sẽ tới một lúc ta bỗng thảng thốt nhận ra, hình như đã quên đi một điều gì đó vốn lâu nay như một hòn than nóng ủ kín trong hồn. Là những gì đau đáu, níu giữ những kỷ niệm, một thời gian khó đã qua. Hóa ra với tôi, đó là một miền đất. Miền đất đó là thị trấn Thái Hòa ngày trước, là thị xã Thái Hòa hôm nay.

Thái Hòa, cửa ngõ của miền Tây Bắc xứ Nghệ mở ra cả một vùng đất bao la rậm rạp rừng già với những núi, những sông, những làng bản đậm sắc màu vùng cao có tên gọi là Phủ Quỳ.

Phủ Quỳ ngày đó, từ Quỳnh Lưu quê tôi nhìn lên. Một dải rộng dài mênh mông ngút ngút màu xanh chìm trong mây trắng. Vùng đất đỏ Phủ Quỳ ẩn chứa nhiều bí ẩn, ẩn chứa nhiều của cải mà những tháng năm chìm trong đói nghèo dân miền xuôi luôn nhìn lên với sự khát khao ngóng vọng.

Bố tôi những ngày đó với chiếc xe đạp trụi, chiếc bì cột sau có mấy lạng thuốc lào, vài chai mắm cùng vài người làng gò lưng vượt truông Thọ, truông Ách, truông Lá Gia… Ngày đó đường còn lên dốc xuống khe, vắng vẻ, rậm rạp đất đá mấp mô, đói ăn cơm vắt, khát uống nước khe. Qua Thái Hòa rồi các ông còn đi tiếp vào các làng của những xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Mai, Nghĩa Yên… Ấy là những làng Thanh, làng Thổ nằm khuất giữa rừng già, với những con người hồn hậu có cuộc sống chan hòa giữa thiên nhiên. Đường sá xa xôi, giao thương cách biệt. Của biển mang lên của rừng mang xuống. Đi ba bốn ngày, trở về bố mang theo mớ củ nâu, bó măng khô, ít mộc nhĩ, ít sắn khô, cũng có chuyến ông còn mang về mớ vảy tê tê, bộ xương khỉ… với niềm vui lấp lánh trên khuôn mặt sạm đen còn vương bụi đỏ.

Mỗi lần nhớ về bố như thế tôi lại miên man với những chặng đường đất đỏ, những cánh rừng thâm u, miên man với những ngày tháng nhọc nhằn, những con người hồn hậu với những kỷ niệm êm đềm dịu ngọt… Bắp ngô, củ sắn, rẫy lúa nương khoai, mái nhà sàn đêm đông đỏ lửa, tiếng mõ trâu lốc cốc rừng chiều… Bởi sau này, lớn lên, có vợ con, tôi cũng đã gắn bó với vùng đất Phủ Quỳ.

Quỳnh Lưu lên Thái Hòa, đoạn đường này, tiếp nối bố tôi cũng đi. Tôi đi đã mòn bao nhiêu dép, xe đạp lăn đã vẹt bao nhiêu lốp. Bước chân tôi lại đặt lên dấu chân bố. Những dấu chân in trên đá, in trên đất, in trên những đoạn đường đỏ bụi, bên những hố bom hố đạn. Tôi đi trong mưa dầm, đi trong nắng cháy, đi dưới vòng quần đảo của phản lực Mỹ, đi trong đói khát kiệt cùng, đi trong nhớ thương khắc khoải. Cứ đi, mỏi đâu nghỉ đó, khát có nước suối, đói có trái ổi xanh bên rừng, mớ sắn mớ ngô mang xuống, cân gạo con cá mang lên. Truông Lá Gia dài cả cây số heo hút. Truông Rếp, dốc Lụi cao đến chồn chân mỏi gối vẫn đều đặn những chuyến đi. Những chuyến đi về đã là một phần cuộc đời, là sự tự cứu lấy mình, cứu vợ con mình. Thái Hòa, Nghĩa Đàn là tiếng gọi róng riết, tiếng gọi của nhớ của thương.

