Thời gian là phép màu có thể xóa mờ rất nhiều thứ, nhưng một khi những ký ức đã trở thành “hồn” trong ta thì thời gian không thể “chiến thắng”.

Nghề giáo đã cho những người thầy, người cô có nhiều hơn cơ hội để trao và nhận yêu thương trong suốt quá trình công tác của mình. Với những người thầy cô nay đã ở tuổi “hoa râm”, thì những kỷ niệm của tháng năm đầu đời công tác cách đây hơn 30 năm đã giành trọn một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của họ. Bởi hơn ai hết họ là những người được sống, được trải nghiệm sâu sắc sự thay đổi rất lớn của những mối quan hệ trong môi trường học đường, đáng tiếc là sự thay đổi ấy hôm nay đã khiến cho người thầy, người cô, cho chúng ta nhiều nỗi ưu tư.

Dịp kỷ niệm ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam này, Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu bài ký đầy xúc động của một cô giáo nay đã nghỉ hưu. Những rung cảm ngọt ngào về tình đồng nghiệp, tình cô trò, cô thầy và phụ huynh, về tình người tại một địa phương nghèo của tỉnh nhà những năm tháng đất nước còn khó khăn ấy, có lẽ sẽ nhân lên những niềm vui, niềm tin trong cuộc sống hôm nay.

Đêm trở gió xôn xao. Đất trời vào thời khắc giao mùa từ thu sang đông. Mới hôm qua nắng thu còn mênh mang, hôm nay gió đầu đông đã se sẽ về trên con đường ồn ã tiếng còi xe. Một mùa của thiên nhiên, một mùa của đời người lại đến. Con người càng già đi thì càng ngẫm ra một điều đơn giản, cái ta còn mang theo bên mình đó chính là ký ức, hãy để ký ức luôn là hành trang trong cuộc đời ta, nhất là những năm tháng của tuổi thanh xuân.
Năm 1991, sau khi tốt nghiệp CĐSP, khóa tôi hầu hết được phân công về các huyện trong tỉnh để dạy học. Riêng tôi và cô bạn cùng lớp – Nguyễn Thị Xuân Hoa, nhận quyết định về giảng dạy tại Trường cấp 1, 2 Quỳnh Trang huyện Quỳnh Lưu.
Chuyến xe Tân Kỳ – Diễn Châu chạy rì rì trên con đường ghập ghềnh bụi đỏ. Đây không phải là lần đầu tiên tôi xa quê, xa gia đình mà sao lòng lại thấy bâng khuâng khó tả. Phải chăng chuyến đi này đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi: tôi chính thức trở thành cô giáo. Tôi những mong có đôi cánh để có thể như chim, bay nhanh hơn, nhanh hơn nữa đến chân trời mới.
Từ thị trấn Diễn Châu, chúng tôi phải đi xe đạp ra Quỳnh Lưu. Đến thị trấn Giát thì trời nhá nhem tối, tới Quỳnh Trang còn khoảng 20 cây số nữa nên tôi và Hoa phải nghỉ lại ở nhà khách của Phòng Giáo dục Quỳnh Lưu. Đêm hôm đó tôi trằn trọc không ngủ được, lòng hồi hộp, xốn xang, chỉ mong trời sáng.

