Vốn từ đất sinh ra, bao kiếp bao đời nay chưa rời khỏi mặt đất, bàn chân con người vẫn bám lấy đất mà lớn lên. Nếu từng đứng trước một cánh đồng, một bãi sông, một triền đồi nương rẫy… nơi con người ngày ngày làm lụng, đổ mồ hôi để có hạt lúa, hạt ngô, củ khoai củ sắn… cảm xúc của bạn thế nào, và bạn nghĩ gì?

Với riêng tôi, sáng sáng đi bộ ra cánh đồng, được không gian trong lành, mát mẻ ve vuốt, thấy dễ chịu vô cùng. Chân trời đàng đông ửng hồng, những hạt sương long lanh, gió sớm thoảng mùi lúa non, mùi cỏ non, mùi hoa dại, loáng thoáng bóng vài chú chuột thập thò, châu chấu búng càng tanh tách bên vệ cỏ, chim chiền chiện vụt bay, mùi bùn đất thoang thoảng tanh nồng,… Những buổi sáng như thế luôn ngập tràn niềm hứng khởi, bao phiền muộn cũ cũng tiêu tan. Để rồi sáng nay, nhìn đồng lúa ửng vàng, tôi bỗng nhận ra rằng: từ bé đến nay, mấy chục năm đời, cho dù có đôi lần cách quãng thì mình vẫn gắn bó với đất cát, với đồng quê.

Đất nước, quê hương bao năm biến động nhưng những cánh đồng vẫn còn đó nuôi sống bao lớp người quê tôi và nuôi sống tôi cho tới hôm nay… Ảnh: Hà An

Bao nhiêu năm đất nước biến động, cuộc mưu sinh khiến bao kiếp người loạn ly, lưu lạc. Với tôi, theo bố mẹ vất vưởng miền rừng, đi học, đi lính,vợ con gia đình sau nhiều năm trôi dạt rồi cuối cùng vẫn sống bám vảo mảnh đất quê. Vẫn rú Đụn đó, vẫn cửa Gan đó, vẫn lèn Đồng kia,… vẫn làng xóm ruộng đồng thân thuộc, cho dù mọi thứ đang khác đi từng ngày thì vẫn là khoảng trời in bóng, vẫn những quãng đường, những bờ đất từng có dấu chân ta… Ngắm ruộng đồng mương máng, tôi gặp lại tuổi thơ trên những dấu chân cua chi chít, gặp lại tuổi thơ trên vết lươn trườn, vết dãi dớt ốc bò để lại trên lớp bùn khô…

Những cánh đồng quê tôi, nào đồng Lau, đồng Kén, nào giếng Chùa, nào Thờ bà mụ…, nào đụi Rờm, rục Cá Gáy… Cánh đồng Đụi Rờm quanh năm nước ngập, lắm cá nhiều tôm. Đồng Kén, đồng Lau cạnh Ga Giát bằng phẳng, rộng dài. Cánh đồng nào cũng in dấu chân lũ trẻ chúng tôi hái rau mót khoai, mót lúa, bứt rạ, tát cá, thọc khăm,…

Những cánh đồng làng với biết bao mồ hôi đổ xuống, “tháng Năm dỡ khoai, tháng Mười gặt lúa”. Vẫn đất ấy nước ấy, những cánh đồng đã nuôi lớn bao lớp người.

Đồng làng tôi ngày ấy chẳng bao giờ hết cá, tôm, lươn, ốc; mùa mưa lũ sang mùa nắng hạn, tha hồ cho lũ trẻ kiếm ăn. Cất rớ mò ốc, thả lờ đơm đó câu vằng, mùi tanh cá tôm hoà trong mùi thơm đòng đòng ngậm sữa…

Những cánh đồng làng hết khoai lang đến khoai tây, đến ngô sang lạc. Bao giống lúa được thay, nào lúa ri lúa cút, nào ngâm bù, lốc mỡ, nếp hoa vàng, nếp cú,… Lúa ngâm bù cho gạo nở, cơm khô. Lúa lốc mỡ cơm ngon, gạo dẻo. Nếp hoa vàng xôi thơm dẻo, nếp cú hạt to, bông mẩy cứng cây… Mấy phen “thay trời đổi đất”, đồng làng cao thấp, trồi trụt trở nên bằng phẳng. Kênh Bình Sơn được đào chạy xuyên huyện thoát úng cho vùng trũng… Thế rồi các giống mới lại về, nông nghiệp 5 thay nông nghiệp 8, Dự Hương thay Trân Châu… Chiến tranh giặc giã, bom đạn ngút trời, những cánh đồng bị xé rách cũng được vá lành. Đất nước yên lành, giống mới liên tiếp được thay. Giống trồng để ăn, giống trồng xuất khẩu, giống cho nhiều cơm, giống cho gạo dẻo…

Dấn thân trai làm nghĩa vụ với đất nước, trở về mê mải với cuộc mưu sinh, xa quê cách quãng, cuối cùng tôi lại được trở về quê, sống với cánh đồng làng thân thuộc. Giờ đây, dù đã bị thu hẹp rất nhiều nhưng vẫn là đồng đất ấy, vẫn còn đó đồng Lau, đồng Kén…; vẫn lả dòng nước mát từ đập “Bara Đô Lương” chảy về tưới tắm nên lúa vụ nào cũng tốt bời bời. Dân quê tôi giờ đây không chỉ đủ ăn mà gạo thóc còn thừa thãi. Cho dù không còn nhiều như trước thì cánh đồng làng vẫn cho con ốc, con cua. Con ốc con cua lặn sâu trong đất mùa khô hạn, sự sống giấu mình để lúc nước về sẽ lại sinh sôi.

Con người, vạn vật, hết thảy đều tồn tại nhờ đất, từ đất sinh ra để cuối cùng trở về với đất. Cát bụi trở về cát bụi.

Đất nước, quê hương bao năm biến động nhưng những cánh đồng vẫn còn đó nuôi sống bao lớp người quê tôi và nuôi sống tôi cho tới hôm nay…!

Nguyễn Ngọc Lợi