Là bởi tôi đã có nhiều năm sống ở Nghĩa Đàn. Cho dù đến năm 2007, Thái Hòa được tách ra thành thị xã độc lập thì tôi vẫn quen gọi vùng đất này với tên cũ là Nghĩa Đàn. Từng là công dân của vùng đất vốn được gọi là “ma thiêng nước độc” từ lúc tôi mới ra khỏi tuổi thiếu niên. Đó là năm 1965, khi bom đạn Mỹ đã tràn khắp quê hương, bố mẹ đem chúng tôi sơ tán lên làng Toong, xã Nghĩa Lâm – một xã vùng sâu mạn đông bắc của huyện Nghĩa Đàn. Gia đình tôi đã đồng cam cộng khổ với bà con dân tộc Thổ ở đây năm năm. Khi miền Bắc tạm ngừng bom đạn, năm 1970, gia đình tôi lại chuyển về xuôi. Đầu những năm 80 của thế kỷ 20, vợ con tôi lại tiếp tục có bốn năm làm việc tại Trạm Khí tượng Tây Hiếu. Những năm tháng đó tôi đã dùng tuổi trẻ của mình lên tiếng với cuộc đời. Đi học, đi kiếm sống, làm thầy giáo rồi đi bộ đội và may mắn trở về. Đó là những năm tháng khó khăn nhất về đời sống của cả nước. Tôi đã như con thoi, di chuyển đi lại trên chặng đường Quỳnh Lưu – Nghĩa Đàn đến “mòn đường chết cỏ”.

Thái Hòa những ngày đó, miền dưới đi lên, qua chợ Mới đến dốc Lụi có lô cà phê mít già bên trái, tới đội Đông Mỹ. Xuống hết dốc tới ngã ba, rẽ phải sẽ vào các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Hội, Nông trường 1/5… Những năm nhà còn ở làng Toong, nếu đi bằng xe đạp chúng tôi thường đi đường này. Còn đi thẳng là lối lên Thái Hòa, sau khi qua đội Đông Hưng, qua dốc khe Bưởi, còn gọi là dốc bệnh viện, qua mấy đám ruộng tới bãi sim mua làm nơi tập kết gỗ mới khai thác về, và cạnh đó là ga Thái Hòa. Ga Thái Hòa là ga cuối cùng của tuyến đường sắt ngắn ngủi được mở ra để khai thác miền Tây. Từ cái dốc ngắn sau lưng ga Thái Hòa xuống một đoạn ngắn là đến chợ Hiếu. Chợ Hiếu sơ sài mấy dãy lều nhưng hàng hóa khá phong phú, gồm hàng xén, hàng lâm sản, chè, chuối, mít, dứa… Và ngay gần chợ là một ngã ba đường. Cái ngã ba đầu tiên, rẽ trái là lối qua sông Hiếu với dốc lên dốc xuống đường sống trâu, đá tảng lô nhô, cầu phao dập dềnh, mà lên Quỳ Hợp, Quỳ Châu… Rẽ phải ra Bãi Trành, Thanh Hóa… Lối về Thanh, sau khi vượt qua ngầm sông Sào đổ nước ra sông Hiếu, gọi là ngầm Khe Tọ thì nhập vào đường 15. Đường 15 chúng tôi quen gọi là đường chiến lược, dọc con đường như luồn trong rừng già này có các lối rẽ vào các xã Nghĩa Quang, Nghĩa Yên, Nghĩa Minh, Nghĩa Lâm, trước khi đi ra vùng đất Bãi Trành của Thanh Hóa… Đường 15 lúc này hãy còn là đường rải đá cấp phối, mùa mưa bùn đất dẻo quánh, mùa khô bụi mù trời dưới bánh những đoàn xe phủ bạt, cắm lá ngụy trang…

Ba bốn ngã ba, ngã tư lấm bụi giữa lòng Thái Hòa là trung tâm của vùng đất đỏ bazan, mùa khô bụi phủ kín các mái nứa, phủ đỏ những tán lá dọc đường. Bụi chui cả vào mũi mắt, phủ đỏ cả áo quần người đi đường…

Mạn đông thị trấn có ngọn núi án ngữ: núi Kho Vàng. Đứng ở chân núi Kho Vàng sẽ bao gọn thị trấn Thái Hòa trong tầm mắt. Bên kia sông là vùng Tây Hiếu, mạn tây nam là xã Nghĩa Hòa, mạn bắc là đất Nghĩa Quang…

