Từ thời còn là nữ sinh trung học, tôi đã mê thơ Nguyễn Bính, tôi mê cái giọng điệu quê kiểng, dân dã mà giàu nhạc điệu trữ tình trong các bài thơ của nhà thơ thôn quê Việt Nam này. Có lẽ vì thơ Nguyễn Bính giàu nhạc điệu nên đã có nhiều ca khúc được các nhạc sĩ phổ nhạc như: Chân quê (Trung Đức), Cô gái hái mơ (Phạm Duy), Ghen (Trọng Khương)… Tôi yêu thơ Nguyễn Bính là bởi tôi nhận ra giữa bối cảnh các nhà thơ hiện đại Việt Nam giai đoạn 1932- 1945 luôn góp một tiếng thơ sôi nổi, mãnh liệt trong thi đàn thì Nguyễn Bính lại âm thầm chọn cho mình một lối rẽ riêng đầy hoài niệm. Phải chăng nhà thơ của “những bài thơ không bao giờ cũ” muốn tìm một khoảng bình yên để nhớ về quê hương, về những mối tình lãng mạn của ‘‘anh”, “tôi”, “nàng”, “em” trong quãng đời phiêu bạt. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, hồn thơ Nguyễn Bính mãi mãi là một hồn thơ chân quê, mộc mạc, sáng lấp lánh như ngôi sao của bầu trời nước Việt.

Đọc thơ Nguyễn Bính, ta say đắm trước vẻ đẹp thơ mộng, dịu dàng của làng quê thôn dã, của những mối tình thánh thiện, thơ ngây, của những đồng lúa nương dâu, của dậu mồng tơi, của hoa cau, vườn trầu. Và đặc biệt, có cả những mùa xuân tươi mới ngập tràn trong nguồn cảm hứng, một trong những bài thơ đặc sắc là “Mùa xuân xanh”:

Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao lá ở cành
Lúa ở đồng tôi và lúa ở
Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh
Tôi đợi người yêu đến tự tình
Khỏi lũy tre làng ta nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.
(1937)

Ở nhiều bài thơ khác, Nguyễn Bính thường chọn thể thơ lục bát để diễn tả cảm xúc, nhưng với “Mùa xuân xanh” ông lại chọn thể thơ bảy chữ khoáng đạt, chắp cánh cho cảm hứng về mùa xuân bay bổng, bao trùm toàn bài.

Bài thơ thổi vào lòng bạn đọc một luồng gió phơi phới, chứa chan niềm yêu đời, yêu cuộc sống, không hề vương chút lưu luyến hay ngậm ngùi khi ngày đã tàn, năm đã cạn. Cái tài của thi sĩ thành Nam là ông đã dùng ngòi bút như dùng chiếc bút lông của người họa sĩ tài ba để tô đậm gam màu xanh nổi bật  giữa bức tranh xuân. Nhờ sự gắn kết giữa màu xanh và mùa xuân mà cảm hứng tình yêu cuộc sống trong bài thơ trở nên độc đáo, có sức hấp dẫn kỳ lạ.

Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi trong một đánh giá về bài “Mùa xuân xanh” đã viết: “Trong các nhà thơ hiện đại Việt Nam, không ai sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ thành thạo như Nguyễn Bính. Đọc thơ của ông ta có cảm giác người này không bao giờ dùng đến bút giấy, xuất khẩu là thành thơ”:

                   Mùa xuân là cả một mùa xanh
Giời ở trên cao lá ở cành

Câu thơ đầu như một lời khái quát mở ra trước mắt ta một không gian xuân tràn ngập màu xanh kì diệu, tinh khôi của đất trời thôn quê. Câu thứ hai thốt ra tự nhiên như lời nói và nói những chuyện ai ai cũng đã biết về sự tồn tại, hiện hữu muôn đời của thế giới tự nhiên: “Giời ở trên cao, lá ở cành”. Có gì lạ, có gì mới đâu, giời vốn ở trên cao, lá vốn ở trên cành. Bao đời nay vẫn thế. Nhưng chính vì nói những điều hiển nhiên mộc mạc nên cái chất quê kiểng như gió xuân phả vào hồn bạn đọc, không dễ gì dứt ra được.

Mùa xuân xanh đã khiến hồn ta rung động trước cánh đồng lúa như cô gái dậy thì phô hết vẻ đẹp mơn mởn, căng tràn sức sống:

               Lúa ở đồng tôi/ và lúa ở
Đồng nàng/ và lúa ở đồng anh

Cách ngắt nhịp sáng tạo, độc đáo, hiếm khi xảy ra với thể thơ 7 chữ. Câu thứ nhất nhịp 4/3, câu thứ hai nhịp 2/5 tạo âm hưởng vui tươi, rộn ràng. Ta có cảm giác những cây lúa xanh mơn mởn đang nhảy nhót trước mặt ta vậy. Điều thú vị là lúa không chỉ xanh trên đồng “tôi” mà lúa còn xanh ở đồng “nàng”, đồng “anh” nữa. Cả ba cánh đồng đều tràn ngập màu xanh, niềm yêu đời không chỉ nhân đôi mà đã nhân ba trong mùa xuân xanh của thi sĩ tài hoa.

