Có lẽ trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng có một dòng sông in dấu những kỷ niệm buồn vui, sướng khổ. Dòng sông của ấu thơ, dòng sông của tháng ngày dài ngụp lặn để lớn lên…

Với tôi là dòng sông Lam của xứ Nghệ quê hương. Nhà tôi không ở cạnh bên sông. Tôi nghe nói tới sông Lam từ lúc còn bé, đâu như lúc năm sáu tuổi. Năm đó sông Lam có trận lũ lớn. Vì còn nhỏ, chưa biết lũ là gì nên tôi cảm nhận qua nỗi sợ hãi mơ hồ, qua cảnh tượng những tiếng trống, tiếng kẻng, tiếng mõ “ngũ liên” gióng lên lúc nửa đêm đầy hãi hùng thúc dục, và sáng ra dân làng hối hả thúc nhau đi chống lũ. Lũ sông Lam đang làm vỡ đê 42. Từng đoàn người tơi mang nón đội, đùm khoai đùm gạo cuốc xẻng thúng mủng quang gánh hớt hãi giục dã nhau. Từ các ngõ xóm người ta kéo ra đứng chật đường quan và cứ thế nháo nhác kéo nhau đi vào. Nghe đâu người các vùng lân cận cũng đổ về hộ đê chống lũ. Nào Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên… Từ Quỳnh Lưu quê tôi vào Vinh 60 cây số, vào Hưng Nguyên, Nam Đàn cũng ngót tám chín chục cây số. Không khí thật khẩn trương, còn hơn cảnh chữa cháy, đúng tinh thần “nhất thủy nhì hỏa”.

Vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, đất nước hẵng còn nghèo đói, mỗi khi mưa gió lụt lội, những mái tranh, những bờ tre chìm trong màn mưa trông thật tiều tụy xác xơ. Mỗi năm mùa mưa lũ đến là những vùng sống gần sông gần đê lo nơm nớp đến mất ăn mất ngủ. Trận lũ ấy tôi không nhớ chính xác năm nào nhưng nghe đâu đã phá vỡ một quãng dài đê 42, nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà ở Nam Đàn, Hưng Nguyên.

Sông Lam ám ảnh tôi từ ngày đó, và tôi hiểu biết thêm về dòng sông qua những chuyến đi trong những năm tháng của đời mình.

Sông Lam còn được gọi là sông Cả. Con sông lớn nhất và được coi là long mạch của Nghệ An. Sông Lam có lưu vực rộng lớn, gồm một phần mái núi phía tây dãy Trường Sơn của nước bạn Lào và tất cả núi rừng trùng điệp của miền Tây xứ Nghệ. Cả một vùng núi non hiểm trở với rừng già trùng điệp, là nơi lưu giữ hầu như vô tận nguồn nước cho sông Lam. Không thể tính hết có bao nhiêu khe suối trong mịt mù bao la ấy. Sông Lam có độ dốc khá lớn, địa hình vùng thượng du phức tạp nên mùa mưa đã có những trận lũ kinh hoàng gây ra biết bao thiệt hại cả về người và của. Trận lũ tôi nhắc ở trên là một trong những cơn lũ lịch sử mà sông Lam đã gây ra đầu những năm 1950 của thế kỷ trước. Tiếp đến còn phải nhắc đến trận lũ năm 1978 do mưa lớn gần 1000mm, đỉnh lũ hơn 9m tại Nam Đàn gây nên hàng trăm điểm vỡ đê. Và tiếp mãi về sau, sông Lam còn nhiều cơn lũ lớn nữa, gây điêu đứng và thiệt hại không kể xiết cho vùng hạ du trên suốt chiều dài nó chảy qua.

Lại nói, lưu vực sông Lam là toàn bộ miền Tây xứ Nghệ. Lên miền Tây Nghệ An có hai tuyến chính, đó là quốc lộ 7 và quốc lộ 48. Bám theo hai tuyến đường này, phía đường 7, từ dưới lên qua huyện Anh Sơn lên Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn là dòng chính của sông Lam. Phía đường 48 có sông Hiếu, một nhánh của sông Lam.