Ảnh: Võ Khánh

Hồi đó, ra khỏi Thái Hòa là đã vào rừng. Những đường đá, những lối mòn luồn dưới tán cây rừng. Những rừng tre ngút ngút, những khu rừng gỗ thâm nghiêm chìm trong mây trắng. Tôi đã từng đi rất nhiều lần trên những đoạn đường này. Tôi đi học, đi kiếm sống, tôi đi trong những cánh rừng già, đi trong những tiếng huầy huầy của những tốp sơn tràng kéo gỗ rừng sâu. Tôi từng đi giữa bát ngát những lô cà phê trắng mùa hoa nở, dưới tán rừng cao su rợp bóng.

Thái Hòa những năm 60 thế kỷ trước như nhụy của bông hoa. Bông hoa có năm cánh lớn, đó là các Nông trường Đông Hiếu ở mạn đông, Nông trường 1 tháng 5 mạn tây bắc, Nông trường 19 tháng 5 mạn bắc, Nông trường Cờ Đỏ ở mạn tây bắc và Nông trường Tây Hiếu ở mạn tây. Nông trường nào cũng ngờm ngợp màu xanh. Đó là màu xanh của cà phê, cao su, màu xanh của cam của dứa, của cao su… Chủ nhân các nông trường là những chiến sĩ miền Nam đi tập kết, những gái những trai cả nước tụ hội về. Sản phẩm của các nông trường đã tỏa rộng khắp miền Bắc, và phần lớn được xuất đi các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Cơ ngơi và đời sống của các nông trường như những cánh hoa rực rỡ của bông hoa lớn tô điểm cho vùng đất Phủ Quỳ.

Thái Hòa những năm 60 thế kỷ trước như nhụy của bông hoa. Bông hoa có năm cánh lớn, đó là các Nông trường Đông Hiếu ở mạn đông, Nông trường 1 tháng 5 mạn tây bắc, Nông trường 19 tháng 5 mạn bắc, Nông trường Cờ Đỏ ở mạn tây bắc và Nông trường Tây Hiếu ở mạn tây. Nông trường nào cũng ngờm ngợp màu xanh. Đó là màu xanh của cà phê, cao su, màu xanh của cam của dứa, của cao su…

Thái Hòa những năm bom đạn, máy bay Mỹ suốt ngày gầm rú. Bom rơi xuống ga Thái Hòa, bom đánh tơi tả các nông trường, các cơ quan nhà nước, bom đánh cầu phao, bom ném cả vào các bản nhà sàn làm cháy nhà, chết người. Các cơ quan nhà nước sơ tán. Các nông trường sơ tán. Các nẻo đường đi qua Thái Hòa đêm đêm ì ầm những đoàn xe phủ bạt, những đoàn quân trĩu nặng ba lô lầm lụi vượt trọng điểm…

Thái Hòa ngày đó lều lán tuềnh toàng, hàng quán đơn sơ. Trung tâm thị trấn cũng chỉ vài tiệm tạp hóa, tiệm chụp ảnh và những quán nước chè xanh kẹo lạc, mùa nào thức ấy treo vài nải chuối, dưới chân lăn lóc vài quả mít. Khách vãng lai ghé uống vội bát nước chè xanh rồi nhanh chân thoát vùng bom đạn.

