Với kinh nghiệm hơn 15 năm trong nghề, ông Trương Văn Thông (65 tuổi) đã tinh thông việc chế tác khèn bè. Ông hiện là một trong những nghệ nhân làm nhạc cụ người dân tộc thiểu số giỏi bậc nhất ở miền núi Nghệ An.

Ông Trương Văn Thông đang chế tác khèn bè

Ông Trương Văn Thông ở bản Ba Cống, xã Châu Hoàn (Quỳ Châu – Nghệ An) coi chế tác khèn bè là nghề phụ kiếm thêm thu nhập. Làm ruộng, nuôi trâu bò vẫn là “nghề” chính của ông. Ông Thông còn là một thầy mo chuyên làm các lễ cúng theo phong tục của cộng đồng người Thái. Nhưng người ta biết đến ông Thông là một nghệ nhân chế tác khèn bè giỏi bậc nhất ở các huyện miền núi Nghệ An. Khèn bè của Trương Văn Thông được nhiều người chơi ở Quỳ Châu ưa thích. Nhiều người chơi khèn bè ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Nghĩa Đàn cũng tìm đến mua.

Trương Văn Thông cho hay, cha ông cũng từng là một người chế tác khèn bè có tiếng. Từ khi lên 10 đã được cha truyền nghề nhưng không theo học được nhiều. Cách đây 40 năm, người cha mất, ông cũng không còn để tâm đến nghề làm khèn nữa. Từ năm 2007, khi phong trào chơi khèn bè được khôi phục trong các cộng đồng làng bản, ông bắt đầu tập làm khèn bè lại. “Nhờ còn nhớ được những gì cha dạy hổi trẻ, ta học lại khá nhanh.” – Ông Thông cho hay.

Cấu tạo của khèn bè
Khèn bè gồm 14 ống nứa ghép lại tạo thành một chiếc “bè”. Bầu khèn là bộ phận duy nhất làm bằng gỗ

Khèn bè là nhạc cụ phổ biến trong cộng đồng người Thái. Nhạc cụ này gồm 14 ống nứa kết thành 7 đôi. Mỗi ông nứa đều có một lưỡi gà bằng kim loại. Các nghệ nhân làm khèn bè ở Nghệ An thường dùng đồng làm lưỡi gà cho các ông nứa. Chiếc bè được khớp lại trong một cái bầu khèn và được dán bằng một thứ keo làm từ sáp màu đen của một loài ong rừng.

Chế tác khèn bè là công việc đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ đến từng chi tiết

Theo Trương Văn Thông, tuy vẻ ngoài thô mộc nhưng khèn bè đòi hỏi ở người chế tác sự tỉ mỉ và chính xác từng chi tiết. Sự kỹ lưỡng từ khâu chọn nứa, nắn thẳng nứa cho đến rèn lưỡi gà đòi hỏi người thợ phải thực sự kiên nhẫn và khéo tay. Có một lỗ thoát hơi ở một ống nứa gọi là lỗ tạo âm cần độ chính xác đến từng milimet. Chỉ cần sai một chút cũng ảnh hưởng đến độ vang của cây khèn. “Nếu hẹp quá thì phải khoét thêm, hơi rộng một chút phải đắp bằng keo dán và không phải chiếc khèn nào cũng có lỗ tạo âm có kích thước giống nhau. Phải vừa làm vừa thổi thử, sao cho chuẩn mới thôi.” – Ông Thông chia sẻ thêm.

Ngoài chế tác khèn bè, ông Thông còn chơi loại nhạc cụ này một cách thuần thục. Nhờ những đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy nhạc cụ dân tộc, ông Trương Văn Thông được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú năm 2019

Vì khá cầu kỳ trong các công đoạn chế tác nên khi đã có đủ vật liệu, ông Thông thường mất khoảng 1 tuần làm việc liên tục để hoàn thành một chiếc khèn bè. Là người chế tác khèn bè, ông Thông đồng thời cũng là người chơi thuần thục loại nhạc cụ này. Ông thường tham gia biểu diễn khi địa phương có sự kiện văn hóa, văn nghệ và có được một số giải địa phương.

Năm 2019, Trương Văn Thông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Với ông đây là một niền vui, niềm vinh dự lớn. Ngoài khèn bè, Trương Văn Thông còn sở hữu khá nhiều nhạc cụ của người Thái như sáo, đàn bằng nứa gọi là “si-slo”, chiêng trống. Ông cũng chơi được một số loại sáo của người Thái để đệm cho những điệu dân ca.

Hữu Vi