Đến với bản Phồng – một bản làng của người Tày Poọng ở xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, hỏi về bà Vi Thị Huệ thì ai cũng biết. Bởi bà là một tấm gương sáng về các công tác phụ nữ và người cao tuổi, cũng là một người có nhiều đóng góp cho các hoạt động cộng đồng trong bản.

   Bà Vi Thị Huệ sinh năm 1948 tại bản Lao Bủng ở Lào. Cha mẹ bà là người Tày Poọng ở Khe Thơi (thuộc xã Tam Quang), vì điều kiện khó khăn mà di cư qua Lào sinh sống và sinh bà ở đó. Năm 1949, khi bà mới được hơn 1 tuổi thì gia đình lại di cư về bản Kềnh (xã Tam Quang). Lúc đó, cuộc sống người Tày Poọng và Đan Lai ở vùng Khe Thơi gặp nhiều khó khăn do thiếu đất canh tác và nhiều thứ khác, nên nhiều người dân đã phải di cư, tìm kiếm chỗ mới để sinh sống. Giữa những năm 1950, một số hộ gia đình di cư đến bản Phồng (lúc đó đang thuộc xã Tam Thái) khai khẩn, lập làng mới. Thấy ở đây đất đai rộng rãi hơn nên họ đã về kêu gọi thêm anh em, bạn bè. Năm 1959, gia đình bà Huệ cũng theo chân một số gia đình khác lên bản Phồng xây dựng cuộc sống mới. Lúc này, bà đã hơn 11 tuổi và bắt đầu biết giúp cha mẹ nhiều việc trong cuộc sống.

Bản Phồng – nơi tập trung nhiều người Tày Poọng nhất ở Tương Dương.

   Ban đầu, bản còn ít người, cuộc sống đang bước đầu đi vào ổn định nên cần nhiều thanh niên tham gia các công việc. Năm 1960, ở tuổi mới lớn, bà đã được tham gia vào tổ hộ sản để giúp đỡ người dân trong bản rồi tham gia xây dựng hợp tác xã và hoạt động phụ nữ. Hoạt động năng nổ nên năm 1964, bà được cử đi học một lớp về y tế ở huyện và được kết nạp vào Đảng, đến năm 1966 thì được kết nạp chính thức. Sau đó, bà về làm việc ở Ủy ban, vừa làm cán bộ y tế vừa hoạt động trong Hội Phụ nữ xã và phụ trách công tác phụ nữ ở bản. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà từng nhiều lần tham gia phục vụ ở các cương vị khác nhau, chủ yếu là làm y tế.

   Bà kết hôn với một chàng trai cùng bản là ông Vi Hữu Chiều, là bộ đội. Năm 1974, ông bà sinh được một người con trai. Sau đó, ông tiếp tục tham gia kháng chiến và hy sinh ở chiến trường, để lại bà một mình lo toan mọi việc gia đình và chăm con nhỏ. Dù cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng bà không quên nhiệm vụ của mình. Bà vẫn tiếp tục công việc ở xã Tam Thái, phụ trách về phụ nữ và y tế. Sau khi xã Tam Thái được chia thành 2 xã (Tam Hợp, Tam Thái), bà về làm việc tại ủy ban xã Tam Hợp và làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã từ năm 1986, đến năm 2004 thì nghỉ hưu. Về bản, bà tiếp tục làm công tác hội người cao tuổi. Đến năm 2012, khi tuổi đã cao và sức khỏe kém đi thì bà xin nghỉ hẳn mọi công việc làng bản. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của mình, vẫn còn nhiều việc bà muốn làm, chưa bao giờ tự cho mình nghỉ ngơi.

