Danh thắng Hang Bua là một trong hai di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia của huyện Quỳ Châu (Nghệ An). (Một di tích lịch sử văn hóa khác là Mộ Đốc binh Lang Văn Thiết ở xã Châu Hội, người có công trong phong trào khởi nghĩa Cần Vương). Nơi đây thường náo nhiệt khi có lễ hội diễn ra vào cuối tháng Giêng âm lịch. Phần lớn thời gian trong năm, Hang Bua mang một vẻ trầm mặc lạ lẫm.

Thắng cảnh Hang Bua khá vắng lặng trong những ngày mùa thu. Phải gần 3 tháng nữa, lễ hội Hang Bua mới diễn ra

Từ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu đi gần 10km nữa về hướng tây bắc thì đến xã Châu Tiến. Từ Quốc lộ 48A rẽ vào đường đi xã Châu Thuận thêm 2km nữa thì tới Hang Bua. Từ năm 2019, nơi đây có tên gọi bản Bua (bản Hoa Sen). Hang Bua cũng có nghĩa là hang Sen. Bản Bua sáp nhập từ 2 bản Hồng Tiên 1 và 2. Phần lớn là người Thái. Cư dân bản địa vẫn quen gọi là Na Nhàng, trước năm 1945 vẫn thuộc mường cổ có tên là Chiêng Ngam. Đất Na Nhàng nay là bản Bua do những người dân từ bản Tảu (bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến ngày nay) khai khẩn.

Vào ngày thường, không phải mùa lễ hội, nơi này khá vắng vẻ, thi thoảng mới có người tới tham quan
Hang Bua khá rộng, có 2 cửa chính với những căn phòng tự nhiên sức chứa hàng trăm người. Thắng cảnh trầm mặc mang một vẻ đẹp riêng trong mùa không lễ hội
Trên vách đá lác đác những tổ ong rừng. Dù gần khu dân cư nhưng những người săn ong liều lĩnh nhất cũng ngại vách đá dựng đứng phía trên cửa hang

Hang Bua ở dưới chân núi Phà Én (núi Én) cửa hướng ra một bãi đất rộng khoảng 2ha khá tiện lợi khi tổ chức lễ hội. Ngoài những ngày hội náo nhiệt ngắn ngủi, Hang Bua khá vắng người. Danh thắng này vẫn thường xuất hiện gia súc của cư dân địa phương. Trên vách núi phía trên cửa hang có hàng chục tổ ong rừng. Hang Bua vẫn được quét dọn thường xuyên vì là di tích được xếp hạng. Tuy nhiên vẫn khá ẩm thấp, nền hang thường xuyên có nước đọng vào mùa thu, mùa có mưa.

Trong lòng  hang có những nhũ đá thiên tạo rất bắt mắt

Hang có hai cửa chính với những gian phòng rộng, hẹp khác nhau. Trên trần, những nhũ đá buông xuống khá đẹp. Từ khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia (năm 1997), hang Bua được quản lý, bảo vệ tốt hơn, vì thế tình trạng đục đẽo lấy đá cảnh xâm hại di tích không còn. Thế nhưng theo người dân địa phương, trước khi có sự bảo vệ, hang núi từng rất đẹp nhưng nhiều nhũ đá đã bị phá hoại.

Những thạch nhũ lặng câm như vẫn giữ cho riêng mình một vẻ bí mật, điềm tĩnh và hoang sơ

Hang Bua hiện là một trong những địa điểm tham quan của xã Châu Tiến. Cùng với Làng Du lịch cộng đồng Hoa Tiến cách đó 3km đã tạo thành một quần thể những điểm đến  thú vị với các trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực, tâm linh. Hang được xem như một chốn thiêng liêng bên cạnh ngôi đền Mường Chiềng Ngam được xây dựng lại cách đây chưa lâu. Nơi đây cộng đồng người Thái vẫn giữ được những tập tục bản địa. Ngoài lễ hội Hang Bua đã khá nổi tiếng ở Nghệ An thì lễ “Pủ Xừa” diễn ra vào 12 tháng 9 âm lịch hàng năm cũng khá đặc biệt. Trong ngày lễ, người dân bản Bua tổ chức cúng đền Chiềng Ngam và cúng cây cổ thụ “pủ xừa” để cầu bình an, mạnh khỏe và cầu mùa màng thuận lợi.

Ngày nay, Hang Bua vẫn luôn thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh tham quan, thưởng ngoạn, khám phá, nhất là vào mùa lễ hội.

Bài, ảnh: Hữu Vi