Bến Quánh là tên gọi bến sông ở làng Quánh, hay Thượng Quánh, thuộc xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương. Chủ nhân của bến Quánh xưa kia là những người dân xóm Quánh. Người dân xóm Quánh có tiếng vừa hiền lành vừa đáo để. Nước bến Quánh trong vắt trong veo, thuở trước đàn bà con gái bến Quánh đẹp, có phần đanh đá, có phần lúng liếng đa tình và đặc biệt làm nón rất đẹp.

Nằm ở tả ngạn sông Lam, bến Quánh bình dị nên thơ, dù chỉ là một bến đò ngang lặng lẽ đôi con thuyền bé tẹo âm thầm chở vài người khách qua sông trên từng chuyến sang nhọc nhằn. Thuở chưa có thuyền máy, đàn ông, đàn bà xóm Quánh lặng lẽ lái đò bằng những cây sào mai cần với những lời khỏa nước bình yên nhẫn nại. Bao nhiều chuyến đò đã lại qua, bao nhiêu người đã lui tới? Có lẽ chỉ có dòng sông kia, hạt cát kia và những bụi cây trên bãi biết nhớ mà thôi. Mà sông cũng làm sao biết được, cát cũng làm sao biết được. Có hạt cát nào trụ lại một bến sông qua trăm năm bồi lở? Và đời người có ai tắm hai lần trên một dòng sông?

Ngay mé sông sát bến Quánh là chợ Quánh. Chợ Quánh nổi tiếng không thua kém chợ Dùng ở Thanh Đồng và có phần nổi tiếng hơn chợ Lạt ở Thanh Ngọc. Chợ Quánh nổi tiếng không bởi sự trù phú trầm uất trên bến dưới thuyền, mà vì sự đói nghèo và chóng vánh. Cũng bến, cũng thuyền, nhưng chỉ là bến đò ngang, với con đò chở khách sang sông, không phải những chiếc thuyền buôn buồm căng gió lộng với đủ thứ hàng hóa được vẽ trong một bức tranh về Phố Hiến ở thế kỉ mười bảy. Chợ chỉ họp trong một hay hơn một tiếng đồng hồ vào lúc mờ sáng đến khi ánh nắng mai bắt đầu thả bạc lên mặt sông. Người làng tôi dậy từ bốn giờ sáng để đi chợ, quãng đường chỉ chừng ba hay bốn cây số, nhưng xa vì đi bộ và đi trong mờ mịt không gian. Có người đi chợ để mua vài con cá ai đó đánh lưới được từ tối hôm qua; có người đi chỉ để bán vài cân thóc ăn một bữa bánh mướt thật no, bù lại chuỗi đói triền miên đã để lại dấu ấn trên những bộ xương sườn bày ra như khoe, như bán – cái này có thể coi là văn hóa của một thời đói kém. Bánh mướt Thanh Chương thuở ấy là thứ bánh mướt đặc biệt mà tôi chưa bao giờ thấy ở xứ khác. Ngày nay, bánh mướt quà sáng phổ biến là loại bánh mỏng manh với thứ nước chấm, đúng ra là nước nhúng nhàn nhạt di thực từ nơi khác đến nhưng chợ chiều ở cổng Huyện đội vẫn bán thứ bánh mướt thương yêu của người quê tôi, những chiếc bánh được cuốn cẩn thận, rắc lá hẹ, rắc nước mỡ, với thứ nước chấm đậm đà phưng phức hành tăm tao vàng cánh gián.

Nhưng thứ mà các chị quê tôi cần nhất ở chợ Quánh là lá nón. Ngày nay về làng đôi khi tôi ngậm ngùi vì ít thấy bóng người, huống là người quen cũ. Thanh niên lần lượt tỏa đi muôn phương tìm kiếm một công việc mong đổi đời, để lại không gian vắng lặng buồn nhớ xa xăm. Ở thế hệ tôi trở về trước, tàu xe khó khăn, đất nước đâu đâu cũng đói nghèo xơ xác, người ta sống chết với làng, với mỗi khẩu sáu thước rưỡi ruộng và một thước rưỡi đất màu gọi là đất vòng hai và làm thêm nghề phụ làm làm nón. Hồi ấy cả làng tôi, con trai, con gái đều làm nón. Nhà nào có vài ba người trẻ đều trở thành “xưởng sản xuất” nón lá. Người xóm Quánh làm nón nổi tiếng là đẹp nhất vùng, nón xóm Quánh luôn đắt hàng nhất chợ Dùng, mà đắt nhất là nón chị Lục, đúng ra là Lục Còng. Tên gọi hơi nhẫn tâm nhưng nó lại trở thành thương hiệu rất đỗi tự hào, không phải chỉ là của chị mà có lẽ là của cả xứ Quánh. Những chiều hè, sáng hè, người xóm Quánh đưa nón ra phơi, nhất là sau những ngày mưa, làm nên một quãng đê nón lấp lánh trắng. Cũng những chiều hè, hay những chiều thu, khi ánh nắng đã nhạt, dưới những tán cây, chị em xóm Quánh ngồi bên vệ đê chằm nón, chuyện trò rộn rã như chim hót. Người Bến Quánh có giọng nói khá đặc trưng, lạ lạ vui vui. Chợ Quánh là thủ phủ của lá nón hồi ấy. Những người thợ lá nón phía cuối huyện bên hữu ngạn sông Lam, thường là người Thanh Tùng, Thanh Mai… vào rừng Hương Sơn lấy lá nón, đem về và chuyên chở bằng xe đạp – tất nhiên là trụi lủi không gác – đơ – bu – và thường phanh bằng dép cao su, đem qua bán ở chợ Quánh. Lá nón rừng Hương Sơn đẹp, thường là vừa bản, trắng, suôn và mềm, dễ phanh, dễ lượt, đặc biệt hấp dẫn với những làn gân thoảng một màu xanh rất nhẹ trên nền lá trắng phau phau, rất được nghệ nhân làm nón xứ tôi ưa chuộng. Trong số những thợ lá nón, tôi có quen biết ông Dần. Ông Dần cao lớn, da ngăm ngăm đen, tiếng nói như chuông, tính tình cởi mở, phóng khoáng. Có hồi ông Dần bị một trận ốm thập tử nhất sinh, người ta nói vì ông “vướng” phải Đá Ông Đá Mụ, hoặc điện Lam Giang.

