Bạn đọc rộng rãi từng cho rằng thơ Nguyễn Văn Hùng thường nêu sự việc nho nhỏ, đời thường nhưng mang ý nghĩa lớn, sâu sắc, bằng lối viết giản dị, súc tích, với xúc cảm trầm lắng, trong trẻo, tinh tế. Tôi đồng ý với nhận xét vừa nêu. Tuy nhiên, lần này đọc liền mạch hơn 200 bài thơ trong bản thảo tập “Thơ chọn, 1974 – 2020” của anh, một độc giả là tôi có thêm suy nghĩ khác.
  Trước tiên, đây là những cảm thức về văn hóa tinh thần. Cảm thức này tập trung ở khá nhiều bài thơ đề cập đến nội dung về văn hóa, nghệ thuật, thi ca. Số bài, câu, chữ, hình ảnh nhắc đến văn, thơ, nhà văn, nhà thơ, sách, đọc thơ, ngày thơ, tặng thơ, rao thơ,… có thể nói là dày đặc! Trong đó, thơ được nói đến nhiều nhất. Chỉ cần xem qua mục lục tên tên các bài, cũng dễ nhận ra: Những câu thơ trong đêm bố viết, Đọc thơ, Thơ dán hộp đàn, Giấc mơ Đỗ Phủ, Rao thơ, Gọi Lục bát về, Ao Thu Nguyễn Khuyến, Làng Nga của Xéc- gây (Êxenhin, nhà thơ Nga), Nhà thơ của những Trường Sơn, Viết, Đầu năm đọc thơ ở Cửa Lò, Sách cũ, Bạn ơi thơ tặng bây giờ, Thơ thiền, Bây giờ đọc thơ, Gửi một bạn thơ xứ Thanh, Về một nhà thơ quê Nghệ, Thơ viết cuối năm, v.v… Nội dung này còn có ở những bài khác (nhiều trường hợp là trực tiếp), dù cách đặt nhan đề là gián tiếp. Tác giả giúp bạn đọc của anh cùng “đến thăm” những người anh có thơ tặng, hoặc viết về họ một cách trân trọng, đầy tình thân ái. Thăm thầy giáo Nguyễn Sĩ Cẩn, nhà thơ thấy ở thầy mình thấp thoáng bóng hình ông Nguyễn Trãi, người Anh hùng và Thi nhân song toàn. Những câu thơ chợt bùng ra, hư ảo và ám ảnh: “Ông vẫn bước trong rừng, tóc pha sương, chống gậy/ Và cứ đi cho tới rạng ngày/ Bao vui khổ túi thơ đựng cả/ Túi nhỏ quá đáy thì sâu quá/ Thuở bấy giờ ai hiểu hết ông không/ Bao thế kỷ vèo qua, thơ cũng thăng trầm/ Thơ như đời ông vượt bến bờ lưu lạc/ Giờ vui khác, buồn rồi cũng khác/ Ai bây giờ hiểu hết ông không” (Một tấc lòng).

