Đồng chí Trần Quốc Hoàn (1916-1986) nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là Bộ trưởng Công an có thời gian tại chức dài nhất (1953-1982). Ông tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23/01/1916 xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Ân mất sớm, cụ Nguyễn Trọng Cẩn là cha ông tần tảo lần hồi nuôi ba anh em khôn lớn và sớm trở thành những chiến sĩ cộng sản suốt đời tận hiếu, tận trung với Đảng, với dân.

Năm 1934, vừa tròn 18 tuổi ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Liên khu ủy II, Khu X. Ông từng trải qua nhà tù Sơn La cùng các đồng chí Lê Đức Thọ, Hoàng Minh Chính, Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Lê Thanh Nghị và là Bí thư chi bộ nhà tù Sơn La từ tháng 7/1943 đến tháng 3/1945.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, ông được bầu vào BCH TW Đảng và được phân công phụ trách công an. Ngày 15/8/1952 Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 27-NQNS, điều động ông sang làm Giám đốc Nha Công an (thay đồng chí Lê Giản). Tháng 4/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 113/SL-CTN bổ nhiệm ông giữ chức Giám đốc Nha Công an Trung ương. Tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 141/SL đổi tên Nha Công an Trung ương thành Thứ bộ Công an, bổ nhiệm ông làm Thứ trưởng Thứ bộ Công an. Phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 8/1953, quyết định đổi Thứ bộ Công an thành Bộ Công an và cử ông giữ chức Bộ trưởng cho đến năm 1982.

Ông là Ủy viên BCH TW Đảng các khóa II, III, IV. Được BCH TW Đảng tín nhiệm bầu vào Ban Bí thư, Bộ Chính trị (dự khuyết khóa II, III, chính thức khóa IV).

Là một lãnh đạo cao nhất của ngành Công an trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Quốc Hoàn vô cùng phong phú, sinh động và oanh liệt. Bài viết xin được giới thiệu một vài nét sơ lược và những công lao to lớn của đồng chí Trần Quốc Hoàn trong việc đập tan mọi âm mưu, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến gián điệp biệt kích (GĐBK) của Mỹ – Ngụy.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tại phòng làm việc (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Công an Nhân dân)

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, tạo mọi điều kiện để Ngô Đình Diệm thôn tính các phe phái, thiết lập quyền thống trị ở miền Nam với bộ máy ngụy quân, ngụy quyền cùng các đảng phái chính trị phản động, biến chúng thành công cụ cho việc xâm lăng miền Bắc, sau đó là Đông Dương. Điểm mở đầu của chúng là cuộc chiến tranh (GĐBK) với âm mưu cơ bản là “đánh cộng sản trong lòng cộng sản”, “làm cho cộng sản suy yếu, rối loạn”, “ngăn chặn nguồn tiếp tế cho miền Nam và Lào, Campuchia”.

Từ kinh nghiệm trong đánh thắng âm mưu phá hoại bằng gián điệp biệt kích, bảo vệ hậu phương, bảo vệ an toàn khu căn cứ kháng chiến trong chống thực dân Pháp, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã trực tiếp xây dựng cơ quan phản gián của Bộ tuyệt đối trung thành, bản lĩnh vững vàng, nghiệp vụ sắc bén, nhanh chóng tổ chức lực lượng của ngành công an ở lại bám trụ với chiến trường miền Nam sau khi thực hiện Hiệp định Giơnevơ (1954).

Năm 1956, Mỹ tiếp quản căn cứ GCMA (gián điệp, biệt kích, nhảy dù) của Pháp ở Nha Trang thành lập Trung tâm huấn luyện và chỉ huy GĐBK đặt tên là “Liên đội quan sát số 1”; cử những chuyên gia dạn dày kinh nghiệm từng hoạt động ở chiến trường Nhật Bản, Triều Tiên do tướng Lansdale chỉ huy sang Việt Nam vừa nghiên cứu tình hình Việt Nam vừa trực tiếp huấn luyện cho lực lượng GĐBK ngụy.