Xã Quỳnh Trang (Quỳnh Lưu) ngày nay. Ảnh: Hồ Long

Sáng hôm sau, khi nắng thu vàng mượt phủ lên những ngôi làng hai bên quốc lộ 1 thì chúng tôi bắt đầu hành trình về miền đất mới. Quãng đường từ quốc lộ 1 vào Quỳnh Trang khá xa. Chúng tôi phải đi qua những con dốc cao, quanh co. Hai bên đường là những ngọn núi nhấp nhô đất đá, các loài cây dại chen chúc mọc dưới mấy gốc thông già cỗi. Mới non nửa buổi sáng mà cả quãng đường dài vắng ngắt không người qua lại. Hành trình để thỏa mãn niềm đam mê với nghề không đơn giản như trong hình dung của cô giáo tuổi đôi mươi. Chúng tôi đi bộ, dắt xe trên những con dốc gập ghềnh. Tiết trời mùa thu mát mẻ đến vậy mà vẫn mệt nhoài. Đứng trên đỉnh dốc tôi thấy ga Hoàng Mai thấp thoáng sau mấy dãy núi đá vôi. Con tàu đang nhả khói uốn lượn trên thanh ray, tiếng còi thét vang, thả vào không gian hưu quạnh những âm thanh gợi buồn thăm thẳm. Ngay trước mặt tôi là Quỳnh Trang. Ngôi trường cỏn con, lọt thỏm trong khu đất trống không một bóng cây. Mấy ngôi nhà thấp nhỏ, lộn xộn mái ngói, mái tranh nằm lặng lẽ bên cạnh những cánh đồng lúa. Bên bờ ruộng, có mấy người nông dân đang làm cỏ, tấm lưng gầy ướt đẫm mồ hôi bóng lên trong ánh nắng. Thấy các cô giáo trẻ cùng với chiếc xe đạp lình kình đồ đạc cá nhân, họ ngẩng đầu lên,cười hồn hậu:
– Va, cô giáo mới về trường, chào cô, chào cô!
– Các cô trẻ di!
– Dạ, chào các bác, chúng cháu là giáo viên mới ạ!

Tôi thấy thú vị khi lần đầu được nghe tiếng địa phương Quỳnh Trang, cái giọng nằng nặng, là lạ. Đầu câu có chữ “va” và âm “di” đằng sau kéo dài.
Ngắm những nụ cười hồn hậu, nghe giọng nói “pha rừng trộn biển” ấy lòng tôi ấm áp hơn. Tôi cảm nhận một nét đẹp gần gũi, mộc mạc toát ra từ những con người chân lấm tay bùn khi tôi đặt bước chân đầu tiên lên miền đất đầy xa lạ này.
Trường cấp 1,2 Quỳnh Trang không có cổng chính mà phải đi tắt qua dãy dứa dại đầy gai. Một ngôi trường đơn sơ chỉ có hai dãy phòng học cấp bốn nằm giữa vùng đất hoang cằn cỗi. Sân trường nhấp nhô đá sỏi và lúp xúp cỏ dại. Trường ngoảnh mặt về phía cánh đồng rộng bát ngát thẳng cánh cò bay. Cây ngô đồng gầy gò, chênh vênh bên mép ruộng, cây phượng còi cọc đứng một mình. Lòng tôi chợt dấy lên nỗi buồn bâng quơ. Tôi ngầm so sánh với ngôi trường tôi đi thực tập vào năm cuối ở huyện Diễn Châu. Đó là Trường cấp 2 Diễn Hoa, một ngôi trường bề thế, khang trang, hơn một lần tôi đã ao ước sau khi tốt nghiệp sẽ được về đây dạy học… Nhưng nỗi buồn, sự so sánh âm thầm ấy chỉ thoáng qua trong ý nghĩ rồi nhanh chóng biến mất như tia chớp mờ nhạt trong đêm mưa.
Nghe tin chúng tôi đến, các thầy cô đang hội ý ở văn phòng ùa ra chào đón, hỏi han tíu tít:
– Va, cô giáo mới ra trường, trẻ quá!
– Đi đường mệt không em?
– Em tên chi, quê ở mô?
Lúc này tôi thấy mình như đứa em nhỏ trong một gia đình lớn, trở về trong vòng tay che chở của người thân.
Sau đó các cô giáo trẻ được nhà trường bố trí nơi ăn chốn ở. Đó là một dãy nhà cũ kỹ, liêu xiêu lợp ngói vảy. Chúng tôi ở trong những cái phòng chật hẹp vừa đủ kê một chiếc bàn gỗ nhỏ, cái giường xinh xinh, một cái giá bằng tre treo lên tường để hồ sơ, giáo án. Những căn phòng đơn sơ mộc mạc như tâm hồn của các cô giáo tuổi đôi mươi với bao niềm tin yêu và nhiệt huyết của nghề dạy học.
