Khi mấy anh chị em chúng tôi được sinh ra thì ông bà nội đã mất từ lâu lắm rồi, chúng tôi chỉ biết ông bà qua lời kể của ba mà thôi. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, từ biệt làng quê, ba tham gia vào Vệ quốc đoàn từ những ngày đầu đánh giặc Pháp chủ yếu trên chiến trường Bình Trị Thiên. Bởi vậy, mỗi khi nghe bài hát: “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương cất lên là lòng tôi lại xốn xang nhớ về ba da diết với hình ảnh người chiến sỹ Vệ quốc quân đang cùng đồng bào Bình Trị Thiên xông lên giết giặc, giữ yên quê nhà. Có lẽ ba cũng thấm sâu lời câu hát: “Bình Trị Thiên ôi miền thân mến/Có ai xuôi về cho ta nhắn thương yêu”, nên sau khi tham gia giải phóng Ba Đồn (Quảng Bình) năm 1952, ba bị thương, đã gặp mẹ tôi – người phụ nữ cứu thương, cùng gia đình đã chăm sóc ba cả năm trời, sau đó hai người kết duyên hạnh phúc, ở lại xây dựng quê hương Quảng Bình yêu dấu…

Quãng đường về quê chưa đến 200 km nhưng mãi đến năm 1982, trước khi ba nghỉ hưu tôi mới có dịp về thăm quê nội. Với tôi đó là một chuyến đi đầy giông bão, nhưng không kém phần thú vị, bởi đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm đi “tàu chợ”, phương tiện khả dĩ nhất thời bấy giờ. Từ sáng sớm, sau khi cơm nước xong, mạ tôi đùm thêm cho hai cha con một đùm cơm nếp nấu trộn với khoai khô, món ăn mà ba tôi rất thích để ăn dọc đường; kèm theo một bi đông nước chè xanh thơm ngát. Ba dẫn tôi đi bộ quãng đường 6 km từ nhà đến bến sông, đi đò qua sông Gianh và tiếp tục đi hơn 1 km nữa thì đến ga Lệ Sơn. Nhà ga gần bến sông, lưng dựa vào lèn đá, phong cảnh thật hữu tình. Ngồi chờ khá lâu, gần giữa trưa thì tôi được nghe thông báo tàu đang đến. Háo hức và đợi chờ, tôi chạy ra trước cửa vào ga để nhìn ngắm con tàu mà mình từng mơ ước được một lần đi. Ba mang chiếc ba lô bộ đội bạc màu đi theo sau tôi.

“Như con rắn khổng lồ tàu trườn mình tiến vào ga/ Tiếng bánh sắt nghiến vào đường ray nghe rệu rã….”. Ảnh: Võ Khánh

“Như con rắn khổng lồ tàu trườn mình tiến vào ga,
Tiếng bánh sắt nghiến vào đường ray nghe rệu rã.
Một hồi còi hú dài làm rung lèn đá,
Cột khói đen sì phun ngược giữa trời cao.
Đoàn người ùa vào ga chạy mau tới con tàu,
Họ đẩy xô nhau trèo lên chiếm chỗ.
Cả khoang tàu người và hàng lố nhố,
Cuộc sống mưu sinh xô đổ mọi nhân tình…”.

Nếu không có sự hộ tống của ba thì chắc là tôi khó lên được con tàu; trái ngược với những suy nghĩ ban đầu của tôi về một con tàu qua những trang sách. Sàn tàu ngồn ngộn, bừa bãi hàng hóa đủ loại. Nào là gỗ, củi khô, song, mây, đến khoai sắn, lợn, gà, cá, mắm muối, tương cà… tất cả đều chất vào khoang. Mùi ôi thiu, ẩm mốc bốc lên nằng nặc, có lẽ lâu lắm rồi chẳng có ai quét dọn. Dù có vé, nhưng cả ba và tôi đều không có ghế bởi vé bán có ghi số đâu, vả lại ghế cũng không có số, nên mạnh ai nấy ngồi. Lúc đầu, tôi háo hức được đứng bên cửa sổ để nhìn quang cảnh nơi con tàu đi qua, nhưng không còn chỗ đành dựa người vào người ngồi trên ghế, tay níu vào nịt quần của ba. Ba nói: “con chịu khó thôi, vì tàu phải qua 16 ga mới tới được ga Vinh con à? Khi mô có người xuống thì mình mới có thể có ghế ngồi”. Tôi hỏi: “khi mô thì đến được ga Vinh?”. Ba nói: “chắc phải trưa mai, vì ga mô họ cũng dừng cả, có thể thời gian dừng ở các ga mất gần bằng thời gian tàu chạy đó”. Đêm đến ba mới kiếm được chỗ ngồi và cho tôi ghé vào một bên, nghiêng người tựa vào ba để ngủ. Rồi sự mỏi mệt khiến tôi quên hết sở thích ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Quả đúng như dự đoán của ba, gần giữa trưa hôm sau tàu mới đến ga Vinh.

