Tôi sống ở làng người Mường này từ lúc còn rất bé, có thể coi như được sinh ra ở đây, vậy mà lũ trẻ trâu trong làng vẫn gọi tôi là “xằng puôn” (tiếng gọi miệt thị người Kinh) nhưng tôi không lấy đó làm giận. Giấy khai sinh bố nuôi khai cho tôi họ Lê, Lê Văn Tin. Mỗi lần nghe chúng nó gọi tôi là “xằng puôn” (thằng người) chị Tím lại vuốt ve tôi rồi nói “ún từng có nghe” (em đừng nghe).

Chị Tím là con gái đầu của ông bà. Bố mẹ nuôi sinh chị Tím, sau khi đưa tôi về mới có thêm thằng Lý và út là con Su. Hơn nhau vài ba tuổi, người lạ đến cứ ngỡ chúng tôi là bốn chị em ruột. Người ta nghĩ thế cũng phải, bởi thực tế ông bà đã coi tôi là con, ba chị em chị Tím vẫn coi tôi là anh em, không hề có sự phân biệt nào cả.

Chị Tím bảy, tám, rồi mười hai, mười ba tuổi… nghịch và hiếu động như bọn con trai, tham gia đủ các trò của bọn thằng Xanh, thằng Lý… những thằng con trai nghịch nhất làng. Thả trâu, hái măng, lấy nấm, đi bắt ễnh ương… chị chạy huỳnh huỵch, hò hét đuổi nhau với bọn thằng Ba Bút, thằng Xanh, cười nói vang rừng. Lớn dần lên, tính tình chị dịu lại dần. Chị nhường nhịn chỉ bảo chúng tôi, và có vẻ thương tôi hơn cả. Tôi lớn dần lên trong căn nhà sàn này. Cái nhà sàn xinh xắn giữa vườn có mít, có bưởi, có đào cổ thụ và những khóm chè xanh tua tủa ngọn để bố nuôi sáng sáng xuống hái nắm lá tươi kháu mang lên nhà rửa sạch cho vào ống bương chế nước sôi rồi cầm đoạn cây lụi ngoáy mãi thành một thứ nước xanh lè đặc sánh. Nước chín, ông gọi hàng xóm sang, vừa uống thứ nước chát khé cổ vừa hút thuốc lào rồi nói chuyện phề phà bên bếp lửa um khói và thơm ngát mùi chè.

Bố nuôi kể ông bà đã nhặt được tôi ngoài chợ Hiếu lúc tôi mới độ hơn năm tháng. Một thằng bé lem luốc và rách rưới, trong tấm vải quấn có tờ giấy nhắn ai nhặt được xin hãy nuôi cháu và nhớ khai là họ Lê. Ký ức tôi bắt đầu từ những bước nhảy chân sáo trên những bậc cầu thang lên xuống. Và dưới sân có chị Tím đứng chờ để hai chị em vào rừng lấy măng, nhặt nấm. Tôi vẫn nhớ, khi tôi lên năm, em Su được sáu tháng, đẹp như con búp bê, mặt tròn quay, tóc đen, mắt đen nhánh, chân tay có ngấn, trắng hồng. Tôi thích giành ru em ngủ. Trên cái võng gai lót tấm chăn nhỏ mắc bên cửa sổ cạnh bếp, em u ơ cười một lúc rồi thiu thiu ngủ. Ra Giêng, núi rừng xanh mướt, những cành mơ, cành đào sà sát mái nhà bên cửa sổ khoe trái non be bé xinh xinh chi chít. Bếp lửa than hồng tỏa hơi ấm sực. Tiếng mõ trâu trên mấy cái rẫy cũ quanh làng vọng về lốc cốc khiến tôi nhiều lúc mơ màng bên chiếc võng đung đưa.

Bố mẹ nuôi cho tôi đi học vỡ lòng, rồi lớp 1, lớp 2… Chơi với mấy đứa rồi tôi cũng biết đẽo cù, biết làm mấy đồ chơi bằng gỗ bằng tre. Lên lớp 3, lớp 4, tôi biết làm bẫy kẹp, theo mấy đứa, mấy anh đi bắn ếch, bắn chuột bằng nỏ, bẫy sóc, bẫy gà bằng bẫy kẹp, bẫy vướng… Làng Mường bình lặng giữa núi rừng, quanh năm cây trái, nào mít, nào bưởi, nào đào, nào mơ… Mùa quả chín làng thơm lừng mùi mít. Ngồi trên nhà nghe cả tiếng mít chín nẫu rụng lịch bịch dưới vườn, dưới sân.

