Bà Tâm đã sáu mươi tuổi, tóc bạc phơ. Da mặt, da trán nhăn nheo rồi. Bà ở cùng chồng cũng gọi là Tâm, sắp bước sang tuổi sáu lăm. Ông bà có đứa con gái thứ hai đã lấy chồng. Cô út thì sắp cưới. Cậu con trai cả ba mươi tuổi, chỉ ở vậy.
  Nơi ông bà Tâm ở gọi là bản Hon trên triền núi Pu Quai. Trong bản có hơn bốn chục nóc nhà và người ta sống với nhau thật vui vẻ. Khi một ai đó ra suối xúc được con tôm, con cá cũng đem chia cho hàng xóm hưởng cùng. Nhà nào đó đám cưới hay dựng nhà mới cả bản cùng đến chung sức, chung vui. Cuộc sống vậy có cần gì phải suy nghĩ!
Con gái, con trai ông bà Tâm đều ở xa hết thảy. Nghe đâu chỗ chúng nó làm tận Bình Dương, đi hai ngày, một đêm mới tới. Tuổi già, không có bọn trẻ bên cạnh, ông bà buồn nhưng cũng may mà các con đều hiếu thuận. Thằng cả sắm cho cha mẹ cái máy xát lúa. Từ bữa đó, bà Tâm không còn phải thức khuya dậy sớm cùm cum giã gạo nữa. Ông Tâm có thêm việc “giã gạo thuê” cho dân làng. Hai cô con gái chung nhau mua về cái ti vi màn hình rộng để hai người già có cái xem ngày mai mưa hay nắng, xem phim công an bắt cướp, chống tham ô, buôn lậu. Đời sống thế cũng nói là vui rồi. Ai nấy mừng cho ông bà Tâm có con cái ăn nên làm ra.
Cô con gái út còn sắm cho cha mẹ cái điện thoại di động để tiện bề chuyện trò khi nhớ đến nhau. Cái cục nhựa bé xíu thỉnh thoảng lại réo lên khiến bà Tâm giật hết cả mình mẩy, phần vì chuông kêu to quá, một phần mừng vì được nói chuyện với các con.
Nhưng rồi một hôm bà Tâm khóc sướt mướt khi nghe con gái út gọi điện về thông báo sắp lấy chồng tận trong miền Nam. Bà ra sức khuyên can mà không được, cuối cùng bảo:
“Tao có hai đứa, ai cũng lấy chồng xa coi như tao không có con gái.”
“Rồi anh cả sẽ lấy con dâu về cho mẹ.” – Cô con út an ủi.
“Con dâu bằng con đẻ sao được!”
Bà Tâm bỏ cái máy điện thoại xuống, ngó quơ, ngó quắt lên mỏm núi. Bóng núi nhạt nhòa trên nền trời đêm mờ sương. Tiếng con cú rúc từng hồi nghe buồn tận ruột gan.
Thấy bà không chịu đi ngủ, ông Tâm gắt:
“Buồn gì mà lắm vậy!”
“Ông có sinh ra chúng nó đâu mà biết thương!” – Bà lão sụt sịt.
Thực tình thì ông Tâm cũng chẳng vui vẻ gì. Suốt đêm ông ngồi cạnh bếp lửa rít thuốc lào. Gà gáy sáng mới gục đầu trên tay thiếp đi. Ông Tâm choàng tỉnh dậy khi nghe tiếng bà vợ thổi bếp phù phù. Con gái lấy chồng xa, ông lão cũng lấy làm buồn bã chớ có thoải mái chi đâu.

Minh họa: Bá Siếu

Sáng ra, ông Tâm lẳng lặng lên rừng đặt bẫy, còn bà đi nương. Không ai nói câu nào. Chiều về, ông ném phịch con sóc xuống bên bếp lửa chẳng buồn mổ thịt rồi lẳng lặng rót rượu ngồi uống. Bà Tâm vừa thui con thú trên ngọn lửa vừa nhẹ nhàng:
“Để tôi khuyên con nó. Ông đừng nổi nóng nhé!”
Sau bữa cơm tối, bà vơ lấy cuốn sổ ghi số điện thoại của con rồi bấm máy. Đầu dây bên kia nói con chưa tan ca. “Trời đất ơi!… Ti vi đã phát chương trình thời sự buổi tối mà vẫn chưa nghỉ làm à?” Cô con gái đã vội gác máy không kịp nghe mẹ cằn nhằn.
