CHUNG MÀU XANH ÁO LÍNH

Múa là một ngành nghệ thuật đòi hỏi sự khổ luyện, kiên trì và nhiều tố chất thể chất đặc biệt. Do vậy, người nghệ sĩ múa cần có một niềm đam mê, một ý chí, nghị lực cao hơn mức bình thường mới có thể theo đuổi tới cùng con đường đầy chông gai, thử thách này. Ngay tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, có một gia đình nghệ sĩ mà bố, mẹ, con gái đều theo nghiệp múa và gặt hái được rất nhiều thành công. Điều đặc biệt, cả ba người đều khoác trên mình màu xanh áo lính. Đó là gia đình NSƯT Lâm Bích Nguyên, nghệ sĩ Đinh Văn Thành và con gái Phương Dung.

Chân dung NSƯT Lâm Bích Nguyên.

NSƯT Lâm Bích Nguyên: nguyên Trưởng ban Múa – Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An; hội viên Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam; Biên đạo múa Đoàn Văn công Quân khu 4, hiện thường trú tại khối 13, phường Trường Thi, thành phố Vinh.

Gần 30 năm hoạt động nghệ thuật, NSƯT Lâm Bích Nguyên đã gặt hái  nhiều thành công như: Huy chương Vàng cho diễn viên múa sô lô các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1981, 1995, 1999, 2003. Giải thưởng của Hội Nghệ sỹ múa Việt Nam với tác phẩm múa “Đôi đũa lệch”, 2007. Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ IV (2005-2010)… Chị được Nhà nước phong NSƯT năm 2006, về hưu với quân hàm Thượng tá.

NSƯT Lâm Bích Nguyên và duyên nghiệp múa

NSƯT Lâm Bích Nguyên sinh năm 1962 có quê mẹ ở Thanh Hóa, quê cha ở Hà Tĩnh. Chị sinh ra và lớn lên ở Đô Lương, Nghệ An khi bố mẹ chị đi sơ tán và định cư ở đó.

Lâm Bích Nguyên đến với nghệ thuật múa từ khá sớm. Mẹ chị là một giáo viên tiểu học nên hồi nhỏ chị cũng mơ ước trở thành một cô giáo như mẹ. Thế nhưng nghề múa đã tạo nên ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời chị. Hôm ấy, cán bộ Đoàn Văn công Quân khu IV về trường cấp 1 – 2, nơi mẹ chị đang dạy học, để tuyển sinh. Suốt gần một ngày mà cán bộ tuyển sinh không tuyển được em nào. Mẹ chị Lâm Bích Nguyên mời cô cán bộ tuyển sinh vào văn phòng uống nước trò chuyện. Mẹ chị Nguyên hỏi: sao nhiều cháu xinh đẹp vậy mà vẫn không tuyển được? Chị cán bộ tuyển sinh cho biết, múa là môn nghệ thuật đòi hỏi nhiều tố chất, các cháu được tuyển trước hết phải có vóc dáng mảnh mai, cao, tay chân thẳng và dẻo… Mẹ chị Nguyên bảo: mình có đứa con gái, hôm nay cháu nó nghỉ ở nhà vì đã học hết cấp 2, chuẩn bị vào cấp 3. Thế là cô cán bộ tuyển sinh đến nhà chị với hy vọng mong manh. Sau khi kiểm tra một số động tác, kĩ năng cơ bản, cô cán bộ tuyển sinh rất hài lòng bảo: “người đây rồi chứ cần tìm đâu nữa”. Sau khi được cán bộ tuyển sinh chấm, Lâm Bích Nguyên được đưa về Đoàn Văn công Quân khu IV tuyển lần 2 rồi ra Trường Nghệ thuật Quân đội tuyển lần 3. Trúng tuyển, chị phải ra Hà Nội học từ khi mới 14 tuổi.

Thế là từ đó, Lâm Bích Nguyên một mình sống và học tập xa gia đình dưới sự dìu dắt của thầy cô. Bố mẹ chị cũng phần nào yên tâm vì con mình được học trong môi trường quân đội. Thời gian này chị dồn hết nỗ lực vào việc học. Ngoài giờ học chính, chị lên sàn của trường để tập luyện thêm. Những đêm mất điện, chị phải  thắp đèn dầu để tập những động tác khó. Múa là một ngành học khắc nghiệt, đòi hỏi sự kiên trì nỗ lực của mỗi người, lớp chị đầu khóa có 18 người thì cuối khóa chỉ còn 12 người.

