Khoảng đầu năm 2015, bấy giờ tôi đang làm việc ở Báo Nghệ An cuối tuần, sắp nghỉ hưu, thì ông Nguyễn Thạc Phấn ghé tòa soạn chơi và tặng tôi tập thơ “Xanh”. Môi trường Trái đất chúng ta đang có vấn đề trầm trọng, nhiều tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật lên tiếng báo động, kêu cứu, chắc nhà thơ lúc này cũng nóng ruột muốn góp một tiếng nói? Và tôi đã đọc ngay cuốn sách mới.
 Bài thơ “Sau Giờ Trái đất” lên án những chiếc “công tắc điện” vô cảm trong sự đối sánh với bao em nhỏ thiếu ánh sáng soi trên từng trang sách mở. Bài “Biển” cũng vậy, người không có biển thì mơ biển, còn người có biển rồi cũng đừng ảo tưởng sẽ còn biển mãi mãi, nếu anh không biết giữ gìn, bảo vệ. Thơ Nguyễn Thạc Phấn ngoài đề tài môi trường mà ông rất tâm đắc, còn được khai mở ở nhiều đề tài, khía cạnh rộng lớn và mang ý nghĩa sâu sắc, nhân văn, trong đó khá nhiều bài thơ, câu thơ đau đáu nỗi niềm cho tương lai nhân loại. Tôi thích bài “Chào hoa Anh đào” ca ngợi thiên nhiên tươi đẹp nước bạn, hoa còn là một biểu tưởng cho văn hóa của nhân dân, đất nước Nhật Bản, đã trở nên thân thuộc khi đến với Việt Nam chúng ta: “Hoa Anh đào quê bạn tặng quê tôi/ Là lời chào thân thiện của người hàng xóm/ Lời chào bay qua sóng/ Biển chợt vui và xanh…”. Có thể nói, không riêng về môi trường, lấy cảm hứng và suy tư về kỷ niệm những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, về bè bạn, người thân, đặc biệt về quê hương hay lãnh tụ, ngòi bút thơ Nguyễn Thạc Phấn đều không cho phép mình dễ dãi, ông biết tự kiềm chế câu chữ, hình ảnh, tạo cấu tứ và giọng điệu thơ cho mình. Ở chỗ này, tôi cứ nghĩ, hình như càng ngày ông càng có ý thức về một giọng điệu thơ riêng, chân thành, bộc bạch, gần gũi với lời ăn tiếng nói ngoài đời thường, nhưng vẫn là thơ ở dạng chưng cất, tinh lọc, thông qua vốn sống, vốn đọc, cùng nhiều học hỏi.

Tập thơ Bóng người thao thức của tác giả Nguyễn Thạc Phấn

Gần đây, gặp lại ông Nguyễn Thạc Phấn tại Nhà xuất bản Nghệ An, có dịp hỏi chuyện, càng thấy rõ những ấn tượng của tôi về thơ ông Phấn là đúng: “Tôi làm nghề cơ khí, ngay những bài thơ viết từ năm 1967, như “Đêm chuyển máy”, rồi “Dòng nhạc trên cao”, sau này như bài “Thường hóa”, tôi muốn đưa đời thợ, chất thợ vào thơ mình. Tất nhiên, sau sự kiện, con số còn là những thông điệp, những mong cầu của tôi gửi gắm vào đấy nữa. Người thợ luôn có yêu cầu sáng tạo, không dừng lại ở cái cũ, cái đã có, nên trong thơ cũng phải vậy thôi. Muốn thế, bài thơ cần có tứ, kết cấu chặt chẽ, câu chữ hình ảnh rõ nét, gọn gàng, dễ đọc. Yếu tố vần điệu, kỹ thuật, tu từ thi ca cũng chẳng thể hời hợt, cẩu thả… Và cuối cùng là công việc sửa chữa, trau chuốt bài thơ cho đến khi mình cảm thấy vừa lòng thì mới tạm dừng. Soạn một tập thơ với tôi cũng vậy, vất vả lắm, cứ phải làm đi làm lại nhiều lần!”. Có hai cuốn sổ tay ông Phấn dành để ghi chép thơ và tư liệu liên quan trên các sách báo, nhất là Báo Văn nghệ, Tạp chí Thơ. Mỗi khi cần lại mở sổ ra tra cứu, học hỏi. Đúng là tư chất của một trí thức, một người thợ làm công việc sáng tạo văn chương!
Sau các tập “Thư gửi hoa Hồng” (2006), “Biển chờ” (2010), “Xanh” (2015), cuối năm 2020, nhà thơ Nguyễn Thạc Phấn, hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An, cho ra mắt tập thơ thứ tư, với cái tên sách nhiều gợi cảm gợi nghĩ về thân phận: “Bóng người thao thức”. Một kỹ sư tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khóa 4 (1959 – 1963), là thợ cơ khí tay nghề cao, về sau tham gia công tác quản lý tại Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh, tới năm 2000 được nghỉ hưu; công việc, bao vất vả suy tư đã “ám” vào thơ ông từ những năm giữa cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, và càng về sau thì chất liệu, tư duy và bút pháp càng có sự thay đổi, theo chiều hướng cập nhật, nhân văn, hàm súc… Trong bản thảo tập thơ “Bóng người thao thức” tôi có dịp được đọc trước khi xuất bản, nhà thơ Nguyễn Thạc Phấn tiếp tục theo đuổi những khao khát về cái đẹp giữa cuộc đời cần lao, biến động, cảm hứng suy tư về sự sống, môi trường vẫn được ông ưu tiên. Quan sát tinh tế và cuộc trò chuyện giữa tác giả cùng những chú rùa biển thơ ngây thật đáng yêu và cũng đáng để cho mỗi chúng ta tự ngẫm nghĩ về chính mình:
NHỮNG CHÚ RÙA BIỂN
Biển
Ngày mới
Bình minh rải vàng trên mặt sóng
Chẳng con nào nhìn con nào
Bò lên cồn cát
Ngẩng đầu
Bò thật mau trong hơi thở gấp
Bốn chân rùa run run yếu ớt
Nhìn mới dễ thương sao!

