Hồi còn ở làng cũ, nhà tôi nằm cạnh con đường cái quan đất đỏ mềm mịn như một nét vẽ màu son. Đi mấy bước chân đã đến bến phà. Những ngày miên man nắng gió chuyển mùa, mấy đứa trẻ dắt tay nhau chạy dọc bờ sông Con xạc xào lau sậy. Thả hồn ngắm những chuyến phà, chuyến đò tất bật ngược xuôi. Ngắm những bến bãi, những đồng mía, đồng dâu mặn mòi hương vị phù sa.

Đứng ở gốc cây xà cừ đầu làng thấy miếu Hai Cô thấp thoáng ẩn hiện trong tán cây đa cổ thụ, soi bóng xuống dòng sông. Tôi nghe bà nội kể, ngày xưa có hai chị em vào rừng hái củi thì bị hổ vồ chết. Người dân đã lập miếu để thờ hai cô gái đáng thương. Câu chuyện đó có thật hay chỉ là truyền miệng? Chỉ biết từ khi tôi lớn lên đã thấy miếu Hai Cô trên núi. Mờ mờ, ảo ảo sau những bụi cây rậm rạp khiến cho bến sông phảng phất màu sắc liêu trai, bí ẩn.

Mùa lũ, nước sông ngầu bọt trắng xóa, củi khô, lá khô xập xềnh lớp lớp. Trai gái, trẻ già dập dềnh ngụp lặn, bơi lội giữa dòng để vớt những thanh củi mục nát. Những bó củi nặng trĩu, ròng ròng nước lụt rải ra phơi đầy cổng làng, ngõ xóm. Cái mùi thum thủm của những bó củi ngấm nước lâu ngày lẩn quất vào từng gian bếp nhỏ.

Sông xưa. Ảnh: Hà An

Kìa, những chuyến phà trên sông, những chuyến phà cần mẫn, tiếng máy xình xình chậm rãi di chuyển trên mặt sông hiền hòa gợn sóng. Sáng sớm, ngày có phiên chợ giáp Tết ở xã bên. Phà oằn tấm thân già nua sẵn sàng đón đợi từng tốp người chen chân bên bờ sông ì oạp nước.

Như duyên nợ với làng, với sông, phà âm thầm trôi cho kịp phiên chợ Tết. Phà chở tiếng lợn kêu ec éc, tiếng gáy dở dang của chú gà trống choai. Chở buồng chuối chín bói, chở gánh khoai mới đào còn dính mủ. Chở bó lá dong xanh óng ả soi áng mây trời. Chở cả tiếng cười trong veo như tiếng vi vút của cánh đồng dâu mùa xanh lá. Chở cả những nỗi niềm gạn đục khơi trong, chở nét ưu tư thoảng qua như mây khói. Mưa xuân bay bay gọi én ùa về, sông mềm mại, lúng liếng như một tấm khăn voan, vỗ về, nâng nhịp phà trôi.

Phía xa xa, con đò nhỏ thư thái nép mình bên bờ sậy, nằm im nghe sóng liu riu mơn trớn. Bác lái đò già vội vã trở về căn nhà tranh nhỏ ở mép làng, nấu niêu cơm, đun ấm nước, lại tất tả quay ra bến, đợi chờ những tiếng gọi xôn xao đồng vọng cả đôi bờ:

– Đò ơi… ơi…!

– Ơ ông cu Đôn, cho tui sang sông với!

Con đò nhẹ tênh như một chiếc lá lướt nhẹ trên mặt sông bập bềnh hoa bèo tím. Bác lái đò mặc bộ đồ màu bùn non, chiếc khăn bông mỏng vắt hờ qua cổ. Mái chèo uyển chuyển khua theo dòng nước, chênh chao sóng vỗ mạn thuyền, giọt đời rơi mằn mặn.

Đời người chèo đò như đời sông cứ trôi không kể bến bờ. Khi êm đềm phẳng lặng, lúc cồn cào giận dữ, âu đó cũng là lẽ thường của kiếp nhân sinh.

Càng nhớ làng cũ, nhớ bến phà, nhớ những chuyến đò ngang, tôi càng quặn lòng nhớ thương mẹ – người con gái thành phố xứ Thanh về làm dâu miền quê nghèo xứ Nghệ. Ngoài thời gian gắn bó với bục giảng trường làng, mẹ gắn bó với bến quê. Chiều chiều, khi chuẩn bị đi gánh nước ở bờ sông, mẹ ra vườn ngắt vài mảnh lá chuối, vài cái lá sắn, lá khoai bỏ vào thùng. Mẹ nói, khi nước đầy thùng mẹ sẽ bỏ những cái lá lên trên để nước đỡ bắn ra ngoài. Tôi nhớ đến ám ảnh con dốc cao, nhỏ xíu, trơn trượt dấu chân mẹ, trơn trượt dấu chân những người đàn bà lam lũ của làng. Có những đêm bến sông trăng chênh chao, rời rợi, bóng mẹ với đôi thùng in xuống con dốc liêu xiêu. Bà nội đứng bậc cửa gọi với:

– Con mẹ Oanh, nước đã đầy chum chưa?

Mẹ tôi khẽ khàng:

– Chưa đẻ[1] ạ, còn vài gánh nữa mới đầy!

– Thì mẹ mày cứ gánh đi, còn để tưới cây nữa!

Sông thao thức không ngủ, nước xao động theo từng nhịp vục xuống của đôi thùng. Đôi bàn chân mẹ vẫn nhẫn nại lên xuống trên con dốc thẳng đứng bóng nhẫy. Tiếng nước va vào thùng lách xách, tiếng đòn gánh kẽo cọt. Cho đến khi chim đa đa gọi nhau đi ngủ lúc túc trong khóm tre thì đôi chân, đôi vai mẹ mới được ngơi nghỉ. Giấc mơ chập chờn đêm ấy, tôi thấy mấy cái chum ở hiên nhà tràn trề nước, loang loáng ánh trăng khuya.

Hồi đó tôi còn quá nhỏ, nên đâu đã đủ khôn để mà thương, mà quý bến sông. Đâu đã đủ khôn để thương quý những chuyến phà, chuyến đò, đâu đã đủ khôn để thương quý đôi vai, đôi chân của mẹ.

Mãi sau này, tôi mới hiểu rằng tất thảy những điều bình dị, giản đơn đó chính là máu thịt, là mạch nguồn mà tận trong tâm khảm tôi luôn canh cánh nhớ thương. Là nơi chôn nhau cắt rốn mà cả đời tôi, dù dòng xoáy cuộc đời cuốn trôi lầm lụi thì tôi vẫn một lòng một dạ quay về. Như là cách để trả món nợ ân tình với bến xưa làng cũ.

Bâng khuâng đứng giữa cây cầu đồ sộ nối hai bờ sông. Sông vẫn đỏ nặng phù sa, vẫn êm đềm dịu dàng như cổ tích nhưng chuyến phà, con đò, con dốc in dấu chân mẹ ngày xưa đã trôi về tận phương nào. May chăng chỉ gặp trong những giấc mơ hoang hoải với tiếng gọi: “Đò ơi!”

Võ Thị Thu Hương

  1. Đẻ là mẹ, cách gọi xưa của người dân Diễn Hạnh, Diễn Châu.