Có lẽ nhờ bởi công việc của một người cầm bút mặc áo lính mà tôi có chút may mắn được tiếp xúc và hầu chuyện với khá nhiều các tướng lĩnh danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong số đó có Trung tướng Lê Nam Phong.
  Ông chào đời tháng 5-1927 tại làng Phú Mỹ, tổng Phú Hậu, nay gọi là xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông là con thứ hai trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Vùng quê ông vốn được coi là vùng đất cổ xưa với địa danh “ làng Phú Mỹ” nghĩa là vùng quê vừa giàu, vừa đẹp, thiên nhiên hữu tình. Cha mẹ đặt tên là Lê Hoàng Thống, chữ “thống” theo Hán tự có nghĩa là đau, khổ. Trong đêm trường nô lệ, lầm than, dân tình đều ăn đói, mặc rét. Mới hơn 10 tuổi đầu, Thống đã phải đi chăn trâu, cắt cỏ. Không được đi học, ngày ngày vừa bế em, cậu bé đứng bên ngoài cửa lớp say sưa ngắm chúng bạn ê a đánh vần. Ngó theo tay thầy giáo viết lên bảng, Thống lấy gạch non vạch xuống nền đất, bắt chước. Vậy mà chỉ vài tháng học mót, cậu đã đọc và viết được chữ quốc ngữ, rồi làm thạo cả 4 phép tính. Điều đó khiến cho dân làng hết sức ngạc nhiên về cu Thống tinh nghịch mà giỏi giang.
Giữa năm 1944, được ông Kỳ, một đảng viên người làng giác ngộ và dìu dắt làm liên lạc cho Việt Minh, vừa tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, Thống được sung vào đội bảo vệ, nhận công tác bí mật của tổ chức. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, anh rời quê hương với chân đất, quần cộc, áo nâu, thỏa chí nguyện trai làng Quỳnh. Thống được chọn đi học lớp bồi dưỡng quân sự đầu tiên của tỉnh Nghệ An do Trung đoàn 57 mở cấp tốc ở huyện Thanh Chương, rồi được sung vào lực lượng tự vệ thành Vinh, thuộc đại đội Hồng Sơn. Tuy nhỏ con và thấp bé, nhẹ cân, nhưng anh vẫn quyết chí xin gia nhập Vệ quốc đoàn. Sau 2 lần bí mật bỏ thêm đá vào trong túi quần, cuối cùng chàng thanh niên được toại nguyện. Trở thành chiến sĩ của Trung đoàn 57, Lê Hoàng Thống được biên chế vào Chi đội Đội Cung, chiến đấu trên chiến trường Liên khu 4.
Nhờ chiến đấu gan dạ và dũng cảm, tháng 2-1948, Lê Hoàng Thống được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Buổi lễ kết nạp tổ chức ngay trong chùa Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Sống trên quê hương của nhà cách mạng Lê Hồng Phong, người lính trẻ thấy cái tên Hoàng Thống của mình không còn phù hợp nữa, nên quyết định đổi. Ban đầu anh tính lấy tên Hồng Phong, nhưng bạn bè khuyên nên đổi thành Nam Phong, nghĩa là gió Nam. Và không ngờ cái tân danh Lê Nam Phong lại gắn liền với cuộc đời Nam chinh Bắc chiến của ông.
Là một cán bộ trẻ của Đại đoàn quân Tiên Phong (308), Lê Nam Phong được giao chỉ huy nhiều đại đội thuộc Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88, có mặt trong đội hình chiến đấu lớn trên các chiến trường, tham gia các chiến dịch ở Việt Bắc, Tây Bắc và trung du Bắc Bộ trong cuộc kháng Pháp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khi nắm đại đội 225, sau những ngày “mưa dầm cơm vắt” đào chiến hào, đánh lấn, nhìn chiến sĩ lấm láp bùn đất, đại đội trưởng Lê Nam Phong cho lính cạo trọc đầu, vừa mát, lại vừa tiện lợi khi cận chiến giáp lá cà. Thế là đại đội 225 được gọi là “đại đội đầu trọc”, và ông mang biệt danh “đại đội trưởng đầu trọc” nổi tiếng. Tiếp đó, đơn vị ông phối hợp đánh Mường Thanh, rồi tiêu diệt cứ điểm Độc Lập. Dù ở đâu, Lê Nam Phong vẫn xông pha cùng đồng đội, sát cánh cùng anh em chịu đựng gian khổ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, bền gan đánh giặc, góp phần giải phóng quê hương. Tấm lòng thương yêu chiến sĩ theo ông đi suốt cuộc đời binh nghiệp.