Dạo đó, máy bay Mỹ thường thả bom ngoài đường chiến lược, đuổi đánh ô tô bộ đội nên trường học được chuyển về thung lũng cạnh làng, việc đi học của chúng tôi trở nên thuận tiện. Buổi sáng đi học, buổi chiều tôi theo lũ bạn vào rừng thả trâu.

Đi thả trâu thật vui, thật thích. Mỗi đứa mỗi bao dao bên hông, cả lũ nghễu nghện trên lưng trâu nối nhau thành một hàng dài luồn dưới tán những rặng màn màn, qua bìa những ruộng bậc thang, qua mấy gốc sung già cỗi rùm ròa để tới cái thung lũng quen thuộc. Tới nơi, đứa nào đứa nấy túm mõm trâu tháo giây thừng rồi huầy cho chúng đi ăn. Khi bầy trâu đã tản hết và tiếng mõ đã rộn lên trong các lùm cỏ giác xa gần thì chúng tôi cũng tản đi mỗi đứa một việc. Thằng Ba Bút chặt ngọn tre làm ống điều rồi xát vỏ nứa khô vào mớ bùi nhùi lấy lửa hút thuốc xong say lừ đừ, hai mắt lim dim trông như người già. Thằng Sáu Ca ngồi tết đai vỏ dao bằng những sợi mây được chuốt nhỏ sáng óng ánh. Thằng Hai Ton đi tìm tổ chim lấy trứng… Còn tôi theo thằng Lại xuống khe lật đá tìm cua. Khe Tum vòng quanh rú Pang luồn dưới bóng rừng, xăm xắp nước chảy miên man, mát lạnh. Những con cua đen nhánh nấp dưới những tảng đá bị lật lên chạy cuống cuồng. Bắt cho vui thế thôi chứ loài cua này cứng ngắc, lại ít thịt, chúng tôi ít ăn. Vui và thích nhất là tìm tổ chim lấy trứng, tìm tổ ong ruồi lấy mật. Những tổ chim trong các lùm cây với vài quả trứng lấm chấm nâu được trát bùn, vùi than nóng ăn vừa thơm vừa ngon. Những tổ ong nhỏ với chút mật ngọt thơm… Rồi thì thăm bẫy sóc, bẫy chuột, rồi rình bắn ếch, bắn chẫu chàng… Có bao nhiêu là thú vui. Nhưng tôi vẫn thích róc mây, lấy măng. Chiều cưỡi trâu về với vòng mây trắng ngà trên cổ, xách măng tre treo sừng trâu, tôi tự tin khi thấy chị Tím đứng đợi ở chân cầu thang, miệng nhoẻn cười khen “giỏi dá, giỏi dá…” (giỏi nhỉ).

Tranh: Hải Thọ

Hình như tôi lớn nhanh hơn lên sau những buổi chiều như thế. Những buổi chiều, dù có tiếng máy bay gầm rú thì mái nhà sàn có khói bếp chờn vờn, mùi cơm thoang thoảng, có chị Tím đứng đợi bên chân cầu thang vẫn là những buổi chiều ấm áp huyền diệu. Tôi lên mười một, rồi mười hai, mỗi tuổi lớn lên tôi biết thêm nhiều điều lạ lẫm. Bấy giờ, những lúc đun bếp, quét sân hay làm gì đó, chị Tím cúi xuống hở rộng cổ áo, tôi thấy hai hạt đỗ đo đỏ nơi ngực chị đã chum chủm như nuốm cau khiến tôi tò mò… Thế rồi ngực chị trắng hồng đầy dần lên từng ngày… Thế rồi, tôi thích ngồi cầu thang xem chị giã gạo với bao cảm xúc mơ hồ, xa xôi…

Chị Tím bỏ học khi hết lớp sáu. Vì trường cấp 2 quá xa, vì máy bay, và vì cả cái làng này chẳng ai học cao thế. Tôi được bố mẹ nuôi cho học cấp 2. Vì cả làng chỉ mình tôi lên cấp 2, một mình đi xa, không có bạn nên mới sang năm học thứ hai tôi cũng bỏ luôn. Tôi bình thản với việc giữ trâu, đi rừng, mười sáu tuổi lúc nào không biết. Tuổi mười sáu ngờ nghệch, ngốc nghếch, cái gì mới gặp cũng làm tôi ngơ ngác, điều gì chưa biết cũng khiến tôi tò mò… Hơn tôi vài tuổi, bọn thằng Xanh, thằng Ba Bút đã biết  “ti dộng con cấy”  (đi chơi gái) thì tôi vẫn cứ quanh quẩn bên thằng Lý, con Su và bên chị Tím mỗi tối.

