Khoảng thời gian từ năm 1977 tới những năm 80 của thế kỷ trước, tôi học ở Trường ĐH Sư phạm Vinh, ở với ông bà cụ thân sinh tại phòng 451, nhà B3, chung cư phường Quang Trung, TP. Vinh. Cư dân Quang Trung hồi ấy, các nhà giáo, văn nghệ sỹ được phân nhà về đây đông lắm, trong đó có gia đình nhà thơ Nguyễn Quốc Anh, ở gác bốn, nhà B4. Tôi mê thơ văn, nên hay lui tới kề cà nhà các bác Xuân Hoài, Dương Huy, Thạch Quỳ, Bá Dũng, Hồng Nhu, Đặng Văn Ký, Lê Bá Hán, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Quốc Anh, Đào Phương,… Ở nhà tầng, hai ba thế hệ sống chung, thường chật chội. Người thích sự phóng khoáng, tự do, ưa gần gũi với thiên nhiên cây cỏ như bác Nguyễn Quốc Anh lại càng muốn tìm một chỗ yên tĩnh, gần gũi mặt đất, bạn văn thơ gặp nhau cũng tiện. Thế là một hôm, có xin phép cán bộ chung cư hay không thì tôi chẳng biết, bác phát một khoảng cây mọc dại cạnh nhà B4, dựng cái chòi bằng tre lợp lá, rồi dọn một ít sách vở, chăn màn, nồi niêu, cốc chén, điếu cày xuống ở. Tôi không dám nghĩ nhà thơ ra “ở riêng”, vì gia đình đang ấm áp, hạnh phúc. Năm 1990, tôi viết tặng bác ấy bài thơ sau đây, giờ đọc lại thấy thương nhớ một thời:

Nhà thơ Trần Hữu Thung và nhà thơ Nguyễn Quốc Anh (bên phải). Ảnh chụp sau 1975.

Chợt nhận ra mình cằn cỗi bên cây

Văn minh nhà tầng xô anh xuống đất
Với giếng thơi, vạt muống, hoa bìm
Chị bảo anh hâm, xóm chòm thấy lạ
Ai biết được bên tre, dưới cọ
Anh ủ thức gì cho ngày đông không xa?
Đêm đầu xuống, trăng lùa chóp mái
Hương khấn thổ thần pha khói thuốc lào
Sau đằng đẵng khát cao, ta tìm về cỏ cỏ
Giữa chuyện áo cơm, giữa chừng thơ phú
Chợt nhận ra mình cằn cỗi bên cây!

Sau gần 5 năm công tác ở Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, tôi trở lại Nghệ An làm Tạp chí Văn hóa. Được khoảng mươi số, anh Lê Thái Sơn bấy giờ đang giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam, bảo Hùng sang Hội làm Tạp chí Sông Lam đi, có thời gian tập trung cho văn thơ, mà vẫn được làm báo. Cứ nghĩ thật kỹ, rồi quyết sớm để bọn anh làm thủ tục giấy tờ. Nghe “bùi tai”, thế là cuối mùa xuân năm 1999, tôi chuyển sang nhận việc ở Tạp chí Sông Lam. Quen và chơi với nhà thơ Nguyễn Quốc Anh từ sau năm 1975, thời còn tỉnh Nghệ – Tĩnh. Bác làm Ban Công tác hội viên của Hội; còn nhớ sau tách tỉnh năm 1991, bác muốn kéo tôi vào Hà Tĩnh làm việc ở Hội Văn nghệ cho có bầu có bạn, trong đó họ đang cần người. Tôi thôi dạy ở khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh, vào Hà Tĩnh công tác theo lời mời của hai anh Xuân Hoài và Đức Ban, và còn vì nể bác Quốc Anh nữa. Tuy nhiên, sau đó bác không vào mặc dù thuộc diện bắt buộc vào do quê Đức Thọ. Ở lại Hội Văn nghệ Nghệ An, bác tiếp tục say sưa hoạt động tại Ban Công tác hội viên: kết nạp hội viên mới; theo dõi, thăm viếng hội viên cao tuổi; làm bản tin hội viên, tư liệu lịch sử Hội, viết chân dung hội viên; “chạy” đất đai nhà ở cho cán bộ nhân viên trong cơ quan; chạy đôn chạy đáo, có mặt bao nhiêu cuộc đám cưới, đám ma, đọc thơ, trại viết, đi thực tế, họp hành, phát biểu vô thiên lủng.