Từ sau chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu”, Lê Nam Phong kiên trì học thêm văn hóa, sau đó ông được cử sang Trung Quốc học chính quy tại Học viện Quân sự Hoàng Phố, đây là ngôi trường đào tạo các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp danh tiếng. Trở về, sau một thời gian thử sức tại “lò luyện” Cục tác chiến (Bộ Tổng tham mưu), tháng 4-1964, ông được Bộ Quốc phòng giao làm Đoàn trưởng Đoàn 707, phụ trách hơn 100 cán bộ quân chính của cả 3 miền, lên đường đi “xẻ dọc Trường Sơn” vào chiến trường B. Chỉ huy một đội toàn quan đi Nam thật không dễ dàng gì. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng hành quân, đoàn vào đến căn cứ Suối Dây, cạnh sông Tha La (chân núi Bà Đen, Tây Ninh), an toàn.
Khi tâm sự với Trung tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Lê Nam Phong bày tỏ nguyện vọng muốn trực tiếp xuống đơn vị chiến đấu, về mặt trận nào cũng được. Thế là ngay sau chiến dịch Dầu Tiếng, ông về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 thuộc “Công trường 9” (Sư đoàn 9). Những năm tháng lăn lộn trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, tháng 8-1972, Lê Nam Phong được bổ nhiệm giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7. Đây là một trong những đơn vị chủ lực của Miền, lập nhiều chiến công oanh liệt ở Đồng Xoài, Phước Long, chốt chặn đường 13 Tàu Ô – Xóm Ruộng, Định Quán, Xuân Lộc; và cũng là đơn vị nòng cốt khi Quân đoàn 4 được thành lập vào tháng 7-1974. Sáng ngày 30- 4-1975, ông ngồi xe bọc thép tính chạy vào nội đô Sài Gòn, nhưng đường bị kẹt, không ngán, ông leo lên Honda do một chiến sĩ cầm lái luồn lách chạy qua cầu Thị Nghè, xông thẳng vào Dinh Độc Lập, chứng kiến sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử chống xâm lăng của dân tộc.

Tướng Lê Nam Phong và phu nhân. Ảnh: Tác giả cung cấp

              ***
Tốt nghiệp Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), cuối năm 1977, Lê Nam Phong đảm nhiệm chức Phó tham mưu trưởng Quân đoàn 4. Tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, ông cùng đồng đội thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng. Còn đương mải miết thực hiện nhiệm vụ ở Phnôm Pênh, đầu tháng 2-1979, Lê Nam Phong nhận lệnh điều động ra Quân đoàn 1. Vốn trực tính, ông hỏi tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ngay tại cửa Trạm 66 (Bộ quốc phòng), rằng ai điều tôi ra đây? Vị tướng tủm tỉm, trả lời cụt lủn: Tàu khựa! Lại hỏi, ai ký lệnh? Anh Chu Huy Mân. Nghe tên ông Hai Mạnh, lập tức Lê Nam Phong lẳng lặng chấp hành. Ông về Quân đoàn 1 trấn ải phòng tuyến phía Bắc. Đến tháng 12-1979, thì được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân đoàn thay cho tướng Nguyễn Hòa. Lê Nam Phong được cử sang Liên Xô tu nghiệp tại Học viện Vô-rô-si-lôp (Voroshilov). Đến năm 1983, ông trở lại chiến trường Campuchia, làm Phó tham mưu trưởng Mặt trận 719 (cơ quan Tiền phương Bộ Quốc phòng).
Hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn, tròn tuổi 60, tướng Lê Nam Phong được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2. Năm 1988, ông được thăng cấp Trung tướng. Dẫu không có học hàm, học vị gì nổi bật, song ông đã có công lớn xây dựng nền móng đào tạo cho một trung tâm đào tạo cán bộ quân đội tầm cỡ phía Nam. Không chỉ có vậy, với tấm lòng nhân ái bao dung, ông đặc biệt quan tâm đến đời sống của cán bộ, giáo viên, công nhân viên quốc phòng. Ông cùng Ban Giám hiệu nhà trường, lo quy hoạch đất cát nhà cửa, giúp hợp lý hóa gia đình cho anh chị em để họ yên tâm gắn bó lâu dài. Đến nay, có thể nói làng lính Lục quân 2 vào loại khang trang, mẫu mực và đẹp nhất toàn quân. Năm 1996, Nhà trường được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến giữa năm 1997, khi đã ở vào tuổi “cổ lai hi”, Trung tướng Lê Nam Phong mới được cấp trên cho rời quân ngũ. Ông bàn giao chức Hiệu trưởng cho Đại tá Đào Văn Lợi, một chiến sĩ trước đây của mình.