Chị Tím sang tuổi mười tám mắt long lanh, tóc đen nhanh nhánh, làn da trắng bóng, thân hình mập mạp tròn căng và tràn trề sức lực. Một đường cong từ vai xuôi xuống, lượn mềm huyền ảo, hai đùi phổng căng ninh ních…. Tiếng chày chị nghe thình thịch, bước chân chị nhẹ nhàng thoăn thoắt. Chị cười, chị nói… má ửng đỏ, mắt long lanh. Và từ chị, một mùi thơm lạ lẫm tỏa lan rạo rực… Chị thay đổi từng ngày, rừng rực, nồng nàn. Nhưng chị ít đi chơi, tối tối mấy chị em quây bên bếp nướng ngô, ăn mít rồi ra gian ngoài nằm doãi chân tay, nói chuyện cười đùa chán mới giục nhau đi ngủ. Mùa rét, đàn bà con gái ngủ gian trong. Bố nuôi cùng tôi và thằng Lý trải chiếu bên bếp. Bếp lửa được mẹ nuôi hoặc chị Tím chất vào những khúc củi to để có lửa cả ngày và than hồng suốt đêm. Mùa Hè tôi và thằng Lý thường nằm gian ngoài, chỗ cửa sổ đầu cầu thang. Sàn nhà lớp dưới thân bương, lớp trên liếp nứa đan lóng kép bóng loáng và mát rượi. Chúng tôi nói chuyện rồi ngủ quên lúc nào trong thoang thoảng gió và hương rừng.

Bữa đó, cũng một đêm Hè, tôi và thằng Lý mỗi đứa một góc lăn ngủ gian ngoài. Bất chợt như tỉnh giấc, tôi mơ mơ màng màng. Hình như là tôi đã dùng tay đẩy vào cái gì đó để xịch đầu mình ra, bởi cảm giác bị ép chặt, thít cứng đến nghẹt thở. Tôi đẩy, tôi xô, lòng bàn tay trái chạm và một khối tròn căng, ấm nóng… Hình như là thế, tôi lờ mờ cảm nhận, nghe hơi thở nhè nhẹ phả hơi nóng lên mặt, lên mũi cùng mùi thơm ngây ngây, là lạ như mùi bánh trứng kiến, mùi lá bưởi, lá chanh, mùi vỏ cây xác rắn, thứ dây leo đàn bà Thổ thường lấy vỏ vò nát lấy bọt thay xà phòng… bao bọc. Vài sợi tóc dài dính trên mặt, trên cổ, có sợi vương cả trên môi, dính cả vào miệng tôi. Tôi không biết gì hết, chưa nhớ gì hết. Giấc ngủ sâu đưa tôi phiêu diêu… Rồi gầm sàn có tiếng lục cục, tiếng đạp chân vỗ cánh của đàn gà, rồi tiếng gà te te vang lên rời rạc. Rồi có tiếng gà gáy theo, cũng chỉ lác đác… Tôi mơ mơ, cơn buồn ngủ kéo tôi chìm xuống lìm lịm. Hương bưởi thoang thoảng, khuông cửa sổ mờ mờ. Hơi người nồng nàn, tôi mê mụ trong không gian ấm áp.

Ra Xuân, khí trời lành lạnh, hương hoa lá cỏ cây và hơi ấm thịt da níu giữ để giấc ngủ tròn êm. Tôi nghe tiếng thằng Chanh cười khanh khách, tiếng bước chân trâu rậm rịch gõ trên nền đất. Thằng Chanh cưỡi con “đực cúp” dẫn đầu. Tôi cưỡi con “mẹ chỏm” đi sau. Và phía sau là thằng Sáu Long, thằng Ba Bút, thằng Tư Mậu,… mấy thằng trai Mường bạn tôi ở đây. Chúng tôi đi thả đàn trâu làng hơn ba chục con, con nào cũng có tên, nào đực cúp, đực nhong, đực bành, đực hóp… Trâu cái có mẹ chỏm, mẹ nhắt, mẹ chúc… Trâu to, trâu nhỏ nối nhau đi đủng đỉnh, rậm rịch. Đường vào bãi thả nhẵn thín, dày kín dấu chân trâu và vương vãi những vệt bùn, những đám lá khô. Những vạt cây dọc hai bên lối đi, dây leo, hàng màn màn… đỏ bầm màu đất từng vệt bùn do bầy trâu cạ hông vào gãi ngứa. Đàn trâu cứ đủng đỉnh, càng đi càng chìm khuất vào rừng cây, vào màn sương. Lũng Deng, qua hết vùng cỏ giác um tùm xanh mởn chen đôi đám cây lá to dày và nhám xịt là bước vào khu rừng già âm u thẩm tối, lốm đốm những thân gỗ cao vút, những lùm dây leo quấn bện như bầy rắn, bầy trăn, nơi có những tổ ong như những tấm nong treo lủng lẳng. Bầy chào mào ríu ran họp chợ. Chim bạc má kêu quẹt quẹt dưới những tán du da. Lũ bìm bịp chốc chốc lại vóng lên những tiếng kêu giật mình. Đàn trâu chưa tản hết vào các lùm cỏ, bụi cây, cả bọn kéo nhau đi.

