Dẫu có tin bão Saola đang tiến vào Biển Đông, nhưng nhìn chung thời tiết những ngày nghỉ lễ khá ổn. Nắng đẹp, không gắt, quả là phù hợp để du lịch. Những năm gần đây nhiều người chọn cách du lịch miền núi. Vừa hay, ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) đang diễn ra chợ phiên kéo dài từ ngày 1/9 cho đến hết dịp nghỉ lễ Quốc Khánh.

Tri Lễ là xã biên giới cách TP Vinh, tỉnh Nghệ An gần 200km. Ở trên độ cao bình quân 800 -1000m so với mực nước biển nhưng địa hình khá bằng phẳng. Theo một số sách địa chí về miền núi Nghệ An do PGS Ninh Viết Giao biên soạn thì đất này là một trong những vùng dừng chân đầu tiên trong cuộc thiên di của người Thái từ Thanh Hóa và Lào vào Nghệ An. Những tài liệu này suy đoán rằng người Thái vào Nghệ An sớm nhất khoảng 1000 năm trước. Muộn hơn một chút là vào thời Trần và Hậu Lê. Còn theo truyền thuyết của một số dòng họ trong đó có họ Vi (còn gọi là họ Lang Vi) ở xã Đôn Phục, huyện Con Cuông thì những cuộc thiên di của cộng đồng người Thái còn diễn ra muộn hơn vào khoảng 200 năm về trước.

Địa hình Tri Lễ được chia thành hai vùng khá rõ rệt. Một phần đồi núi cao giáp với nước bạn Lào. Một vùng rộng lớn dưới thấp tiếp giáp với núi Pù Chông Cha khá nổi tiếng trong phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng. Nhưng phải đi hết ngọn núi mới đến Tri Lễ. Vùng đất rộng rãi, bằng phẳng trên một độ cao như thế này khiến người ta hình dùng về một cao nguyên nhỏ.

Hiện nay khi đến Tri Lễ, người ta thấy có 3 cộng đồng thiểu số cùng sinh sống là Thái, H’Mông và Khơ Mú. Người H’Mông ở những bản Huồi Mưới, Mường Lống và Nậm Tột giáp với một khu dân cư của người Lào. 20 năm trước, người Mông từ núi cao về lập nên những bản mới dưới vùng thấp. Giờ đây quanh trung tâm xã Tri Lễ là những quần cư của các dân tộc thiểu số thuận hòa.

Đường về Tri Lễ ngày nay không còn cheo leo gai góc và đáng sợ như khi Đỗ Doãn Hoàng đi làm phóng sự nữa. Có những tuyến xe khách từ TP Vinh đến tận Tri Lễ và những nơi xa hơn thuộc các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn nên cũng dễ di chuyển. Vì thế mà ý tưởng về một chợ phiên như kiểu ở Sa Pa, Bắc Hà được nhiều người ủng hộ. Phiên chợ lần đầu được khai mở với những sản vật “đa dân tộc” trở nên thu hút du khách vào dịp nghỉ lễ.

Đường đến chợ tắc cứng trong phiên đầu tiên

Trong ngày đầu mở phiên, cả một quãng Quốc lộ 16 qua bản Na Niếng, xã Tri Lễ đã diễn ra cảnh tắc đường kéo dài suốt buổi sáng. Không ít người phải để lại phương tiện cá nhân rồi đi bộ cả cây số mới vào được chợ. Bù lại nỗi vất vả là một khung cảnh nhộn nhịp lần đầu được thấy ở Tri Lễ. Bên cạnh những hàng quán mới được dựng lên như vẫn thấy ở những hội chợ nông thôn thì ở đây người tham quan được thưởng thức những sản vật bản địa thực sự. Chợ phiên lấy cảm hứng chủ đạo là văn hóa và ẩm thực người Mông với những món bánh nướng, thắng cố, thịt ngựa. Có cả thổ cẩm của người Mông, Thái và các loại nông sản như bí xanh, gà đen. Bò, trâu, ngựa dê cũng có khu bày bán riêng. Thông tin từ chính quyền địa phương thì có đến 200 gian hàng bày bán trong một khu chợ rộng khoảng 2ha.

Những gian hàng thổ cẩm hay không gian ẩm thực là điểm nhấn của phiên chợ

Gam chủ đạo trong chợ phiên vẫn là không gian ẩm thực. Đến chợ để được ăn là nếp sinh hoạt của nhiều cộng đồng người. Người ta đến chợ Bắc Hà hay Sa Pa cũng chủ yếu thế. Các hàng ăn như thắng cố, thịt ngựa, thịt nướng, bánh nướng vẫn đông khách hơn cả. Cư dân địa phương tìm đến các hàng bán rau, hoa trái, cây gia vị. Khách xa xem qua các gian thổ cẩm. Chị Nguyễn Lan Phương từ quận Phú Nhuận (TP.HCM) đến chợ phiên cùng gia đình và chọn cho mình một bộ váy Thái. Chị Phương rất thích cái không khí của miền rẻo cao lại khá bằng nơi đây. Giữa trưa nắng nhưng tiết trời khá mát mẻ.

Trong ngày khai phiên, chính quyền địa phương tổ chức một buổi văn nghệ có màn múa của các thiếu nữ H’Mông và một số tiết mục của người Thái. Có một khu vực để thi tung còn, đẩy gậy.

Thi đẩy gậy tại chợ phiên

Ngoài những trải nghiệm về ẩm thực, hàng nông sản, những nét văn hóa đậm chất vùng miền thì khi tới đây du khách còn được chiêm ngưỡng cảnh sắc nên thơ của mùa thu ở Tri Lễ. Những thửa ruộng bậc thang khi lúa sắp chín, làng bản nép mình bên sườn núi. Đâu đó vẫn còn những ngôi nhà lợp ván gỗ truyền thống của cộng đồng người H’Mông. Những ai ưa khám phá có thể rời khu chợ đến những bản người Thái cách đó khoảng 2km ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp bậc nhất ở Nghệ An. Cạnh ruộng bậc thang là những ngôi nhà sàn lợp ván gỗ.

Nông sản địa phương là mặt hàng phổ biến nhất tại phiên chợ

Nói về chợ phiên, ông Xồng Bá Cha, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho hay sau phiên đầu, Ban lãnh đạo xã Tri Lễ sẽ họp rút kinh nghiệm và sẽ quyết định mở phiên chợ hằng tuần, hằng tháng, hoặc mỗi tháng hai phiên.

Nhìn chung phiên đầu tiên, chợ phiên Tri Lễ có những sự khác biệt nhất định so với những chợ phiên vùng cao ở Nghệ An. Phần lớp người đến với chợ phiên chủ yếu là cư dân địa phương và các huyện lân cận. Những du khách từ Hà Nội, TP. HCM đến du lịch Nghệ An khi có thông tin về phiên chợ cũng tìm đến.

Tri Lễ là vùng văn hóa hội tụ 3 dân tộc thiểu sổ ở huyện Quế Phong, là vùng đặc hữu về khí hậu, cảnh sắc và địa hình rất phù hợp để mở những phiên chợ mang màu sắc văn hóa bản địa.

Bài, ảnh: Hữu Vi