Kém ông những 20 tuổi, Đào Văn Lợi quê ở xã Ninh Thanh, huyện Ninh Giang, Hải Dương. Nhập ngũ tháng 4-1965, anh vào chiến trường B2, làm lính của Trung đoàn 141, rồi làm Trợ lý Quân lực Sư đoàn 7. Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong vừa là người chỉ huy, vừa là người thầy trực tiếp dìu dắt chiến sĩ Lợi. Trong quá trình ấy, ông phát hiện ra tố chất “tham mưu” của chàng lính trẻ và chú tâm bồi dưỡng. Gần cuối cuộc chiến tranh (11-1974) anh Lợi được Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong gọi lên giao nhiệm vụ “ra Bắc đi học về làm chỉ huy”. Sau khi tốt nghiệp, Đào Văn Lợi tiếp tục trở lại Quân đoàn 4, tham gia bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Số phận và cơ duyên đã gắn kết 2 người với nhau. Hầu hết những đơn vị mà Đào Văn Lợi chiến đấu và công tác từ tiểu đoàn lên đến quân đoàn, hầu hết đều có bóng dáng của tướng Lê Nam Phong.
Cho đến nay, nhiều cán bộ, giảng viên của Trường Sĩ quan Lục quân 2 vẫn còn nhắc lễ chuyển giao “độc đáo” có một không hai giữa Trung tướng Lê Nam Phong và Đại tá Đào Văn Lợi, nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 4. Mặc dù chưa có lịch bàn giao, song ông vẫn chuẩn bị văn bản sẵn sàng. Khi Đại tá Đào Văn Lợi dẫn gia đình đến thăm trường, Trung tướng Lê Nam Phong liền tổ chức bàn giao rất chóng vánh. Sau khi dẫn tân Hiệu trưởng đi giới thiệu với cán bộ, giáo viên, học viên của nhà trường, tướng Lê Nam Phong rời nhiệm sở bằng một bữa cơm liên hoan hết sức nhẹ nhàng và thanh thản. Từ một xã viên hợp tác xã, Đào Văn Lợi trở thành một cán bộ chỉ huy quân sự tài năng, năm 1998, ông được phong Thiếu tướng. Cuối năm 2000, ông được bổ nhiệm Giám đốc Học viện Lục quân (Đà Lạt). Tháng 8-2001, Đào Văn Lợi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học Quân sự. Tiếp đó, ông được nhận học hàm Phó Giáo sư và được thăng hàm Trung tướng. Tiếc thay, năm 2011, ông mất vì bạo bệnh…
Có lẽ hiếm vị tướng nào đau đáu thương yêu cấp dưới được như Trung tướng Lê Nam Phong. Khi là Tư lệnh Quân đoàn 1, ông xuống làm việc với Trung đoàn 48, thấy Phó trung đoàn trưởng Nguyễn Khắc Nghiên giỏi giang, nhưng quân hàm đại úy đã…mốc, ông thương anh em thiệt thòi, không một lời hứa hẹn kiểu đãi bôi, ông trực tiếp hỏi han nắm rõ sự tình và trở về. Chừng hơn một tuần sau thì anh Nghiên được lên lon Thiếu tá. (Về sau Nguyễn Khắc Nghiên là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nay đã mất).
Lần khác, ông về Hải Hậu, Nam Định tìm thăm gia đình anh Vũ Bầu, một cán bộ trung đoàn của Sư đoàn 7 hồi đánh Mỹ. Vốn bộc trực, giữa bom đạn mù trời, thấy lính lơ mơ chểnh mảng, bực lên, ông quạt tơi bời, kể cả Vũ Bầu.  Nhưng khi nguôi ngoai, ông lại thương anh em và giận mình nóng nảy. Nhìn cấp dưới từng một thời vào sinh ra tử, nay về quê đi chăn vịt, con cái nheo nhóc, gia cảnh túng thiếu, ông tỏ lòng thương cảm. Thế là có bao nhiêu tiền trong túi, ông dốc hết, tháo cả chiếc đồng hồ đeo tay, kỷ vật quý giá của Đại tướng Lê Trọng Tấn, đưa tặng Vũ Bầu. Lúc bùi ngùi anh Bầu ngỏ ý muốn có bộ quân phục sĩ quan bằng dạ, ông bối rối vì “quân tử nhất bộ”. Tình huống quả khó xử, nhưng không để anh Bầu thất vọng, vị tướng “quyết” ngay tắp lự. Lúc cả gia đình tiễn ra xe, ông tế nhị bảo vợ anh Bầu vào nhà trước, rồi cởi phăng bộ dạ trao cho cấp dưới và chui tọt vào xe, ngồi co ro. Mặc đồ xà lỏn, ông cho xe chạy một mạch về Quân đoàn. Cảnh vệ vẫn đứng nghiêm chào mà không hề hay biết Tư lệnh “sai” điều lệnh!