   Cả cuộc đời bà Vi Thị Huệ luôn tận tụy với công việc được giao. Bà chia sẻ: “Dù mình chẳng làm gì to tát, không nắm vị trí gì cao cả, nhưng mỗi một vị trí, mỗi một công việc đều phải hoàn thành tốt nhất có thể”. Gần nửa thế kỷ tham gia các công tác khác nhau, bà Huệ đều nỗ lực hoàn thành tốt công việc và nhận được nhiều khen tặng từ xã và huyện. Trong đó, bà để lại nhiều dấu ấn với công tác y tế và các hoạt động giải phóng phụ nữ.

Bà Vi Thị Huệ với túi bông dùng để dệt vải do bà lưu giữ lại từ hơn hai chục năm trước

   Từ những ngày đầu lập bản, cuộc sống người dân rất khó khăn. Thiên tai rồi bệnh tật liên tục khiến nhiều người đến đây rồi lại bỏ về. Bà Huệ còn nhớ, khoảng năm 1961, một trận bão lớn ập đến làm sập hết toàn bộ nhà cửa của người dân ở bản Phồng. Sau đó, cả bản phải di chuyển xuống khu vực thấp hơn để tránh bão và xây dựng lại nhà cửa. Cuộc sống thiếu thốn, khó khăn thì bệnh tật cũng đi theo. Những căn bệnh phổ biến như sốt rét, đau bụng, cảm cúm, tiêu chảy… luôn đe dọa con người. Trong khi đó, cả bản chỉ một vài người biết các bài thuốc cổ truyền và đi lấy thuốc, còn những kiến thức về y học hiện đại vẫn hạn chế. Từ nhỏ, bà Huệ đã được cha mẹ truyền lại một ít kiến thức về y học cổ truyền; sau này lại được cử đi học lớp học về y tế trên huyện nên bà trở thành người phụ trách y tế ở bản và xã. Khi có người ốm đau, bệnh tật người ta lại nhờ bà giúp đỡ. “Nhiều thứ bệnh tật nhưng có một số người biết lấy thuốc nên cũng xử lý được. Lo nhất là việc sinh nở của phụ nữ vì thiếu thốn quá nhiều thứ mà đi lại cũng khó khăn. Có nhiều trường hợp đau thương, mất mẹ mất con vì thiếu điều kiện y tế chăm sóc lúc sinh. Nhìn những người phụ nữ sinh đẻ khó khăn tôi cũng rất thương và luôn cố gắng giúp đỡ họ hết sức có thể. Thuốc thang rất hiếm nên phải dành dụm. Trong cái khó khăn đó, tình người lại thêm thấm đậm, khi có việc mà tôi yêu cầu gần như mọi người trong bản đều hết lòng giúp đỡ gia đình người đau ốm. Một cái khó nữa là lúc đó vẫn còn nhiều người tin vào việc làm lễ cúng ma để chữa bệnh. Tôi phải đi vận động, giải thích cho họ hiểu là phải dùng thuốc, phải chữa bệnh bằng những phương pháp hiện đại được Đảng và Nhà nước giúp đỡ. Vậy nên dần dần mới thay đổi được suy nghĩ của người dân”, bà Huệ tâm sự. Ngày nay, có nhiều người trong bản vẫn thường qua lại thăm hỏi và cảm ơn bà vì đã từng được bà cứu chữa lúc nguy nan hay được bà bế đầu tiên khi lọt lòng mẹ.

   Hơn hết, bà Vi Thị Huệ là một cán bộ phụ nữ nhiệt huyết và tận tụy. Làm cán bộ phụ nữ từ khi còn rất trẻ và có nhiều năm làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà được đi tập huấn, giao lưu với nhiều nơi, được học tập và hiểu biết hơn những người không có điều kiện đó. Thế nên bà luôn trăn trở về công tác phụ nữ của người Tày Poọng, của bản Phồng và của cả xã Tam Hợp. Cuộc sống của người phụ nữ ở đây đều quá lệ thuộc vào chồng. Họ chỉ biết chịu khó chịu khổ làm việc, chăm sóc gia đình mà không biết nhiều về quyền lợi, về những thứ mà phụ nữ cần phải được hưởng. Bà Huệ đã không ngừng nỗ lực tuyên truyền, thay đổi nhận thức của phụ nữ, tổ chức các buổi sinh hoạt để chia sẻ với họ. Bà còn tìm các cơ hội để xin cho họ được đi ra ngoài học hỏi, làm việc để tăng thêm hiểu biết. Nhiều sinh hoạt về vị trí của người phụ nữ, về sức khỏe sinh sản, về tảo hôn và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em… đã được bà Huệ tổ chức thành công.