Nhưng đạn bom chết chóc vẫn không làm mất đi cái trù mật, không làm giảm được sức sống mạnh mẽ của một Thái Hòa đầy kiêu hãnh. Thái Hòa tiềm ẩn một đời sống khác trong nếp sống của con người nơi đây. Thái Hòa có mặt người của khắp cả nước. Từ bao giờ, vùng đất màu mỡ bên sông Hiếu này, cửa ngõ giao thương thu hút sản phẩm lâm thổ sản của cả một vùng bao la trù phú. Và từ đây, mọi sản vật lại tỏa đi khắp mọi nơi. Tinh hoa mọi miền tụ hội bên sông Hiếu. Nơi đây có thể nghe giọng nói khắp mọi miền. Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa… Nào Quảng Nam, Quảng Ngãi, nào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, rồi Huế, Quảng Trị… Họ tụ về đây từ bao giờ, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái. Đông nhất là vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, khi các nông trường quân đội mở ra, một lượng người đáng kể từ mọi miền cả nước bổ sung về làm phong phú thêm thành phần cư dân cho Phủ Quỳ. Đó là những chú những anh bộ đội miền Nam đi tập kết, họ trở thành công nhân các nông trường bao quanh Thái Hòa. Các chú các anh hy vọng sau 2 năm sẽ được trở về. Thế rồi 2 năm, 5 năm… ngày tháng cứ thế trôi. Xa vắng quê hương, niềm thương cháy bỏng trong lòng các chú, các anh. Để phôi pha đi sự thiếu vắng quê nhà, ngày nghỉ các anh đã ra với Thái Hòa ăn que kem, tô phở, chụp tấm ảnh làm kỷ niệm… Cũng có người độc thân đi tìm một nửa của mình. Chẳng ai thống kê được có bao nhiêu bộ đội miền Nam đã bén duyên ở Phủ Quỳ và sinh con đẻ cái.

Lâu quá rồi, 2 năm kéo đến 20 năm, đầu xanh trở thành đầu bạc. Ngày đất nước thống nhất thì các anh đã “bén rễ xanh cây”. Thôi thì vì tình yêu mà “đất lạ hóa quê hương”. Rất nhiều người trong các anh đã lấy Phủ Quỳ, Thái Hòa làm quê hương thứ hai. Bởi vậy mà vốn đã có đủ người của mọi miền quê, Thái Hòa lúc này càng trở nên “đa sắc tộc”. Mảnh đất này là tổng hòa, là pha trộn của nhiều vùng văn hóa để thành một vùng văn hóa mới. Vùng văn hóa của những công chức, công nhân, của người buôn bán nhỏ được góp lại từ khắp cả nước. Và Phủ Quỳ, Thái Hòa đã tiếp nhận thêm tài năng, tiếp nhận thêm chất xám từ mọi miền Tổ quốc.

Tôi có người bạn cùng học một lớp ở Sư phạm Tân Kỳ, người Thái Hòa. Đó là Trương Công Hòa. Hòa đẹp trai, tài hoa, nhà ở xóm Kho Vàng. Ngôi nhà gỗ khang trang có khóm trúc vàng óng nơi góc sân ấy là điều gì đó ngoài niềm mơ ước của tôi. Hồi đó muốn đến nhà Hòa phải đi qua chợ, leo đoạn dốc ngắn rồi qua đường tàu là tới. Hòa hồi đó đã ra dáng công tử, khi tôi chưa có cái quần cái áo ra hồn thì Hòa đã diện quần lưng liền, sơ mi chim cò. Dạy ở Nghĩa Long, mỗi đợt tập huấn tôi lại vào nhà Hòa ăn ngủ. Ông bà Ái, bố mẹ Hòa, quý và coi tôi như con. Ông người Huế đẹp phương phi và nghiêm khắc, hễ thấy chúng tôi có biểu hiện gì của sự ăn chơi là ông chỉnh ngay. Mẹ Hòa người gốc Hưng Yên, là một người phụ nữ đẹp, một vẻ đẹp quý phái, sang trọng và chuẩn mực. Ở bà hội tụ đủ tinh hoa của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Đầu vấn khăn nhung, tai đeo khuyên vàng, khuôn mặt tròn trắng, đôi mắt phúc hậu và nói năng nhẹ nhàng chuẩn mực. Bà có sạp hàng khô ở chợ Thái Hòa, chẳng hiểu lời lãi thế nào nhưng cuộc sống của gia đình Hòa được đảm bảo một cách chắc chắn và bền vững từ một tay bà. Khi chiến tranh vào giai đoạn khốc liệt, ấy là năm 1972 cả tôi và Hòa đều lên đường nhập ngũ. Và mãi đến năm 1977, khi đất nước đã hòa bình thống nhất chúng tôi mới gặp lại nhau. Ấy là khi đơn vị tôi từ Quảng Trị quay ra làm đường 48. Đóng quân ở ngã ba Săng Lẻ, Quỳ Hợp, tranh thủ về thăm nhà, lúc quay lên vào thăm nhà thì tình cờ gặp Hòa. Lúc này Hòa cũng đã về. Gặp tôi bố mẹ Hòa rất mừng. Ông bà giữ tôi lại ăn cơm. Xong bữa trưa Hòa lấy xe đạp đèo tôi lên đơn vị. Trên xe Hòa gò lưng đạp chở tôi đeo balô cóc ngồi pocspa ga phía sau. Tình bạn thủy chung lặng lẽ bằng những điều nhỏ nhặt dành cho nhau như thế.

