Tiếp tục chương trình trại sáng tác VHNT Nghệ An, Cao Bằng, từ ngày 10 đến 11 tháng 7, Đoàn công tác Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An và Hội VHNT Cao Bằng đã đến thăm và làm việc tại hai huyện: Tương Dương và Thanh Chương để các văn nghệ sĩ Cao Bằng tìm hiểu về thiên nhiên, văn hóa, con người xứ Nghệ phục vụ hoạt động sáng tác VHNT.

Ông Nguyễn Việt Hùng trao quà tặng cho lãnh đạo huyện Tương Dương.

Tại Tương Dương, Đoàn đã được lãnh đạo UBND huyện, phòng Văn hóa huyện đón tiếp. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch huyện Tương Dương, bày tỏ niềm vui được đón tiếp các văn nghệ sĩ đến từ tỉnh Cao Bằng và các văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Ông Lô Thanh Nhất mong các văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm hay và đẹp để quảng bá vẻ đẹp đất và người Tương Dương, nơi có nhiều nét đặc sắc văn hóa.

Nhạc sĩ Nguyễn Việt Hùng  – Chủ tịch Hội VHNT Cao Bằng, khẳng định tình cảm quý mến của văn nghệ sĩ và Nhân dân Cao Bằng với Nhân dân Nghệ An quê Bác. Nhạc sĩ Nguyễn Việt Hùng cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của lãnh đạo huyện. Ông tin tưởng rằng, sau chuyến đi, các văn nghệ sĩ sẽ có nhiều tác phẩm tốt về Anh Sơn nói riêng, Nghệ An nói chung bởi văn hóa và con người xứ Nghệ là một nguồn tư liệu vô cùng phong phú và đặc sắc.

Đoàn đến dâng hương tại Đền Vạn.

Ngày 10/7, Đoàn đã đến thăm, dâng hương tại Đền Vạn – Cửa Rào. Tại đây, các văn nghệ sĩ được nghe giới thiệu về lịch sử Đền Vạn – Cửa Rào: đền thờ Đoàn Nhữ Hài – một đốc tướng thời nhà Trần. Đoàn Nhữ Hài là người có công đánh dẹp giặc Ai Lao xâm phạm bờ cõi miền đất Nam Nhung (thuộc Tương Dương ngày nay) năm 1335. Trong trận chiến dọc hai bờ sông Tiết La (thượng nguồn sông Lam), đạo quân của Đoàn Nhữ Hài bị quân Ai Lao mai phục, lại gặp khi thời tiết bất lợi nên bị tổn thất nhiều. Đoàn Nhữ Hài tử trận khi đang chỉ huy quân đánh giặc. Nhân dân thương tiếc đã chôn cất ông tại Cửa Rào, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương và lập miếu thờ, sau này xây dựng thành đền thờ. Đây còn là ngôi đền có vị thế đẹp, nằm ngay ngã ba sông Nậm Mộ, Nậm Nơn và Nậm Pao (sông Lam).

Khu du lịch sinh thái Văng Phột, bản Lưu Kiền.

Đoàn đã đến thăm khu du lịch sinh thái Văng Phột tại xã Lưu Kiền, một mô hình du lịch sinh thái đẹp, có nhiều nét tương đồng về cảnh quan với tỉnh Cao Bằng. Đây là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, có diện tích rất lớn, cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành. Những năm gần đây, chính quyền và đồng bào các dân tộc đã đánh thức tiềm năng du lịch của huyện, mang lại nguồn lợi để phát triển kinh tế – xã hội to lớn.

Thăm đảo chè xã Thanh An, Thanh Chương.

Sáng 11/7, Đoàn đã đến thăm đồi chè xã Thanh An, huyện Thanh Chương. Tại đây, Đoàn đã tìm hiểu về cuộc sống lao động, sản xuất của bà con trong lĩnh vực trồng và sản xuất chè kết hợp kinh doanh du lịch. Đây vừa là mô hình sản xuất kinh doanh vừa là địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đồi chè Thanh Chương, Nghệ An được ví như “vịnh Hạ Long trên cạn” của miền Tây xứ Nghệ.  Nơi đây có khoảng 180 hộ dân trồng chè với diện tích khoảng 420 ha, đem lại nguồn thu ổn định cho người dân.

Buổi chiều cùng ngày, đoàn công tác của Hội Liên hiệp VHNT Nghệ An và Hội VHNT Cao Bằng đã kết thúc 02 ngày thăm và làm việc tại huyện Tương Dương, Thanh Chương. Đoàn văn nghệ sĩ Cao Bằng sẽ tiếp tục chuyến đi thực tế sáng tác tại các địa điểm di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Hà Tĩnh đến ngày 13/7.

Nội dung: Vinh
Ảnh: Nhật Thanh