Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, sinh năm 1949, quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chị và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lập gia đình, gắn bó nhiều thập kỷ với Hội Văn nghệ Quảng Trị và Hội Văn nghệ Bình – Trị – Thiên, với hai tạp chí Cửa Việt và Sông Hương. Xin nói thêm, đấy cũng là những năm tháng văn nghệ khu vực Bắc miền Trung luôn tự hào đã nuôi dưỡng trưởng thành mấy thế hệ cầm bút tên tuổi góp phần làm rạng danh văn học nước nhà, trong số đó có hai nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ!

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

“Thơ như cuộc đời tràn đầy vết thương. Trên đường đi vào đó, thể nào cũng bị cào rách nát. Nhưng khi đến được thì đó là đích…” – nhà báo Trần Hoài, từng làm Báo Quân khu Bốn, gặp gia đình chị Dạ từ hồi anh học lớp bốn, nhắc lại lời nhà thơ nghĩ về thơ như vậy. Nhớ Lâm Thị Mỹ Dạ, người yêu thơ nhớ ngay tới một số tên tuổi khác cùng thời và nổi tiếng, như Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi,..; và không ít ai không biết, không thuộc bài thơ “Khoảng trời – hố bom” trong chùm thơ giành giải Nhất, Báo Văn nghệ trao cho chị năm 1973. Hai câu thơ trong bài được nhiều bạn nhớ mãi: “Đất nước mình nhân hậu/ Lấy nước trời xoa dịu vết thương đau”.

Riêng tôi, rất quý tấm lòng và ý tưởng đầy nhân văn của một người phụ nữ trong chị qua bài thơ “Anh đừng khen em”: “Hãy chỉ cho em cái xấu/ Để em nên người tốt lành/ Hãy chỉ cho em cái kém/ Để em chăm chút đời anh”. Hai câu cuối bài: “Tình yêu khắt khe thế đấy/ Anh ơi, anh đừng khen em!”. Bây giờ, phần đông chị em chỉ thích khen, đọc những câu này, chẳng biết có ai chạnh lòng hay không? Năm 1974, chị Dạ cho ra mắt tập thơ “Trái tim sinh nở”, tập thơ in chung với nhà thơ Ý Nhi, do NXB Tác Phẩm Mới ấn hành, bạn đọc bắt gặp bài thơ “Khoảng trời – hố bom” cùng nhiều bài thơ hay khác của chị giai đoạn mở đầu cho một sự nghiệp thơ thành đạt.

Nhớ đầu tháng 9 năm 2000, tôi và nhà báo Ngọc Cương (chúng tôi đang làm việc tại Tạp chí Sông Lam) vào Huế dự cuộc gặp gỡ 6 tạp chí văn nghệ khu vực Bắc miền Trung, gồm Xứ Thanh, Sông Lam, Hồng Lĩnh, Nhật Lệ, Cửa Việt, và Sông Hương. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị tai biến nặng đã lâu, nay chúng tôi mới có dịp đến thăm ông tại nhà riêng (ngôi nhà giản dị, gác hai, sơn trắng, nghe nói là của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nhường lại do hai ông chơi rất thân với nhau). Lần đó, có thêm cả anh Nguyễn Trọng Tạo, anh Ngô Minh, anh Nguyễn Khắc Thạch, anh Mai Văn Hoan nữa thì phải (?). Tiếc là bức ảnh hôm đó chụp không đầy đủ…

Lúc bấy giờ, chị Dạ đang khỏe, hàng ngày đều đặn bón cơm, cháo cho chồng vì chồng chủ yếu là nằm, muốn ngồi dậy hay đi vệ sinh, phải có người nâng đỡ, dìu dắt từng tí. Khi đỡ thì ngồi xe lăn. Cái khó hơn nữa là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường chưa chịu “buông bút”, nhiều hình ảnh, nhân vật, ý tưởng đang muốn trỗi dậy, đòi được hiện hình trên trang viết. Thế là chị Dạ phải kiên nhẫn, tỉ mẩn giúp chồng tất tần tật. Không thể nói là không mệt mỏi nếu công việc này cứ kéo dài cùng với sự chăm sóc một người bệnh tai biến nặng, không nói thành lời cho người nghe hiểu mình đang nghĩ gì, muốn gì.