Cuối năm 1977, tôi được trở về Quỳnh Lưu dạy học khi đã có vợ và một con trai. Thế rồi run rủi trái khoáy thế nào, hai năm sau, năm 1979 khi có thêm đứa con trai thứ 2, tôi được cử đi học tiếp ở Vinh thì vợ con đang ở Đài Khí tượng Vinh lại được điều lên Trạm khí tượng Tây Hiếu. Hồi đó đâu đã biết mánh mung chạy chọt gì mà xin cho vợ con ở lại. Một thời thật sự trong trẻo vô tư đến đáng thương. Mãi về sau mới biết, người ta phải đưa những ai có con mọn lên miền núi để tránh giặc. Đó cũng là lúc chiến tranh biên giới nổ ra. Lính Trung Quốc tràn ngập 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Nhớ hôm đưa vợ con lên nhiệm sở mới để sẵn sàng tái ngũ đi đánh giặc, tôi phải xin phép nghỉ học trở về. Trên toa đen nhẻm bụi than của chuyến tàu Cầu Giát – Nghĩa Đàn, vợ tôi ôm đứa con thứ hai hai tháng tuổi còn đỏ hỏn với túi quần áo và đứa con đầu bên cạnh. Và tôi, không kịp gửi xe đạp nên cứ phải gò lưng đuổi theo dưới đoạn đường Tuần, truông Rếp, Nghĩa Lộc, Thái Hòa. Từ ga Thái Hòa đến Trạm Khí tượng bên kia sông còn phải đi mấy cây số nữa.

Trạm Khí tượng Tây Hiếu nằm trên một ngọn đồi bên mạn bắc đường 48. Đó là một ngôi nhà ngói 3 gian. Gian giữa là phòng làm việc, gian bên phải là phòng của ông trạm trưởng, còn gian bên trái dành cho 2 gia đình. Vợ con tôi được phân nửa gian này, ngăn cách với vợ chồng bên kia một vách nứa. Ổn định ăn ở cho vợ con xong tôi lại phải quay xuống Vinh học để hàng tuần lại trở lên. Vài cân gạo, chai nước mắm kiếm được hoặc do ông bà nội ngoại cho cột sau xe, tôi gò lưng từ Vinh đạp xe về Quỳnh Lưu để rồi sáng hôm sau ngược lên Tây Hiếu. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa lũ có lần lên đến dốc bưu điện, ghìm xe dưới vòm mây đen kịt và nặng trĩu, nhìn dòng nước mênh mông đục ngàu sôi réo mà ruột như lửa đốt. Thôi thì vì vợ con mà gửi mình cho may rủi trên chiếc đò ngang lúc này chẳng khác gì chiếc lá tre giữa dòng lũ cuốn. Qua được sông rồi lúc đó mới thở phào và hối hả lên dốc. Vừa đến đầu lối lên trạm đã thấy vợ bế thằng em, tay dắt thằng anh đứng chờ trên dốc. Nghe vợ nói, thằng anh đã nhắc bố từ đầu buổi sáng, ăn trưa xong cứ chốc chốc lại ra đầu dốc đứng ngóng mà muốn rơi nước mắt, chỉ muốn thả xe mà ôm chầm lấy cả ba mẹ con.

