Cái tên Chuyện lính giản dị, khiêm nhường ngầm thông báo về nội dung được kể: những câu chuyện gọn ghẽ, gắn với những tâm tình của người lính nơi chiến trường. Nguyễn Minh Châu, nhà văn tiền bối, và đồng hương của Nguyễn Ngọc Lợi, cũng đã từng kể một câu chuyện nhỏ trong chiến tranh với cái tít nhẹ nhàng như thế: Chuyện đại đội. Ở đây tôi không có ý nói Nguyễn Ngọc Lợi chịu ảnh hưởng của Nguyễn Minh Châu, mà là đang nói về tính biện chứng của tư duy nghệ thuật. Khi nhắc đến “chuyện”, người ta thường nghĩ đến những điều giản dị. Với những cái cốt giản dị, Nguyễn Ngọc Lợi đã kể cho chúng ta nghe về những nỗi niềm thẳm sâu của người lính, chủ yếu trong cái nhìn hồi cố. Và với khoảng cách thời gian khá dài, người viết có điều kiện để gửi vào đấy những suy tư về nhân sinh, về thế cuộc, và về những mất mát, những buồn thương và cả những hạnh phúc nho nhỏ của con người trong chiến tranh, dẫu hạnh phúc ấy đôi khi thật bấp bênh.

Chuyện lính đưa người đọc, trước hết thám hiểm những vùng vạt không gian đã quen thuộc của văn chương: một con đường làng hoa dại, một mái bếp có chút khói xanh mơ, một cánh rừng đại ngàn cả gió, một bầu trời thành phố nhạt nhòa mưa, một căn hộ xập xệ hay một mái nhà khang trang… Nhưng tất cả những thứ quen thuộc ấy vẫn khiến người đọc nhói lòng bởi chúng nhuốm màu binh lửa. Ít có chết chóc, ít có máu xương…, chẳng khốc liệt nên nó man mác buồn. Cảnh không khốc liệt bởi Nguyễn Ngọc Lợi chỉ kể những câu chuyện bên lề chiến tranh. Nhưng ở đó chiến tranh vẫn hiển hiện. Nhưng ở đó người đọc vẫn cảm nhận được cái khốc liệt từ tầng sâu của phận người, trong đó nhiều câu chuyện là “thân phận của tình yêu”. Chính cách miêu tả này, mà người khởi xướng có lẽ là Franz Kafka, đã giúp lý luận văn học có thêm một khái niệm: thủ pháp miêu tả cái vắng mặt. Ở Việt Nam, Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh có thể coi là cuốn tiểu thuyết chiến tranh sử dụng khá nhuyễn thủ pháp này.

Bìa tập truyện ngắn “Chuyện lính” của nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi

Tất nhiên, dù không trực tiếp miêu tả chiến tranh, nhưng vì viết về phận người trong chiến tranh nên không thể không dàn dựng bối cảnh. Nguyễn Ngọc Lợi tỏ ra là một người kể am hiểu nhiều chuyện của chiến trường. Ông kể như một người đã chứng kiến, đã tham gia vào đoàn chiến binh vào sinh ra tử một thời (tôi chưa kịp tìm hiểu xem nhà văn đã từng tham chiến hay chưa?) Người viết có thể kể một cách khá chi tiết về kỹ thuật sử dụng súng, về kỹ thuật thông tin, về những thương vong… Nhưng những thứ đó không nhiều. Bối cảnh chủ yếu trong Chuyện lính là kiểu không gian tồn tại của những câu chuyện nhỏ được kể – thứ không gian gắn bó với con người Việt Nam, chủ yếu là không gian làng quê, và không gian nơi người lính trải qua nơi cứ điểm hoặc trên đường hành quân. Đặc điểm chung của không gian này là đẹp, và buồn, và lãng mạn. Lãng mạn bởi Nguyễn Ngọc Lợi ở tập truyện này là người đi tìm cái đẹp. Cái đẹp trên đường chiến tranh, với những biểu hiện nhiều khi nhói buốt.

