Mỗi văn nghệ sỹ có một cá tính, một phong cách riêng biệt cả trong nghệ thuật lẫn ngoài đời sống thường nhật. Sáng tác của họ thể hiện con người tinh thần của chính mình một cách chân thực nhất. Thế giới nghệ thuật mà họ tạo ra, bao giờ cũng gửi gắm những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc, và hơn thế là tư tưởng về nhân tình thế thái, về cuộc đời.

Khắc họa chân dung tưởng như là công việc của các họa sỹ, nhưng khắc họa bằng ngôn ngữ thơ sẽ là những bức chân dung thực sự đặc biệt. Nó có thể là nét phác thảo hay được vẽ một cách cẩn trọng, tỉ mẩn; có thể chỉ nhìn ở một nét nghiêng, một nét ưu tư, một gương mặt trực diện; có thể nghiêm ngắn, nhưng có thể phá cách đầy hài hước… Khắc họa chân dung văn nghệ sĩ bằng thơ không chỉ là khắc họa một dáng vẻ, mà còn là tính cách và cá tính sáng tạo nghệ thuật. Và chắc chắn rằng, phải trăn trở, phải yêu quý hay thú vị lắm…, thì những nhà thơ – họa sỹ mới dành tặng cho bạn bè mình những bức chân dung độc đáo, có “thần” như vậy.

Chuyên mục Chân dung thơ của Tạp chí Sông Lam kỳ vọng sẽ đem đến cho quý độc giả thật nhiều những bức chân dung sinh động về các văn nghệ sỹ Nghệ An và mở rộng ra văn nghệ sỹ cả nước. BBT cũng mong sẽ nhận được sự hưởng ứng của các văn nghệ sỹ, để chúng ta có thêm một “sân chơi” sôi động, thú vị, bởi ở nơi này, chúng ta có tới hai sự độc đáo: của người “vẽ” và người “được vẽ”.

Phác họa chân dung nhà thơ Xuân Tiếu. Ảnh do tác giả cung cấp

Cụ Xuân Tiếu, họ Bùi, sinh ngày 2/2/1913, ông quê gốc Nam Định. Năm 1947 cụ Xuân Tiếu mới vào Nghệ An và nên nghiệp văn chương tại đây cho tới khi qua đời. Chuyện kể về cụ thật nhiều, vui có, buồn cũng có.

Những năm 60 của thế kỉ XX, cụ Xuân Tiếu làm công chức ở Ty Văn hóa Nghệ An, một bận, vì mải làm thơ, cụ để quên cả chiếc xe đạp cà tàng ngoài vườn hoa, thời ấy xe đạp giá trị lắm. Vài hôm sau, bọn trộm trả lại chiếc xe cho nhà thơ, có thể là do chiếc xe đã quá tã. Cụ có người vợ giới văn nghệ sỹ Nghệ – Tĩnh quen gọi là chị Tiếu, chị tần tảo hôm sớm xuôi ngược chợ Đình, chợ Trổ, chợ Chùa… kiếm kế sinh nhai. Cụ bà là người thấu hiểu, cảm thông cái nghiệp nhọc nhằn của chồng. Một đêm nọ, viết xong bài thơ, muốn có ngay bạn tri âm để chia sẻ, nhà thơ Xuân Tiếu đành đánh thức vợ dậy để nghe cho được bài thơ của mình. Đọc xong, ông hỏi vợ:

– Mẹ nó nghe thấy có hay không?

– Hay, người vợ an ủi chồng, khi ấy trời đã gần sáng.

– Hay thì dậy nấu cho tôi ấm nước chè nhé!

Cụ bà cả một đời không làm câu thơ nào nhưng lại là người tần tảo, hồn nhiên dành bát cơm không độn phần chồng, túng đói quá thì bát cháo rau má cả nhà cùng xì xụp húp. Cụ Xuân Tiếu từng ao ước: “Bao giờ cho hết chiến tranh/ Để tôi được húp miếng canh tập tàng…”.

Túp lều tranh, nơi trú ngụ của gia đình cụ Xuân Tiếu hồi đó ít khi vắng tiếng cười nói, tiếng thơ ngâm, lời thách đối… Cụ Xuân Tiếu và nhà thơ Trần Hữu Thung là chỗ tri âm, tri kỉ từ những năm đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Có lần, cả hai cụ đang trên đường công tác thì ghé vào một quán tiết canh. Nhận ra những nhà thơ thân thuộc của mình, chủ quán (có người vợ đã qua đời) tiếp đón đầy thịnh tình và mong muốn được treo trong nhà đôi câu đối do chính các nhà thơ viết, đề tặng. Trần Hữu Thung nhường bạn lên tiếng trước. Cụ Tiếu hắng dọc đọc: Trọn lòng giữ tiết nuôi con trẻ.

Nhà thơ Trần Hữu Thung tiếp vế thứ hai: Rượu nhạt trà thanh nhớ vợ hiền rồi tự tay chép đôi câu đối lên mặt giấy, đem tặng chủ quán làm kỉ niệm.

Sau ngày đất nước thống nhất (1975), một lần, từ Diễn Châu vào Vinh, nhà thơ Trần Hữu Thung đến thăm bạn. Bên chén rượu suông, trời lại mưa, họ hàn huyên rất lâu. Cụ Tiếu chợt buột miệng: “Trời mưa nước chảy ngang sân”. Trần Hữu Thung thêm một câu cho tròn cặp lục bát: “Đôi ta rồi sẽ vào dần lãng quên”. Cả hai lặng đi hồi lâu trong tiếng mưa rơi, trong những liên tưởng đượm buồn của thi nhân và cuộc sống vô thường.