Tập thơ “Người rao mặt nạ” của Nhà thơ Nguyễn Văn Hùng

Dễ dàng tìm thấy ở thơ Nguyễn Văn Hùng không chỉ niềm vui mà cả nỗi buồn, tâm trạng trăn trở, thất vọng trong những bài thơ viết về văn hóa tinh thần. Ở xã hội ta hiện nay, nhìn về một khía cạnh và mức độ nào đấy, thấy văn minh vật chất đi lên trong chiều ngược lại với văn hóa tinh thần. Người làm thơ tâm huyết, đạt tới trình độ chuyên nghiệp vẫn ít bạn đọc. Người ta xác nhận sách báo thuộc hàng hóa đặc biệt, nhưng ấn phẩm văn chương vẫn khó bán. Từ năm 1989, khi in tập thơ đầu tay, Hùng đã tâm sự với con thế này rồi: “Có thể thơ bố bày trên giá/ Ngàn người qua kẻ lại hững hờ/ Một ai đó trao tiền, chợt tiếc/ Trên trang bìa thoáng gặp chữ thơ” (Những câu thơ trong đêm bố viết). Ba mươi năm sau, tình trạng ấy vẫn không thay đổi. Hùng ngán ngẩm nói về việc làm thơ, mất tiền in sách, khi tặng lại phải nài nỉ kính xin người ta bớt chút thời gian và công sức đọc giùm (Bạn ơi, thơ tặng bây giờ). Chua chát hơn nữa: “Khởi thủy bây giờ là Smart Phone/ Tất cả trong lòng bàn tay thì cần chi sách nữa/ Tôi ký tặng tập thơ cả đời mình mắc nợ/ Người đặt cạnh ghế ngồi, rồi đứng dậy tay không!” (Sách). Hùng đã nói thay nhiều bạn thơ!
Thứ nữa, muốn níu giữ cái đẹp nhà thơ thấy cần phải lên tiếng. Thơ Nguyễn Văn Hùng được biết đến là tiếng nói tinh tế về trạng thái khẽ khàng, dịu êm, thậm chí im lặng, của đời sống. Giọng điệu ấy thể hiện rõ ở “Khẽ nhắc” (2005) – tập thơ vừa viết cho trẻ nhỏ vừa hướng đến người trưởng thành. Cái khẽ khàng, dịu êm, im lặng của Hùng cũng là cái đẹp. “Buổi sáng ở làng” chẳng phải là bức tranh về một làng quê yên bình nghìn năm đang còn lại giữa Thành phố Vinh ồn ào, náo nhiệt đó chăng? Anh từng phát biểu: “Tôi sợ đám đông ồn ã vô hồn/ Yêu lặng lẽ vầng trăng trong thơ cổ” (Phỏng vấn). Anh nói thay Biển, khi người nghe ầm ào sóng vỗ, Biển nói: “So với các người, ta thấm vào đâu!” (Nghe được ở Biển). Anh dựng chân dung một nhân vật: “Cả đời ông/ Hình như/ Chỉ nói với tôi điều này: Hãy lặng lẽ sống đi/ Hãy lặng lẽ đọc đi/ Hãy lặng lẽ chiêm nghiệm đi (…) Thà như thế/ Còn hơn/ Viết thật nhiều dối trá (Viết). Lặng lẽ có thể vẫn còn một chút âm thanh, tiếng động. Còn im lặng thì đã là vô thanh. Vô thanh mà vẫn hữu nghĩa, đa lời. Lời ở bề sâu của im lặng. Nguyễn Văn Hùng viết: “Bên nhau đôi khi/ Còn được cái quyền ngồi im lặng/ (…) Sao ở góc vắng này/ Dù hoa đào đã tàn/ Bên chén trà còn một ít Xuân/ Chúng ta lại giành nhau im lặng” (Chén trà sau Tết). Thêm nữa: “Bạn già/ Bạn già/ Bao nhiêu điều/ Từng chép miệng cho qua/ Bao nhiêu chuyện/ Đành mang về với đất… / Đất nhận hết/ Và đất im lặng/ Chỉ im lặng thôi/ Đã nói thật nhiều” (Bạn già). Im lặng là cái đẹp của đời sống con người, cũng là cái đẹp của thế giới tự nhiên, cỏ hoa, cây lá, đất trời: “Những con đường vào Xuân xui ta về tuổi lá/ Có hàng cây im lặng quệt vai người” (Những con đường tôi đi và đến). Hoặc: “Bóng cây nhích tuổi trước thềm/ Thay người, bóng đến lặng im dỗ người” (Chùm thơ bốn câu).