Vài hôm sau, ông bà Tâm nhận được quà thằng cả gửi cho bố cái áo măng tô, mẹ cái áo dạ. Ông Tâm đi nhận quà từ bưu điện về, bà Tâm thủng thẳng nói: “Ôi dào, tôi chỉ ước nó cưới vợ để có con dâu. Nhà này vô phúc, không được sống gần con. Những thứ này tôi có cần chi.” Ông Tâm gấp phần quà của mình cất vào ngăn tủ. Mùa rét đã về nhưng ông lão nghĩ mình chưa cần dùng đến một cái áo mới.
Phải mấy ngày sau, cô con út mới gọi điện về thuyết phục cha mẹ cho con lấy chồng trong này đi. Ở đây kinh tế khấm khá hơn ngoài mình. Con cũng có điều kiện để đỡ đần cha mẹ. Bây giờ muốn về nhà nhanh thôi. Ngồi lên máy bay vù một cái rồi đi ba giờ ô tô nữa là có mặt ở nhà.
“Thế mà năm rồi ăn tết mi cũng không về. Có hai người già ở với nhau buồn lắm con ơi.” – Bà lão ra chiều thiểu não.
“Con phải cố làm để nhà mình đỡ vất vả hơn mẹ à.” – Giọng đứa con ngắt quãng trong tiếng gió núi thổi thông thống lạnh buốt.
Thấy con gái nói có lý nên ông bà Tâm đành ậm ừ đồng ý dù bụng dạ chẳng bằng lòng. Đành chấp nhận chứ con gái cũng vất vả đã nhiều năm. Giờ cha mẹ chiều lòng con vậy.
“Nhưng con phải dẫn thằng đó về cho tao xem mặt đã rồi hẵng cưới” – Bà lão nài nỉ.
“Mẹ ơi. Cũng gần cuối năm rồi, bọn con không ai được nghỉ. Cưới xong cuối năm con về ăn tết.”
Ông Tâm nghe vậy liền cầm phất chiếc điện thoại trên tay vợ ném xuống sàn nhà. Lão rút con dao đi rừng chặt một nhát lên cây cột nơi căn bếp, răng nghiến kèn kẹt:
“Nếu nó lấy chồng trong kia thì đừng có về gặp tôi nữa.”
Bà Tâm sụt sùi khóc suốt đêm. Ông cũng thở dài thõng thượt, trằn trọc đếm từng tiếng gáy con gà.
Bà Tâm bán đi đôi lợn lấy lộ phí vào miền Nam ăn cưới con gái. Ông Tâm ở lại chăm gà lợn đợi bà. Dù không nói ra nhưng ông lão sợ sẽ bật khóc khi chia tay con gái. Bà Tâm bảo nhất quyết phải đi dự đám cưới con gái, lấy cái áo con rể về nhà để lên bàn báo cáo với tổ tiên. Có cái áo cúng ma nhà nó mới thành rể nhà này.
Thế là bà Tâm lần đầu tiên đi xa chỉ có một mình. Đêm trước khi mẹ lên đường cô con gái gọi điện căn dặn: “Mẹ phải cẩn thận đó nha. Đi đường bây giờ kẻ cắp nhiều hơn người hiền.” Sáng ra, ông Tâm đưa vợ xuống tận bến xe huyện mới chịu quay về. Lúc hai người già lóc cóc bước trên dốc núi, bà lão nói như buột miệng:
“Chẳng biết mặt mũi thằng rể thế nào. Người Cà Mau kia đấy. Xa lắm ông à.”
“Ừ. Tôi cũng chưa đi đến đó.” – Ông lão đáp không mấy bận tâm. Còn bà thì đang nghĩ đến đứa con rể chưa một lần gặp gỡ chuyện trò. Con bé nhà mình nhỏ người. Nó cần một người đàn ông cao lớn nâng đỡ. Bà lão nghĩ có lẽ đứa con rể phải cao như thằng cả. Cũng vâm váp, nhưng chắc gì đã cục mịch, khù khờ thế?!
Nhà xe cho bà Tâm ngồi hàng ghế giữa vì những hàng đầu người ta đã đặt chỗ trước. Cậu phụ xe cứ phân trần mãi: “Bác thông cảm nhé. Bác sẽ không phải mệt nhiều đâu. Xuống thành phố, sang xe khác đi vào miền Nam bác sẽ cảm thấy thoải mái ngay. Xe có giường nằm mà.”