Dạo đó là những năm lương thực khan hiếm nhất. Tiêu chuẩn là 13 kg nhưng tháng nào cũng chỉ được 5 kg gạo, còn lại là mì hạt (hoặc mì bột hoặc sắn lúc tươi lúc khô). Vợ tôi là người căn cơ, mua lương thực về bao giờ cũng chia dành đủ gạo cho con… Vì vậy mà lần nào lên, trước tiên tôi cũng đào sắn luộc, bởi buổi đầu tôi đã trồng được vạt sắn trên rẻo đất mọc đầy cỏ tranh bị bỏ lại dọc lối lên trạm. Lấy cớ thèm sắn, tôi ăn sắn để nhường cơm cho con. Bữa nào cũng thế, vợ tôi phải tìm cách dành lại cho lưng cơm.

Một bận sang thăm thấy hoàn cảnh vợ chồng tôi cơ cực quá, Trương Công Hòa bàn với tôi xin lên Nghĩa Đàn đi dạy rồi kiếm lấy vạt đất làm nhà để được gần vợ con. Lúc đó chuyện đất đai còn dễ dàng, có thể xin được, ấy thế mà tôi vẫn không chịu. Lúc này đã xong hai năm chuyên tu Cao đẳng Sư phạm, tôi được giữ lại làm chuyên viên của Phòng Giáo dục Quỳnh Lưu. Gửi mình cho số phận, tôi yên tâm ở với bố mẹ già, và đi làm ở cơ quan, ngày cuối tuần kiếm vài lô gạo lên thăm vợ con. Thế rồi từ những chuyến đi này tôi được chứng kiến sự đổi thay của Phủ Quỳ, của Thái Hòa. Rừng Phủ Quỳ mất dần. Những khu rừng nguyên sinh trở thành đồi mía, đồi cam, đồi dứa. Nhà sàn chuyển dần về xuôi, người Thổ, người Thanh xuống ở nhà trệt. Phủ Quỳ, Thái Hòa như sôi lên trong cơn lốc “đá đỏ Quỳ Châu”. Một cuộc “đổi đời” không thể cưỡng. Người cần cù nhọc nhằn kiếm sống kẻ chạy vạy mánh lới lừa đảo, làm giàu. Lạc lõng giữa dòng đời sục sôi cuộn chảy, tôi để mặc cho số phận đẩy đưa.

Không còn rừng, Nghĩa Đàn của những năm đầu thế kỷ 20 đã vĩnh viễn biến mất. Năm 2007, Thái Hòa được tách khỏi Nghĩa Đàn để trở thành thị xã. Một thị xã Thái Hòa như một chàng trai vào kì sung mãn. Một chàng trai sức vóc. Chiếc áo vừa chật vừa bé đã được cởi bỏ cho thân thể chàng trai được nảy nở phô phang. Nằm giữa lòng Nghĩa Đàn, gồm 9 phường xã: Long Sơn, Hòa Hiếu, Quang Phong, Quang Tiến, Nghĩa Mỹ, Đông Hiếu, Tây Hiếu, Nghĩa Tiến và Nghĩa Thuận. Thị xã Thái Hòa như lõi của một quả mít. Thị xã Thái Hòa bao trọn vùng Đông Hiếu phía đông, Tây Hiếu phía tây, xã Nghĩa Hòa phía nam và Nghĩa Quang phía bắc. Bao bọc quanh “lõi mít” vẫn là những vùng đất dồi dào sức sống và ngờm ngợp màu xanh cây trái. Các nông trường, khi phương thức sản xuất kinh doanh không còn phù hợp thì sự chuyển mô hình đã giải phóng sức sản xuất cho những người công nhân vốn bị gò bó trong cơ chế “cha chung không ai khóc”. Các nông trường viên đã bung ra làm ăn, lập trang trại, mở xưởng sản xuất, thành lập công ty… Án ngữ phía bắc thị xã, trên phần đất của xã Nghĩa Lâm là Tập đoàn TH, một tập đoàn sữa có tầm cỡ châu Á với đàn bò nhập ngoại hàng vạn con. Tập đoàn có diện tích đất rộng lớn đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn cho đàn bò, có trụ sở và hệ thống dây chuyền sản xuất, chế biến tiên tiến và quy trình nghiêm ngặt, sản phẩm sữa đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế nên chiếm được lòng tin của khách hàng. Nhờ thị trường mở rộng ra toàn thế giới đã mang lại lợi ích khổng lồ cho tập đoàn, và cho cả Thái Hòa.