Nhánh chính phía đường số 7, hết phần đất Con Cuông lên Tương Dương đến Kỳ Sơn, địa hình phức tạp, núi có độ dốc lớn nên dòng sông quanh co khúc khuỷu và lắm ghềnh thác, tốc độ dòng chảy mạnh. Sông Lam được góp nước của dòng Nặm Mộ phía Kỳ Sơn và Nặm Nơn phía Tương Dương, hai nhánh sông này hợp lưu tại Cửa Rào, phía trên thị trấn Hòa Bình không xa. Gần đó, khe Kiền bên trái đường 7 cũng lên tiếng bằng dòng nước trong mát chảy ra từ một vùng núi non trùng điệp mạn tây nam.

Nặm Mộ bắt đầu từ những khe suối len lỏi giữa những dãy núi trùng điệp của xã Mường Típ góp thành dòng ngày đêm mải miết chảy sát những vách núi dốc như đá dựng. Mùa lũ, Nặm Mộ gầm gào sôi réo kinh hoàng. Dòng sông hiện đã bị chặn mấy đoạn làm thủy điện. Mùa khô, sông nhiều lúc trơ đáy. Đứng trên đường tại thị trấn Mường Xén nhìn xuống, lòng sông thu hẹp rì rào tít thung sâu.

Nặm Nơn bắt nguồn từ Xiêng Khoảng nước bạn Lào, qua một phần đất Kỳ Sơn và qua 7 xã của Tương Dương, lòng sông rộng hơn và có nhiều thác dữ. Trước khi bị chặn làm thuỷ điện bản Vẽ, thuyền máy có thể từ Cửa Rào, nơi hợp lưu của Nặm Nơn và Nặm Mộ, xé nước mà ngược lên tận Nhuôn Mai, Mỹ Lý… của huyện Kỳ Sơn. Một chuyến đi như thế cho ta nhiều cảm xúc khác nhau. Thót tim khi thuyền vượt thác dữ, khoan khoái thư giãn khi thuyền lướt êm trên mặt nước trong xanh in bóng núi mây trời. Một khoảng trời xanh hiện ra giữa hai vách núi. Những mái núi rực rỡ sắc màu huyền ảo trong mây xa sương gần. Vùng núi non, lưu vực của sông Lam phía bên này có đỉnh Pu Xai Lai Leng hùng vĩ và là địa bàn cư trú của những người Mông, người Thái, người Khơ Mú… Nào Nậm Cắn, nào Mường Lống, Mường Típ… Nào Huồi Tụ, nào Phà Đánh… Những mái núi cao ngất, những thung lũng rợn ngợp, những khe núi đọng đầy mây trắng, những khúc đường đèo hùng vĩ cho cảm giác con người thật bé nhỏ trước thiên nhiên. Không thể thống kê lưu vực này có bao nhiêu khe suối. Dừng chân ở Huồi Tụ phóng tầm mắt ra, núi tiếp núi nhấp nhô uốn lượn mờ dần trong mây. Cả một vùng núi non hùng vĩ. Du khách sẽ không thể ngờ rằng nơi đỉnh núi cao lại có một thị tứ, điểm quần cư của người Thái, người Mông nhộn nhịp bán mua. Không chỉ Huồi Tụ, mà còn có Mường Lống, xứ sở được coi là Đà Lạt của Nghệ An. Thung lũng Mường Lống, một xã gần như trăm phần trăm là người Mông nằm lưng chừng dãy Trường Sơn quanh năm mây phủ. Người Mông dù ở nơi đâu vẫn là tộc người cần cù, thông minh, ngang tàng và mạnh mẽ. Mỗi độ xuân về, Mường Lống phủ trắng màu hoa mận và hồng màu hoa đào và rực rỡ sắc màu thổ cẩm. Cùng tiếng sáo Mông, tiếng khèn Mông, tập quán sống hòa vào nhịp sống mới đã làm tăng thêm sức sống cho tộc người, làm đặc sắc thêm nét văn hóa vùng cao, thu hút không ít khách du lịch đến với Mường Lống.