Đá Ông Đá Mụ là cặp đá nằm ngay bến Quánh, vừa vặn với tín ngưỡng phồn thực cổ xưa của người Việt. Có người nói hai “cụ” đá vốn trước ở lòng sông, nhưng qua những lở bồi năm tháng, lặng lẽ chuyển lên bờ bên tả ngạn. Cũng có người nói vốn Đá Ông bên này, Đá Mụ bên kia, nhưng bằng cách nào đó, sau bao nhớ nhung, Đá Mụ lặng lẽ vượt sông sang bên này đoàn tụ với Đá Ông. Chuyện dân gian nhiều khi huyễn hoặc, nhiều chuyện không lý giải được, mà cũng chẳng lí giải làm gì. Chỉ biết rằng ít nhất bến Quánh có thêm một huyền tích, kho văn hóa bến Quánh thêm phần phong phú. Mùa lũ, hai đá chìm trong nước, mùa nước cạn, ai ra bến Quánh cũng có thể thấy đá ông nửa như hờ hững, nửa như đắm đuối gác lên đá mụ, mà đôi khi người ta thấy, chỗ gác đấy giống hình một cách điệu sinh thực khí. Đôi đá nổi tiếng linh thiêng, thường có khi giúp đỡ những người gặp nguy nan; nhưng đá cũng có thể trừng phạt bất cứ người nào chọc giận mình. Cũng không ai biết ông Dần đã chọc giận đá ra sao nữa.

Đối diện với bến Quánh, với Đá Ông Đá Mụ là Điện Lam Giang thờ Đức Thánh Kỳ Xuyên. Cũng theo huyền tích dân gian, điện chính thờ Đức Thánh Kỳ Xuyên trước ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Một này nào đó, điện thờ bị cháy, mẩu tranh duy nhất còn sót lại bay đến và đậu lại nơi vách đá chênh vênh bên vực Quánh. Vách đá ấy thuộc xã Thanh An, người ta lập điện Lam Giang hay điện Kỳ Xuyên ngay chỗ ấy. Điện nhỏ bé, khiêm nhường trên chênh vênh vách vực bốn mùa trông gió dữ gió lành. Sự linh thiêng của điện thì hàng xứ trẻ con cũng biết. Có rất nhiều chuyện kể về việc Đức Thánh Kỳ Xuyên ban thuốc cứu người, giúp dân chọn đất làm nhà theo ý muốn, tìm lại vật nuôi đã mất… Chuyện li kì về sự linh thiêng của ngài kể không hết. Nhưng có một chuyện nhiều người chứng thực: những người bị mụt nhọt, nhất là trẻ em, đến kêu ngày đều có thuốc chữa lành. Ông thủ từ, cũng là đồng tử của ngài, sau khi hỏi vị trí của mụt nhọt, thường xin cách chữa trị hợp lí, và hiệu quả. Ví như, mụt thông thường, xin ngài cho vỡ, còn mụt những nơi nhạy cảm, vệ sinh khó đảm bảo, xin được tự tiêu. Mấy người xóm tôi vừa qua có người bị mụt nhọt đến xin đều ứng nghiệm. Phía dưới Điện Lam Giang là vực Quánh, ở đó có xoáy Quánh xưa thường xoáy hút và vùi xuống đáy sông không ít thuyền bè và sinh mạng, nếu không hình dung trước được hướng đi. Mỗi lần nhìn sang xoáy Quánh, trong tôi lại văng vẳng mấy câu đồng dao trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp:

“Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi.”

Tôi về thăm bến Quánh vào một chiều mùa đông ảm đạm, khi rét mướt đã len về trong từng cọng cỏ và những con dế bãi cũng thôi lang thang dưới những gốc cây già. Một chiếc cò nghiêng cánh trở về trên lũy tre quen thuộc. Không có đò, chỉ có vài chiếc nốc nhỏ nép mình bên bụi lau già. Ngoài kia từng con sóng lăn tăn không đủ làm nặng thêm nỗi buồn. Trong xạc xào cây lá, tôi chờ mãi một tiếng đò ơi…

Lê Thanh Nga