Không còn rừng, Nghĩa Đàn của những năm đầu thế kỷ 20 đã vĩnh viễn biến mất. Năm 2007, Thái Hòa được tách khỏi Nghĩa Đàn để trở thành thị xã. Một thị xã Thái Hòa như một chàng trai vào kì sung mãn. Một chàng trai sức vóc.

Được sự đầu tư lớn của Nhà nước, và bằng chính nội lực của chính mình mà Thái Hòa đang lột xác từng ngày. Thị xã được quy hoạch hiện đại. Xã Nghĩa Hòa cũ với những thôn xóm tre pheo đã trở thành những khu phố hiện đại và bề thế. Những khu nhà có kiển trúc tân kì đang đồng loạt mọc lên. Dốc Lụi, cái dốc ngày trước bụi bờ đất đá thì nay đã là ngã tư đèn xanh đèn đỏ rộng rãi… Bãi sim mua dọc bên trái đường nhìn sang ga Thái Hòa giờ đã là siêu thị lớn, siêu thị VINCOM, và bao quanh là những khu nhà mới xây thật đẹp, thật nguy nga. Ngã ba trung tâm, cái ngã ba lầm bụi đỏ ngày trước giờ đây đã là nút giao thông đèn xanh đèn đỏ. Nếp sống văn minh giao thông, văn minh đô thị được hình thành chính nơi đây. Với những đường phố rộng dài, những công viên cây xanh, những vườn hoa rực rỡ. Sông Hiếu đã được kè bờ đá, và qua sông đã có tới hai cây cầu hiện đại. Bên kia, ngay đầu cầu Hiếu 1, Thai Hoa Riverside Hotel, một tòa nhà cao tầng hiện đại sừng sững như là điểm nhấn cho một đô thị trẻ đầy sức sống. Qua khe Tọ, đường ra Thanh Hóa cũng đã có cầu. Đường 36 mới mở đưa Thái Hòa gần hơn với thị xã Hoàng Mai, gần hơn với sự giao thương mở rộng. Thái Hòa đã rộng đường hòa nhập với cả nước. Thái Hòa đã thành thị xã từ năm 2007 và đang không ngừng phát triển. Thái Hòa đang hướng tới sẽ là một “Singapore của Việt Nam” trong tương lai gần. Hòa chung trong đà phát triển chung của cả nước, Thái Hòa sẽ xứng đáng là trung tâm văn hóa – kinh tế của vùng đất đỏ Phủ Quỳ, vùng đất giàu có nơi cửa ngõ Tây Bắc miền Tây xứ Nghệ.

Dù đã về Quỳnh Lưu từ lâu nhưng tháng nào tôi cũng lên thăm chốn cũ, ấy vậy mà mỗi lần về là Thái Hòa mỗi khác.

Mới đó mà một phần ba thế kỷ đã trôi vèo. Lớp người ơn nghĩa đã ra đi cả. Ông bà Ái, ông bà Cường, bà Hối, anh chị Đề… những người đã giúp đỡ cưu mang vợ con tôi đã không còn. Và bạn bè cùng trang lứa như Trương Công Hòa, Nguyễn Thị Quý… cũng đã về hưu, người chăm chồng ốm người vui vầy con cháu ở xóm cũ Kho Vàng, nay là phường Hòa Hiếu. Phường Hòa Hiếu dưới chân núi Kho Vàng có nhà hàng, nhà nghỉ, cửa hiệu, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của tôi thời tuổi trẻ đến cả thời khốn khó. Trạm Khí tượng Tây Hiếu giờ cũng khuất lấp sau những dãy phố bên đường 48, nằm trọn giữa một vùng hoa lá có Trạm thí nghiệm cây nhiệt đới, có bệnh viện vùng ngày trước…

Nửa thế kỷ đã trôi qua. Bao lớp người không còn, bao bạn bè đã già yếu. Mảnh đất này giờ đây đã có chủ nhân mới. Thế hệ 7X, 8X sinh ra trong hòa bình được ăn được học, họ sẽ có đủ tài năng và đức độ đưa Thái Hòa vươn tới.

Nguyễn Ngọc Lợi

(Bài đăng trên tạp chí Sông Lam bản in số 29, tháng 11+12/2022)