Tôi từng theo thuyền gắn máy xé nước ngược dòng Nặm Nơn và có một tối ngủ lại Xiềng Lằm, một bản người Thái của xã Hữu Khuông, lúc dòng sông chưa bị chặn để làm thủy điện. Cái bản Thái nằm bên vách núi cạnh sông đẹp như tranh thủy mạc và trầm lắng như tiếng thì thầm của dòng sông ấy giờ đã chìm sâu dưới mấy chục mét nước của lòng hồ. Nước hồ dâng cao tạo thành một hồ rộng mênh mông giữa lưng chừng núi non, mở ra một cảnh quan hùng vĩ đến ngỡ ngàng. Tôi cũng từng ngủ đêm tại bản Thái làm homestay ở xã Mỹ Lý của huyện Kỳ Sơn. Nơi đây lòng sông hẹp, độ chênh lớn khiến dòng chảy có lưu tốc khá lớn. Đêm trên nhà sàn nằm nghe mưa, nghe nước sông đầu nguồn sôi réo, nghe tiếng lăm, tiếng khắp mà như được trôi ngược về những năm tháng xa mù trong quá vãng của núi rừng.

Cửa Rào, địa danh nằm kẹp giữa nơi Nặm Nơn và Nặm Mộ hòa nước vào nhau để trở thành dòng chính mang tên sông Lam có một ngôi đền mới được phục dựng gọi là đền Vạn. Đền Vạn, thờ một vị tướng đời nhà Lý đã bỏ mình vì sự bình yên và bảo toàn bờ cõi. Đứng tại nơi đây có thể thu vào tầm mắt vẻ bao la hùng vỹ của núi rừng nơi ngả ba sông, và như từ đâu đó trong lịch sử ta nghe vọng về những trầm tích, những huyền thoại, những câu chuyện của núi, của sông, và của bao lớp người trấn giữ miền biên ải.

Sông Lam từ đây chảy về xuôi, qua phần đất còn lại của Tương Dương, dòng chảy nhận thêm nước của khe Choang, khe Thơi, khe Bố… Các xã Thạch Giám, Tam Đình, Tam Thái với những đám ruộng bậc thang, những bản nhà sàn vững chãi có những hàng cau, gốc dừa và nhiều cây ăn quả nằm dọc bên đường đẹp mơ màng. Ở đoạn đường này, tại xã Tam Thái còn giữ được khu rừng săng lẻ nguyên sinh tươi tốt giữa bao la rừng đã bị khai thác kiệt quệ. Rừng săng lẻ, địa điểm mà lữ khách không thể không dừng chân mà trầm trồ, mà chụp tấm hình kỷ niệm chuyến ngược miền Tây. Đứng tại rừng săng lẻ nghe rì rầm tiếng nước sông Lam chảy cạnh bên.

Sông Lam xuôi dòng bám theo quốc lội 7 lúc xa lúc gần, đoạn qua thị trấn Con Cuông sông có phần mở rộng. Lòng sông đoạn này lởm chởm, dòng chảy có nhiều xoáy nhỏ gầm gào, tạo cảm giác rợn ngợp đầy thích thú.

Con Cuông có rừng nguyên sinh Pù Mát được bảo tồn với sự đa dạng sinh học có phần độc đáo. Con Cuông với Môn Sơn, Lục Dạ của vùng Mường Quạ đẹp như tranh. Mường Quạ quê hương lâu đời của người Thái. Nơi đây có cánh đồng lúa nước phì nhiêu, có sông Giăng trong mát, có đập nước Phà Lài trong vắt in bóng núi mây trời. Ngoài chiến công vang dội của tướng quân Lê Lợi trong kháng chiến chống quân Minh xâm lược với câu ca “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”, mảnh đất này từng cưu mang hàng ngàn người dân Lào sang lánh nạn trong kháng chiến chống Mỹ.

Cũng như mọi dòng sông trên trái đất, sông Lam cấp nước nuôi sống đất, nuôi sống người xứ Nghệ… Ảnh: Sách Nguyễn

Sông Lam càng xuôi xuống hạ lưu, lòng sông càng rộng. Xuống đến thị trấn Cây Chanh của huyện Anh Sơn, nhận thêm nước của sông Hiếu từ mạn tây bắc đổ về, dòng chính trở nên mênh mang và mạnh mẽ chảy giữa tả ngạn là núi đồi rừng cây, và hữu ngạn là những bãi bồi quanh năm bời bời ngô mía lạc khoai. Anh Sơn với những xóm làng trù phú, những đồi chè xanh mướt, những đồng lúa phì nhiêu. Vẻ trù mật sầm uất do dòng sông mang lại này còn kéo mãi xuống các huyện phía hạ lưu là Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên… vùng châu thổ khá rộng lớn mang đậm bản sắc văn hóa Nghệ.