Nhớ lần nọ, bác đưa cho tôi xem cả một bó to giấy tờ các loại đã cũ lắm, bảo đây là tư liệu, số liệu, giai thoại, chân dung hội viên Hội ta, Hùng tính cẩn thận, có thể cầm bảo quản dùm mình được không. Tôi kính phục bác công phu, tâm huyết với anh em văn nghệ sỹ tỉnh nhà, nhưng không dám nhận… Có thể nói là Ban này cho tới hôm nay vẫn không ai có thể thay thế được bác ấy! Một thời gian dài trước tách tỉnh, chúng tôi hay kéo nhau sang chơi mấy bạn văn thơ ở huyện Nghi Xuân, và ở xã Xuân An có gia đình nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy, chúng tôi hay đến hơn. Nguyễn Quốc Anh tranh thủ bỏ công đi thăm dò, mua được miếng đất giá rẻ, gần bờ sông Lam, thỉnh thoảng bác sang dọn dẹp, làm cỏ, dựng rào, trồng vài thứ vớ vẩn để có cái mà nhìn ngắm cho đỡ buồn tẻ. Bởi vậy, khi nghe tin tôi chuyển về Hội Văn nghệ tỉnh làm Tạp chí Sông Lam, bác mừng lắm, còn bảo thế là có chỗ để chơi rồi. Tôi cứ nghĩ về Hội Văn nghệ, về tạp chí là để làm việc, còn bác thì bảo về để… chơi là sao? Chơi nhiều, chả trách Hội cứ đói kém dài dài. Phòng Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam “ngự” cuối tầng hai, tòa nhà hai tầng, số 74 – đường Nguyễn Thị Minh Khai là trụ sở Hội Văn nghệ dạo đó. Họp hành, nhận bài vở, biên tập, thư từ gửi cộng tác viên, đặc biệt tiếp khách thì “vô hồi kỳ trận”. Khách văn nghệ có tiếng ngồi dai, không khéo mất trắng cả buổi như chơi. Cái đáng lo nhất là bắt tay quá nhiều, tay mỗi người mỗi vẻ, nhưng đều giống nhau là khâu “vệ sinh” khó ai có thể kiểm soát nổi. Một lần, đưa băn khoăn này thưa chuyện với nhà thơ Nguyễn Quốc Anh, bác cười, bảo có mẹo cho cậu đây. Mẹo cho tôi vỏn vẹn thế này: mỗi lần thấy khách văn đến từ xa, thì cho cả hai bàn tay sục vào chậu nước để sẵn trong phòng làm việc. Phải làm thật nhanh và kín đáo. Giả bộ tay mình đang ướt, chỉ giơ hai tay chào khách thôi, không bắt nữa (tay ướt, các bác bỏ qua cho). Thú thật, cũng chỉ làm theo một vài ngày rồi quên, vì tính tôi thấy bạn văn từ xa đã chạy bổ ra đón, nắm lấy bàn tay bạn, thăm hỏi bài vở, nhiều trường hợp còn “ôm hôn” nữa (tất nhiên, với bạn cùng giới). Sau này, bất ngờ đọc được mấy câu thơ của bác Quốc Anh: “Tôi thành kẻ lang thang từ đó/ Bắt tay suốt ngày vẫn thiếu một bàn tay”, tôi ngồi lặng hồi lâu, thương bác vô cùng. Hội hè đông vui thế, ai ngờ cũng không ít cô đơn cô quạnh?!

