẻ của xứ Nghệ như Bùi Lê Mận, Đinh Trang… Hai người con trai, được sự dìu dắt của ông cũng nối nghiệp bố, mẹ trong màu xanh áo lính ở các đoàn nghệ thuật quân đội.

Con trai ông, nhạc sĩ Phạm Hoàng Tuấn, sinh năm 1978, cũng tiếp bước cha trên con đường nghệ thuật và cũng là đồng nghiệp của ông hiện đang công tác tại Đoàn Văn công Quân khu IV. Nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành tâm sự: Tuấn bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ khi còn nhỏ. 7-8 tuổi, Tuấn đã chơi được organ, piano. Được sự dìu dắt của bố, Hoàng Tuấn tiến bộ nhanh chóng. Năm 13 tuổi, khi mới học xong cấp 2, Tuấn được gởi đi học tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Sau khi tốt nghiệp, anh về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu IV. Nhạc sĩ Hoàng Tuấn đã ghi dấu ấn trong sự nghiệp của mình bằng giải thưởng bài hát mang phong cách thính phòng nổi bật dành cho ca khúc “Con ơi hãy ngủ” (viết chung với nhạc sĩ An Hiếu) năm 2010. Cũng trong năm này, anh được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ngoài ra Hoàng Tuấn còn nhận được những giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các hội diễn toàn quân, toàn quốc, Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương, tỉnh Nghệ An, lần thứ V…

Con đường mà nhạc sĩ Hoàng Tuấn theo đuổi là nhạc không lời, bởi theo anh, đó là dòng nhạc có biên độ sáng tạo rộng rãi nhưng không ít khó khăn thách thức; thể hiện một cách đầy đủ nhất tư duy âm nhạc của người nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành và con trai Phạm Hoàng Tuấn đã cùng viết chung nhiều tác phẩm như: bản hòa tấu “Âm thanh miền Tây” sử dụng chất liệu dân ca Khơ mú; bản nhạc “Phi tô bính dính” song tấu bầu, sáo Mông và dàn nhạc nhẹ, tham gia cuộc thi âm nhạc Asean tại Hội An; hòa tấu “Tình quê trong chiếc nón tơi” đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc tại Đà Nẵng; hợp xướng múa hát “Anh Sơn một cõi”… Nhạc sĩ Phạm Hoàng Tuấn tâm sự: được sáng tác và làm việc chung với bố là một niềm hạnh phúc lớn của tôi. Ông luôn là một người thầy, người đồng nghiệp lớn giúp tôi trưởng thành trong lĩnh vực âm nhạc. Trong công việc, bố tôi luôn nghiêm khắc, chu đáo và tận tụy. Bố con thường xuyên trao đổi với nhau thẳng thắn.

Người con trai thứ hai của nhạc sĩ Phạm Hoàng Thành là Phạm Hoàng Hùng, sinh năm 1978. Ngoài năng khiếu chơi các loại nhạc cụ như organ, piano… Hùng còn có năng khiếu hội họa. Anh đã từng học khoa Hội họa Trường VHNT Quân đội một thời gian trước khi chuyển sang học nhạc công. Sau một thời gian công tác tại Đoàn Nghệ thuật Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp, anh đã chuyển sang lĩnh vực khác.

Niềm vui lớn nhất của nhạc sĩ – NSND Phạm Hoàng Thành là về hưu nhưng vẫn được sống trọn vẹn trong bầu không khí âm nhạc. Trong gia đình, các con và vợ ông cũng là những đồng nghiệp có thể cùng nhau chia sẻ. Ngoài xã hội, ông vẫn được tận hiến qua những chương trình nghệ thuật mà ông dàn dựng và sáng tác cũng như tình cảm của các cháu học trò được ông dìu dắt. Trái tim người nhạc sĩ vẫn luôn ấm nóng, luôn đầy nhiệt huyết sau bộ quân phục màu xanh áo lính.

Hữu Vinh