Trước hết là vẻ đẹp lóng lánh chữ tình, gồm cả tình cảm gia đình, đồng đội, bạn hữu, nhưng cao hơn hết là tình yêu và tình người. Những câu chuyện tình mà Nguyễn Ngọc Lợi viết ra, ít có cái lành lặn, nhưng cũng chỉ đau một cách vừa đủ để lưu lại vẻ đẹp trong lòng người đọc. Hồ Dzếnh từng nói rằng tình chỉ đẹp khi còn dang dở là vì lẽ vậy. Và thơ Hồ Dzếnh cũng thường man mác một nỗi buồn không đau là vì vậy. Đấy là câu chuyện một chiến sĩ tình nguyện, dứt khoát cự tuyệt, trong tiếc nuối, tình yêu của một người con gái với tương lai rộng mở để thủy chung với mối tình chốn quê nhà, nhưng rồi phải nhận cái kết đắng là cô gái ấy đi lấy chồng trong một tình thế oái oăm; đó là một thiếu nữ thôn quê bị ép gả cho một gã đàn ông có hình hài và nhân cách thảm hại, từ đó sống một đời tui tủi mà không thể quên được người đàn ông đích thực của mình – một chàng sinh viên giã biệt giảng đường để đi vào nơi mà cái chết chờ đợi từng giờ từng phút; là mối tình “xuyên quốc gia”, sau bao xa cách mới gặp lại với một đứa con đằng đẵng bao năm thiếu hơi ấm của người cha… Chuyện lính có cả những mối tình sinh ly tử biệt, nhưng điều kì lạ là chúng không khiến người ta bi lụy. Đâu đó trong mỗi câu chuyện đều có những chi tiết nhằm hãm lại không để tình huống sa đà vào chỗ tuyệt vọng. Tôi đã đọc một số tác phẩm của Nguyễn Ngọc Lợi, và nhận ra rằng điểm chung trong sáng tác của ông là tình yêu thường không dẫn đến thảm họa, dù là thứ tình yêu bất toàn. Trong Đá xanh máu đỏ (tiểu thuyết, giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương) chẳng hạn, khi những đau đớn về thể xác, những cái chết bởi bom đạn được kể đến chi tiết, mang đến cảm giác thảm khốc rất thật về nỗi đau chiến tranh, thì tình yêu vẫn bung nở, vẫn đắm đuối nhưng vẫn đẹp một vẻ thơ mộng lành hiền. Phải có một cái nhìn đẹp về tình yêu thì mới tạo cho tình huống những giây hãm ở điểm dừng cần thiết. Không dễ để viết về tình yêu một cách đẹp như Bến sông trăng – một tác phẩm có lẽ là hay nhất trong Chuyện lính!

Tình người cũng là nội dung nổi bật trong Chuyện lính. Phải nói rằng khi bước sang đời sống hòa bình, đặc biệt là sống trong nền kinh tế thị trường người ta mới có dịp để nhận ra rằng hai chữ tình người hóa ra lại là vẻ đẹp cần được nuối tiếc nhất của thời lửa đạn – thời mà người ta thường nghĩ về người khác nhiều hơn là nghĩ đến mình, hoặc ít nhất là ý nghĩ chia đôi. Người lính nói riêng, con người nói chung trong Chuyện lính (trừ phần phản diện, không nhiều) đều là những người có tấm lòng trung hậu và giàu thương yêu. Đấy là cái tình của người lính, cái tình dành cho người lính (dĩ nhiên, vì đây là “chuyện lính”). Tuy nhiên, phía sau cái tình đầy sắc lính ấy là tình cảm cao đẹp của con người: tình thương yêu, trân trọng của ông Sáu Thời dành cho người lính ân nhân của gia đình (Hoa hồng cho ai?); tình cảm của ông Phận với em nhỏ Lào – người sau này sẽ là con nuôi của ông (Chuyện về đứa con nuôi); tình cảm của người chiến sĩ đối với bố, mẹ nuôi và những đứa con của họ (Mưa chiều thành nội), với một nghệ nhân trồng mai (Thương nhớ mai vàng); là tình đồng đội keo sơn (Nợ trần gian). Người lính trong tập truyện này giàu trắc ẩn và dễ xúc cảm trước những biến đổi của số phận, của lẽ đời. Nhưng, có lẽ do bản chất mộc mạc hay ý chí kiên cường đã được tôi luyện qua cuộc lửa binh, họ thường không hoắng lên trước những biến động ấy. Mà quả thực, cũng không hẳn có những biến cố gây sốc trong chuyện kể và cách kể chuyện của Nguyễn Ngọc Lợi.