Trong số thơ bác Nguyễn Quốc Anh chép sổ tay, có một bài bốn câu bác đọc cho tôi nghe, thời này chắc nghỉ hưu rồi, nó nhàn tản, tự tại, của một kẻ sĩ muốn lui vào ẩn dật, tuy hơi “dung tục” tí chút, nhưng dễ dàng bỏ qua:

Tự vịnh

Sáng xuống tắm sông Lam,
Chiều lên Hồng Lĩnh ỉa.
Tiên sư thằng Quốc Anh,
Sướng chi mà sướng thế!

Đọc xong, bác cười sảng khoái, tâm hồn như thăng hoa chót vót, tự đưa mình ra chửi như thế là “kiêu”, vì chẳng phải ai cũng dám làm như mình, viết trụi trần như mình? Trong tập thơ “Lời cây” (2001), nhà thơ Nguyễn Quốc Anh cũng lặp lại cái nhịp thời gian sáng sáng chiều chiều, nhưng là của một người muốn vứt bỏ tất cả bởi từ nay đã ngộ ra chữ Không của Đạo Phật: “Sáng sáng ra sông tắm nước sông/ Chiều chiều lên núi nhởi cùng thông/ Tóc xanh mắt sáng trời ban phước/ Nghìn nỗi vui buồn một chữ Không!”. Kể ra đoạn cuối đời, bác cũng sướng thật, con cái đã đâu vào đấy, đứa dạy học đứa làm báo. Chị Minh vợ bác tuy không khỏe vẫn đủ bền bỉ để giúp ông chồng “ăn trắng, mặt trơn” phóng xe máy đi đây đi đó, làm đủ một nhiệm kỳ Chủ tịch Hội Văn nghệ thành phố Vinh khóa đầu tiên.

Chẳng sướng, mà cách làm sách của bác cũng mang điều lạ. Trước cái tuyển thơ chính thức xuất bản thời gian lâm bệnh trọng, bác Nguyễn Quốc Anh đã làm một cái tuyển thơ lấy tên “Thi phẩm Nguyễn Quốc Anh”, Nhà xuất bản Nghệ An cấp giấy phép, bìa thơ do anh Nguyễn Trọng Tạo làm giúp. Sách nộp lưu chiểu tháng 2/2009, vỏn vẻn có 4 bài. Theo nhà thơ, đây là sự quy tụ tinh túy của cả một đời cầm bút. Bốn bài trong tập sách gồm: “Trận địa của con”, “Qua thác Vũ Môn”, “Dịu dàng Đà Lạt”, và “Tâm trạng”. Bài “Trận địa của con” viết hồi bác còn là lính pháo trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt, in ở tập thơ “Tình yêu – Sáng sớm” (1974, chung với anh Tạo). Bài này được bác thích nhất, sửa đi chữa lại nhiều lần, nên có mấy “dị bản”:

Trận địa của con

Cha chết vì chúng nó
Nằm chẳng yên
Nấm mộ như mũ sắt
Đội trời lên!

Nơi ấy con về xây trận địa
Nấm mộ ấy che cho con một phía.

Bài “Tâm trạng”, tôi từng gặp không ít bạn yêu thơ đọc thuộc lòng mà không biết tác giả là ai:

Tâm trạng

Bàn tay tôi trồng đào
Bàn tay tôi chặt đào
Bàn tay tôi cắm đào vào lọ.
Bàn tay tôi – vẫn bàn tay tôi
Vứt cành đào ra ngõ!