Thơ Nguyễn Bính là “thơ của đồng quê… hình tượng thơ càng ngẫm càng lấp lánh tri thức” (Hoài Thanh). Quả thật, nhờ lối tư duy đậm nét chân quê, tâm hồn người đọc đã thấm đẫm, ngập tràn trong một không gian mênh mông màu xanh của đồng lúa. Cái tài của nhà thơ là ông đã tinh tế khi phác họa màu xanh của lúa nổi bật giữa nền xanh của đất trời, vũ trụ. Từ đó, thi sĩ của những mối tình lãng mạn đã gần xa nhắc đến “tôi”, đến “nàng” để khéo léo chuyển từ không gian đồng lúa xuân thì sang không gian dành cho đôi lứa.

Nếu như ở khổ thứ nhất chất xuân ươm đậm ở màu xanh của bầu trời, của cây cỏ, ruộng đồng thì khổ thứ hai chất xuân đã lấp lánh trong tình đời, tình cảm lứa đôi:

                          Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Câu thơ đầu của khổ thứ hai khiến ta không khỏi ngỡ ngàng bởi sự sáng tạo độc đáo tài tình mà vô cùng ý nhị ở câu chữ, hình ảnh. Bằng thủ pháp nhân hóa, thi sĩ đã thổi hồn vào cỏ xuân, mà cỏ này là cỏ mọc trên nấm mộ. Thế mới đặc biệt vô cùng! Mùa xuân hiện hữu và trường tồn ở mọi không gian, dù đó là nơi mà khi nhắc đến ta thường nghĩ đến sự buồn đau, tang tóc. Trên nấm mộ, nơi sự sống khép lại thì cỏ xuân vẫn tươi xanh như sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, của tâm hồn thi sĩ. Từ “đợi” được dùng thật đắt, chỉ một từ mà ta thấy cỏ cũng có linh hồn, cỏ chính là con người cũng biết sống, biết yêu, biết đợi chờ hy vọng.

“Cỏ… đợi thanh minh”, cỏ đợi tiết trời ấm áp, trong lành của “Thanh minh trong tiết tháng Ba” (Truyện Kiều) hay là nỗi lòng, là tâm trạng của chàng trai đang xốn xang, thấp thỏm đợi người thương?

                            Tôi đợi người yêu đến tự tình

Nhân vật trữ tình đã bộc bạch nỗi lòng, bộc bạch tâm trạng một cách thật thà đến dễ thương. Giữa không gian đợi chờ đã ngập tràn màu xanh của trời đất, của đồng lúa lại thêm một gam màu xanh đặc trưng, dịu dàng, gần gũi của làng quê Việt Nam: “Lũy tre làng”. Có lẽ không có một nơi hẹn hò nào nên thơ, lãng mạn hơn thế! Chàng trai chờ đợi và được đáp lại:

                        Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy
Bắt đầu là cái thắt lưng xanh

Có thể nói, nhân vật trữ tình “tôi” đã dành tất cả sự hồi hộp và khát khao cho những phút giây chờ đợi “tự tình” nên bầu trời, đồng lúa có xanh đến đâu chăng nữa cũng không làm mờ nhạt cái màu xanh dù nhỏ, dù thấp thoáng của người con gái – “Cái thắt lưng xanh”. Cách lựa chọn từ ngữ, hình ảnh mộc mạc mà vô cùng độc đáo, tinh tế. Ta hình dung cái dải thắt lưng màu xanh hoa lý ôm ngang chiếc lưng ong đung đưa duyên dáng. Thi sĩ đã tài tình thảo một nét chấm phá giữa bức tranh xuân vốn đã ngập tràn màu xanh tươi mới. Trên nền không gian tràn đầy sức sống, hình ảnh cái thắt lưng xanh của cô gái nổi bật như một nét vẽ sinh động, mới lạ. Đó phải chăng là màu xanh của tình yêu đôi lứa, của hy vọng tin yêu.

Rõ ràng “ Mùa xuân xanh” không đơn thuần là bài thơ tả cảnh. Tả cảnh chỉ là cái cớ để thi sĩ nói đến cái tình. Hay cảnh và tình đã hòa quyện với nhau một cách tự nhiên, sinh động, vẻ đẹp của thiên nhiên đã hòa với vẻ đẹp con người làm một.

Tám câu thơ 7 chữ, 56 âm tiết, không dùng quá nhiều các thủ pháp nghệ thuật, bài thơ là lời tâm tình mộc mạc nhưng cũng rất nên thơ về những ước vọng, niềm tin vào cuộc đời của những chàng trai, cô gái thôn quê thời ấy. Họ luôn khao khát được vẫy vùng để thoát ra khỏi những ràng buộc xưa cũ đầy trái ngang để đến với màu xanh của cuộc sống. Với “Mùa xuân xanh”, dù thời gian có trải qua bao thăng trầm thì “Nguyễn Bính vẫn ngự trị trên ngai thơ, vẫn là niềm dấu yêu trong lòng bạn đọc nhiều thời đại” (Nguyễn Sĩ Đại).

 Võ Thị Thu Hương