Dù đã có phần khá hơn trước kia nhưng Bảo Thắng (Kỳ Sơn) vẫn là một xã khó khăn của miền núi xứ Nghệ. Đó là những lời gan ruột của người đứng đầu UBND xã. Chuẩn bị bước qua tuổi 40, anh Cụt Thanh Hoài nhiệt huyết hãy còn tràn trề lắm.

    Trong quãng thời gian gần chục năm vác ba lô đi khắp miền núi xứ Nghệ, tôi đã không ít lần đến với xã Bảo Thắng. Địa bàn nằm sâu trong nội địa, một mặt giáp với huyện Tương Dương, cách không xa hồ thủy điện Bản Vẽ là bao. Xã thành lập từ năm 1964, quy mô chưa đến hai nghìn rưởi dân. Tuyệt đại đa số là cộng đồng người Khơ mú. Xã có 5 bản, chon von bên bờ khe, góc núi. Người Khơ mú có thói quen cư trú quần tụ. Từng ngôi nhà sàn xếp cạnh nhau như thể đám nấm lớn. Từng người ra vào lặng lẽ. Ai nấy đều ít nói. Làng bản chỉ đông vui sau vụ gặt cho đến hết tết Nguyên đán. Còn nữa, đàn ông, đàn bà đều lên rừng lên rẫy. Chỉ người già, trẻ nhỏ ở nhà. Tôi từng đến đất này vào những mùa khác nhau trong năm. Những ngày giáp tết, theo một đoàn từ thiện, tôi nhận thấy cư dân nơi đây cũng tất bật như người miền xuôi. Họ lên rừng cắt lá dong đem bán để sắm tết. Những người đàn ông còng lưng đánh vật với chiếc xe máy trên đoạn dốc núi đầy bùn đất. Vui nhất vẫn là vào mùa gặt lúa nương. Niềm vui màu vàng hương trên rẫy lúa lan về từng bản nhỏ, lấp lánh cả nơi đáy măt bầy em thơ. Tôi cũng từng chứng kiến ngày hội rượu cần linh đình, vui nhộn theo cái cách rất riêng của cư dân làng bản. Đó là lúc bà con cần vui để lấy sức cho cuộc mưu sinh và ước vọng thoát nghèo.

Một góc trung tâm xã Bảo Thắng. Ảnh: P.V

   Trở lại với vị Chủ tịch xã Cụt Thanh Hoài, trong một đêm miền rẻo cao lây rây mưa phùn, sau rất nhiều câu chuyện, anh lại nói về nỗ lực thoát nghèo. Anh kể về Lương Văn Tiến, một trong số không nhiều những hộ khá ở xã Bảo Thắng. Câu chuyện chỉ có vậy nhưng nó thôi thuc tôi tìm đến nhà người đàn ông mới ngoài tuổi tứ tuần này vào sáng sớm hôm sau.

Gần 7 giờ sáng, tôi đến ngôi nhà gỗ có tường xây bao của anh Tiến. Căn nhà nom khá khang trang ở dưới chân con dốc trong bản Cha Ca 1. Trước cửa là một chiếc xe máy với hai cái sọt trống không buộc sau yên. Người đàn ông nghe tiếng gọi vội ra đón khách, quần còn xắn gần ngang gối. Anh cho hay mới chạy ra trung tâm xã Chiêu Lưu cách bản ba chục cây số để giao gà và mua thực phẩm về giao cho mấy hàng quán mới mở trong xã. Hàng ngày, anh dậy từ 2 giờ sáng, chuẩn bị hàng rồi phóng xe đi. Xong việc cũng vừa 7 giờ sáng. Trong nhà, chị vợ đã chuẩn bị xong bữa điểm tâm. Món ăn chủ yếu của đôi vợ chồng cũng như phần lớn dân bản gồm xôi và món chẻo làm từ ớt, lá hành, muối, bột ngọt giã chung với nhau. Bữa nào hứng chí lên thì nướng thêm ít thịt sấy khô trên gác bếp.

Ngồi bên bếp lửa cháy leo lét đủ để sưởi ấm một gian nhà, Lương Văn Tiến kể về quãng đời ấu thơ khổ hạnh của mình. Vào giữa những năm 80 thế kỷ trước, lúc đó cả bản của anh ở xã Kim Đa (Tương Dương) bị nạn sốt rét. Cả nhà có 7 thành viên thì 5 người chết vì căn bệnh quái ác này. Ban đầu là 2 anh trai và em gái mất. Thế rồi đến cha và mẹ anh cũng từ giã cõi đời. Những cái tang đến dồn dập chỉ trong vòng mấy năm. Nhà chỉ còn lại anh và người chị mới gần 10 tuổi sống dựa vào nhau. Qua gần một năm, nghe họ hàng mách bảo, ở xã Bảo Thắng có ông bác họ, liền đánh đường tìm đến nương nhờ.

Anh Lương Văn Tiến kể về cuộc đời của mình. Ảnh: P.V

Qua vài năm sau, chị gái lấy chồng, còn anh Tiến thì đến tuổi 20 mới lập gia đình. Với một trai bản, như thế cũng không gọi là sớm nữa. Trong thâm tâm, anh Tiến luôn nghĩ mình mồ côi, chỉ sống nhờ họ hàng, phải nỗ lực hơn người thì mới được như người. Cái tay hay lam hay làm, khi trên rừng, khi lên rẫy khiến anh không có thời gian đi “tìm hiểu”. Với lại trong đầu lại nghĩ hoàn cảnh như mình thì ai thương. Cứ cố gắng chí thú làm ăn, giúp đỡ gia đình bác, cái gì đến rồi sẽ đến.

Và mối tình đầu đến với anh một cách thật bật ngờ. Cô bạn cùng bản anh vẫn thi thoảng gặp trên đường lên nương chợt đỏ mặt khi đi ngang qua anh. Đó là dấu hiệu con gái đã ưng trong bụng. Cũng chỉ vài tháng sau, nhà ông bác họ có thêm một đám cưới. Dù không có công ơn sinh thành, nhưng anh Tiến xem bác họ như cha mẹ mình. Nhưng anh cũng chỉ ở lại nhà bác được hơn một năm thì ra ở riêng. Anh tự tay lên rừng đến gỗ, làm nhà. Khi căn nhà nên nếp cũng là lúc đứa con đầu lòng chào đời. Anh nghĩ mình không nhiều chữ nên phải gắng làm ăn mới mong bằng người. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi đứa con thứ 2, rồi thứ 3 chào đời. Thế nhưng vợ chồng vẫn bảo ban nhau nỗ lực và đặc biệt là không để con thất học. Hiên nay, con gái đầu của anh Tiến đang học năm cuối ngành Sự phạm mầm non. 2 đứa sau đều học trường nội trú huyện. “Dù vất vả nhưng mỗi lần đến thăm con, thấy chúng nó chăm học, không ham chơi, trong lòng thấy vui lắm.” – anh Tiến tâm sự.

    Chuyện vượt khó của Xeo Văn Phong có phần thuận lợi hơn anh Tiến. Chàng trai tuổi Đinh Mão (1987) có một căn nhà gỗ lớn vào loại nhất nhì bản. Anh Cụt Văn May, Phó Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi đi thăm gia đình chia sẻ rằng chỉ ít năm về trước, gia đình Phong vẫn là một hộ khó khăn. Nhờ biết kết hợp việc chăn nuôi thả rông và chăn thả gia súc, anh đã thoát nghèo và vươn lên trở thành một hộ khá.

Chăn nuôi cũng là cách vượt khó của nhiều hộ gia đình các cộng đồng Khơ mú ở Bảo Thắng. Xem qua báo cáo phát triển kinh tế toàn xã từ năm 2015 đến nay thì chăn nuôi vẫn là lĩnh vực khả quan nhất. Ngoài ra thì mảng xây dựng cơ bản cũng đạt được những thành kết quả nhất định. Ở bản trung tâm xã Cha Ca 1, đường bê tông cơ bản đã được hoàn thành. Một số công trình hạ tầng như trường học, nước sinh hoạt cũng được xây mới. Đó là những gì tôi nhận ra so với lần ghé thăm địa bàn này vào năm 2016. Công tác xây dựng nông thôn mới cũng đã đạt được 8 tiêu chí, một nỗ lực vượt bậc của địa bàn khó khăn như Bảo Thắng.

    Bảo Thắng vẫn còn đó những khó khăn. Thế nhưng chúng ta vẫn có thể tin tưởng rằng mảnh đất này đang chuyển mình. Với cư dân nơi đây, họ vẫn rất cần sự lạnh đạo từ những người trẻ như Cụt Thanh Hoài, một người luôn trăn trở tìm con đường thoát nghèo cho cộng đồng. Hay như Lương Văn Tiến, Xeo Văn Phong. Chính họ là nguồn cảm hứng cho những thân phận không may nhưng biết vượt lên gian khó.

Hữu Vi

(Bài đã đăng trên Tạp chí Sông Lam số 2/Bộ mới/2020)