Đến ga Vinh vào những ngày hè nắng chói chang. Vẫn những cơn gió Lào khô nóng táp vào mặt liên hồi. Ba dẫn tôi vào một hàng nước phía ngoài sân ga. Tiếng của những người điều khiển xe ngựa thi nhau mời gọi khách vừa xuống tàu râm ran cả vùng. Tôi quá đỗi ngạc nhiên. Xa quê bao nhiêu năm, nhưng ba sử dụng ngôn ngữ xứ Nghệ đến quá chuẩn (khi ba hỏi một gã xe ngựa giá cả về chợ Sơn – cái chợ giáp ranh giữa Nghi Thạch và Nghi Hương)… Họ nói giá cao bằng cả vé tàu mà ba và tôi đi từ ga Lệ Sơn đến ga Vinh. Ba chỉ trả một nửa và không được chấp nhận. Thế là hai ba con quyết định đi bộ. Để rút ngắn quãng đường ba dẫn tôi đi cắt qua những cánh đồng bạc màu với những cây lúa khẳng khiu, úa màu phất phơ trong gió bụi. Nhiều chỗ tre cháy sém vì nắng, thỉnh thoảng lại nghe tiếng nổ lốc bốc. Chừng hơn hai tiếng đồng hồ hai ba con cũng về đến chợ Sơn. Mua ít hương hoa, ba dẫn tôi vào khu nghĩa địa thắp hương cho ông bà nội, sau đó mới ghé vào nhà bác ruột.

Hôm sau, ba dẫn tôi đến thăm nhà o Út. Để tạo sự bất ngờ, trong vai của người đi mua gà qua lời giới thiệu của chị Long (con bác ruột), o im lặng quan sát tôi bằng một thái độ nghi hoặc. Một hồi lâu, đưa bàn tay ấm nóng o nắm chặt tay tôi và nói một câu đầy xúc động: “Cháu là con cậu C ở trong Quảng Bình ra hầy? Phỉnh o là có tội nà. Rứa cháu về một chắc thôi à?”. Nhìn o rơm rớm nước mắt, tôi đành thú nhận… O ôm chầm tôi vào lòng rồi chửi yêu, nước mắt giàn giụa chảy. Cùng lúc thì ba tôi đến, o kêu rõ to giọng mừng rỡ. Nhìn cảnh ấy lòng tôi cũng trào dâng xúc động. Bữa trưa hôm đó, cả nhà o đông đúc, vui vẻ, tràn đầy tiếng nói cười. Mỗi câu o nói với tôi giọng cứ rưng rưng, tay cầm chiếc quạt mo cứ quạt cho tôi liên hồi vì sợ tôi nóng không ngồi ăn nổi. Dượng tôi, một người dân miền biển da dẻ cháy nắng đỏ ong. Đi làm ngoài trời dưới cái nắng 38 – 39 độ nhưng đầu cứ phơi trần không cần mũ nón. Vừa nói chuyện với ba, thỉnh thoảng dượng nhìn qua tôi động viên “ăn khỏe lên cháu!”. O thì hết gắp thức ăn bỏ vào bát cho ba rồi đến tôi. Tôi nói: “O ăn đi! Cháu lớn rồi để cháu tự lấy, o không cần lấy cho cháu”. O nói “cậu và cháu về đây là o mừng lắm, không ăn mà cũng thấy no rồi. Về đây ở cho được lâu lâu với o hầy!” Tôi đùa: “O không đủ gạo cho cháu ăn mô”. O đáp: “Anh mi chê o nghèo à? O gọi tôi là “anh”, cách gọi thế cho các em con o. Rồi o nói tiếp: “Cậu và anh ở cả năm cũng không thiếu gạo mô”. Tôi cười: “Cháu không chê mô, nhưng cháu bận vào Huế học rồi o ạ”. O có vẻ thất vọng sau khi nghe tôi nói. Bữa ăn thật sum vầy và rất ngon, làm tôi nhớ mãi.