Trong báo cáo tình hình trình Tổng thống Mỹ, tướng Lansdale nhấn mạnh: “Việc vô hiệu hóa và đánh bại thách thức của Việt cộng ở Nam Việt Nam là một nhiệm vụ đơn giản hơn nhiều nếu sự giúp đỡ của miền Bắc bị loại trừ”. Báo cáo tình hình hoạt động của Cộng sản ở miền Nam năm 1957, của Giám đốc cơ quan tình báo CIA lên Tổng thống Kennedy cũng nêu rõ điều đó. Tổng thống Kennedy đã khẳng định: “Mỹ cần có du kích hoạt động mạnh mẽ, quyết liệt ở miền Bắc”.

Theo dõi sát tình hình, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn xác định cho Đảng ủy Công an Trung ương: Cuộc chiến chống GĐBK đã bắt đầu – quyết liệt, cam go. Phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nâng cao cảnh giác mọi lúc, mọi nơi, phát huy sức mạnh thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân để đánh thắng âm mưu GĐBK của Mỹ – Ngụy. Bộ trưởng đã kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư có các mật điện chỉ đạo chặt chẽ các cấp ủy Đảng chủ động theo dõi nắm chắc tình hình, tăng cường bố trí thế trận và lực lượng kiên quyết đánh thắng mọi âm mưu xâm nhập của GĐBK Mỹ – Ngụy. Là Bộ trưởng kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường CAND (nay là Học viện An ninh Nhân dân) Bộ trưởng đã chỉ đạo đội ngũ giáo viên nhà trường đi sâu nghiên cứu chuyên đề đánh GĐBK bảo vệ miền Bắc XHCN.

Sự phối hợp nhịp nhàng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã tạo nên một thế trận sẵn sàng. Cuối năm 1956, 1957, Lansdale tổ chức tuyển chọn trong hàng trăm sĩ quan ngụy được 65 tên (trong đó có 31 tên là giáo dân miền Bắc di cư) đưa đi huấn luyện tại căn cứ Mỹ ở Philysin và bổ túc nghiệp vụ tại Ranger (Mỹ) để đưa về làm hạt nhân nòng cốt xây dựng lực lượng biệt kích. Khởi đầu tiên đào tạo có 18 tên do cố vấn Mỹ trực tiếp giảng dạy. Đến giữa năm 1957, Mỹ – Ngụy phát triển “Liên đội biệt động” thành “Sở kỷ thuật” với hàng trăm tên. Hình thái cuộc chiến GĐBK nóng lên từng ngày. Đầu năm 1958, cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy nhiều toán GĐBK xâm nhập ra biên giới Việt – Lào vừa để thăm dò, diễn tập thực binh. Đại tá Trần Đức Nguyên (thư ký Bộ trưởng) kể lại: Dẫu bận trăm công ngàn việc nhưng Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn chú ý lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến phòng chống GĐBK. Bước vào năm 1958, khi tình hình căng thẳng Bộ trưởng thường xuyên ở lại cơ quan cùng sở chỉ huy theo dõi quản lý tình hình.

Qua tin tình báo của ta, sau khi nắm thông tin ngày 01/01/1959, CIA và chính quyền ngụy Sài Gòn thỏa thuận cùng tiến hành các điệp vụ ngầm chống Hà Nội và lần lượt thành lập 3 trung tâm huấn luyện GĐBK ở Long Thành (Biên Hòa), Mỹ Khê (Đà Nẵng) và Phú Bài (Huế) do Đại tá ngụy Lê Quang Trung (đào tạo GĐBK ở Mỹ về) phụ trách nhưng thực chất là do Đại tá Smith và Đại tá Bell của Mỹ chỉ đạo và điều hành, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã trực tiếp chỉ đạo Trường Công an đưa nội dung chống GĐBK vào giảng dạy trong nhà trường.