Chiều qua, về gần giếng Mó thì phát hiện đàn trâu thiếu con “mẹ chõm”. Phải quay lại tìm. Tôi dán mắt lần theo dấu chân hai móng tõe quen thuộc. Lần theo mãi, tới bãi Cây Trôi, qua rẫy Quạ đến rẫy Cây Du thì nghe tiếng thở phì phì trong đám song tàu cạnh bờ rẫy. Dây thừng từ mũi con “mẹ chõm” quấn chặt cứng vào đám cành ngang. Lóng ngóng gỡ giây thừng, tay tôi mân mê cái núm nho nhỏ như hạt đỗ trên trái bưởi tròn trơn hôi hổi nóng. Tiếng bố nuôi lào thào… “Mưa rào rồi, năm ni lại được mùa”. Tôi vẫn nằm im nửa ngủ nửa mơ và thấy mình bồng bềnh lịm đi trong cảm giác khác lạ đầu đời của thằng trai mười sáu. Bàn tay ấm mềm choàng qua cổ kéo mặt tôi áp chặt vào giữa hai bầu vú tròn căng thơm nức… Cánh tay trái thuôn dài của chị Tím bên dưới cổ tôi cũng như đang động đậy. Có điều gì đó cựa quậy thôi thúc thằng trai trong tôi…

Trai Mường thường rủ nhau đi “dôộng con cấy” (chơi gái) làng này qua làng khác. Tới làng nào gái làng đó tiếp. Trên bãi cỏ hoặc vườn cây có ánh trăng rời rợi, có sương rơi tí tách, người chuyện trò, người thổi sáo…. Câu chuyện qua lại có những lời bóng gió xa xôi, những ánh mắt ngượng ngùng e ấp. Chuyện trò tới khuya, hợp nhau rồi, thương nhau rồi thì tìm lên một nhà nào đó xin phép mà trải chiếu ôm nhau ngủ, từng đôi, từng đôi. Việc nằm cạnh nhau như thế, đôi nào quen nhau rồi thì tâm sự, người mới quen coi như lời chào. Nằm cạnh nhau để chuyện trò, tìm hiểu… Thế rồi sau những tối như thế cũng dẫn đến một ngày nào đó có ông mối tới nhà, có cặp trai khiêng lợn theo người già tới ngõ và để đến ngày có tiếng cồng lào bộng bêng vọng tận làng xa.

Làng Mường này có đất lành, có nước khe trong, có giếng mó mát, có hạt nếp nương dẻo, cá suối thơm, và cũng vì chăm việc nương việc rừng, chăm giã gạo vác nước mà lũ trai gái chóng lớn, khỏe mạnh. Trai rắn rỏi, dẻo dai, gái thịt da mởn lên. Giếng làng, cái giếng mó quanh năm ăm ắp. Chiều chiều đàn bà, con gái lũ lượt kéo xuống ngồi thụp, kéo váy lên đỉnh đầu, tay cầm gáo làm bằng ống bương múc nước dội lưng, dội vai. Nước mó trong vắt, mát lạnh chảy tràn trên những mảng da trắng hồng nhễ nhại. Đàn ông đi rừng về cũng thả rìu, lột bao dao bước xuống rửa chân tay, trêu chọc, cười đùa rộn rã. Tôi cũng là trai, dù mới lớn. Trai mười sáu chân tay thuôn đuột, mặt đầy lông tơ, nhìn con gái tắm không áo quần chưa thấy thích. Thấy người lớn ôm nhau còn xấu hổ ngoảnh mặt đi mà sao lúc này… Tôi tỉnh giấc, nhận ra làn da bụng căng nóng áp sát, cơ đùi căng mập siết chặt đùi tôi, và hơi thở hôi hổi nữa… Tôi xoay người cố dịch xa để cánh tay phải được thoát ra… Chị Tím cũng đổi tư thế khiến mọi thứ như mở ra mênh mông, mấp mô như núi đồi, đồng bãi… Bàn tay tôi bất ngờ háo hức kiếm tìm. Tôi cũng đang là một thằng trai rồi cho dù còn vụng về, khờ khạo.

– Con Tím dậy đi, hết gạo ăn hôm nay rồi.