Thế nên, không lạ khi ông có “con nuôi” và con “kết nghĩa”, ai ai cũng gọi ông bằng bố rất đỗi kính trọng. Trước Tết Nguyên đán Canh Tý, người viết bài này có dịp ngồi cùng bàn hầu rượu cụ, nói vậy chứ do sức khỏe giảm sút, ông không hề đụng đến giọt rượu, hớp bia nào. Trong buổi tiệc ấy, có rất nhiều người, tướng lĩnh, rồi các sĩ quan cao cấp, cùng một số giám đốc các bệnh viện lớn, xúm đến nắm tay ông để nói lời tri ân, nhờ ông tạo điều kiện mà họ có hôm nay. Lắm người cứ đến lẳng lặng ôm lấy ông rồi tìm cách đưa quà vào túi. Và vị tướng già 93 tuổi cười khà khà, nụ cười sảng khoái của con người giàu tình thương, có cái tâm sáng ngời.
 ***
Trung tướng Lê Nam Phong có cả kho giai thoại, kể cả ngày không hết, nghe thì cười muốn bể bụng. Cuộc đời chiến trận của ông gắn với nhiều biệt danh từ thời lăn lộn chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ. Trong đó, nổi nhất là “Năm bình toong” và “Năm hỏa lực”. Số là đi đánh trận ông thường mang theo bên mình bình toong rượu đế, thi thoảng “mần một tợp” cho săn gân cốt. Có lần gặp nhà báo Đinh Phong bám theo bộ đội, mà chỉ độc con dao găm, ông cởi súng ngắn và bình toong trao cho nhà báo phòng thân, nhưng đi một đoạn sực nhớ trao nhầm bình rượu nên kêu “đòi” lại. Còn “Năm hỏa lực” là bởi ông luôn xông xáo, quyết đoán, khẩn trương táo bạo, yêu cầu cấp dưới tuân thủ để kịp thời hành động, không chần chừ bàn cãi. Tài nghệ cầm quân của ông nổi tiếng là vậy.
Chuyện ông “kén” vợ rất độc đáo. Sau thời gian tiếp quản Thủ đô, bấy giờ đã là một cán bộ tiểu đoàn, ông được cấp trên cho về thăm nhà. Người cha đã mất từ hơn 9 năm trước. Người mẹ và các anh chị em trong gia đình mừng ông trở về và mong mỏi chàng bộ đội sớm yên bề gia thất. Vốn tính nghịch ngợm, tếu táo, trong buổi gặp mặt với các thanh niên, thiếu nữ trong làng, sau khi kể chuyện đánh Điện Biên, đột nhiên Lê Nam Phong hỏi: “Có o mô muốn lấy tui, giơ tay?”. Nhiều cô gái cùng giơ tay cái rụp, nhưng người giơ cao nhất chính là vợ ông bây giờ, bà Võ Thị Hồng Mai. Về nhà, mẹ ông bảo, Mai là con bà Cần, người họ Lê nhà mình. Chàng tìm đến nhà, bà Cần bảo: “Tau có 3 đứa con gái, cho mi một đứa, tùy chọn”. Được lời như cởi tấm lòng, hết phép, được 2 gia đình ưng thuận, Lê Nam Phong dẫn người yêu ra Hà Nội báo cáo tổ chức. Lễ thành hôn của 2 người do Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 Bùi Nam Hà làm chủ hôn. Về sau ông Bùi Nam Hà là Thiếu tướng, nguyên Phó tổng thanh tra Quân đội, Giám đốc Học viện Hậu cần. Bà Mai là người vợ tảo tần, thủy chung, lo nuôi dạy con cái để ông chuyên tâm đánh giặc, phụng sự việc quân.
Đặc biệt, sự phức tạp của Nghệ ngữ được ông vận dụng có hiệu quả thời đánh Mỹ, vẫn được lính tráng truyền tụng mãi. Số là, hồi ở miền Đông Nam Bộ, sau nhiều cuộc càn lớn, địch bắt được một số mật điện của ta, chúng dò ra khóa mật mã, thế là lộ bem. Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong bèn lệnh cho cánh thông tin chọn 2 chiến sĩ quê Nghi Lộc trực hai đầu dây, đàm thoại choang choang thoải mái truyền đi mệnh lệnh chiến đấu tới các đơn vị. Đối phương rà bắt được sóng vô tuyến của ta, song chúng nổi điên vì không biết “vi xi” (VC) sử dụng ngoại ngữ gì, mà không tài nào dịch nổi. Các chuyên gia mật mã của địch cũng bó tay chào thua vì không sao giải mã được nội dung cuộc đàm thoại ấy.