“Ừ, trăm sự nhờ các chú nhá. Tôi có biết đường sá đâu.” Nói rồi bà Tâm tựa lưng vào ghế lơ mơ ngủ trong những cú xóc dập dềnh như ru võng.
Cậu phụ xe gọi báo cho bà Tâm đã đến bến xe tỉnh. Bà mở mắt ra định đi xuống xe thì phát hiện chiếc túi dết để bên mình đã không còn. Bà lục tìm khắp ghế trên, ghế dưới đều không thấy đâu. Chắc có kẻ gian lợi dụng khi bà ngủ quên đã cuỗm đi cái túi. Trong túi có giấy tờ tùy thân và chiếc vòng bạc bà để dành cho con gái làm của hồi môn. Cả số tiền hơn ba triệu bán đôi lợn thế là đi tong rồi. Cậu phụ xe tỏ ra thông cảm khuyên bà nên quay về và hứa sẽ đưa về tận nhà. Còn nếu bà muốn đi xe khác về nhà thì nhà xe sẽ hỗ trợ tiền. Có lẽ khách xuống dọc đường đã lấy cắp đồ của bà. Rõ khổ. Vậy là bà Tâm đành chùi nước mắt chờ chiếc xe quay về.
Người phụ xe đã giữ đúng lời hứa đưa bà Tâm về tận nhà nhưng bà không vui lên tý nào. Bà cứ làm thinh trước câu hỏi của ông Tâm sao lại quay về rồi từ biệt cậu phụ xe. “Tôi cần phải ngủ một giấc.” – Bà nói vậy rồi chui vào buồng tối. Ông Tâm thì chẳng hiểu chuyện ra làm sao cứ trơ mắt nhìn vợ chui tót lên giường trùm chăn ngủ.
Bà Tâm ngã bệnh. Cái điện thoại đã mất tong nên chẳng biết làm sao để gọi cho các con yên lòng là bà đã trở về. Cơn sốt đầu tiên kéo đến vào nửa đêm. Ông Tâm thấy vợ không dậy sớm thổi xôi như thường lệ nên ghé qua buồng sờ vào trán thấy nóng bừng. Lão hoảng hốt vớ chiếc khăn cáu bẩn để đầu giường nhúng vào chậu nước lạnh rồi đem vắt lên trán vợ. Buổi sáng hôm ấy người ta thấy ông lão không xách dao lên rừng mà xuống khe múc đầy một ống bương nước, vốn dĩ là việc thường ngày của bà Tâm. Ông cứ thế lặng lẽ làm việc, tâm tư thì nghĩ: “Giá mà có một đứa con gái ở cùng thì mình nào đến nỗi khổ sở vậy”. Rồi ông nghĩ đến những nhà khác trong cộng đồng. Từ bao đời nay con cái lớn lên luôn dựng vợ gả chồng gần cha mẹ. Chọn đất làm nhà ai cũng chuẩn bị cho các con một phần để về sau có chỗ ở gần cha mẹ. Ông Tâm để cho cả một vạt đồi rộng rãi. Nó chưa về lấy vợ, làm nhà, ông trồng lên đó một vườn mơ. Đã cuối Đông, hoa nở trắng cả một khoảng đồi.
Bà Tâm phải nhập viện. Sau ba ngày nằm liệt giường mà không thuyên giảm, người ta cáng bà bằng võng chạy xồng xộc trên dốc núi rồi thuê xe chở đến bệnh viện. Đó là lần đầu tiên suốt hơn sáu chục năm làm người, ông Tâm biết đến một ngôi nhà tường gạch trắng xóa gọi là bệnh viện. Lần đầu tiên ông cần đến cái mảnh giấy con con có ghi tên họ của vợ mình gọi là thẻ bảo hiểm. Bao năm qua, nhờ trời đất thương tình mà cả vợ lẫn chồng luôn khỏe mạnh. Vậy mà lần này ông phải đi chăm vợ ngã bệnh. Mấy ả y tá thì tối ngày gắt gỏng vì ông lão lóng ngóng quá. Bà vợ lúc tỉnh lúc mê. Miệng lảm nhảm khi gọi tên chồng con, khi nhắc đến một con suối xa xôi nào đó mà ông Tâm cũng chẳng hề biết đến. Một lần bà lão gọi con rể, cái đứa mà cả ông và bà đều chưa biết tên.