Tiếng mẹ nuôi từ gian trong vọng ra kèm theo bước chân rột rệt trên sàn nhà cùng tiếng rít thuốc lào ro ro. Ông bà dậy từ lúc nào? Người già bao giờ cũng dậy sớm. Người miền núi dậy sớm để ông già hút thuốc, ngoáy chè, mài dao rìu, đàn bà con gái giã gạo, vác nước, nấu ăn… Gạo phải có đủ ăn trong ngày, dao rìu phải sắc để vào rừng. Bếp ở gian trong đã đỏ lửa và tiếng gà trong làng đã gáy vang… Chị Tím phải dậy để giã gạo. Tay chị Tím ngập ngừng chặn bàn tay tôi… Rồi chị dịch đầu tôi, kéo áo đứng dậy. Tôi chưng hửng. Chị dậy, để lại một khoảng trống nóng hổi hơi con gái bên trái chỗ tôi nằm.

Vậy là tối qua tôi ngủ trong vòng tay chị Tím.

Chị dậy giã gạo, tôi muốn dậy theo để lại ngồi cầu thang. Và cái cầu thang, cái cầu thang chín bậc đóng hộp mà nhiều hôm tôi ngồi ở bậc trên cùng xem chị giã gạo. Cái cầu thang đẹp lắm, nhẵn thín những dấu chân, nhiều buổi sáng Chủ nhật tôi vẫn mang sách ra ngồi. Ngồi bậc cầu thang để tôi được thấy bóng chị đi, về. Ngồi bậc cầu thang để tôi được nhìn chị giã gạo. Cái cối gỗ cao ngang gối, lòng cối bóng lộn, hai cái chày dài được làm bằng gỗ song tàu mà hai đầu và chỗ tay cầm cũng bóng lộn lên như thoa mỡ. Chị Tím giã gạo rất giỏi, dáng điệu như múa. Chị giã một lúc hai chày mà gạo cũng không văng ra ngoài một hạt. Nhưng thường thì chị chỉ giã một tay. Gạo lứt đầy gần miệng cối, chân trước chân sau, tay phải nâng chày vung cao, chân trước hơi gập chân sau kiễng lên… Hai cánh tay trần mập mạp, bàn tay với những ngón thuôn dài trắng muốt. Mỏi tay này chuyển tay khác, chân cũng đổi theo…Toàn bộ thân người mềm mại của chị cứ dướn lên, dướn lên theo nhịp chày, đuôi tóc vung vẩy, và bầu ngực rung rinh, lấp ló trắng… Chị giã buổi chiều, chị giã buổi sáng. Cuốn sách thả rơi xuống sàn lúc nào, tôi ngẩn ngơ…

Cuối Hè năm đó bộ đội về làng rất đông. Không riêng làng này mà cả làng Quạ, làng Lầm, làng Đấn, làng nào cũng ngập tràn bộ đội. Nghe đâu đơn vị này vừa đánh Khe Sanh, các anh về đây củng cố, bổ sung để lại vào. Bóng áo lính xanh biếc, mũ cối lô nhô khắp làng, khắp rừng. Những anh bộ đội trẻ măng, khỏe mạnh. Giọng Bắc, giọng Trung ran ran, làng đêm đêm rậm rịch bước chân. Đông bộ đội, làng vui như có đám cưới. Có các anh bộ đội, má đám con gái như hồng thêm, tiếng nói véo von như tiếng họa mi buổi sáng. Chưa kịp làm lán trại, nhà nào võng bạt cũng mắc ngang mắc dọc dưới gầm sàn, ba lô treo lủng lẳng đầu cột. Nhà bố mẹ nuôi có hẳn một tiểu đội ở, nào anh Thắng, anh Quyền, anh Huấn… Anh Thắng người Hà Nội, dáng cao cao, vẻ mặt hiền hiền, có giọng nói rất ấm, rất ngọt. Tối tối, anh về ngồi bậc cầu thang thổi sáo. Tiếng sáo anh lúc cao vút lảnh lói, lúc trầm xuống thì thầm. Tiếng sáo anh khiến người già hút thuốc quên châm đóm, đám con gái giã gạo quên vung chày. Tiếng sáo anh như kéo chị Tím chăm mang thóc xuống cối. Có anh Thắng ngồi thổi sáo bên cạnh, chị Tím bừng bừng, tay vung cao chày, toàn thân dướn cao và cặp mắt long lanh. Chị cười với anh tươi rói, khác lắm.

