Trong một lần giao lưu văn nghệ với bà con dân tộc Thái thị xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, bà con đã dành cho chúng tôi những bất ngờ thú vị bởi phong trào văn nghệ nơi đây hết sức sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Đặc biệt ấn tượng là những âm thanh vừa hào hùng vừa réo rắt, thiết tha của dàn cụ dân tộc được các nghệ nhân biểu diễn thuần thục với tất cả niềm đam mê, tạo nên sức hút cho người xem. Tiết mục được biểu diễn bởi các nghệ nhân Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn và Phát huy các nhạc cụ dân tộc thị trấn Thạch Giám do nghệ nhân Lương Văn Huỳnh sáng lập và làm Chủ nhiệm.

Một số thành viên trong CLB.

Nghệ nhân Lương Văn Huỳnh, sinh năm 1979, là một giáo viên của Trường Tiểu học Thạch Giám 2. Là một giáo viên dạy tin học, không được học âm nhạc qua trường lớp, nhưng với niềm đam mê thanh âm của các nhạc cụ cổ truyền, anh đã tập hợp những người nông dân đến từ các bản trong huyện vào CLB để cùng sinh hoạt.

Từ nhỏ, Lương Văn Huỳnh đã bị cuốn hút bởi những giai điệu từ những nhạc cụ cổ truyền như: cồng, chiêng, trống, sáo trúc, khèn bè, sáo Mông, pí, đàn tủng tinh, xập xèng…. Âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng trầm hùng, tiếng sáo véo von, tiếng kèn tha thiết… vang vọng núi rừng đã thôi thúc anh theo học một vài nhạc cụ.

Nghệ nhân Lương Huỳnh.

Nghệ nhân Lương Văn Huỳnh chia sẻ: khi nhạc cụ hiện đại xâm lấn vào các hoạt động cộng đồng thì những nhạc cụ truyền thống gần như bị lãng quên, người nghe ít dần, người chơi nhạc cụ truyền thống càng thưa thớt dẫn đến mai một và có nguy cơ thất truyền. Các buổi sinh hoạt văn nghệ cộng đồng ngày càng ít người đến xem. Trước vấn đề đó thầy giáo Lương Văn Huỳnh đã đau đáu suy nghĩ, tìm cách khôi phục lại những giá trị âm nhạc cổ truyền của đồng bào mình. Vậy là anh một mình lặng lẽ tìm đến các bản làng xa xôi động viên số ít những người biết chơi các nhạc cụ như sáo, khèn, trống, cồng, chiêng, khèn bè, sáo Mông, pí, đàn tủng tinh, xập xèng… Lúc đầu chỉ được dăm ba người tham gia vì chưa thực sự tin vào hiệu quả của công việc khó khăn, nặng nề ấy. Nhờ quyết tâm của nghệ nhân Lương Văn Huỳnh, đặc biệt là tình cảm chân thành, anh cho mọi người thấy mục tiêu, ý nghĩa không vụ lợi mà đồng ý tham gia. Số người tham gia ngày càng đông dần lên: 7; 8 người, mươi người rồi hơn nữa… Phải mất khoảng một năm trời vận động, khi hội tụ được các điều kiện cơ bản, Lương Văn Huỳnh mới thành lập được CLB Bảo tồn và Phát huy các nhạc cụ dân tộc vào ngày 01/01 năm 2021, được Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Truyền thông huyện Tương Dương đã có quyết định công nhận. Đến nay, CLB đã có trên 20 thành viên.

Các nghệ nhân dạy sử dụng khèn bè cho các cháu thiếu nhi.

Các thành viên CLB ở cách xa nhau hàng chục km, có người ở cách Thạch Giám gần 40 km nên việc sinh hoạt chung rất khó khăn. Anh em trong CLB chủ yếu là nông dân, đời sống kinh tế nhiều người còn khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thu nhập từ cây rau, củ khoai, củ sắn, chăn nuôi con gà, con lợn… Có thể kể đến tấm gương của nghệ nhân Vi Văn Quỳnh, 68 tuổi, sống ở bản Chắn, thị trấn Thạch Giám. Ông Quỳnh là một thành viên rất tích cực của CLB, ông vừa tham gia đều đặn vào các buổi sinh hoạt chung cũng như một số đêm biểu diễn của CLB vừa lo lao động sản xuất kiếm kế sinh nhai và chăm sóc người vợ bị bệnh hiểm nghèo đã 13 năm nay. Khó khăn là thế, riêng có, chung có, nhưng không một ai kêu ca, phàn nàn. Các anh luôn xem công việc “vác tù và hàng tổng” là một niềm đam mê, mỗi khi được gặp nhau, được đắm chìm trong tiếng sáo, tiếng kèn là quên đi những mệt nhọc, lo toan của cuộc sống.

Thành viên CLB hầu hết trên 50 tuổi, người cao tuổi nhất là nghệ nhân Lay Đại Cương năm nay đã bước sang tuổi 70 nhưng niềm đam mê âm nhạc và khát khao gìn giữ âm thanh của nhạc cụ núi rừng đã giúp ông vượt qua khó khăn để cùng các em, các cháu sinh hoạt. Mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên phải vượt qua những quãng đường xa xôi, những con dốc cheo leo bằng những chiếc xe máy cà tàng. Có thể kể đến nghệ nhân Lương Văn Pắn, 58 tuổi, ở bản Khe Ngậu, xã Xá Lượng phải đi quãng đường 10 km; nghệ nhân cao tuổi Lay Đại Cương,  làm việc ở thủy điện bản Vẽ, phải đi quãng đường chừng 25 km; hay nghệ nhân Xên Văn Long, ở bản Pủng, xã Lưu Kiền, cũng phải đi quãng đường khoảng 30 km… Mỗi khi có thông báo của Chủ nhiệm CLB là các anh sẵn sàng thu xếp công việc gia đình để đi tập, đi biểu diễn.