Ở tuổi 85, bà Huệ luôn khát khao khôi phục nghề dệt may của người Tày Poọng

   Bà trăn trở: “Tôi cũng là một người phụ nữ nên hiểu về những khó khăn của chị em. Ngoài những khó khăn chung thì phụ nữ vùng dân tộc thiểu số còn nhiều thiệt thòi hơn vì những định chế văn hóa, vì ít được tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài. Công việc của họ luôn gắn với gia đình, ít nguồn thu nhập nên vị thế cũng thấp. Tôi được đi ra ngoài và tiếp xúc nhiều hơn nên nhận thấy nhiều thứ mà phụ nữ quê tôi thiệt thòi. Do vậy, tôi luôn cố gắng chia sẻ để giúp đỡ chị em. Chỉ khi nào chị em nhận thức được vị thế của mình thì mới thay đổi được. Khó nhất là tìm được công việc để tạo ra thu nhập cho phụ nữ nhằm cải thiện cuộc sống và vị thế của chị em. Tôi thấy nhiều nơi, phụ nữ dệt thổ cẩm, làm rượu cần hay tạo ra các sản phẩm khác đem bán và có thu nhập thì họ thay đổi hẳn. Nhiều nơi làm du lịch tốt thì phụ nữ cũng có vị thế cao hơn.” Cũng vì nghĩ cần phải tìm ra công việc cho phụ nữ để cải thiện vị thế của mình mà bà Huệ luôn trăn trở khôi phục một số nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt may của người Tày Poọng. Nhưng để khôi phục lại một nghề đã mai một từ vài chục năm trước thật sự không dễ, trong khi bà tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu. Dù vậy, với tinh thần làm việc tận tụy và luôn chia sẻ với người khác nên bà Huệ được phụ nữ ở bản Phồng kính trọng, tin tưởng.

   Không chỉ giỏi việc nước mà bà Huệ còn đảm việc nhà. Bà là một người phụ nữ chung thủy, sắt son, một con người kiên cường và mạnh mẽ. Chồng bà mất khi con còn nhỏ, một mình bà lo toan hết việc gia đình và nuôi con khôn lớn. Bà luôn ý thức về trách nhiệm của người vợ của một liệt sĩ: “Chồng tôi đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc, cũng là bảo vệ gia đình, nên tôi phải làm tốt mọi việc, phải giữ gìn cuộc sống gia đình và chăm lo cho con cái để không phụ lòng ông ấy”. Đó cũng là động lực để bà luôn cố gắng hết mình. Suốt cả cuộc đời lao động không ngừng nghỉ, bà Huệ luôn nhận được sự trân trọng từ người làng bản và các đồng nghiệp. Bà cũng nhận được những ghi nhận từ chính quyền địa phương với hàng chục bằng khen, giấy khen của xã, của huyện. Bà còn được nhà nước trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, danh hiệu 55 năm tuổi Đảng. Nhưng ghi nhận lớn nhất đối với bà là trong lòng người dân Tày Poọng ở bản Phồng. Như ông Vi Văn Liêm, Trưởng bản cho biết: “Với người dân bản Phồng, bà Huệ là một tấm gương sáng, người luôn giữ một tấm lòng son với gia đình và dành cả đời tận tụy với công việc”.

Bài và ảnh: Trang Tuệ