Ra Tết, tôi sang tuổi 17, thay bố nuôi đi dân công hỏa tuyến. Chiều đó chị Tím soạn mấy thứ cho tôi đi. Bộ quần áo, cái khăn mặt, đôi bồ nhỏ… Chị dặn cố chịu khổ, theo kịp mấy chú, mấy anh… Miệng nói, nhưng mắt chị cứ dõi mãi ra ngoài cầu thang. Tôi nói chị mong anh Thắng à? Tôi ấm ức, muốn nói thêm là từ hôm có anh Thắng chị không còn thương tui nữa, nhưng câu ấy mắc ứ trong họng.

Tôi đã đến tuổi biết tự ái, biết mình bị bỏ rơi. Từ hôm có bộ đội về, tối đến, không mấy hôm chị ở nhà. Và chị cũng không còn nằm sàn chơi với tôi cùng anh em Lý, Su nữa. Tiếng nói chị, giọng cười chị lảnh lói giữa tiếng cười trai lạ. Những lúc như thế tôi thấy khuôn mặt chị ngời sáng. Tôi biết đó là thứ ánh sáng của tình yêu. Chị như búp hoa tròn căng chờ ngày bung nở. Tôi chỉ là con ong ruồi bé nhỏ vo ve…

***

Đợt dân công hỏa tuyến chiến dịch Trung Lào kết thúc cuối tháng 3. Cuốn bộ quần áo cột chéo sau lưng, xuống xe nơi có đường tắt về làng, tôi hối hả bước. Có điều gì đó khiến bước chân tôi gấp gáp. Tôi gặp thằng Lý nắm dây mũi con “mẹ chõm” đứng ngẩn ngơ một mình bên rẫy bìa đồng. Thấy tôi Lý mừng rỡ thốt lên: – Anh…!

 – “Sao buồn thế?”, Tôi hỏi.

 – Bố ốm, chị Tím bỏ đi. Con Su cứ nhắc mãi sao anh không về.

– “Sao chị lại bỏ đi?” Lúc này tôi chỉ nghĩ đến chị Tím thôi.

Tôi thả người ngồi xuống thân cây đổ cạnh thằng Lý.

– Sao chị Tím lại bỏ đi, mà đi đâu?

 – Bộ đội đi hết rồi… Chị Tím thương anh Thắng nên…

Hóa ra vậy. Tôi hiểu rồi. Tôi vừa đi qua mấy cái lán vắng tanh bên bìa rừng.

– Các anh ấy đi lâu chưa?

– “Hồi đêm. Sáng nay không nghe tiếng hô một, hai, ba, bốn nữa”. Thằng Lý trả lời, mặt buồn thiu như lá non gặp nắng.

Cuối chiều, lèn Deng đổ một vệt dài bóng mát xuống tận bìa đồng. Cái rẫy bỏ hoang mới một mùa rau tàu bay đã phủ kín, cỏ tranh, cỏ giác um tùm. Trong đầu tôi cứ vẩn vơ câu hỏi chị đi đâu được nhỉ? Chẳng lẽ chị đuổi theo anh Thắng? Nếu vậy chị ấy điên mất rồi. Tôi bảo Lý về. Không cưỡi trâu mà Lý lẳng lặng dắt. Chúng tôi theo lối ven đồng đi qua cây vả già có đám lá khô rụng dày như trải nệm quanh gốc với cụm rễ chằng chịt, qua gốc lội chơ vơ bên mé vạt ruộng cạnh khoảng rừng thưa. Cuối chiều, khói bếp nghi ngút trên những mái nhà. Giờ này bọn thằng Xanh, thằng Ba Bút vẫn chưa cho trâu về. Bên giếng mó chỉ mỗi bà Búi mù trọc đầu với cái lưng còng trần, ngồi khép đùi múc nước dội. Nghe tiếng chân chúng tôi, bà ngược mặt có hai hốc mắt đỏ lòm hỏi, “tứa mô nà?” (đứa nào đó). Nghe giọng thằng Lý, bà nói “con chị mi vền rồi” (con chị mi về rồi).

Bà Búi mù sống một mình trong cái chòi rách cuối làng… Mù, nhưng bà biết nhiều chuyện, nhất là những chuyện cũ. Ngồi một chỗ mà bà như nghe hết, biết hết những chuyện chung quanh. Đến như chuyện chị Tím “hòi” (yêu) anh Thắng bà cũng biết. Rồi bà lại biết cả chuyện chị trở về như lời bà vừa nói. Lạ thật!

Thằng Lý cột trâu, tôi lên nhà trước. Trong nhà sâm sẩm tối. Nghe tiếng tôi, bố nuôi đang trùm chăn bên bếp chống tay ngồi dậy.

– Con về rồi à?

– Dạ, bố ốm à?

Không trả lời tôi, bố nuôi nói: “Con Tím về rồi”.

