Cà ngọt Khe Ngậu là một sản phẩm nông nghiệp truyền thống nổi tiếng của người Thái ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Đây là sản phẩm nông nghiệp OCOP 3 sao được tỉnh Nghệ An công nhận từ năm 2021 và đến nay đã trở thành một thương hiệu nông sản được nhiều người biết đến.
Bản Khe Ngậu nằm dọc suối Khe Ngậu đoạn chảy ra sông Lam. Bản có 154 hộ gia đình sinh sống với 679 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Thái. Ngày trước, người dân ở đây có ruộng nước để canh tác. Nhưng càng ngày đất ruộng càng bạc màu nên người dân chuyển đổi qua trồng hoa màu, trồng sắn, chuối và chuyển thành ao nuôi cá. Một vài ruộng có điều kiện phù hợp thì chuyển thành vườn trồng cà. Khi ruộng nước không phát triển được thì cà ngọt trở thành một loại cây trồng có vai trò quan trọng ở nơi đây. Có hơn 60 hộ gia đình tham gia trồng cà ngọt, chiếm gần 40% số hộ gia đình trong bản.
Trên đường Quốc lộ 7 đi về phía Tây, qua thị trấn Thạch Giám khoảng 6km, vượt qua cầu Khe Ngậu sẽ vào trung tâm bản. Đi qua bản, theo đường dọc suối vào sâu trong núi là những vườn cà ngọt của người dân. Có những vườn ở ngay ven đồi cạnh bở suối, cũng có những vườn cà nằm trên gần đỉnh núi cao. Đường sá đi lại khó khăn, vườn cà ở trên núi cao và khí hậu khắc nghiệt thực sự là những thách thức đối với người dân nơi đây. Để tạo ra được một thương hiệu cà ngọt Khe Ngậu, họ cũng phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ.
Một trong những vườn cà nằm sâu trong núi nhất là của gia đình ông Trương Văn Mây, sinh năm 1967. Gia đình ông Mây có 6,5ha nương vườn ở phía sâu trong núi. Tại đây, ông nuôi cá, trồng chuối, trồng cà, chăn luôn lợn gà và một số cây con khác. Trong đó có gần 1ha trồng cà ngọt. Cà ngọt Khe Ngậu là giống cà bản địa, cây cà mọc nhiều cành và nhiều nhánh. Thân cà khá cao, tầm từ 1,5m đến 1,8m, có những cây cao gần 2m, chiều cao trung bình của nó ngang một người trưởng thành. Vòng lan tỏa của mỗi cây cà lên đến bán kính gần 1m. Người dân thường trồng cà ở vùng đất đồi ven khe suối hoặc ven đồi cao. Có những vườn cà trên gần đỉnh đồi, cao 300-400m, trên cả vườn chuối. Cà cần nhiều ánh nắng nên không trồng xen với các cây khác được, cũng không có cây nào trồng dưới tán cả được vì nó rợp che hết ánh sáng. Hiện tại, bản Khe Ngậu có khoảng 10ha diện tích đất trồng cà ngọt. Một điều đặc biệt là loại cà này ngon nhất khi được trồng ở bản Khe Ngậu. Cũng loại giống cà này nhưng mang ra các bản khác, kể cả một số bản gần đấy mà trồng thì chất lượng lại kém hơn.
Chia sẻ với chúng tôi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cà ngọt, ông Mây cho biết: Trồng cà ngọt có 4 giai đoạn quan trọng. Thứ nhất là chọn giống diễn ra khi cà trên vườn trong giai đoạn chất tốt tốt nhất để thu hoạch (tháng 8 đến tháng 10). Thứ hai là uơm giống (thường vào tháng 1). Sau khi tách vỏ cà giống để lấy hạt cà tiến hành phơi nắng (thường phơi khoảng 3 nắng) để hạt cà khô. Chọn chỗ đất tốt nhất, giàu ánh sáng để ươm cà. Làm đất nhuyễn, sạch cỏ, tơi xốp, lên luống sau đó vãi hạt cà trên luống đất, tưới. Sau khi vãi cà xong dùng các loại lá cây hoặc lưới đen phủ lên và tưới nước hàng ngày. Khoảng 30-40 ngày thì có thể đưa cây cà đi trồng. Thứ ba là trồng cà (thường vào tháng 2 đến tháng 3). Làm nhuyễn đất trồng, làm sạch cỏ và đào hố kích thước 20cm x 20cm x 20cm; hố cách hố 1m là phù hợp nhất. Rồi nhổ cây cà giống từ vườn ươm đi trồng vào hố. Sau khi trồng được 10-15 ngày thì tiến hành làm cỏ vun gốc và tưới nước. Khoảng 3 tháng thì cây cà bắt đầu ra hoa, trong khoảng thời gian này tiến hành làm cỏ từ 8-10 lần (tùy thuộc vào vườn nhiều cỏ hay ít cỏ) và tưới nước. Thứ tư là thu hoạch (thường từ tháng 7 đến tháng 11). Sau khi cây cà ra hoa được 10 ngày là có quả cà nhỏ, sau 20 ngày có thể thu hoạch quả cà. Thu hoạch nhiều đợt liên tục cách nhau khoảng 1 tuần. Khi cà hết vụ thì tiến hành nhổ cây cà và tiếp tục chuẩn bị cho vụ cà mới. Cây cà được phơi khô thì tiến hành đem đốt để làm cho đất thêm tơi xốp, tạo phân bón cho vụ sản xuất tiếp theo.