Còn chuyện ông trân trọng mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân về thăm Trường Sĩ quan Lục quân 2 vào năm 1993. Hồi ấy, Trường còn nghèo lắm, nhưng ông vẫn bàn với tập thể lãnh đạo, tổ chức tiếp đón người “Anh Cả quân đội” thật trọng thị, ấm áp. Biết được cán bộ, giáo viên, học viên của trường luôn khao khát được nhìn ngắm Đại tướng, mong được nghe nói chuyện trực tiếp, nên ông càng vững tâm. Hiệu trưởng Lê Nam Phong quyết chí tổ chức đón tiếp Đại tướng bởi ngoài sự kính trọng một người văn võ song toàn, đức độ ngời sáng, ông không có động cơ nào khác.
Trước hàng ngàn cán binh đội ngũ chỉnh tề, tướng Lê Nam Phong dõng dạc báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam suốt 2 cuộc kháng chiến vừa qua. Giữa tiếng pháo tay vang dội không ngớt, ông kính mời Đại tướng duyệt đơn vị danh dự đang bồng súng chào. Sau khi nghe Đại tướng nói chuyện, tình cảm thân thiết như cha con, ông cháu, ai nấy thảy đều sung sướng, tự hào. Thì giờ ít, nên Đại tướng hỏi ông, còn gì nữa không? Ông mời Đại tướng xuống sân bắt tay hàng đầu và chụp hình lưu niệm. Rời sân vận động, vào hội trường nhỏ dành cho giáo viên và cán bộ khung, vị Hiệu trưởng vừa mở lời giới thiệu với các đồng chí, người Anh Cả quân đội, thì nghẹn lời, nước mắt ứa ra. Thấy vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi cạnh, vỗ vỗ vào lưng, cười nhẹ, động viên: “Đại đội trưởng đầu trọc, bình tĩnh chớ” càng khiến ông xúc động. Mới đây, tôi khơi lại chuyện cũ, hỏi ông ngày ấy, sau vụ đón tiếp rồi cụ có bị “vấn đề” chi không? Ông cười hà hà, nháy mắt…
Không riêng gì Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tướng Lê Nam Phong còn dành tình cảm kính trọng của mình đối với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Chu Huy Mân, cùng nhiều bậc đàn anh khác, với tất cả tấm lòng thủy chung, ân sâu nghĩa nặng. Hơn nửa thế kỷ trong quân ngũ, dẫu tính nóng như lửa, có thể quát mắng khi cấp dưới sai, nhưng ông không hề để bụng bao giờ. Ông vẫn luôn quý trọng từng chiến sĩ bình thường, từ người công vụ, đến lái xe. Và nghẹn ngào nhớ những người lính của mình hy sinh trước giờ toàn thắng, như Nguyễn Đăng Hoan cắm cờ trên đá chồng Định Quán (Đồng Nai)…
Ngôi nhà của gia đình ông tọa lạc tại phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, luôn rộng mở, đón tiếp anh em bè bạn bốn phương. Nghỉ hưu rồi, nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia Ban liên lạc truyền thống “Chiến sĩ Điện Biên” và hội cựu chiến binh các đơn vị cũ. Ông đi nhiều, hết họp hành, lại hội thảo, giao lưu, thăm viếng bạn bè… nên thường xuyên vắng nhà. Điều ấy khiến bà Mai phu nhân không vui, bà tìm cách ngăn cản để mong ông được nghỉ ngơi, vui thú điền viên. Nhưng vị tướng cao niên vẫn “chứng nào, tật nấy”, vẫn luôn hăm hở xông pha, tận cùng tình nghĩa. Vài năm gần đây, sức khỏe giảm sút, ông không đi lại nhiều, song trí nhớ vẫn còn rất mẫn tiệp, nụ cười luôn thường trực trên môi.
  Vâng, vị tướng trận người Nghệ, Lê Nam Phong là thế đó. Có thể nói, cốt cách của ông tiêu biểu cho người vệ quốc năm xưa, bộ đội Cụ Hồ ngày nay, đó là nhân cách của một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh. Tên tuổi Trung tướng Lê Nam Phong được định vị trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam.

Nguyễn Minh Ngọc
(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam, Số 5/Bộ Mới/2020)