Hai bài nữa trong cuốn “Thi phẩm Nguyễn Quốc Anh” là “Qua thác Vũ Môn” và “Dịu dàng Đà Lạt”, viết như muốn gửi gắm ký thác, đầy ý tưởng, ngổn ngang tâm sự, đẹp và buồn: “Ngoảnh chào rú Mồng Gà/ Nghiêng mình soi Vực Ác/ Thong dong cánh bè xuôi/ Lòng để đầu ngọn thác/ Khi đi bao nhiêu bạn/ Khi về còn bao người?” (Qua thác Vũ Môn). Đây nữa: “Em biết không, anh đã ngả bàn tay/ Hứng từng giọt mưa rơi và uống/ Hứng mưa rơi và uống/ Một mình anh ướt đẫm với cao nguyên… ” (Dịu dàng Đà Lạt). Điều thú vị là khi phát hành tập thơ, rất nhiều bạn yêu thơ cả trong và ngoài tỉnh đều thấy rất lạ, vì tuyển thơ trước sau chỉ bốn bài, giá tiền ghi cuối bìa sau là 100.000 đồng? Biết đây là một kiểu chơi “ngông” nghệ sĩ, nhiều bạn vẫn thấy lạ và độc, số thật thân cận mới bỏ tiền ra mua. Nghe kể, lúc tác giả mang sách đến Thư viện tỉnh Nghệ An tặng và bán, cán bộ ở đây nêu thắc mắc giá sách “đắt” quá, chưa thấy có tiền lệ? Bác Nguyễn Quốc Anh cười, từ tốn trình bày: “Cả đời thơ tôi viết được chừng ấy thôi, vô giá; lại không bắt người yêu thơ khổ sở phải đọc nhiều bài dở, vậy bán một trăm ngàn/cuốn là còn rẻ chán!”. Cuối cùng, Thư viện tỉnh cũng mua cho tác giả 5 bản, lưu vào kho sách địa chí. Tận bây giờ ngồi ngẫm lại, kể ra bác ấy cũng có cái lý khi thơ của chúng ta xuất bản rất dày, mà bạn đọc thì chưa bao giờ “mỏng” đến thế!

Năm 2012, nhà thơ Nguyễn Quốc Anh qua đời do bạo bệnh, chịu nhiều đau đớn trước khi mất ở tuổi 69. Bấy giờ, tôi làm biên tập tờ Nghệ An cuối tuần của Báo Nghệ An, biết bác khó qua khỏi, nên đã đề xuất với lãnh đạo báo cho tổ chức bài vở, ảnh chân dung, viết vài lời giới thiệu, rồi báo in một chùm thơ đầy đặn của bác. Tôi mang báo đến tận nhà riêng thăm bác. Mới đó, mà đã hơn 10 năm! Mấy cô con gái sinh ra trong gia đình bác Anh, chị Minh đều thành đạt cả. Cậu con trai út học lên, rồi ra Hà Nội làm báo theo nghiệp bố, là cháu Phúc Anh. Tôi biết cháu từ khi cháu còn nhỏ, gia đình ở nhà B4 chung cư Quang Trung. Mấy năm trước, cháu chẳng may bị ung thư, mất đột ngột. Gia đình bác cùng bạn bè, đồng nghiệp biết tin, đau xót quá. Với nhà thơ Nguyễn Quốc Anh sinh thời, tôi còn nhớ nhiều chuyện mang tính chất “ngoài lề”, vui có buồn cũng có. Tuy nhiên, anh em cầm bút chịu nghèo khó với nhau một quãng đã dài, thời khốn khổ thì cưu mang nhau, tha thứ cho nhau, để sống chết với nghề, chỉ nên nhớ chuyện vui, nhớ cái phần tốt đẹp của nhau để tiếp tục sống, tiếp tục phấn đấu cho có tác phẩm hay. Đấy, có lẽ là cách ứng xử phải đạo nhất, và cũng “khôn ngoan” nhất chăng?

Nhà thơ Bùi Sỹ Hoa, bạn tôi, lần nọ viết bài trên tờ Văn nghệ Công an, đại loại bảo bác Nguyễn Quốc Anh là bậc đàn anh uy tín của văn đàn xứ Nghệ, kết nối được nhiều đồng nghiệp, là người rất “được việc” của Hội Văn nghệ Nghệ An. Bây giờ những người như vậy trở nên hiếm hoi. Anh Hoa nói đúng nhưng chưa đủ. Rồi đây, chắc những ai đó gần gũi, hiểu biết thấu đáo sẽ bổ sung cho phong phú thêm bức chân dung của một người viết văn làm thơ như bác Nguyễn Quốc Anh, đã cả gan ‘ném’ gần một đời mình cho sự nghiệp thơ ca và các hoạt động lắm khi “tạp- pí- lù” ở một hội văn nghệ địa phương một thời nhiều túng thiếu, long đong, thua thiệt!

Nguyễn Văn Hùng