Anh em văn nghệ Nghệ An đến thăm bệnh nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tại nhà riêng ở TP. Huế, sáng ngày 5/9/2000 (từ phải qua: nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (vợ nhà văn Hoàng Phủ), nhà báo Nguyễn Ngọc Cương, và nhà thơ Nguyễn Văn Hùng.

Năm 1999, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đột ngột lâm bệnh. Với một tâm thế rất thật và quả cảm, chị Dạ viết bài thơ lấy tên “Cho anh tựa vào em”. Áng thơ buồn, cô đơn, nhưng không phải vì vậy mà chị trốn tránh trách nhiệm, bổn phận làm người vợ trong cơn nguy khốn của chồng:

CHO ANH TỰA VÀO EM

Cuộc đời em đơn thân đến nỗi
Chưa bao giờ em tựa vào anh
Và vì thế em âm thầm sống
Tựa vào chính mình trĩu nặng đớn đau.

Bao lời tiếng lấm lem bùn đất
Bao đêm trắng tơ giăng chóng mặt
Em tựa vào em, đơn độc quen rồi
Em tựa vào em, gắng vững giữa đời.

Trên đôi vai bình yên
Mà bão giông nghiêng ngửa
Em chênh vênh đối mặt chính mình
Nào ai biết, đến anh cũng chẳng biết
Em quằn mình như rễ dưới đất im.

Đời bất chợt thác ghềnh ào trút xuống
Vùi lấy anh, cơn bạo bệnh kinh hoàng
Bạn bè anh rộng dài như trời biển
Vực anh lên, cho anh lại niềm tin.

Bàn tay này, em thành bảo mẫu
Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười
Bệnh tật, lo toan giấu vào đêm trắng
Giữa tháng ngày trĩu nặng
Em đứng thẳng người, cho anh tựa vào em!
(Thành Huế, 1999)

Nhà văn Trần Thị Thắng nhiều năm làm việc tại Báo Văn nghệ, chơi thân với cả gia đình chị Dạ từ những năm chị cùng chồng và hai cô con gái vô cùng vất vả, thiếu thốn kéo nhau ra Hà Nội học Trường viết văn Nguyễn Du (hồi ấy đóng ở Quảng Bá). Sau khi biết tin nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mất, chị Thắng viết mấy dòng này: “Gia đình anh chị Dạ – Tường là một gia đình vươn lên để làm văn chương”. Chúng tôi cùng đồng cảm vậy.

Sáng ngày 6/7 vừa qua, tin nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời khiến bao người quen chị, yêu thơ chị đều cảm thấy bàng hoàng, xúc động, và xót xa cho thân phận một nữ thi nhân có cả tài và tình, đẹp người đẹp nết; một gương mặt thơ Việt Nam hiện đại tạo được nhiều ấn tượng khó phai mờ, xuất hiện từ nửa cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Sau này, tôi có nghe nhà thơ Mai Văn Hoan kể, chị Dạ chăm chồng chu tất lắm, chị còn là “thư ký” riêng ghi chép cần mẫn bản thảo của gần chục đầu sách văn xuôi, gồm bút ký, tiểu luận, tản văn của chồng mình… Cũng bởi vậy, sức khỏe chị mòn mỏi, kém dần qua nhiều năm tháng, gia đình và đồng nghiệp lo ngại. Nhiều khi nhà thơ rơi vào lú lẫn, ngơ ngác, quên cả tên những bạn bè thân cận đến thăm. Rồi không khéo, chị có thể phải “đi” trước anh Tường cũng nên?!

Linh cảm ấy đã thành sự thật nghiệt ngã. Nữ nhà thơ qua đời khi tuổi đời chưa nhiều, nhưng chị đã nhận về mình thật nhiều vất vả, hy sinh vì chồng con, vì sự nghiệp văn thơ mà họ đã dám chọn đi từ tuổi trẻ. Lâm Thị Mỹ Dạ là tác giả của 7 tập thơ, 3 tập truyện cho thiếu nhi. Chị có tập thơ in chung với cô con gái lấy bút danh Hoàng Dạ Thi, đấy là tập “Mẹ và con”. Năm 2007, chị được Nhà nước trao Giải thưởng VHNT. Qua mấy dòng này, xin thay nén hương, từ quê Nghệ thắp vọng vào TP. HCM, nơi hai vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ danh tiếng từng trú ngụ, chữa bệnh, và sáng tạo nghệ thuật ngôn từ nhiều năm qua.

Nguyễn Văn Hùng

Ảnh: tác giả cung cấp