Sau những cơn mưa xuân và tiếng sấm đầu năm, những bản người Thái ở các huyện Quỳ Châu, Quế Phong lại mở hội Xăng Khan. Năm 2023, mưa xuân và tiếng sấm đầu năm đến muộn nên đến giữa tháng 2 (nhuận) âm lịch, hội Xăng Khan mới thực sự vào mùa.

Xăng Khan của người Thái ở Nghệ An là lễ hội truyền thống diễn ra vào mùa xuân. Các thầy mo tổ chức lễ này để cầu mong cho bản mường yên ấm. Các thầy mo khi đã hành nghề lâu năm thường có các “con nuôi” của mình. Các “con nuôi” này đôi khi cũng là thầy mo hoặc là người được gia đình tổ chức lễ hội chữa bệnh, giúp đỡ việc tâm linh. Trong lễ hội có một thầy mo điều hành chính đồng thời cũng là chủ nhà, là người đứng ra tổ chức lễ hội. Tham gia ngoài các “con nuôi” và các thầy mo trong vùng còn có người dân trên địa bàn và những làng bản lân cận.

Cảnh chia nến chuẩn bị lễ dựng cây xăng khan ở Châu Hoàn, Quỳ Châu, Nghệ An

Nếu ai từng chứng kiến Xăng Khan sẽ có cảm tưởng xem một vở vũ kịch với những màn kể chuyện về vòng đời con người từ khi chuẩn bị xuống đầu thai làm người cho đến lúc làm ma tiễn đưa người chết về trời.

Không gian chính của lễ là cây xăng khan, cũng là trung tâm của lễ hội. Cây xăng khan làm bằng một thân tre cao, xung quanh gắn những cái que trang trí hoa lá, chim muông, cá, tôm được gọt từ lõi cây sắn và xốp, nhuộm màu xanh, đỏ, tím vàng sặc sỡ. Với người Thái ở Quỳ Châu và Quế Phong thường có 2 cây xăng khan.

Theo ông Lô Văn Tiến, một thầy mo ở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong thì cây xăng khan cao thấp tùy vào số lần làm lễ của thầy mo. “Thầy mo lần đầu làm lễ thì làm cây 5 tầng, lần thứ hai 7 tầng, lầng 3 thì 9 tầng. Lần thứ tư quay lại làm cây xăng khan 5 tầng và cứ thế quay vòng”.  Ông Lô Văn Tiến nói.

Hơn 1h sáng, cây xăng khan được dựng lên cũng là thời điểm bắt đầu lễ hội

Tuy nhiên, tại huyện Tương Dương thì các thầy mo thường làm cây xăng khan 9 tầng. Ông Lữ Thái Phúc, một thầy mo ở xã Yên Hòa (Tương Dương) cho hay: 9 tầng tượng trưng cho 9 mường tâm linh theo quan niệm của người Thái. Tầng dưới cùng là mường Đất, nơi cư trú, sinh sống của người và muông thú, cỏ cây. Trên chóp là mường Trời, nơi cư ngụ của then (trời) và linh hồn người. Những vò rượu cần cạnh gốc cây. Ngoài ra còn có cả những mô hình mô phỏng sinh thực khí đàn ông, đàn bà. Ngang tầm tay với có một giàn bằng tre cắm những chiếc ô trang trí và cả các ô dành cho người chơi hội tham gia các tiết mục Xăng Khan.

Ông Lữ Thái Phúc cho biết: Xăng Khan có 24 tiết mục. Mở đầu bằng việc hát miêu tả một tầng tâm linh theo quan niệm của người Thái gọi là mường Môn và kết thúc bằng tiết mục gùi rượu về mường Trời. Trong 24 tiết mục chỉ có 9 tiết mục là có thể nhìn thấy được, nghĩa là được biểu diễn cạnh cây xăng khan. Còn lại đều là những tiết mục “diễn ra” ở mường tâm linh. Chúng ta chỉ có thể  hình dung qua những câu hát của thầy mo. Cũng theo ông Lữ Thái Phúc, trước đây, lễ hội diễn ra trong 2 ngày. Ngày nay các thầy mo rút lại còn một đêm và một buổi sáng.

Thầy mo Lữ Đình Xuân, xã Châu Hoàn, Quỳ Châu chuẩn bị tiết mục mô tả cảnh nhà Trời xuống mường hạ giới thưởng lãm cây xăng khan

Lễ hội thường bắt đầu vào lúc nửa đêm. Từ 1h sáng, đã diễn ra lễ dựng cây xăng khan sau đó nhiều tiết mục đã diễn ra suốt cả đêm, và kéo dài đến giữa trưa mới kết thúc. Ông Phúc cũng chia sẻ rằng, phải 8 năm ông mới tổ chức lễ được một lần, trong khi đó các lễ hội Xăng Khan thường cách nhau 3 năm. Một lễ hội như thế thường do gia chủ tự bỏ tiền tổ chức. Các thầy mo khác và các “con nuôi” thường chỉ hỗ trợ rượu cần, gạo… Mỗi lễ Xăng Khan ông phải mổ 1 con dê, 1 con bò và 2 con lợn. Chưa kể tiền công thuê người làm cây xăng khan. Chi phí cho lễ hội có thể đến 20 triệu đồng.

Theo quan niệm của người Thái, tổ chức lễ Xăng Khan là “nghĩa vụ” của thầy mo với các thế lực thần linh mà họ thờ phụng. Nếu không làm lễ Xăng Khan, thầy mo tin rằng họ có thể bị gây khó khăn và việc thực hành các nghi lễ tâm linh về sau sẽ không thuận lợi. Sau mỗi lễ hội Xăng Khan, thầy mo thường tự tin hơn khi hành lễ vì đã được “phong cấp”.

Cây xăng khan đích thực là một tác phẩm nghệ thuật khá cầu kỳ

Cuối năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã đưa Xăng Khan vào danh mục các sản phẩm văn hóa phi vật thể. Hiện tại người Thái ở Nghệ An có 2 sinh hoạt văn hóa tâm linh trong danh mục này. Ngoài Xăng Khan còn có nghi lễ đền Chín Gian của huyện Quế Phong.

Xăng Khan là lễ hội lớn nhất diễn ra sau tiếng sấm đầu năm mới của các thầy mo ở cộng đồng người Thái xứ Nghệ. Nó vượt ngoài phạm vi là hội “thăng cấp” của những thầy mo. Tuy nhiên, chính vì sự tốn kém của nó nên nhiều thầy mo cả đời chỉ làm được vài lần Xăng Khan. Trong lễ hội, gia đình thầy mo và những học trò của mình góp gà, lợn, rượu và mổ thêm trâu hoặc bò để mời những “mo bạn” và người dân trong cộng đồng đến dự. Kinh phí tổ chức có thể lên đến trên 20 triệu đồng, là một khoản lớn đối với những người hành nghề thầy mo.

Xăng Khan là lễ hội đậm chất văn hóa bản địa và chịu ít sự tác động của những yếu tố văn hóa lai căng. Những tiết mục của lễ hội cũng đậm chất sân khấu mà trung tâm chính của nó là cây hoa xăng khan mô phỏng thế giới quan của cộng đồng. Hiện nay, lễ hội chỉ còn được duy trì trong cộng đồng người Thái ở xứ Nghệ.

Bài và ảnh: Hữu Vi