Năm 1980, Lâm Bích Nguyên tốt nghiệp và về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu IV. Lần đầu tiên Đoàn Văn công Quân khu IV có 3 diễn viên múa được học hành bài bản là Bích Nguyên, Ánh Tuyết, Thanh Sơn. Nhiệm vụ của đoàn là biểu diễn phục vụ bộ đội ở những nơi xa xôi trong tỉnh và Quân khu. Nhiều hôm đoàn phải hành quân xa, mới đến nơi các anh chị đã phải xuống xe dựng sân khấu giữa trưa rồi làm công tác nuôi quân, thăm hỏi bộ đội, tối đến lại diễn. Đoàn Văn công Quân khu IV thường sang Lào biểu diễn phục vụ Sư đoàn 324; Sư đoàn 968; Lữ đoàn 176…

NSƯT Lâm Bích Nguyên (giữa) cùng đồng nghiệp Đoàn Văn công Quân khu IV.

Mỗi đêm biểu diễn như vậy chưa được một nửa quân số đơn vị xem. Anh em bộ đội phải thay phiên nhau lo việc bảo vệ, ai chưa được xem thì hôm sau xem đoàn biểu diễn. Các diễn viên có khi suốt 2 tháng trời ròng mỗi đêm chỉ ngủ được vài tiếng rồi thức dậy hành quân lúc trời chưa sáng, ăn uống kham khổ nên ai nấy gầy rộc.

NSƯT Lâm Bích Nguyên chia sẻ: thời ấy, anh chị em nghệ sĩ ai cũng có bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm đam mê nghề nghiệp mãnh liệt, ra trường chỉ mong có cơ hội đi biểu diễn. Mặt khác, chứng kiến những khó khăn gian khổ của bộ đội thì anh chị em hiểu rằng những vất vả của mình chưa thấm vào đâu. Đoàn đi đến đâu cũng được bà con và các chiến sĩ yêu quý, chăm sóc chu đáo nên không ai so đo, tính toán, chỉ biết làm việc hết mình.

Chung niềm vui, nỗi buồn nghiệp diễn

Chồng chị, nghệ sĩ – Thượng tá Đinh Văn Thành là người kề vai sát cánh cùng chị trải qua những năm tháng khó khăn gian khổ nhất của cuộc đời. Hơn ai hết, anh hiểu, cảm thông và chia sẻ gánh nặng trên vai vợ để chị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hai vợ chồng cùng nhau sống qua những ngày khó khăn gian khổ trên đất Lào, những vùng biên giới hải đảo; cùng chị tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở các hội diễn toàn quân, toàn quốc.

NSƯT Lâm Bích Nguyên và nghệ sĩ Đinh Văn Thành.

Nghệ sĩ Đinh Văn Thành sinh năm 1959, anh tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) năm 1984. Nghệ sĩ Đinh Văn Thành là Đội trưởng Đội Múa của Đoàn Văn công Quân khu IV. Trong công việc, cặp đôi Bích Nguyên – Văn Thành thường được múa đôi với nhau. Anh chị đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Sau những đợt diễn, nhiều người viết thư về hỏi thăm, động viên là niềm vui chung của anh chị.

Chị Lâm Bích Nguyên hồi tưởng: năm 1985, sau khi chị và anh tổ chức đám cưới thì ngay đêm ấy, tầm 3- 4 giờ sáng, anh chị đã phải thức dậy cùng đồng đội nhận súng, đạn, tăng, võng… lên đường sang Lào làm nhiệm vụ. Năm 1987, khi con gái đầu lòng Phương Dung mới được hơn 1 tuổi, anh chị đã phải gửi con cho ông, bà nội để sang Lào công tác. Chị cho biết, những năm ấy tình hình nước bạn Lào đang rất phức tạp, bọn phỉ nổi dậy ở nhiều nơi làm tình hình an ninh, chính trị hết sức bất ổn. Mỗi khi Đoàn đi biểu diễn phải có những đơn vị quân đội đi cùng bảo vệ. Có lần, Đoàn đang hành quân qua những chặng đường vắng vẻ, không có nhà dân, nắng cháy chang chang thì có người vẫy xe xin đường. Anh em xuống xe mới nhận ra bộ đội Việt Nam bị sốt rét. Mọi người đưa bộ đội lên xe chở về căn cứ của Đoàn rồi tìm thuốc chữa trị, chăm sóc chu đáo mới để các anh về đơn vị.

Thời gian vợ chồng chị ở Lào, có người đi Lào về kể: có đoàn văn công Việt Nam đi diễn bên Lào bị phỉ phục, trong đó có một đôi vợ chồng. Thế là bố mẹ anh Thành vô cùng lo lắng, bà òa khóc rồi lên đơn vị hỏi thông tin thì được biết anh chị vẫn bình an, khi ấy bà mới yên lòng.

Năm 1999, Nghệ sĩ Đinh Văn Thành được Cục Chính trị Quân khu IV cử đi học chuyển loại chính trị. Anh trở về tiếp tục làm việc đến năm 2001 thì được bổ nhiệm làm Chính trị viên – Phó Trưởng đoàn, Đoàn Văn công Quân khu IV. Anh nghỉ hưu năm 2012 với quân hàm Thượng tá.