Hiệu trưởng nhà trường hồi đó là thầy Ngô Trí Xuyên, một thầy giáo giản dị và hài hước. Các cô giáo trẻ đều gọi thầy là bố và xưng con. Ngày đầu tôi về trường, thầy gặp tôi trò chuyện, hỏi ý kiến tôi:
– Bố phân công cho con dạy lớp 6 nhé, ưng không?
Nghe giọng nói ấm áp và thân thiện của thầy bao nhiêu bỡ ngỡ, ngại ngùng trong tôi tan biến.
Tôi may mắn khi được đón nhận những tình cảm chân thành, nồng hậu của đồng nghiệp trong môi trường mới. Nhưng cũng gặp không ít những khó khăn trong nghề. Hồi đó, do trình độ dân trí thấp và hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên học sinh Quỳnh Trang rất hay bỏ học. Có những chiều vào mùa mưa.Tôi đi giữa những ngả đường ghập ghềnh trắng xóa nước lũ. Tôi mò mẫm từng bước chân, đến nhà học sinh để vận động các em đi học trở lại. Có hôm tôi lên tận vực Mấu, hôm thì sang làng Mít, hôm vào làng Hon. Những cái tên làng dung dị mà gợi lên sự vắng vẻ hiu quạnh. Có cậu học trò thấy cô đến liền chạy lên núi trốn, vừa chạy vừa nói:
– Cô về đi, em bỏ học thật đó!
Lớp tôi chủ nhiệm có Hoài, cậu học trò nhỏ thó, hiền khô, nhưng không hiểu sao nghỉ học đã hai hôm. Tôi bỏ vào cặp vài quyển vở, ít đồ dùng học tập và tìm đến nhà Hoài. Nhà em ở trên vực Mấu, khi tôi đến Hoài đang cuốc cỏ chè, thấy tôi em ù té chạy. Tôi đứng ngơ ngác giữa căn nhà trống huyếch, trống hoác.
Bố Hoài, một người đàn ông khắc khổ ngồi tiếp chuyện tôi. Suốt cả buổi anh chỉ nói đi nói lại một câu bằng cái giọng chậm rãi, buồn buồn:
– Thằng Hoài phải bỏ học thôi cô ạ. Nhà tui nghèo lắm, học mần di…
Sau đó tôi đến thêm vài lần nữa, nhưng đều không gặp ai, tôi ra về mà lòng nặng trĩu ưu tư…
Sang năm thứ hai, tôi được bố Xuyên phân công chủ nhiệm lớp 9. Tôi thực sự lúng túng, bối rối khi làm công tác chủ nhiệm và dạy những cô cậu học trò ít hơn mình 6, 7 tuổi.
Giờ ra chơi, lũ “nhất quỷ nhì ma” vây quanh tôi trò chuyện như bạn bè. Có em nói:
– Nhà em có anh trai chưa vợ, cô làm chị dâu em nhé!
– Cô ơi, bạn Thỏa có người yêu bên làng Hon rồi, khi mô nhà trai giục cưới là bỏ học để cưới đó cô ạ!
Tôi đỏ mặt cười gượng, tưởng chúng nói đùa hóa ra mấy ngày sau Thỏa bỏ học cưới chồng thật, còn gửi thiếp mời kèm lời nhắn “Cô nhớ đến dự đám cưới cho vui và để hát một bài cô nhé”.
Rồi khó khăn, trở ngại cũng dần dần trôi qua. Với tình yêu nghề, yêu những cô cậu học trò nghèo, mỗi ngày tôi lại cố gắng vun đắp, bồi dưỡng niềm tin, sự gắn bó với trường lớp trong những tâm hồn non nớt, trẻ dại ấy.