Phải chi như ở nhà, mấy ả y tá chỉ đáng tuổi con cháu của mình này hẳn đã ăn mấy bạt tai. Có lần ông Tâm trừng mắt nhìn ả y tá quát tháo bảo phải để cái bô đúng chỗ. Nhưng rồi ông chỉ lặng thinh. Giá mà có đứa con gái nào ở cùng lúc này thì hay biết mấy. Mình đã chẳng phải khổ sở đến vầy. Nằm viện được hai hôm thì bà Tâm ngồi dậy được. Bà tính gọi điện thoại cho con gái nhưng hiềm nỗi cuốn sổ ghi số cũng đã mất tong.
Thằng cả đường đột về. Nghe đâu mấy anh em ra bến xe chờ cả buổi rồi hỏi thăm khắp các xe chạy tuyến Nghệ An – Sài Gòn nhưng không ai biết bà Tâm. Cái điện thoại thì đã bị mất cắp, không liên lạc được nữa. Cả đàn con cuống cuồng vì không cách gì tìm ra bà Tâm và chẳng ai lưu số điện thoại của người nào ở bản Hon để hỏi han. Có người khuyên mấy đứa đăng tìm trên mạng xã hội nhưng vô hiệu. Ở núi Pù Quai, mạng xã hội vẫn là điều gì đó xa lạ vì phần lớn những người ở lại nhà đều đã lớn tuổi. Đám cưới thành ra mất vui vì ai nấy đều như có lửa đốt trong bụng. Xong tiệc cưới, anh cả tức tốc lên tàu bay về. Đến nơi mới hay chuyện bà Tâm bị mất cắp. Giờ thì đang nằm viện. Nó không vào nhà mà vác cả ba lô kềnh càng đến thăm mẹ.
Ông Tâm đang bón cháo cho bà lão thì thằng con xuất hiện như từ dưới đất chui lên khiến cả hai người đều ngạc nhiên hết nỗi. Trong khi ông chưa biết nói làm sao thì bà đã chống tay ngồi dậy.
“Thế là về à?” – Bà Tâm lắp bắp.
Thằng con ngồi xuống cầm lấy hai bàn tay mẹ.
“Út nhà mình vậy là có chồng rồi. Xong cưới nó thì con về để tìm mẹ.”
“Tao chưa đi lạc được đâu.” – Bà lão nước mắt vòng quanh. Trong bụng mừng thầm vì thằng con vừa về. Bà chỉ muốn leo ngay khỏi cái giường đưa nó về nhà mổ gà làm lễ gọi vía. Người đây rồi, cũng phải gọi hồn vía nó về theo. Với bà Tâm, cậu con trai vẫn còn là trẻ dại, cần mẹ săn sóc.
Cả chỉ tính ở lại vài ngày rồi trở vào miền Nam. Nhưng bà Tâm ốm gần tháng mới khỏi hẳn. Đã sắp hết năm nên nó xin nghỉ hẳn việc ở nhà cùng cha mẹ. Nó dành phần tiền ki cóp trong mấy năm làm công nhân sửa lại cái nhà cho cha mẹ có chỗ tinh tươm hơn để đón tết. Dù dăm ba hôm, hai cô con gái lại gọi về chuyện trò nhưng bà Tâm vẫn chẳng thể vui hơn. Bà bảo muốn được gặp mặt con rể. Lỡ có mệnh hệ gì thì ân hận lắm. Cô út và chàng rể gọi qua máy anh cả, bà nhìn thấy cô con gái và con rể đang ríu rít bên nhau vui vẻ, trong lòng cũng nguôi ngoai phần nào. Mắt bà lão đã kém. Qua cái màn hình nhỏ xíu kia thấy chàng rể lúc mờ, khi tỏ. Bà vẫn muốn nó về với bà bằng da, bằng thịt. Càng gần tết, bà lão càng mong tin hai con gái. Nhất là đứa út mới đám cưới. Bà muốn nó dẫn chồng về ăn tết.
Hai lăm tháng Chạp, bà Tâm theo cả xuống chợ huyện sắm sửa đón tết. Bà chỉ mua ít mắm muối và một bộ đồ trẻ em để gửi con gái út khi ra tết trở vào Nam sinh con. Bà mân mê chiếc áo mới và nghĩ dù là cháu ngoại của bà có là gái hay trai cũng vẫn mặc được. Bà cũng đã dệt xong chiếc chăn thêu hình chim công để cháu đắp.