Để thấy rõ hơn sự vất vả của người trồng cà, ông Mây quyết định đưa chúng tôi đi lên vườn cà trên núi của ông. Ông dặn chúng tôi nên cầm cái gậy để chống vì đường lên dốc cao và khó đi. Từ ngôi nhà sàn nhỏ của ông ở gần suối, chúng tôi đi qua một vườn chuối rộng hơn 3ha. Trong vườn chuối có trồng thêm một vài loại cây khác và chăn nuôi gà. Con đường đi lên vườn cà là một lối mòn nhỏ hẹp, dốc cao, có những đoạn như thẳng đứng, người đi sau cúi đầu nhìn thấy gót chân người đi trước. Đoạn đường từ nhà lên đến vườn chỉ tầm nửa cây số nhưng chúng tôi đi mất hơn 40 phút mới đến nơi.
Vượt qua vườn chuối và vườn cỏ thì đến vườn cà. Gần 1ha cà ở ven đỉnh núi cao cũng tạo cho một cái nhìn mênh mông không thấy giới hạn. Những cây cà cao ngang đầu người càng khiến cho tầm nhìn nhỏ hẹp hơn. Hiện đang vào giai đoạn cuối vụ cà nên không còn sai quả. Chỉ còn lác đác một số quả còn sót lại sau nhiều lần thu hoạch. Nhưng những quả cà cuối mùa này lại rất to và chắc, là những quả lẩn nấp trong lá nên khi thu hoạch chủ vườn không để ý hoặc chim chóc, muông thú cũng không tìm thấy. Tuy nhiên, theo người dân nơi đây thì những quả cà này ăn không được ngọt như cà khi chính vụ. Với vườn cà này, mỗi năm, gia đình ông Mây thu về được khoảng từ 40 đến 50 triệu đồng, những năm cà được giá có thể lên đến 70 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập quan trọng đối với gia đình ông.
Giữa trưa trời nắng, dù một đoạn đường ngắn nhưng khi đi lên, mọi người phải dừng chân nghỉ một lần. Khi đi xuống thì phải nghỉ đến hai lần. Dọc đường, ông Mây còn phát hiện được vài con chim bị dính vào lưới nên dừng lại để lấy. Mọi người cũng xúm lại để xem và tranh thủ nghỉ ngơi. Anh Kha Danh Tú, trưởng bản Khe Ngậu vừa đi vừa tâm sự: “Bình thường, vào mùa hè, để thu hoạch cà từ vườn này không phải là việc đơn giản. Từ nhà đi lên đến vườn cà đã mệt, phải mang theo một bao tải cà tầm vài ba chục cân càng thêm mệt, nhất là dưới cái nắng gay gắt của đất trờiTương Dương. Vậy nên, có những đợt cà hạ giá quá, nhiều người không lên vườn thu hoạch. Nhưng những đợt cà đắt thì ngược lại, còn phải lên trông chừng phòng việc bị hái trộm”.
Bà Lô Thị Trà My, Chủ tịch UBND xã Xá Lượng cho biết: Để phát triển cà ngọt Khe Ngậu thành một nông sản hàng hóa trên thị trường, chính quyền xã cùng người dân thành lập Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cà ngọt Khe Ngậu theo quyết định của UBND xã vào cuối năm 2020. Sau đó, cà ngọt Khe Ngậu đạt được tiêu chuẩn Sản phẩm nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP). Từ cuối năm 2021, Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cà ngọt Khe Ngậu không ngừng phát triển. Có 58 hộ gia đình trong bản tham gia vào Tổ hợp tác và sản lượng cà ngọt cung cấp cho thị trường lên đến gần 85 tấn, đưa về doanh thu hơn 840 triệu đồng, trừ các chi phí đầu tư thì lợi nhuận đạt hơn 700 triệu đồng. Cuối năm 2021, cà ngọt Khe Ngậu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được mở rộng ra nhiều thị trường hơn.
Gần hai năm qua, cà ngọt Khe Ngậu dần được nhiều người biết đến. Thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng ra nhiều nơi hơn. Cà ngọt Khe Ngậu xuất hiện ở nhiều hội chợ nông nghiệp từ Tương Dương, TP Vinh đến các đô thị khác. Một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các địa phương, giới thiệu sản phẩm OCOP cũng đưa cà ngọt Khe Ngậu vào quảng bá. Có được những kết quả đó, cà ngọt Khe Ngậu cũng thấm đẫm mồ hôi của những người dân nơi đây. Vậy nên mới nói, cà ngọt không chỉ ngọt vì phẩm chất của quả, mà còn ngọt vì công sức lao động của bao người dân đất này.
Trang Tuệ