Trường có thêm nhiều giáo viên trẻ nên Chi đoàn giáo viên được thành lập. Bố Xuyên bắt đầu tổ chức các buổi lao động. Tuần vài buổi, cô và trò làm đường, làm bồn hoa cây cảnh. Vào mỗi buổi sớm mai, cả không gian hưu quạnh như bừng tỉnh, rực rỡ sắc hoa. Ngôi trường sạch sẽ, khang trang hẳn lên. Hằng năm, đến dịp chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chúng tôi tập hát, tập múa cho học sinh. Sân trường luôn rộn rã tiếng hát, tiếng cười của cô trò. Tôi còn nhớ lần học trò đi thi văn nghệ chào mừng 20/11 ở Quỳnh Vinh. Bằng những chiếc xe đạp thô sơ, thầy và trò đã vượt qua một chặng đường dài khúc khuỷu trong tiếng hát, tiếng cười náo nức.
Hồi ấy chúng tôi có tình thân khá đặc biệt với anh Hoàn (đồng hương Tân Kỳ với tôi và Hoa). Anh đi làm ăn rồi gặp chị Duyến, một người con gái Quỳnh Trang hiền lành, hồn hậu. Anh yêu chị, yêu luôn cả mảnh đất Quỳnh Trang nên đã ở lại vùng quê này để “ở rể”. Cả gia đình anh xem chúng tôi như người nhà, các con của anh gọi tôi và Hoa là “o”. Mỗi lần tôi sang chơi, lại được nghe những câu nói:
– Mời o ở lại ăn cơm!
– Chị hái cho o bó rau cải non đó rồi, hồi nữa o đưa về ký túc xá mà nấu canh nha.
Vào những lúc thời tiết chuyển mùa, gió bấc ngoài cánh đồng thổi hun hút. Trong căn bếp tập thể của chúng tôi củi khô ngày càng nhiều. Đó là củi học trò mang đến để các thầy cô nấu ăn và sưởi ấm. Những tối thứ 7, chúng tôi vào nhà bác Nga (bảo vệ nhà trường) nghe “Chương trình sân khấu truyền thanh” từ chiếc đài bán dẫn. Bên bếp lửa hồng, nồi khoai luộc sôi sùng sục. Bác Nga nói: “Khoai mới dỡ, bột lắm, bác để dành cho các cô đó”.
Vào các ngày Chủ nhật chúng tôi đạp xe vào tận thị trấn Giát mua sách báo và gửi thư cho người thân. Hôm nào vào thị trấn, các cô giáo cũng ghé chợ Giát để ngắm nghía, xem người dân mua bán, trao đổi hàng hóa. Phiên chợ họp vào các ngày 5, 10, 15 (ÂL) hàng tháng. Những phiên chợ Giát sầm uất, náo nhiệt là nhịp sống hối hả của người dân Quỳnh Lưu hồi ấy.
Biết các cô giáo trẻ ở ký túc xá thích đọc báo, đọc tập san nên hôm nào có tập san, có báo mới, anh Dũng (cán bộ văn hóa) của Ủy ban xã đều đưa về cho chúng tôi mượn. Nên hồi đó mặc dù ở Quỳnh Trang chưa có điện lưới quốc gia, các kênh thông tin còn hạn chế nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên được cập nhật các sự kiện văn hóa, xã hội.
Các buổi chiều rảnh rỗi, chúng tôi đi đến những ngôi làng hẻo lánh để gặp gỡ, trò chuyện, động viên học trò. Tôi nhớ làng Chiền. Một ngôi làng nghèo lác đác mấy mái nhà nép dưới chân núi. Muốn vào làng chúng tôi phải đi bộ qua những đoạn đường gồ ghề, lồi lõm. Tôi nhớ làng Mít với những mái nhà nằm im lìm bên cạnh cái đường ray ngoằn ngoèo. Mỗi lần như vậy lại có dịp nhìn ngắm những ngọn đồi đất đỏ, những thửa ruộng bạc màu mà thấy thương quá đỗi. Và có cảm giác những câu thơ này Chế Lan Viên sáng tác dành riêng cho Quỳnh Trang: “Những ruộng đói màu, đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người.”