Tôi hỏi rùa bò vội đi đâu
Chúng chẳng nhìn tôi
Cũng không trả lời
Cứ thế, cả đàn lúc ngúc bò về phía biển
Trong chốc lát đã tan vào màu xanh đại dương…

Thì ra sóng ồn ào chở lời yêu thương
Chỉ đàn rùa con nghe rõ
Từ phía biển xa
Linh thiêng tiếng Mẹ gọi Con về!
Đáng lưu ý, loại thơ ngắn chiếm số lượng nhiều, và cũng đáng để bạn đọc theo dõi. Đấy là sự cô đặc những trải nghiệm, tư tưởng, triết lý, những gửi gắm của nhà thơ – công dân, thông qua con đường ngắn nhất về ngôn từ nhưng lại không hề ngắn về ý nghĩa. Xin nêu chùm bài thơ “Không đề” sau đây để bạn đọc tham khảo:
-Những hạt mưa
Rơi xuống đất khô cằn
Có công của đám mây
Của gió
Và cả của mặt trời.

 -Đêm tối
Chẳng cần chi đom đóm
Nhưng đom đóm lại cần đêm tối
Để bừng lên!
-Thời gian đi
In dấu lên mặt đất
Và đẹp nhất
Trong trái tim người…
Trước khi  kết thúc  mấy tâm tình về thơ Nguyễn Thạc Phấn, tôi muốn dừng lại chút nữa về bài thơ “Tự khúc trong Ngày Thơ” ông viết năm 2015,  được in ở tập mới nhất:
TỰ KHÚC TRONG NGÀY THƠ
Ngày Thơ
Người thả Thơ lên trời
Tôi
Thả bồi hồi vào lòng…

Chỉ Thơ biết
Ở đâu em ngày ấy
Tôi tìm em gặp trăng mờ!

Nguyễn Thạc Phấn và nhà thơ Nguyễn Văn Hùng

    Ngày Thơ Việt Nam hàng năm tổ chức vào dịp Rằm tháng Giêng. Người ta thả thơ lên trời nhiều lắm. Tác giả không theo thói quen làm vậy; thả nhiều thơ không khéo lại làm rác thêm môi trường vốn đang báo động. Rất tự nhiên và vốn lặng lẽ, như ông nói là “chỉ thơ biết”, nhà thơ đã thả “bồi hồi”, cũng có nghĩa thả thơ vào… lòng mình, nơi nuôi dưỡng, xuất phát của mọi ngọn nguồn thi ca nhân loại xưa nay. Dĩ nhiên, nhà thơ già của chúng ta đâu chỉ gặp lại em của ngày nào, gặp lại vầng trăng ảo mờ muôn thuở. Chắc chắn, khi thả Thơ vào hồn vía chính mình, và chỉ cần có vậy thôi, ông đã và sẽ còn gặp được nhiều, rất nhiều hơn thế nữa. Sinh năm 1940, quê xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, Nghệ An, mùa Xuân năm nay ông bước vào tuổi 81. Xin chúc mừng nhà thơ Nguyễn Thạc Phấn cả tuổi đời lẫn tuổi thơ!

Bài, ảnh: Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng