Cây cọ đã đi vào văn chương. Thơ văn về loài cọ lâu nay vẫn hay phác ra những bức tranh nhiều khi đơn sắc mà lãng mạn. Thường là những ví von đèm đẹp như thể chiếc ô hay vầng mặt trời màu xanh, thứ hình tượng văn chương mà hầu hết ai từng học qua cấp một cấp hai đều quen thuộc.

Chỗ tôi ở có mấy mảnh rừng cọ. Gom góp lại chắc cũng được vài mẫu Trung Bộ. Mỗi mẫu năm nghìn mét vuông. Rừng cọ đang dần ít đi vì người cần đất ở, đất trồng thứ cây khác nhanh có tiền hơn. Hoặc khi thu hoạch thì có thể cầm một cục vài chục hay trăm triệu. Nghĩa là hễ có lợi hơn cứ để rừng cọ mỗi năm chỉ hái trái được một lần. Người ta sẵn lòng chặt hạ cọ. Nên suy ra còn giữ được vài mẫu cũng đã khá rồi.

Thân cọ cao vút, xanh um quanh năm. Cây đứng cạnh cây để thành ra rừng. Cây vẫn hồn nhiên xanh cho đến khi người ta vác cưa đến. Tiếng động cơ hai thì vang lên. Dăm mười phút sau là ngã ầm. Tiếng ngã như tiếng kêu lần cuối của con thú trúng thương. Thế là hết kiếp cọ. Ít lâu sau, ở những khoảng trống mà cây cọ đã chừa ra đó, người ta trồng thế vào một rừng keo. Cái này thì hẳn nhiều nơi vẫn thế. Kể ra chẳng có gì kỳ thú. Vấn đề môi sinh môi trường, giữ rừng hay bảo tồn rừng đang là câu hỏi. Nhưng người dân thì có cái lợi có thể nhìn thấy.

Phụ nữ miền núi Nghệ An hái quả cọ trong rừng

Vậy là đám cây cọ còn sống sót ở một vài mảnh rừng ven bản có thể gọi là may mắn. Ít nhất là những ai yêu rừng cọ hồn nhiên như khi nhìn vào mắt trẻ trong veo mà thấy yêu là cảm thấy may mắn. May mắn chứ. Có thể chỉ một vài năm, lâu la hơn chút thì dăm năm nữa vài mẫu rừng cọ kia cũng chẳng còn. Cái này thì có thể lắm. Những ai yêu rừng cọ chỉ còn có thể nhìn lại những khoảng rừng qua ảnh còn lưu trên mạng.

Có thể chỉ còn lại linh hồn của rừng cọ nơi ký ức người ở rừng.

Tôi ở đây đã dăm năm. Ngần ấy thời gian đã chứng kiến một bầy trẻ sinh ra rồi lớn lên. Có đứa ngày nào mười bốn, mười lăm nay đã là cha là mẹ. Có người gặp lần đầu, mới cười với nhau một tràng dài. Ít lâu sau đã phải khiêng người ấy vào nghĩa địa. Đi qua những khoảng rừng cọ, nhìn lên thấy cứ hẹp dần, hẹp dần. Cũng như những kiếp người, rừng cọ từ ngày được trồng nên đã bắt đầu trải qua một vòng sinh tử. Rừng cọ được trồng bởi thế hệ đi trước đến phát rừng làm rẫy, nuôi bò trâu. Nay họ đã về già, có người đã chết đi bỏ lại rừng cọ và thế hệ sau lại bắt đầu một cuộc đổi thay. Rừng keo và một rừng nhà dần dà thay thế rừng cọ. Sự thay đổi có vẻ nhàm chán nhưng với nhiều người đó dường như là đương nhiên.

Còn những khoảnh rừng cọ chừng vài mẫu kia cũng vậy, vẫn hồn nhiên khoe trái khi mùa đông về. Như một lẽ đương nhiên.

Không chỉ có ngôi làng nơi tôi ở, cọ là cây quen thuộc với nhiều người miền núi. Mỗi bộ phận từ gốc đến ngọn đều ít nhiều cần thiết với ngôi nhà sàn của người miền núi. Lá cọ lợp mái. Thân cây lâu nay còn được xẻ thành ván thưng, ván lát sàn nhà. Đến đọt cọ non cũng khá hữu ích. Quạt, nón đan từ lá cọ đã thành thân thuộc với nhiều miền. Người làng tôi còn dùng đọt cọ làm lạt buộc, lợp mái nhà. Mùa gặt, người ta lên đồi cắt lá cọ non làm lạt buộc lúa. Lạt lá cọ khá bền, một lần lấy có thể dùng cho cả những năm sau.

Vì cọ dùng cho nhiều việc như thế mà nhiều nơi người ta vẫn trồng cạnh nhà để tiện bề khi cần mà chặt lá, đốn cây. Khỏi phải lên rừng lên đồi cho xa.

Văn chương nghệ thuật và cả truyền thông thường nhắc nhiều đến mùa trái cọ. Cọ chín vào mùa đông. Sau gặt lúa ruộng, lúa nương là mùa cọ chín. Đã thành thói quen, đông về, những cặp mắt lại nhìn lên ngọn cọ. Quả chuyển từ xanh lá mạ sang xanh dương là cọ chín. Người ta trẩy những quả ở cây thấp về om thử thấy mềm mềm, bùi bùi là ăn được rồi. Có người chỉ cần cắn xem quả xanh cũng biết đã có thể đem om rồi rủ nhau mang túi, mang thang, cầm theo những chiếc liềm gặt nối với cây sào dài trèo lên ngọn cọ mà trẩy. Mùa cọ quen thuộc đến nỗi người già còn biết nhìn vào những chùm quả sai hơn mà biết năm nay rét hơn năm ngoái.

Quả cọ om là thứ quà ăn chơi vào mùa đông. Từ ngày còn bé, tôi được người già dạy cách om cọ. Thật đơn giản. Chỉ cần đun cho nước sôi rồi để cho nguội bớt. Nước nóng già, thử bằng đầu ngón tay không còn quá bỏng là cho cọ vào om. Thêm chút muối nữa rồi đậy vung chừng mươi phút là cọ chín rồi đấy. Chỉ việc vớt ra ăn. Muốn ngon hơn trước khi ăn thì bóc đi lớp vỏ xanh bên ngoài. Tay nắn thấy trái nào mềm thì hãy chọn. Trái cọ om rồi mà vẫn cứng thường bị sâu hoặc om chưa chín. Có khi nước nóng già quá mà thành ra cứng ăn sẽ chát chứ không bùi. Chế nước sôi sao cho vừa tầm, lượng nước đủ dùng thì cọ sẽ ngon.

Một sáng mùa đông, mấy người họ hàng bên vợ tôi quay quần bên ấm nước chè nơi xóm núi. Trên bàn có thêm đĩa cọ om còn nóng. Chị dâu tấm tắc rằng món này chị có thể ăn no được đấy. Cụ bà hàng xóm đã ngoài bảy mươi thì cười móm mém: ôi chao kể mà có nhiều om xong rồi muối như kiểu muối cà thì để được cả tháng, ăn lại không bị ngấy. Kho với thịt với cá cũng hết ý. Tôi thì trộn cùi cọ với xôi hoặc cơm trắng. Đây là cách ăn cọ ngon nhất. Hồi bé, nhà ông nội tôi cũng có một vườn cọ trồng phía trên nhà. Vào mùa quả, người lớn trong nhà lại trèo thang trẩy quả về om rồi trộn đều với xôi đem ăn vừa bùi vừa béo ngậy vị dầu cọ.

Ở quê tôi nhiều người có tuổi mê trái cọ coi như một món ngon. Nhưng phải mua mới có ăn vì bản chẳng còn một cánh rừng cọ nào. Năm 1995, bản tôi kéo điện lưới. Ngày ấy, đường dây điện còn chưa bọc nhựa, người ta cho chặt hạ cây cối nói là để an toàn đường điện. Và đồi cọ nhà ông tôi chỉ sau mấy ngày chẳng còn sót lại cây nào. Thế mà 7 năm sau, bản lại thay dây điện trần bằng dây điện bọc nhựa, chẳng cần phải chặt cây vô tội vạ như trước nữa. Có lần tôi nghĩ nếu chậm lại mấy năm rồi kéo điện thì chắc hẳn cây cối chẳng bị chặt hạ nhiều như ngày ấy. Hẳn rằng vườn cọ nhà ông tôi vẫn còn. Biết đâu kia chứ.

Giờ đây, trong buổi sáng mùa đông ngồi ở một nơi cách quê hàng trăm cây số, nơi đây vẫn còn những vạt rừng cọ, nếu gọm lại chắc đủ vài mẫu Trung Bộ, tôi nói với những người cùng ăn hãy cứ thưởng thức đi. Biết đâu dăm ba năm sau rừng cọ không còn. Lại như người quê tôi, các vị sẽ lại nhớ về hương vị trái cọ. Lúc đó chỉ còn lại linh hồn của rừng cọ cùng với một món ăn thân thuộc và…

… và những tưởng tượng đơn sắc, đèm đẹp trong hình tượng văn chương là vẫn còn.

Hữu Vi