Hướng dẫn các cháu sử dụng nhạc cụ tủng tinh.

Những ngày đầu thành lập, bao khó khăn thách thức bủa vây các thành viên CLB. Kinh phí đi lại, xăng xe, các đạo cụ các anh đều phải tự túc. Đường xá xa xôi, trang phục, nhạc cụ còn thiếu thốn trăm bề… Nghệ nhân Lương Văn Huỳnh cho biết, đối với CLB, nhạc cụ là quan trọng nhất. Anh em có thể uống nước chè xanh tập luyện, dùng trang phục bình thường để biểu diễn, nhưng sử dụng nhạc cụ tự chế không đảm bảo độ chuẩn xác về âm sắc, trong khi mua rất đắt, nhiều người không có đủ tiền. Một khèn bè có giá 1,5 triệu đồng; xập xèng 800 ngàn đồng, trống trên 2 triệu, một bộ cồng chiêng thì có giá hàng chục triệu… là quá sức đối với anh em câu lạc bộ.

Đầu tiên, mọi người thống nhất bản nhạc cần tập, mỗi người tự tập ở nhà theo các nhạc cụ sở trường của mình, sau đó anh em gặp nhau để tập hòa tấu, kết nối, phối hợp trong một một tiết mục chung. Các thành viên sinh hoạt chung mỗi tháng ít nhất một buổi, thường thì 2 đến 3 buổi, không kể ngày hay đêm. Các buổi tập luyện ít khi có ai vắng mặt vì mọi người đều đam mê chơi nhạc cụ dân tộc và cũng là một dịp để anh em gặp gỡ, giao lưu. Vui nhất là chuẩn bị cho các sự kiện văn nghệ của bản, của xã hay của huyện.

Một đêm biểu diễn của CLB. Ảnh: Nhật Thanh.

Đặc biệt, từ hè năm 2023, CLB đã phối hợp với Ban Thường vụ Đoàn thanh niên thị trấn Thạch Giám mở lớp dạy nhạc cụ miễn phí cho 40 em học sinh các bản của thị trấn Thạch Giám và vùng lân cận. Các nghệ nhân CLB đã truyền dạy những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao trong kỹ năng sử dụng nhạc cụ dân tộc như: sáo ngang, khèn bè, sáo Mông, pí, đàn tủng tinh, xập xèng… Từ chỗ chưa biết gì về nhạc cụ, các em đã sử dụng khá thành thạo một số nhạc cụ truyền thống. Quan trọng hơn, các bác, các chú đã thổi vào các em niềm đam mê và tình yêu với những nhạc cụ dân tộc.

Hướng tới hoạt động bền vững, lâu dài, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Thái nói chung, bảo tồn và phát huy các giá trị của nhạc cụ dân tộc Thái nói riêng, CLB đã kiến nghị với UBND huyện, Phòng Văn hóa – Thể thao, Phòng Giáo dục huyện cho phép đưa hoạt động dạy học, biểu diễn nhạc cụ truyền thống vào các hoạt động ngoại khóa trong trường học. Nơi phù hợp nhất để triển khai là Trường Dân tộc nội trú huyện vì đây là cơ sở tập trung những em học sinh thuộc các dân tộc khác nhau trên địa bàn huyện Tương Dương.

Nguồn động viên đối với nghệ nhân Lương Văn Huỳnh và các thành viên CLB là CLB đã được bà con khắp nơi trong huyện ghi nhận, sự ủng hộ của các cấp chính quyền. Sau khi thành lập, CLB được Hội đồng Nhân dân huyện Tương đồng ý cấp kinh phí 30 triệu đồng để mua sắm nhạc cụ, trang phục, loa đài và một số vật dụng cần thiết khác. Ngoài ra, CLB còn được cấp kinh phí mỗi năm 5 triệu đồng để duy trì hoạt động. CLB đã được nhiều địa phương trong huyện và lãnh đạo huyện mời biểu diễn nhân các ngày lễ hội, những sự kiện lớn. Tuy nhiên, mỗi buổi biểu diễn như vậy anh em thường phải tự túc kinh phí với mục tiêu vui là chính. Có khi CLB được các tổ chức mời diễn hỗ trợ một vài triệu đồng cũng chỉ đủ đổ xăng xe. Anh em thường động viên nhau rằng mình đã góp một phần nhỏ vào đời sống văn hóa huyện nhà, đưa những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào mình đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.

Từ những nỗ lực không ngừng, nghệ nhân Lương Văn Pắn – Phó Chủ nhiệm CLB, đã được Chủ tịch nước phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đây vừa là nguồn động viên to lớn đối với nghệ nhân Lương Văn Pắn vừa là nguồn động viên chung với các thành viên CLB.

Chia tay nghệ nhân Lương Văn Huỳnh và các anh trong CLB Bảo tồn và Phát huy các nhạc cụ dân tộc huyện Tương Dương, chúng tôi cảm phục niềm đam mê âm nhạc, tâm huyết giữ gìn những nét đẹp văn hóa dân tộc của các anh. Tiếng trống, tiếng cồng chiêng, đàn, sáo vẫn ngân vang đâu đây khắp núi rừng, khắp các bản làng Tương Dương chính là nhờ công lao của những người nghệ sĩ chân quê này.

Hữu Vinh
(Ảnh do nghệ nhân Lương Huỳnh cung cấp)