Từ ngoài bước vào, nhìn tôi một thoáng, vẻ hớn hở, Su nói nhỏ: “Eng vền rồi à?” (anh về rồi à). “Ừ, anh về rồi đây”. Su xách túi măng đắng mới lấy ra chạn sau rửa. Tôi treo bộ quần áo lên vách, thoáng thấy mẹ nuôi đang ôm vai chị thầm thì trong gian buồng. Rồi bà quay ra với tôi: “Tin về à?”

Tôi thở phào, lục quần áo xuống giếng gặp bọn thằng Xanh cũng đang tắm. Mấy đứa ồ lên: Về rồi à? Về rồi à? Có khỏe không, bị sốt rét không? Chúng hỏi làm tôi không kịp trả lời. “Tối đi chơi nhé”. Thằng Xanh rủ. Tôi ầm ừ, cắm cúi tắm.

Tôi lên nhà thấy Su đang dọn cơm. Nghe tiếng bát đũa lách cách, mẹ nuôi cùng chị Tím bước ra. Chị nhìn tôi lẳng lặng coi như không có chuyện gì. Tôi thở ra nhè nhẹ. Vẻ mặt, dáng ngồi của chị Tím… tôi thấy có gì đó khang khác.

Và cái Su nữa, hết nhìn tôi lại quay sang len lén nhìn chị.

Su lớn thật rồi. Tôi đi mới ba tháng mà Su cao vụt lên, mặt mũi trông nhẹ nhõm, dáng hình có điều gì đó như lấp lánh, như bừng sáng.

Cả nhà ngồi quanh mâm cơm. Chị Tím bưng bát, tuy không cười nhưng đã bớt ủ dột. Bữa ăn không ai nói lời nào, chỉ có tiếng chạm mâm bát. Tôi biết, lúc này mỗi người mỗi suy nghĩ, mỗi tâm trạng. Bố nuôi vốn ít lời, thương con chỉ để trong bụng. Mẹ nuôi thì khác, thường ngày nói nhiều nhưng hôm nay… Có điều gì đó đang được cất giấu?!

Ăn xong một lúc, tôi muốn ngủ sớm vì người mỏi rũ. Su dọn chỗ cho tôi bên vách bếp, trải chiếu, đặt gối, những việc trước đó chỉ chị Tím làm. Tôi ngủ liền một mạch, sáng dậy, khi tôi bước ra cầu thang thấy mẹ nuôi dằng cái chày trong tay chị Tím. Bà không cho chị giã, miệng thầm thì gì đó.

Thế rồi tôi biết chị có thai, điều không thể giấu khi cổ chị ngày một ngẳng xanh, và bụng ngày càng nhô lên. Đàn bà trong làng xì xầm  “với ai dá, của ai dá?” (với người nào, của người nào). Xưa nay làng chưa hề có chuyện gái chưa chồng mà chửa. Nhưng xì xầm thế, một dạo rồi cũng thôi. Chưa có, thì bây giờ có. Có sao đâu, miễn là không ảnh hưởng gì đến nhà nào. Ngượng ngập mấy ngày đầu rồi chị Tím cũng mặc nhiên mang bụng thế lên nương xẩy cỏ lúa, cỏ ngô. Chiều từ rừng về qua giếng cũng thả cây củi xuống rửa mặt mũi, chân tay, cười đùa như thường. Tôi hỏi: “Sao bữa đó chị bỏ đi?” Chị cười cười. Tôi nói “Chị định theo anh Thắng à?”. “Điên điên vậy đó…”, chị trả lời.

Su lớn thật nhanh, giọng nói, tiếng cười lanh lảnh. Lúc này làng chỉ duy nhất mình Su học cấp 2. Trường xa bảy cây số, may mà nhà có xe đạp. Mỗi sáng, tôi cứ dán mắt theo bóng em trên xe đạp. Không tròn ục ịch như chị, Su cao mảnh, mềm mại, tóc dày đen nhánh, đôi mày cũng đen nhánh. Khuôn mặt, dáng hình và da thịt Su hoàn toàn đổi khác, nhẹ nhõm thanh thoát, da trắng, mắt đen. Giờ đây khi Su giã gạo, tôi không dám ngồi cầu thang xem như hồi xem chị Tím giã nữa mà chỉ dám len lén nhìn. Trước Su, làm gì tôi cũng trở nên luống cuống. Có lẽ nhận ra sự thay đổi này, chị Tím cười đưa mắt nhìn Su rồi nhìn sang tôi, ánh mắt như muốn nói điều gì đó khiến tôi nóng bừng cả mặt.