Hương vị mộc mạc, dân dã của vùng quê nghèo nhấp nhô đồi núi, nhấp nhô ruộng đồng, sông bãi này cứ thế níu chân các cô giáo trẻ. Tình người ở Quỳnh Trang đã sưởi ấm trái tim tôi, neo đậu trong tôi tình yêu đối mái trường bé nhỏ của vùng quê nghèo khó.
Không biết tự bao giờ tôi đã yêu thương, gắn bó với mảnh đất cằn cỗi hưu quạnh nhưng chan chứa tình người ở Quỳnh Trang. Không biết tự bao giờ tôi lại thích nghe giọng nói có âm “di” kéo dài, thích nghe những từ địa phương độc đáo. Mà sau này khi chuyển về quê tôi vẫn dùng những từ ngữ đó làm ngữ liệu cho giờ dạy “Chương trình địa phương”. Đó là: “hon khoai” (vun khoai), “kè bò” (chăn bò), “bặt” (có lẽ) “rú rại” (mọi người). Tôi thích cả cách om chè xanh của người dân Quỳnh Trang ngày ấy. Chè xanh được ngắt ra từng lá, vò nát, bỏ vào cái ấm sứ nhỏ. Khi rót ra chén, màu nước chè xanh ngăn ngắt.
Ngày nối ngày, tháng nối tháng, mảnh đất và con người Quỳnh Trang đã thổi vào hồn tôi một luồng gió mới đầy tin yêu, gắn bó. Tôi như con chim chập chững bay vào đời gặp chốn neo đậu bình yên, tôi chợt nhận ra hãy bình thản, hãy vững tin, hãy yêu bằng trái tim nhiệt huyết, chân thành rồi niềm vui sẽ đến. Rằng hạnh phúc không ở đâu xa, đừng tìm kiếm, đừng so sánh rồi hạnh phúc bình dị sẽ về bên ta.
Năm tháng trôi qua, bước ngoặt thứ hai của đời tôi lại đến. Tôi gặp anh, anh quê ở Hưng Nguyên về trường sau tôi vài tháng. Tình yêu đến với tôi nhẹ nhàng, tự nhiên như cây cỏ núi rừng. Rồi chúng tổ chức lễ cưới. Tôi sinh con trai đầu lòng vào một ngày đầu đông ở Quỳnh Trang. Ngày tôi sinh con, cha mẹ nội ngoại ở xa, chị Duyến và chị Thoại (phụ huynh) đã thay nhau chăm sóc mẹ con tôi như ruột thịt. Ân tình ấy suốt đời tôi nhớ mãi.
Cuộc đời luôn có những ngã rẽ mà ta phải lựa chọn. Vợ chồng tôi quyết định chuyển về Hưng Nguyên để giảng dạy và ổn định cuộc sống. Khi nghe tin tôi sắp tạm biệt Quỳnh Trang, bố Xuyên cười tếu: “Công anh bắt tép nuôi cò, cò ăn cò lớn cò dò lên cây”. Bố tếu vậy thôi, tôi biết trong lòng bố rất buồn. Chị Thiêng, người chị đồng nghiệp mà tôi thân thiết, nắm chặt tay tôi, rơm rớm nước mắt: “Em về đừng quên chị, đừng quên Quỳnh Trang nha”!
Tháng 12 năm 1993 tôi làm xong thủ tục chuyển trường. Sáng hôm ấy, một buổi sáng cuối năm. Những ngày giáp Tết, cảnh vật ở Quỳnh Trang bớt hưu quạnh, bớt trầm mặc hơn. Vụ lúa xuân đang bén rễ, xanh mướt mát. Sương và mưa phùn phủ trắng ngọn đồi trọc phía sau ngôi trường. Tôi ủ ấm con trai trong tấm chăn nhỏ, bế con vào lòng và chào tạm biệt các anh chị đồng nghiệp để ra đường quốc lộ 1 bắt xe về quê. Tôi muốn bước đi thật nhanh để không trông thấy những giọt nước mắt lưu luyến như muốn níu giữ bước chân tôi ở lại.