Gia đình Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Công an Nhân dân)

Đầu năm 1961, Mỹ – Ngụy tung toán biệt kích (BK) đầu tiên vào vùng biên giới Việt – Lào ở Quảng Bình. Thế trận và lực lượng sẵn sàng. Ta bắt gọn bọn chúng ngay khi tiếp đất. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã trực tiếp đến hiện trường để nghiên cứu chiến tích, nghe lời khai của những tên BK vừa bị bắt. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương nâng cao cảnh giác, sẵn sàng thế trận an ninh nhân dân kết hợp với quốc phòng toàn dân để làm thất bại âm mưu phá hoại của Mỹ – Ngụy bằng phương thức GĐBK, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo các địa phương hoàn thành các phương án tác chiến, tổ chức các đợt diễn tập phối hợp các lực lượng tại chỗ, lực lượng cơ động. Nhờ thế, ngay sau khi toán GĐBK mang bí số CASTOR nhảy dù xuống Sơn La vừa tiếp đất và toán người nhái GĐBK lẻn vào Hồng Quảng (Quảng Ninh) vừa tiếp bờ đã bị quân và dân ta bắt gọn, thu toàn bộ trang bị. Qua lấy cung bọn GĐBK, tương kế tựu kế, Bộ trưởng chỉ đạo thành lập chuyên án mang mật danh PY27 tại Sơn La và BK63 tại Hồng Quảng đấu tranh bằng chiến thuật “trò chơi nghiệp vụ”. Đảm bảo được yếu tố bí mật, thu phục phân hóa được bọn GĐBK vừa bị bắt, hai chuyên án này thu được kết quả ngoài ý muốn, giúp Bộ trưởng và cơ quan nắm định khá toàn diện để sai khiến trung tâm chỉ huy của chúng tại Sài Gòn phải hoạt động theo sự sắp đặt của ta. Từ năm 1961 đến 1963, Mỹ – Ngụy tung ra miền Bắc 37 toán GĐBK bằng đường không, đường biển và vượt tuyến nhưng hoàn toàn bị vô hiệu. Chúng không hề biết thông qua “trò chơi nghiệp vụ” của chuyên án PY27, BK63 Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã kiểm soát toàn bộ hành động của chúng ngay từ điểm xuất phát.

Mặc dù tập trung tối đa cho kế hoạch tác chiến GĐBK nhưng tình hình ngày càng xấu đi, các ổ nhóm gián điệp nằm vùng sau năm 1954 tại miền Bắc đều bị sa lưới, Bộ Chỉ huy quân sự Thái Bình Dương của Mỹ (MACV) buộc phải xem xét lại kế hoạch tác chiến. Ngày 15/01/1964, Tổng thống Johnson phê chuẩn bản kế hoạch OPLAW341 chọn ra một số loại lính GĐBK hiệu quả nhất để triển khai. Bộ Chỉ huy quân sự Thái Bình Dương (MACV) thành lập đơn vị chuyên trách nghiên cứu và điều hành cuộc chiến tranh GĐBK mang mật danh “nhóm nghiên cứu và quán sát SOG”, thành lập 3 nhóm riêng biệt đảm trách từng lĩnh vực hoạt động mang mật danh OP34, OP37 và OP39. Nắm tình hình địch, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nhắc các cộng sự:

– Từ đây cuộc chiến tranh GĐBK phát triển với quy mô, cường độ ngày càng quyết liệt, đặc biệt SOG chú trọng hoạt động của biệt hải nhằm vào các địa bàn Quân khu IV, phá hoại các công trình ven biển, thả hàng tâm lý chiến bắt cóc ngư dân để tìm thông tin và giao nhiệm vụ “đánh trả lại”.

Đúng như dự báo của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, các toán biệt hải địch đã tổ chức hàng trăm vụ bắt cóc 6312 ngư dân ta đánh cá trên biển đưa về “làng miền Bắc” trên đảo Cù Lao Chàm để khai thác thông tin tình hình miền Bắc và tổ chức cài cắm “đánh lại”. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn căn dặn công an các địa phương: phải luôn tin vào lòng trung thành của Nhân dân, tiếp đón bà con trở về chu đáo lắng nghe bà con bị địch bắt, phân hóa làm tan rã ý đồ địch. Nhờ thế 1.058 ngư dân buộc “phải nhận nhiệm vụ” đã tự nguyện khai báo và góp phần cùng lực lượng công an “gậy ông lại đập lưng ông” lên bộ máy chỉ huy GĐBK Mỹ – Ngụy.