Lại nói về phụ lưu có phần vạm vỡ bên phía đường 48 là sông Hiếu. Sông Hiếu có lưu vực trùm khắp vùng Phủ Quỳ gồm các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn. Không như phía đường 7, địa hình phía bên này vách núi thoải và chân núi rộng hơn, chỉ trừ mấy xã vùng sát biên giới nước bạn Lào như Thông Thụ, Tri Lễ có địa hình tương đối dốc.

Huyện Quế Phong, không tính tuyến đường từ huyện Quỳ Hợp mở lên qua Châu Cường, Châu Thành của huyện này, tới xã Diên Lãm của Quỳ Châu, tới Quang Phong, Cắm Muộn để gặp đường lên Tri Lễ ở xã Châu Thôn. Quế Phong có hai tuyến giao thông chính. Từ ngả ba Phú Phương, xã Tiền Phong đầu huyện, rẽ phải sẽ tới các xã Hạnh Dịch, Đồng Văn, Thông Thụ. Bám theo tuyến đường này và gần đó có suối Nặm Việc và Nặm Hạc. Suối Nặm Việc gặp Nặm Hạc từ Thông Thụ qua Châu Bính xuôi về, gặp Nặm Quáng từ Quang Phong, Cắm Muộn sang hợp lưu phía trên xã Châu Tiến trở thành dòng Nặm Giải lớn. Dọc theo Nặm Giải có những cánh đồng ruộng bậc thang cạnh những khu rừng nguyên sinh lờn vờn mây phủ. Suối Nặm Việc có độ chênh khá lớn, nước chảy ầm ào với những điểm du lịch là các thác nước như thác Sao Va ở xã Tiền Phong, thác bảy tầng ở Hạnh Dịch, và các bản Thái cổ in dấu đời sống lâu đời của bao lớp người sống giữa núi rừng. Từ ngả ba Phú Phương rẽ trái sẽ lên thị trấn Kim Sơn, Mường Nọc. Đi tiếp lên tới Châu Kim nằm dưới chân Pù Chông Cha, gần đấy có lối rẽ phải vào xã Nặm Giải. Vượt đèo Pu Chông Cha sẽ tới Châu Thôn, và xã cuối cùng giáp nước bạn Lào là Tri Lễ, một vùng người Mông xen lẫn người Kinh, người Thái buôn bán sầm uất.

Mường Nọc là một thung lũng rộng lớn với cánh đồng lúa nước phì nhiêu được nước của dòng Nặm Giải bao đời tưới tắm. Nơi đây có đền Chín Gian thuộc xã Châu Kim thờ người có công khai phá, dựng bản lập mường. Đền Chín Gian nằm ngay dưới chân Pu Chông Cha, con đèo lớn án ngữ phía tây. Giòng Nặm Giải len lỏi qua các xã Nặm Giải, Tri Lễ, Châu Thôn về chảy miên man dưới chân đèo mà đổ nước tưới tắm cho đồng lúa, nuôi sống bao bản mường suốt dọc hai bên bờ.