Vì bôn ba, lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, hơn nữa điều kiện đi lại quá khó khăn nên mãi đến năm 1994 tôi mới dành cả mùa hè để về thăm quê. Tôi nhớ như in cứ mỗi độ chiều về tôi thích được cùng mấy đứa em đi cào lá phi lao để về làm chất đốt. Mỗi sáng mai lên, chúng tôi thường trèo qua động cát chạy ra bãi biển ngắm cảnh bình minh trên biển và nhìn từng đợt sóng nối nhau xô vào bờ. Một lúc sau thì nhảy ùm xuống biển, bơi ra xa. Buổi sáng mùa hè được thả mình trong lòng biển thì sảng khoái vô cùng. Tắm xong, chúng tôi chạy dọc bờ cát mịn. Chao ôi, rất nhiều là vỏ ốc xinh xắn, đủ loại. Tôi tha hồ nhặt bỏ vào vạt áo đem về để làm kỷ niệm. Về lại nhà, o nói với ba sắp sửa thành lập thị xã Cửa Lò. O mong ước ba tôi hoặc con cái ít nhất một người nào đó về quê sinh sống.

Thị xã Cửa Lò với những nhà cao tầng. Ảnh: Hồ Đình Chiến

Rồi thị xã Cửa Lò cũng được thành lập, vùng quê miền biển ấy dù được xây dựng khang trang hơn với nhà cao tầng và đường thông hè thoáng, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ với những bãi cát dài tít tắp chạy dọc theo con đường ven biển, bên những ngọn phi lao còn sót lại gió thổi hiền hòa, ngày đêm nghe biển hát. Mỗi lần về lại thăm quê, tôi nhớ ngất ngây hình ảnh ba tôi, o dượng tôi, những cư dân miền biển với thứ tình cảm mặn mòi, đằm thắm như thấm sâu vào từng thớ thịt, đường gân. Đã hơn mười năm, những người thân ruột thịt ấy của tôi đã mãi mãi đi xa, để lại cho tôi nỗi nhớ vô bờ. Tôi yêu họ, yêu mảnh đất Cửa Lò đã sản sinh ra những người con chân chất.

“Cửa Lò ơi yêu mãi sóng ngàn năm
Như nghĩa nặng tình sâu, câu dân ca ví, giặm.
Hàng dương xanh, bờ cát dài phẳng lặng
Như tình người quê tôi chất chứa tự bao đời”.

Sau bao năm, với việc đô thị hóa nhanh chóng, rừng phi lao giờ chỉ còn trong ký ức, nhưng biển thì vẫn vậy. Vẫn là những bãi tắm trải dài tít tắp, ôm lấy bờ cát nhuộm đẫm nắng vàng. Vẫn những đợt sóng nhấp nhô, cuồn cuộn cứ đuổi bắt nhau, rồi cùng xô vào bờ, tung bọt trắng xóa như nụ cười xòa, chào đón bất kì ai ghé chơi.

Giờ đây, mỗi khi đứng trước biển, tôi bỗng thấy mình chỉ như một đứa con bé nhỏ, đang được biển vỗ về. Tôi chợt nhận ra, đôi khi người ta tìm về với biển không chỉ là tìm đến với sự sôi động ngày hè, mà còn là để nhìn lại mình của ngày trước, ngày này và cả những ngày sau. Có lẽ với những suy nghĩ ấy, mà khi được đi đây đi đó nhiều nơi, tôi vẫn đem lòng yêu và nhớ về vùng biển quê mình. Niềm yêu đã trở nên cố hữu, bởi lẽ biển với tôi không chỉ đơn thuần là sóng, là gió, là bầu trời cao trong xanh, mà còn là bao bóng hình ký ức.

Đặng Trần Tiến