Tiếp tục chỉ đạo các chuyên án “trò chơi nghiệp vụ” PY27, BK63 Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chỉ đạo mở 5 chuyên án song song theo phương án này để dụ địch tăng cường tiếp tế phương tiện, tăng cường người ra miền Bắc. Ta đã bắt 65 tên thu 140 kiện hàng hóa. Qua các chuyên án “trò chơi nghiệp vụ” ta dụ địch bộc lộ một số đầu mối gián điệp cài cắm trên địa bàn Khu IV, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, dụ địch điều nhân viên tình báo vào Hải Phòng hoạt động để tiếp tục đấu tranh, cung cấp cho địch các thông tin sai lệch góp phần giảm thiểu thiệt hại cho cách mạng Việt Nam. 4 mục tiêu mà kẻ thù định “gây tiếng nổ” là: cầu Hiền Lương (Vĩnh Linh), cầu Hang (Thanh Hóa), Tháp nước (Quảng Bình), Bệnh viện Đồng Hới đều thất bại. Thắng lợi lớn nhất của các chuyên án “trò chơi nghiệp vụ” là ta khiến được Trung tâm chỉ GĐBK địch phải hoạt động theo sự sự sắp đặt của ta, buộc địch phải bộc lô lực lượng GĐBK đang huấn luyện, toán biệt kích chuẩn bị thâm nhập, địa điểm thâm nhập. Có những toán ta còn biết trước cả họ, tên, quê quán của từng điệp viên giúp ích rất nhiều cho chúng ta nhanh chóng tóm gọn, khai thác thông tin và “dùng địch diệt địch”. Sau năm 1975, tổng kết lại cuộc chiến này, lực lượng công an trên miền Bắc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã tổ chức thành công các chuyên án đánh trả âm mưu GĐBK theo chiến thuật “trò chơi nghiệp vụ” (Cục 61 chủ trì đấu tranh và hướng dẫn công an địa phương đấu tranh 27 chuyên án, các tỉnh tổ chức được 6 chuyên án). Bắt, tiêu diệt, truy lùng, đánh đuổi 166 toán GĐBK xâm nhập bằng đường không, đường biển, đường bộ ra miền Bắc, bắt và diệt 1.027 tên thu hơn 100 tấn vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc.

Vì yêu cầu bí mật nghiệp vụ an ninh khi tài liệu chưa giải mật, bài viết không có điều kiện làm rõ thêm vai trò, vị trí, tầm nhìn xa, tài thao lược tình báo an ninh của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trong chỉ đạo nắm bắt thế trận và xây dựng lực lượng, quyết liệt và thao lược của Bộ trưởng. Khi cuộc chiến chống GĐBK xảy ra hàng ngàn tình hưống nghiệp vụ khác nhau đã được Bộ trưởng quyết đoán nhanh chóng, mưu trí hóa giải thành công. Nghệ thuật tình báo an ninh thông qua các “trò chơi nghiệp vụ” đã đạt đến mẫu mực trong thiết kế chuyên án đánh địch, tổ chức sử dụng địch đánh địch. Vừa đấu mưu, đọ trí vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa triển khai nhuần nhuyễn chuyên án sau hoàn hảo hơn chuyên án trước để đưa kẻ địch vào tròng. Sau nhiều năm kết thúc chiến tranh người Mỹ đã công khai thừa nhận những thất bại dưới các góc độ khác nhau của trận chiến chống GĐBK của Việt Nam. Thú nhận của người Mỹ gồm các nhân chứng và các nhà nghiên cứu càng giúp cho chúng ta hết sức tự hào về người con trung hiếu của quê hương Trung Cần: Bộ trưởng Bộ công an Trần Quốc Hoàn.

Tourison – một sĩ quan cao cấp của CIA tại Sài Gòn trong hồi ký “Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật” đã phải thừa nhận Trần Quốc Hoàn là: “kỳ thủ vô đối của ván cờ người xâm nhập miền Bắc”.

Nguyễn Khắc Thuần