Tìm kiếm tình người trong chiến tranh, cũng là tìm kiếm vẻ đẹp trong chiến tranh. Chẳng thế mà Thương nhớ mai vàng khá độc đáo, không phải viết về thân phận con người, mà là trực tiếp viết về thân phận cái đẹp. Những cây mai đàng hoàng, tươi tốt, ngồn ngộn sức sống trong chiến tranh nhưng lại mang một kiếp sống bấp bênh giữa thời bình, nhưng lại tận số trong thời bình, cùng với sự tận số của nhiều giá trị.

Là người mải mê săn tìm cái đẹp, Nguyễn Ngọc Lợi trân quý từng chi tiết của thiên nhiên, của tạo vật và cả của con người. Viết ca tụng vẻ đẹp của tình yêu, các nhân vật nữ trong Chuyện lính phần lớn, nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số đều đẹp: đẹp ở thể hình, đẹp ở tư cách làm người, ở tình yêu của họ. Các nhân vật ấy đẹp bắt đầu từ cái tên. Nếu như thế giới đàn ông ở đây được gọi bằng những cái tên bình thường, thậm chí xoàng xĩnh và đôi khi mang những khắc khoải thân phận, kểu Vạn, Quới, Nông, Phận, Thân… thì những thiếu nữ, những đàn bà thường được tác giả đặt cho những cái tên mĩ miều, sang trọng hay thể hiện nét đẹp nào đó bên trong: Tôn Nữ Linh Phương, Ngọc Trâm, Kim Cúc, Nguyệt, Thanh, Tâm… Những cái tên mĩ miều hiền dịu đó thuộc về những người có vẻ đẹp khó cưỡng. Ngoài Linh Phương có vẻ đẹp lúc ngang tàng, lúc hiền thục, các nhân vật nữ của Nguyễn Ngọc Lợi đều có vẻ đẹp thuần khiết, dịu nhẹ và thỉnh thoảng sắc sảo: “Bản nhạc vừa dứt thì Linh Phương xuất hiện. Trong bộ áo dài trắng kiểu nữ sinh, trông nàng như một bông huệ đầy vẻ trong trắng, kiêu sa”, “Nàng trao hoa cho tôi, bàn tay với những ngón thuôn dài, nuột nà như vô tình chạm vào tay tôi. Một cảm giác mát rượi, êm ái ngập tràn trong tôi” (Hoa hồng cho ai); “Chẳng lẽ là Ngọc Trâm? Da trắng, cái cổ cao xanh xao, sợi dây chuyền mỏng mảnh trên mảng ngực gầy quý phải. Một vẻ đẹp cao sang của thời quá vãng” (Bến sông trăng); “Theo lời Nông thì Nguyệt rất xinh, người thanh mảnh, áo sơ mi đen, quần lụa hoa dâu vừa sát khuôn người thon thả thanh tân và mái tóc đen dày được tết thành đuôi sam trĩu nặng, tất cả gợi nên vẻ khỏe khoắn và ngây thơ của tuổi dậy thì… Toàn bộ thân hình Nguyệt tỏa nét dịu dàng và đoan trang cuốn hút” (Trăng phía hạ tuần). Và quan trọng hơn, các nhân vật nữ chính của Nguyễn Ngọc Lợi luôn mang vẻ đẹp của phẩm hạnh – nét đẹp truyền thống của đàn bà Việt. Họ, đều là những người chịu khó, yêu tình yêu chung thủy, sẵn sàng bỏ cả tuổi thanh xuân, bỏ cả cuộc đời để chờ một ai đó, như biết bao đàn bà Việt đợi chờ trong vô vọng trên xứ sở đằng đẵng lửa binh. (Đây cũng là một khái quát buồn của người viết). Những người đàn bà trong Chuyện lính còn đẹp vẻ đẹp lam lũ và đôi lúc cam chịu. Hiền trong Làng quê yêu dấu chẳng hạn: cam chịu một người chồng không chút yêu thương, nhận một phận đời vô nghĩa bởi “cái ơn” phải trả thay mẹ và cho mẹ. Giá Hiền nổi loạn một chút, lăng loàn một chút, hẳn không khí tác phẩm sẽ đỡ phần bi thảm.