Tôi đã nhiều lần lên thăm bạn ở bản Pà Nạt của thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Đêm ngủ lại trên nhà sàn gỗ, bạn giải thích cho nghe nghĩa của hai từ “pà nạt”. “Pà” nghĩa tiếng Thái là “rừng”, còn “nạt” là gì, chính anh cũng lúng túng. Hóa ra chúng ta nhiều lúc vẫn không hiểu hết ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình. Văn hóa, ngôn ngữ của mỗi dân tộc luôn là kho tàng ẩn chứa nhiều bí ẩn cần được khám phá. Nằm trên sàn nhà anh nhìn ra, bên kia rặng vải, bờ tre là cánh đồng rồi tới núi. Núi liền núi, núi kéo dài lên tận dãy Pu Quai, núi trập trùng trong mây lên tận xã Nậm Giải, Tri Lễ sát biên giới Việt – Lào. Tôi và bạn gặp nhau từ Trường Sư phạm miền núi Nghệ An mấy chục năm trước. Vì thế mà bạn tôi chứng kiến rừng nguyên sinh biến mất qua từng tháng từng năm ngay trước mắt. Anh bảo thật may là dòng Nặm Giải vẫn chảy. Nặm Giải cấp nước cho cánh đồng phì nhiêu của thung lũng Mường Nọc, nơi quần tụ những bản Thái lâu đời trù phú. Cùng với dòng Nặm Quáng phía Quang Phong, Cắm Muộn sang nhập dòng cùng Nặm Việc hòa vào dòng chính sông Hiếu đoạn phía trên cầu Châu Tiến, cửa ngõ vào Quế Phong. Sông Hiếu từ đây chảy qua Châu Thắng, qua dốc Pú Bài xuống Tân Lạc mà xuôi xuống Nghĩa Đàn. Đoạn này không còn ghềnh thác, dòng chảy có phần mở rộng chảy êm đềm. Xuống tới xã Nghĩa Thịnh, sông Hiếu có thêm nước sông Dinh từ Quỳ Hợp đổ xuống.

Sông Dinh, phụ lưu này phía đầu nguồn được gọi là suối Nặm Tôn. Nặm Tôn có lưu vực hầu như là toàn vùng Quỳ Hợp. Những khu rừng trên vòng cung núi đá vôi vùng Châu Quang. Rồi Châu Cường, Châu Thái, Châu Thành, Châu Lý. Nào Nam Sơn, Bắc Sơn… Trừ mấy xã Châu Cường, Châu Thành phía trên, còn lại địa hình huyện miền núi này khá bằng phẳng, suối sông rì rầm êm đềm chảy. Vùng đất này có những cánh đồng hai vụ lúa khá rộng và những bản nhà sàn đỏ au màu gỗ của người Thái thật thanh bình và thơ mộng dọc những đường nhựa xuyên rừng.

Lần đầu tiên tôi biết đến Quỳ Hợp là vào năm 1968 sau một chuyến xuyên rừng già qua các xã Hạ Sơn, Văn Lợi, Nghĩa Xuân tới Châu Quang, Đồng Nại. Lúc đó tôi như mê mẩn với cánh đồng Châu Quang rực vàng màu lúa chín ngợp giữa vòng cung lèn đá chập chùng. Những bản nhà sàn mái lợp lá mây dày, sàn vách tre nứa bóng loáng ngày đêm rộn ràng tiếng gõ loong, tiếng giã gạo… thật bình yên. Nào bản Mọn, bản Cà, bản Còn… len lỏi giữa các vùng các bản là những khe suối trong mát, có những thác nước như huyền thoại giữa núi rừng.

Mấy chục năm trôi qua, giờ đây gặp lại một Quỳ Hợp với những tuyến đường nhựa len lỏi vào những vùng rừng keo, rừng tràm và những bản Thái đỏ au màu gỗ. Thị trấn Quỳ Hợp với phố xá rộng dài người xe hàng hóa tấp nập bán mua.

Trở lại với sông Hiếu. Xuống đến Thái Hòa nay đã trở thành thị xã, sông Hiếu nhận thêm nước sông Sào chảy từ mấy xã vùng Tây Bắc huyện Nghĩa Đàn như Nghĩa Yên, Nghĩa Mai, Nghĩa Lâm, Nghĩa Minh, đổ về chỗ Khe Tọ. Sông Hiếu đoạn này khá rộng. Qua sông trên tuyến 48 này giờ đã có hai cầu bê tông bề thế khiến thị xã Thái Hòa mới được mở rộng mang dáng dấp một đô thị hiện đại. Thái Hòa, trung tâm vùng đất đỏ màu mỡ, xứ sở của cà phê, cao su, xứ sở của chè xanh, chuối dứa và nhiều loại hoa quả khác. Tôi từng có những năm tháng lăn lộn kiếm sống với vùng đất này. Tôi từng len lỏi trong những cánh rừng già thả trâu đặt bẫy, lấy nấm, bẻ măng, từng ngụp lặn sông Sào kiếm cá mò cua, và biết bao lần qua đò, qua phà Hiếu bằng xe đạp cọc cạch kiếm sắn kiếm ngô.