Di cảo của nhà thơ Xuân Tiếu còn lại khá khiêm tốn, gồm 2 tập trường ca mỏng, do NXB Phổ Thông ấn hành: “Bác về thăm quê” và “Mạch máu giao thông”; ngoài ra cụ còn để lại khoảng 70 bài thơ; 40 đôi câu đối…

Họa sĩ Xuân Quang, con trai cụ Xuân Tiếu là người bạn vong niên gần nhà tôi. Nhà chúng tôi ở xã Hưng Dũng, thành phố Vinh. Ngoài vẽ tranh, Xuân Quang còn làm thơ, đọc thơ say sưa bên chén rượu, anh hay quần tụ với các họa sỹ như Đào Phương, Tiêu Cao Sơn, Hoàng Hải Thọ, Hữu Dỵ, Phan Hồng Khánh… Nhiều bận bên chén rượu, Xuân Quang thường kể những câu chuyện về người cha của mình. Anh kể với tình cảm thương nhớ và cảm phục cả một thế hệ làm văn nghệ đầy tâm huyết của quê hương Nghệ An những năm chống Pháp, chống Mỹ. Xuân Quang cho biết, khi sắp qua đời, cụ Xuân Tiếu có 2 nguyện vọng tha thiết: là dựng một nếp nhà cho người con trai trưởng đang gặp khó khăn và khi có điều kiện thì cố gắng xuất bản những tác phẩm của cụ thành sách.

Nhà thơ Xuân Tiếu qua đời ngày 22 tháng 6 năm 1989 tại nhà riêng ở Đội Cung, thành phố Vinh. Nguyện vọng thứ nhất của cụ đã thành hiện thực. Việc thứ hai là xuất bản Tuyển tập Xuân Tiếu gồm sáng tác thơ, văn, câu đối, cùng những hồi ức, chuyện kể, thơ ca bạn làng văn viết tặng cụ, thì các con cụ, trong đó có NSƯT Xuân Lộc, nguyên cán bộ Đài PTTH Nghệ An, tiếp tục sưu tập, chỉnh lí, hoàn thiện. Rất tiếc, NSUT Xuân Lộc, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp VHNT tỉnh, vừa đột ngột ra đi khi vẫn chưa thực hiện được nguyện vọng của cha.

Trước hôm cụ Xuân Tiếu mất, nhà thơ Xuân Hoài rủ tôi cùng mấy người bạn văn đến thăm, cầm theo một tập thơ trong đó có thơ Xuân Tiếu. Lúc đó, nhà thơ đã không còn nói được nữa, cụ chỉ nhìn và đưa tay ra hiệu mơ hồ gì đó. Qua cử chỉ, mọi người đứng quanh hiểu rằng cụ còn có điều gì rất muốn trao gửi cho đồng nghiệp? Ngày hôm sau, tôi viết xong bài thơ “Khao khát”.

Khao khát
(Kính viếng nhà thơ Xuân Tiếu)

Nơi thuốc thang bất lực
Bạn mang thơ
Tới bên giường nằm
Bài thơ ông viết
Hai – mươi – bảy – năm trước.

Tay quờ chạm
Những câu thơ tuổi tác
Hình như ông muốn
Ông đang khao khát
Đổi một chữ
Bớt một câu nhàm nào đó?
Nhà thơ ơi
Nhà thơ ơi
Muộn rồi!

Chút khao khát phù du
Bùng lên
Rồi vụt khuất
Đã từ giã người thơ
Mãi còn trên mặt đất!
               (Vinh, sáng 22/6/1989)

Cái “chút khao khát” ấy hình như người cầm bút nào, dù ít dù nhiều, cũng đều có cả. Nó vô hình, nó mong manh, nó tội nghiệp. Tóm lại, nó phù du lắm. Không hiểu sao tôi vẫn tin là nó vẫn còn, sẽ còn lại lâu dài trong trời đất. Chỉ có điều, chúng ta vùi vào cơm áo quá sâu nên không nhận ra đấy thôi.

Nhiều năm sau khi họa sỹ Xuân Quang qua đời, do mấy lần chuyển công tác nên tôi không có dịp gặp lại gia đình, người thân của cụ để hỏi chuyện, nắm bắt thông tin. Tôi luôn cầu mong cho di nguyện cuối cùng của người nghệ sỹ đã từng gắn bó với mảnh đất Nghệ An này được thực hiện càng sớm càng tốt. Tôi cũng mong sao tên tuổi của các văn nghệ sỹ đàn anh đi trước, cống hiến một đời trong nghèo khó, như Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Thái Kim Đỉnh, Thanh Minh, Nguyễn Trung Phong, Hoàng Thọ, Văn Đồng, Xuân Hoài, Nguyễn Tường Lân, Quang Huy, Hồng Nhu, Bá Dũng, Lê Duy Phương, Biển Hồ, Phan Hồng Khánh, Đào Phương, Phan Sinh Viên, Tiêu Cao Sơn, Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Xuân Phầu, Lê Thái Sơn, Mai Cường, Phan Văn Từ… không bị rơi vào quên lãng trong trí nhớ lớp lớp hậu sinh.

Nguyễn Văn Hùng