Đến giờ, NSƯT Lâm Bích Nguyên vẫn nhớ mãi kỷ niệm đẹp giữa hai mẹ con cùng học dưới một mái trường. Ấy là năm 2004, Lâm Bích Nguyên tham gia học lớp Cao đẳng huấn luyện tại Trường VHNT Quân đội cũng là năm con gái chị – Đinh Phương Dung, học năm cuối ở Trường.

Nghệ sĩ Phương Dung, con gái NSƯT Lâm Bích Nguyên và nghệ sĩ Đinh Văn Thành.

Phương Dung sinh năm 1985, bé Dung thích múa từ nhỏ. Khi bố mẹ cho đi theo những buổi tập, những đêm diễn, về nhà cô bé thường múa theo động tác mà các cô chú múa. Thấy con có năng khiếu, bố mẹ Phương Dung đã chú ý bồi dưỡng cho con, giúp khả năng của cô ngày càng phát triển. Trong suốt những năm đi học, Phương Dung luôn là nhân tố quan trọng trong đội múa của trường cấp 1, cấp 2. Năm 14 tuổi, Phương Dung được tuyển vào lớp năng khiếu Trường VHNT Quân đội, học từ năm 1999 đến năm 2004. Phương Dung tốt nghiệp với thành tích là thủ khoa của Trường. Hơn ai hết, chị Lâm Bích Nguyên rất hiểu sự vất vả của con, mặc dầu chính chị cũng đã trầy trật vì chấn thương, vì mệt mỏi nhưng mỗi khi con gái đau ốm hay chấn thương vì những buổi tập chị không cầm được nước mắt. Phương Dung là cô gái giàu nghị lực, những lời động viên, chia sẻ của bố mẹ đã giúp cô vững vàng hơn. Tấm gương lao động và học tập của mẹ đã giúp cô quên đi những gian nan vất vả của nghiệp múa mà vươn lên trong học tập.

Ngày tốt nghiệp, mẹ Nguyên là học viên xuất sắc của Khoa Huấn luyện, con gái Phương Dung là sinh viên xuất sắc của Khoa Diễn viên múa. Hai mẹ con đã cùng đứng trên bục danh dự của trường để nhận thưởng. Đây vừa là vinh dự của gia đình, vừa là kỷ niệm đáng nhớ của hai mẹ con – đồng nghiệp dưới một mái trường.

Tốt nghiệp Trường VHNT Quân đội, Phương Dung về công tác tại Nhà hát Ca Múa Quân đội. Bằng tâm huyết và sự sáng tạo, sau 2 năm với vị tri múa solo, Phương Dung và tốp nữ của Đoàn đã giành được Huy chương Vàng trong Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân với  tiết mục “Gạo mới”. Năm 2009, chị cùng đồng đội giành Huy chương Bạc trong Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1 với tiết mục “Nón lá”. Năm 2011, Dung chuyển công tác về Đoàn Văn công Quân khu VII, cô đã giành Huy chương Bạc với tiết mục “Khát vọng”; Huy chương Vàng với tiết mục “Biệt động thành” trong cuộc thi Nghệ thuật Ca Múa Nhạc chuyền nghiệp toàn quốc đợt 2 (năm 2015).

Bên cạnh đó, Phương Dung còn là biên đạo triển vọng và nhiệt huyết truyền lửa đam mê cho những nghệ sĩ múa trẻ của Đoàn Văn công Quân Khu VII. Từ năm 2012 – 2016, Phương Dung theo học Đại học VHNTQuân đội cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, cô con gái nhỏ bé ngày nào của NSUT Lâm Bích Nguyên  và nghệ sĩ Đinh Văn Thành đã là một sĩ quan mang quân hàm thiếu tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cô con gái thứ hai của anh chị là Đinh Phương Mỹ Duyên cũng mơ ước được theo nghiệp bố mẹ nhưng cuộc đời đã đưa cô sang một ngã rẽ khác. Là cô gái xinh đẹp, nhờ năng khiếu múa, hát, chơi đàn, năm 2018 Mỹ Duyên đã giành giải Người đẹp Tài năng trong cuộc thi hoa hậu toàn quốc.

Gia đình nghệ sĩ múa Lâm Bích Nguyên đã trải qua những chặng đường đi từ khó khăn, gian khổ mà trưởng thành. Những nghệ sĩ mang màu xanh áo lính ấy đã tận hiến vì niềm đam mê nghệ thuật. Họ là những ngọn lửa xanh sưởi ấm cho những người chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo, những người ngày đêm giữ gìn màu xanh Tổ quốc. Những vũ điệu như được nung nấu trong trái tim rồi cháy lên từ những đau đớn, mệt mỏi của thân thể mãi xanh như màu xanh áo lính.

An Châu

(Ảnh: gia đình cung cấp)