Cô con út gọi báo tin tết này không về được. Nhà nội nó ở tận đất mũi Cà Mau cũng muốn đón con dâu về ăn tết. Nó đã theo chồng, đành phải chiều ý nhà chồng. Qua cái màn hình điện thoại nhỏ xíu, nom mặt đứa út cứ buồn thiu khiến bà Tâm phải kìm lòng. Thằng cả tắt máy, bà ôm mặt khóc hu hu. Vậy là bao dự định cho ngày sum vầy coi như tan theo mây gió. Bà lão chẳng tha thiết gì chuẩn bị tết nhất nữa.
Thằng cả về đỡ đần việc nhà, bà Tâm có thì giờ ngơi tay. Rảnh việc, bà thường xuống khỏi cầu thang, ra ngồi ở khoảng sân trước nhà ngó lên vườn mơ. Những bông hoa cuối cùng sắp tàn. Cây cành bắt đầu nhú lộc. Sáng ra, vườn mơ đọng đầy sương mai. Sương trắng, hoa trắng cùng phô sắc khiến sườn núi như vừa trải qua một cơn mưa rào. Non trưa, sương núi tan, khu vườn chỉ còn lại những cái hoa nhỏ xíu sắp tàn. Bà chợt nghĩ về cuộc đời con người cũng như cái cây, buồn vui như mùa hoa nở hoa tàn, mùa trái xanh, trái chín.
Trên nẻo vắng nào đó nơi xóm núi thấp thoáng bóng người già cầm theo những chiếc áo và nén hương trên tay đi làm lễ gọi vía. Tiếng khấn gọi lúc bổng, lúc trầm run rẩy như ngọn gió mùa Đông. Tiếng khấn gọi vía khiến bà Tâm thêm nhớ về đứa con gái út. Nó nhỏ nhất nhà. Ngày bé nhút nhát. Lớn lên, chưa kịp đi học trường huyện đã phải vào miền Nam kiếm việc đỡ đần cha mẹ, mãi dăm bảy năm mới lấy chồng. Nó thiệt thòi nhất trong ba anh em. Bà Tâm mong ngóng nó và cả thằng con rể còn chưa biết mặt.
Sáng Ba mươi tết, ông Tâm và Cả mổ con lợn bà mẹ nuôi chuẩn bị tết từ nửa năm trước. Hai cha con hí húi mãi tận trưa mới xong. Khi mâm cơm tất niên dọn ra thì nhà có khách. May, cô bạn thuở học trò của anh con cả đến thăm, trên tay có một bọc quà. Hai ông bà già còn chưa hết ngạc nhiên thì cô gái đã nói: “Quà của bé út gửi cháu đưa về cho ông bà”. Bà Tâm vội bảo Cả mở coi.
Quà gói trong cái hộp giấy sơ sài. Cả cầm con dao nhọn rạch bóc lớp băng dính. Trong hộp chỉ vẹn vẹn hai cái áo sơ mi. Một của nam, một của nữ. Bà Tâm nhìn hai chiếc áo và hiểu ra điều gì đó. Con gái gửi áo của chồng nó về để ông bà Tâm cúng trên bàn thờ tổ tiên. Có cái áo này, ma nhà sẽ nhận mặt con rể.
Bữa cơm tất niên thế mà vui hẳn. Bà lão liên tục cười nói, gắp thức ăn cho cô gái. Bà nhắc cô chiều tối nay nhớ trở lại nhé. Lúc đó bà sẽ làm lễ cúng để tổ tiên nhận mặt con rể.
“Có cái áo này coi như vợ chồng nó về ăn tết cùng nhà mình rồi. Thôi thì vía về trước, người về sau vậy.” – Bà lão nói dường như chỉ để mỗi mình nghe.
May nhìn bà Tâm, lại nhìn sang cả, thấy nước mắt nó chực trào ra. Sự bối rối bắt đầu xâm lấn tâm trí người con trai và lan sang cô gái. Tối hôm qua, anh con cả tìm đến nhà thăm cô bạn lâu ngày xa cách. Cả tâm sự chuyện mẹ mong nhớ em gái, em rể rồi trách cứ chúng nó sao quá đỗi vô tâm. May ra chiều suy nghĩ rồi bảo anh cả hãy để lại cái áo sơ mi. Thế là thành ra chuyện như vầy.
Nếu tối nay mà mẹ cậu đem áo của chúng ta cúng tổ tiên thì sao nhỉ?”- May thì thầm vẻ đầy lo lắng. “Nước này thì mình không tính đến.” – Cô bạn gái nói thêm, gò má chợt đỏ gay, đỏ gắt.

Hữu Vi

(Bài đăng trên Tạp chí Sông Lam số 10 tháng 1+2/2021/Chào Xuân tân Sửu)