Nói sao hết những trải nghiệm với sông Hiếu. Sông Hiếu xuôi xuống Tân Kỳ, đoạn này được gọi là sông Con. Sông Con nhập vào dòng chính ở Cây Chanh như đã nói ở trên.

Đoạn sông Con này tôi có một trải nghiệm không thể quên. Ấy là đợt đi thực tập sư phạm ở Trường cấp 2 xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ của tốp giáo sinh Trường Sư phạm miền núi Nghệ An. Giữa trưa nắng tôi ra sông tắm và bị cảm hàn đen cả lưỡi, may nhờ các bác sĩ trạm quân y đóng ở đó cứu sống. Lâu lắm rồi, chẳng thể nhớ tên những người đã cứu mình. Chỉ nhớ tại dòng sông không thể quên ấy tôi mang nặng một ân tình được giữ mãi tới hôm nay.

Nhận thêm nước của sông Hiếu, sông Lam càng thêm vạm vỡ mà xuôi dòng. Dọc theo dòng chảy là những bãi bồi xanh mướt lạc ngô đậu đỗ, những xóm làng trù mật của Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn… Sông Lam tưới tắm khắp mọi vùng trong tỉnh. Đoạn qua huyện Đô Lương sông được chặn bởi một đập ba ra, từ đây một phần nước sông Lam theo hệ thống kênh mương tưới cho những cánh đồng hai vụ lúa của các huyện Yên Thành, Diễn Châu và Quỳnh Lưu để các huyện này trở thành những vựa lúa nối tiếng. Công trình và hệ thống thủy lợi này được người Pháp thiết kế, xây dựng đã hàng thế kỷ vẫn phát huy vai trò để dòng sông, công bằng ban phát ân sủng của trời đất cho mọi miền xứ Nghệ.

Xuống đến Thanh Chương nhận thêm nước sông Giăng từ Con Cuông chảy về mặt nước sông Lam trở nên mênh mang. Lúc này, theo một con thuyền xuôi dòng ta sẽ có cảm giác trôi ngược về quá khứ. Bên phải là rú Nguộc, xa xa là rú Đụn, rú Chung, là núi Đại Huệ của Nam Đàn. Bên phải, mạn nam và tây nam là núi Thiên Nhẫn, xa mờ kia là dãy Dăng Màn, là Ngàn Trươi hùng vĩ. Trên con thuyền buồm căng gió lộng trăng thanh ấy ta như nghe tiếng trống, tiếng hò reo từ năm 1930 vọng về. Ấy là ta đang đi giữa quê hương của tinh thần quật khởi Xô viết Nghệ An, quê hương của những chí sĩ anh hùng, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Vùng đất sục sôi cách mạng có ý chí quật cường này là khởi nguồn cho quá trình tranh đấu lập nên nước Việt hôm nay. Sông Lam mênh mang, con thuyền trôi giữa vùng dân ca, những điệu hò ví, giặm man mác lắng sâu, nặng nghĩa ân tình, đậm đà chất Nghệ. Núi Thành bên trái, và trước mặt là sừng sững dãy Ngàn Hống của đất Hà Tĩnh có sông La góp nước để tạo thành một vùng Nghệ Tĩnh nước biếc non xanh. Rú Quyết kia, Bến Thủy đó, kháng chiến chống Mỹ, nơi đây ngày đêm mịt mù bom đạn. Nơi đây đã in dấu vạn vạn bàn chân của những người ra trận. Những chuyến phà cảm tử, những chuyến xe vượt sông, những đoàn quân rùm ròa ngụy trang hối hả vào chiến trường. Tháng 8/1972, sau mấy tháng huấn luyện, từ xã Nam Vân của huyện Nam Đàn, tôi cùng đơn vị vượt đò Vạn Rú, theo đường giao liên trên cánh đồng nằm giữa sông Lam và sông La, đi chiến đấu.