 Thứ Bảy đó có tin anh Thắng hy sinh. Đi chặt nứa hai ngày dưới sông Sa về, tôi nghe Su kể. Hôm qua, anh Huấn, cùng đơn vị với anh Thắng ghé qua báo tin. Vào chiến trường đợt đó, đơn vị tham gia chiến dịch ở Quảng Trị, đánh trận đầu tiên anh Thắng đã hy sinh. Trước khi chết, anh Thắng dặn anh Huấn, nếu về được thì cố gắng rẽ qua báo cho chị Tím biết.

Tôi sững người nghĩ ngay đến cái thai trong bụng chị Tím. Tôi nghĩ là đứa bé trong bụng chị là của anh Thắng. Chẳng biết trước khi mất, anh Thắng có biết rằng đã để lại giọt máu không. Lâu nay chị vượt qua mọi tai tiếng dị nghị bằng sự kiêu hãnh hơi quá, chứ thực ra, khi bụng chị to lên dân làng cũng chỉ thì thào vài bữa rồi quên. Người ta coi việc chị có thai cũng bình thường như là người đã có chồng. Lâu nay chị cắn răng chịu đựng, lên nương, xuống ruộng, chăm sóc bố mẹ và các em chờ ngày anh Thắng về… Bây giờ thì…

Tôi lẳng lặng lên nhà. Ông đi đâu chưa về. Bà hí hoáy với cái võng gai tết dở bên chân cột. Chị ngồi bên bếp với cái bụng chềnh ềnh.

– Anh Tin, đi lấy măng với em.

Su kéo tay tôi xuống nhà, trao cho tôi cây chét nhỏ bên chân cầu thang rồi mang túi lưới cầm dao đi trước. Lẳng lặng bước theo Su, chân tôi nhẹ bẫng. Không quay nhìn nhưng tôi biết có ánh mắt chị Tím nhìn theo. Đang mùa măng đắng, rừng màn màn rùng rùng xanh, những tán lá rùm tòa, những khóm cây thoáng đãng, óng mượt. Thảm lá êm mượt dưới chân hai đứa lướt đi. Mùa này vào rừng màn màn, đặt chân đâu cũng chạm mầm măng. Su luôn miệng gọi tôi khi dưới chân em vừa gạt lá nhô ra mầm măng mập mạp. Thế là tôi cắm chét đào, em nhặt lên bóc vỏ. Cứ mê mải thế, túi măng đã gần đầy. Tôi bảo về, Su nhìn tôi đăm đăm, em chưa muốn về… Dùng dằng một lúc rồi chúng tôi ra khỏi đám màn màn. Su đi trước, bàn chân trần đặt trên nền đất trắng hồng, cái cổ cao cũng trắng hồng, và mái tóc đã dày và óng mượt phủ xuống mảng áo. Tôi hỏi, “Anh Thắng không về nữa, Su có thương chị Tím không?” Hỏi xong, tôi mới biết mình vô duyên. Tôi hỏi cho có hỏi. Bây giờ trước Su tôi trở nên vụng về, luống cuống… “Thương chứ, thương nhiều chứ. Vì thương chị mà em không muốn để anh Tin đi đâu nữa…”

Su nói thật hồn nhiên, thật tự nhiên. Tôi im lặng. Tôi biết nói gì đây. Không nói được gì, tôi lẳng lặng đi theo Su. Có điều gì đó mới mẻ, phập phồng trong tôi. Su lớn thật rồi. Em chỉ thua tôi bốn tuổi…

Chị Tím sinh một bé trai nặng hơn ba cân. Nhà lúc này tôi trở thành thằng con trai lớn. Bao việc nặng như chặt tre, rào vườn, chặt nứa, sửa chạn, đan phên… mình tôi làm hết. Tôi trở thành thằng con trai Mường rồi. Có điều tôi không theo lũ thằng Xanh, thằng Ba Bút… đi chơi đêm làng khác. Chúng nó cười, bảo: “Mi đừng đi. Mi đi là Su buồn đấy, Con Su hòi mi (con Su yêu mày), Mi với con Su thành vợ chồng được mà.”

Chúng nó nói cái điều tôi chưa nghĩ đến. Tôi chỉ mới cảm thấy giờ đây mình quan trọng với cái nhà này. Tôi cảm thấy, mỗi lần nghĩ về Su là lòng rộn ràng, chất ngất. Còn cái chuyện trở thành chồng vợ… tôi chưa nghĩ tới. Tôi chỉ nghĩ thế nào rồi mình cũng lại đi bộ đội, bởi chiến tranh đã hết đâu.

NGUYỄN NGỌC LỢI

(Bài đã đăng tạp chí Sông Lam bản in số 17)