Chính vì cái đẹp im lặng, mà chúng ta lại cần phải lên tiếng để gìn giữ, chống trả cái xấu, cái ác. Thì đây, Nguyễn Văn Hùng nhắc nhở mọi người: “Khẽ khàng nhưng chớ nguôi im/ Bao đêm trắng tóc là đêm thật mình”. Chỉ hai câu này thôi, nếu không để ý, sẽ không biết thơ Hùng có một hướng khác, như là ngược lại với… im lặng. Hóa ra, im lặng vừa là “cái viết”, vừa là “cách viết”. Nhưng, lên tiếng từ khẽ khàng và im lặng, cũng là cái viết, cách viết của anh. Anh nhận xét: “Vô cảm, cái nguyên nhân rất thật/ Xui con người xa lánh với người hơn” (Vô cảm ơi, chào mi). Anh hài hước, ý nhị về thói quen của những cái bắt tay: “Sau Tết này tôi đâm dớ dẩn/ Lắm lúc đưa tay bắt cả vợ con mình”. Một chi tiết hẳn làm nhiều người bật cười. Câu thơ tự trào, làm gợi nhớ những cái bắt tay hờ hững hoặc bắt tay mà không cần biết trước mặt mình là ai. Khi dựng một chân dung, anh viết: “Ông nhại giọng người, giọng chim, giọng chó (…)/ Lắm kẻ tập làm người đã bị lãng quên/ Có kẻ tập làm chó như ông đời còn nhắc mãi/ Chúng tôi tranh nhau làm người, làm chó thì rất ngại…” (Nhại). Chính tác giả cũng “Tự bạch”:”Nghĩ về đức trung thành/ Một loài vật/ Thú thật/ Tôi chẳng bằng chó đâu/ Dù tôi nói tiếng người khá sõi/ Đôi lần còn giả giọng gâu gâu”. Tác giả còn không nề hà nói với đứa cháu ngay trong cầu thang máy chung cư: “Ông như con bò an toàn gặm cỏ/ Còn lâu mới thành người như cháu, cháu ơi!” (Trong cầu thang máy). Đã đến lúc, Nguyễn Văn Hùng không thể khẽ khàng và im lặng trước cái xấu, cái ác, trước lương tâm. Anh bất bình với lối sống “an toàn”, ngu si như con vật, thấy nhân cách con người ngỡ như đã trưởng thành lại không còn giữ được cái vô tư, trong trẻo của trẻ thơ…
Người đọc, trong đó có bạn nghề, hầu như nhất trí nhận xét thơ Nguyễn Văn Hùng có tiếng nói riêng, đó là sự giản dị, sâu lắng, súc tích… Xin nói thêm, anh có nhiều tứ thơ, ý thơ lạ và hay, nhiều bài hoàn chỉnh, kết cấu chặt chẽ. Anh thường nâng bài thơ lên khi kết thúc. Bài “Lời cá” làm người đọc giật mình: “Phóng sinh/ Cả trái đất nhàu/ Được không?”.  Trong bài “Lời dặn chim sáo”, khi thả chim lên dãy núi Hồng quê hương, anh bảo nó: “Gắng học nhé/ Cách trốn vào cao rộng/ Tao thì lại trở về chiếc lồng nhỏ của tao”.  Bài “Ở chợ bán đồ cũ”, nói đến tâm trạng băn khoăn của người vừa mua được chiếc áo: “Bằng cách nào xóa đi nơi chiếc áo/ Một hình thù, một sắc màu, một mùi?”. Hùng cũng có những câu thơ hay. Ngoài các câu thiên về triết lý, có câu này tinh tế: “Xin đừng dẫm lên cả mưa, có ai vừa gọi/ Tôi quay nhìn và chỉ thấy cỏ xanh” (Cỏ và mưa dưới trời Xuân Hà Nội).

Nhà thơ-TS Phạm Đình Ân (trái) và GS.TS Trần Đình Sử tại Đại hội X, Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức ở Hà Nội, cuối tháng 11/2020. Ảnh: NVH

  Số bài thơ tâm đắc, trăn trở viết về văn chương, sách vở, nhà thơ, các hoạt động thơ ca, nghề nghiệp hơi nhiều, như tôi đã có dịp nêu trên. Bảo đây là “lạm dụng” cũng được; nhưng nếu có ai đó bảo đây là “nét riêng” cần được chúng ta tìm hiểu thấu đáo thêm, thì chắc cũng không sai? Dù sao đi nữa, tập “Thơ chọn, 1974 – 2020” của nhà thơ Nguyễn Văn Hùng vẫn là tập thơ đáng đọc!

Phạm Đình Ân