Khi chiếc xe ca bắt đầu chuyển bánh, bỗng tôi thấy một bóng dáng quen thuộc đang chạy theo chiếc xe vẫy vẫy, loáng thoáng tiếng gọi: “Cô ơi, cô ơi!”. Tài xế cho xe dừng lại. Một cậu bé nhỏ thó, mặc chiếc áo sơ mi cũ, đôi môi tím tái vì lạnh. Tôi sững sờ, nhận ra Hoài, cậu học trò lớp 6 đã bỏ học năm tôi mới về trường.
– Hoài, răng em biết cô về quê?
– Cô ơi, em nghe tin cô chuyển về quê, em xuống ký túc xá thì các cô nói cô đã đi rồi nên em đuổi theo.
Vừa nói em vừa thở hổn hển, rồi dúi vào tay tôi một cái bọc ni lông:
– Em tặng cô, em tạm biệt cô ạ!
Tôi chỉ kịp nắm lấy đôi bàn tay lạnh cóng của em trong giây lát. Xe chuyển bánh, tôi nghe tiếng em gọi với theo rất rõ:
– Cô ơi! Em sẽ đi học lại lớp 6, cô yên tâm nha cô!
Giờ phút ấy những giọt nước mắt xúc động đã rơi, tôi cố ngoảnh lại phía sau, nhìn mãi bóng dáng Hoài nhỏ dần rồi khuất hẳn trong làn mưa phùn dày đặc.
Năm ấy vợ chồng tôi và con trai được đoàn tụ, đón Tết Nguyên đán cùng với gia đình nội ngoại. Một cái Tết đoàn viên ấm cúng nhưng trong lòng tôi vẫn luôn có một khoảng trống, một khoảng nhớ Quỳnh Trang.

Kỉ vật học trò tặng được cô giáo lưu giữ theo năm tháng

Hơn ba mươi năm trôi qua, mỗi lần nhớ vùng đất xưa, nhớ những tháng năm của tuổi thanh xuân tươi đẹp, nhớ đến cậu học trò nghèo giàu tình nghĩa, tôi lại rưng rưng nước mắt. Món quà Hoài tặng tôi trong buổi sáng chia tay đặc biệt ấy là mười cái bát ăn cơm bằng sứ có in hình những bông hoa xinh xắn. Ba mươi năm qua, chín chiếc đã bị vỡ, còn một chiếc duy nhất tôi không dám dùng mà đã trở thành một kỷ vật thân thương, yêu dấu, được tôi gìn giữ, nâng niu.
Ôi, Quỳnh Trang, vùng đất đầu tiên tôi đã đến. Ba năm không dài so với đời người nhưng những ký ức của ba năm ấy như mạch nước ngầm âm ỉ chảy trong lòng đất rồi vỡ òa, tắm mát hồn tôi. Để tôi nhận ra, Quỳnh Trang chính là nơi tình yêu bắt đầu, là mối duyên tình đằm sâu mà tôi không dễ gì có được trong chặng đường dài của đời mình.
Giờ đây tôi đã nghỉ hưu, con trai đầu của tôi đã có vợ và hai con. Nhưng hàng năm gia đình tôi vẫn thu xếp để về thăm Quỳnh Trang, thăm lại cảnh xưa, chốn cũ. Miền quê nghèo năm xưa giờ đã được sáp nhập vào thị xã Hoàng Mai, một miền quê màu mỡ, tràn đầy sức sống tươi mới. Nhưng con người Quỳnh Trang thì vẫn vậy, nồng hậu, chân chất, giàu tình nghĩa như ngày xưa tôi đã đến. Lần dở từng trang ký ức, khóe mắt cay cay, tôi thì thầm hai câu thơ:
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”.
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

Võ Thị Thu Hương