Vậy là sông Lam đã về tới Vinh – thành phố Đỏ. Đê 42 bắt đầu từ thị trấn Nam Đàn xuống tới Bến Thủy giờ đã được xây dựng bề thế, vững chắc, nghe đâu rồi đây con đê này trở thành tuyến du lịch có ba làn xe, có đèn cao áp, sẽ không còn bị ám ảnh vỡ đê mỗi khi có lũ.

Tôi từng từ Nam Đàn xuôi xuống Vinh theo dọc con đê. Qua sông Lam giờ đây, ngoài cầu đường sắt Yên Xuân còn có cầu đường bộ rộng dài. Con đường mới mở băng qua bãi dài ngô lúa tiếp giáp Hưng Nguyên, Nghệ An và Đức Thọ, Hà Tĩnh tiến tới sông La.

Xuôi xuống nữa gặp núi Thành, núi Quyết. Núi Quyết sừng sững bên tả ngạn sông Lam. Cặp đôi sông núi này như là biểu tượng cho thành Vinh. Núi Quyết, trên độ cao 97 mét so với mặt biển có đền thờ vua Quang Trung mới được xây dựng năm 2005. Sau chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, nhân dịp về thăm thành Nghệ An, nhận ra một vùng địa linh, vua Quang Trung đã quyết định chọn nơi đây làm nơi đóng đô cho vương triều mới. Nếu Bình Định là nơi ông sinh ra và lớn lên thì Nghệ An là mảnh đất nặng nghĩa tổ tiên nguồn cội. Tiếc rằng công trình đang dang dở thì hoàng đế băng hà. Thành Vinh lỡ dịp trở thành kinh đô Đại Việt. Cái tên Phượng Hoàng Trung Đô được gọi lên như một niềm luyến tiếc u hoài.

Thành Vinh, xứ Nghệ, mảnh đất đầu miền Trung này như là nơi chốn để gửi gắm niềm tin. Và lịch sử còn ghi tiếp những trang vàng về nó. Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, toàn thành Vinh nói chung, núi Quyết, Bến Thủy nói riêng ngập trời bom đạn. Giặc Mỹ quyết chặt đứt tuyến giao thông tại Bến Thủy. Những chuyến phà cảm tử, những chiến sĩ cầu phà làm lễ truy điệu sống trước khi lao xuống nước phá bom từ trường mà máy bay giặc rải kín lòng sông. Năm 1968, trung đoàn tôi bảo vệ Vinh đã kéo pháo lên đỉnh núi Quyết đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ bến phà. Giữa mịt mù bom đạn, tâm hồn chiến sĩ cao xạ chúng tôi vẫn phơi phới lạc quan. Giờ đây, đứng trên đỉnh núi Quyết mà phóng tầm mắt ra bốn hướng ta thấy mờ ảo trong sương một thành phố Vinh với những tuyến phố rộng dài, những khu nhà cao tầng hiện đại. Sông Lam êm đềm xuôi về Cửa Hội. Bên kia Hà Tĩnh, bên này Nghệ An, đều là những vùng “địa linh” mà sinh ra biết bao “hào kiệt” cho đất Việt trong suốt chiều dài lịch sử đến mãi hôm nay.

Một dòng sông với biết bao đời người. Cũng như mọi dòng sông trên trái đất, sông Lam cấp nước nuôi sống đất, nuôi sống người xứ Nghệ. Sông Lam dịu dàng mà cuồng nộ, êm đềm mà dữ dội. Cùng nắng gió của dải đất miền Trung, sông Lam đã hun đúc nên bao lớp người xứ Nghệ. Người Nghệ mạnh mẽ, kiên trung, thẳng ngay đến bộc trực, dũng cảm đến gan lì, liều lĩnh. Người Nghệ thủy chung như nhất, người Nghệ trung thành, cần cù, chịu thương chịu khó để bao đời nay người Nghệ chiếm trọn lòng tin yêu của cả nước trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Không thể biết sông Lam nghìn năm trước, và càng không thể biết ngàn năm sau sông Lam sẽ ra sao. Thế giới thay đổi, trời đất biến thiên. Chúng ta chỉ biết hiện tại, trước mắt ta dòng sông đang hiện hữu, ngày đêm miệt mài tưới tắm làm nên một xứ Nghệ rất đỗi thân thương.

Nguyễn Ngọc Lợi