Nồi hông xôi, một số nơi còn gọi là chõ, là một vật dụng quen thuộc với đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên mọi miền đất nước chúng ta. Với những người sinh ra từ những năm 90 của thế kỷ trước hẳn không ai là không biết đến nồi hông xôi bởi nó chưa đựng bao kỷ niệm của một thời ấm tình làng nghĩa xóm.

Chiêc nồi hông xôi bằng đất nung giờ đã là kỷ niệm.

Một chiếc nồi hông bằng đất nung, không phải nhà nào cũng có bởi nó dễ vỡ lại ít dùng. Khi có việc gì cần đến, mọi người thường sang nhà nhau mượn về hông xôi làm cỗ. Mượn rồi cũng phải “lại quả” cho trẻ con nhà hàng xóm vắt xôi, miếng thịt mỡ để… lần sau còn mượn.

Nhà tôi có một chiếc nồi hông dùng đã lâu, nồi hình bầu dục, khi mới mua có màu vàng thổ của đất nung; dùng lâu nồi bị lửa táp xung quanh tạo nên những lớp đen chắc chắn. Mỗi lần dùng xong, mẹ tôi cẩn thận lau chùi bằng những sợi rơm vàng cho sạch những hạt nếp nhão bết vào nồi rồi sau đó mới rửa lại bằng tấm vải mềm. Rửa xong, bà đem hong khô rồi cất ở một góc kín đáo trong bếp để tránh sự va chạm của bọn trẻ chúng tôi và lũ chuột, hay chó, mèo quậy phá. Thường thì nồi hông chỉ dùng mỗi năm vài, ba lần, còn thì cho bà con lối xóm mượn làm cỗ.

Mỗi khi hàng xóm sang nhà mượn nồi hông, tôi mừng thầm trong bụng, biết thế nào trưa hoặc chiều mấy chị em cũng sẽ được chia nhau đĩa xôi để trong đáy nồi khi họ đem nồi sang trả. Có khi phần lại quả chỉ là một nắm xôi nhỏ bằng nắm tay nhưng vậy cũng thỏa sự thèm thuồng bởi lâu ngày chúng tôi chưa được thưởng thức.

Có bận, chị hàng xóm sang mượn nồi hông, mãi tận tối mới đem trả. Chị gượng gạo nói chuyện với mẹ tôi: cô thông cảm, đáng lẽ phải đem cho em nó đĩa xôi nhưng hôm nay hông ít quá nên cúng và gửi cung đường hết. Mẹ tôi bảo, không sao, em nó lớn rồi, cho nó làm gì nữa. Chúng tôi nằm trên giường nghe lỏm câu chuyện mà buồn thiu rồi chìm vào giấc ngủ.

Nắm xôi, miếng thịt mỡ đã từng là món quà mà nhiều đứa trẻ thế hệ chúng tôi chờ đợi. Những bàn tay nho nhỏ vắt thật nhuyễn năm xôi nho nhỏ rồi ăn dè từng miếng nhỏ để thưởng thức cái vị dẻo thơm của lúa nếp, cái béo ngậy của miếng thịt mà có lẽ mỗi năm chỉ được thưởng thức mấy lần. Đứa có xôi vừa ăn vừa chơi như là nhem nhem chúng bạn.

Ngày ấy, các bà, các chị ai cũng phải biết hông xôi bằng nồi đất. Dụng cụ đồ xôi gồm nồi hông và nồi đáy. Nồi đáy là nồi kim loại để bên dười, đổ nước vào rồi đặt nồi hông lên. Nhờ những lỗ nhỏ dưới đáy nồi hông mà hơi nước từ nồi đáy bốc lên làm chín gạo nếp bên trên. Xung quanh miệng nồi đáy được trát một lớp bùn dẻo chịu nhiệt để hơi nước không thoát  ra ngoài. Nếu để hở miệng nồi đáy, xôi không đủ nhiệt sẽ sống hoặc khô. Người hông xôi phải có kinh nghiệm để định lượng được bao nhiêu nếp thì dùng nồi hông và nồi đáy to, nhỏ cho phù hợp. Nếu nồi hông và nồi đáy to mà ít nếp thì xôi sẽ nhão. Nếu nồi hông và nồi đáy nhỏ mà nhiều nếp xôi sẽ cứng hoặc sống. Hông xôi bằng nồi hông làm từ đất sét bao giờ cũng cho xôi mềm, dẻo, thơm ngon hơn so với nồi kim loại sau này.

Để mua được chiếc nồi hông ưng ý người dân quê tôi phải chờ đến những phiên chợ Sy, chợ Dàn mới có đủ các loại kích cỡ để lựa chọn. Nồi hông thường do những người từ các làng nghề ở Đô Lương, Thanh Chương, Yên Thành đem xuống bán. Thảng hoặc cũng có những người đẩy xe nồi đất, nồi hông đi bán rong vào tận trong làng.

Năm tháng trôi qua, chiếc nồi hông của mẹ, những vắt xôi để trong đáy nồi của các bà, các chị hàng xóm năm nào đã là kỷ niệm. Tình làng nghĩa xóm được chưng cất như những chiếc nồi hông mà nên thơm mùi lúa nếp, mà nên thơm thảo tình người.

Hữu Vinh