Đẹp của Nguyễn Ngọc Lợi ở đây còn là đẹp của không gian. Đẹp hơn cả trong Chuyện lính có lẽ là không gian núi rừng, là không gian làng quê mang đặc trưng, mang hồn cốt của làng Việt, với những làn khói xanh từ mái bếp, tiếng con gà nhảy ổ, một giếng nước mát trong, một dòng mương lơ thơ giữa một trưa êm ả hiếm hoi thời chiến: “Phút chốc tôi nhớ làng quê quặn thắt. Tôi nhớ làn khói chiều vờn trên những mái rạ mốc xám. Tôi nhớ màu rêu xanh ẩm của những đốc nhà cũ kỹ, nhớ mái ngói xộc xệch của những ngôi nhà chìm trong những vườn tược um tùm. Ngay từ nhỏ tôi đã yêu cái làng yên tĩnh như bị bỏ quên từ bao đời nay phía sau chân rú (…). Mặc kệ sự ồn ã phía đó, dựa lưng vào núi, làng tôi nhà nào cũng có vườn mít, vườn sơn trà và những đám ổi rừng mà hễ đến mùa quả chín, mùi ổi mùi na gọi về râm ran tiếng chào mào, chích chòe” (Làng quê yêu dấu); “Vườn nhà Phương xanh um. Lá bưởi xanh đậm, lá chè xanh mướt, cây hồng chíu chít quả non. Mấy con chim sâu chuyền cành lích chích riu ríu. Làng quê trưa hè thật yên tĩnh. Anh thông tin chợt nhớ đến nhà mình, nhà anh cũng có vườn cây, cũng có giếng nước đá ong trong và mát rượi. Buổi trưa hè nằm phản bên cửa sổ cũng nghe tiếng chim lích chích như thế này” (Đêm sông La). Điều đặc biệt là không gian của Nguyễn Ngọc Lợi bạt ngàn là hoa, hoa ở làng quê, hoa giữa núi rừng, hoa trong vườn nhà, hoa trong tình yêu tinh khiết, hoa trên bàn tiệc, hoa bất chợt trên đường hành quân… và nguyên cả một rừng mai của nghệ nhân. Không có truyện nào trong Chuyện lính mà hoa không xuất hiện, thậm chí có lúc hoa xuất hiện liên tục, phủ kín không gian kể, như ở Bến sông trăng chẳng hạn. Sự xuất hiện của hoa khiến không gian mang những vẻ đẹp khác nhau: khi là vẻ đẹp hiền lành của đồng nội, khi là vẻ đẹp phơi phới giữa thâm u núi rừng mang đến cảm giác tươi lành sinh sôi giữa chiến trường gian khó, khi là vẻ đẹp tương chiếu với vẻ đẹp của con người… Tất cả đều khiến không gian truyện trở nên sinh động, duyên dáng hơn.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng di lụy của nó vẫn còn đó, trên khắp mọi miền đất nước, và trong lòng người. Văn học của chúng ta đã viết nhiều về chiến tranh. Các tác phẩm viết sau chiến tranh hiển nhiên mang đến nhiều thông điệp hơn so với các tác phẩm viết giữa đạn bom, nhất là thông điệp về những đớn đau, mất mát mà cả dân tộc và mỗi gia đình, mỗi con người phải hứng chịu. Độ lùi thời gian và sự nghiền ngẫm do trách nhiệm với lịch sử và tấm lòng vì con người thôi thúc những người nghệ sĩ không ngừng tìm kiếm những tầng vỉa mới để nhận diện ngày càng rõ hơn, sâu hơn về cuộc chiến vinh quang và đau đớn để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Những Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Võ Thị Hảo, Cao Tiến Lê, Khuất Quang Thụy, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Đình Tú… đã đem đến cho người đọc những cảm nhận mới mẻ hơn về chiến tranh. Nguyễn Ngọc Lợi, theo cách riêng của mình, cũng có những đóng góp không hề tầm thường trên hành trình tìm kiếm ấy.

Lê Thanh Nga