LTS: Đó là bốn nhà báo: Vương Đình Quang (quê Nam Đàn), Nguyễn Đức Giảng (quê Hà Nội), Võ Quý Huân (quê Thanh Chương), Nguyễn Đức Bính (quê Nghi Lộc). Là người Nghệ, hoặc không phải người Nghệ nhưng họ đã sống và gắn bó với Vinh, và đều là những nhà báo đầy tâm huyết, đầy bản lĩnh, hoạt động báo chí rất năng nổ dưới thời thuộc Pháp, trong 9 năm trường kỳ chống Pháp, và những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc. Qua những hoạt động báo chí, văn chương của các nhà báo, chúng ta phần nào hiểu được bối cảnh xã hội của Vinh với những sự kiện, những biến động lớn làm thay đổi biết bao số phận con người, trong đó có các nhà báo nói trên; hiểu được không khí hoạt động báo chí, văn chương, in ấn tại Vinh trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn trở ngại khách quan từ bối cảnh lịch sử, họ đã kiên cường theo đuổi nghiệp bút nghiên và góp phần làm nên diện mạo báo chí Nghệ An trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Họ là những tấm gương nhà báo dám dấn thân vì lý tưởng, vì xã hội, vì con người.

Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), Tạp chí Sông Lam trân trọng giới thiệu bài viết về bốn nhà báo ở Vinh thời thuộc Pháp (04 kỳ) của tác giả Phạm Xuân Cần – người đã dày công sưu tầm, nghiên cứu về “Vinh xưa”.

Kỳ 4: Võ Quý Huân và tờ báo “Đông Dương hoạt động”

Kỹ sư Võ Quý Huân là một trong bốn trí thức từ Pháp theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước tham gia kháng chiên năm 1946 (bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Đình Quỳnh, kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa) và kỹ sư đúc – luyện kim Võ Quý Huân). Ông cũng được coi là cha đẻ của ngành đúc- luyện kim Việt Nam hiện đại. Thế nhưng, ít người biết rằng, ở tuổi 20 ông đã từng là chủ bút một tờ báo viết bằng ba thứ tiếng, xuất bản ở Vinh năm 1937.

Ông Võ Quý Huân (ngoài cùng bên phải) đi cùng đoàn của Hồ Chủ tịch tại Pháp năm 1946. Nguồn ảnh: Đại biểu Nhân dân tỉnh Nghệ An.

Võ Quý Huân sinh năm 1912 (có tài liệu viết năm 1915), ở Đà Nẵng, nhưng quê ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương. Những năm 1936, 1937 ông tham gia các hoạt động yêu nước trong phong trào Bình Dân. Năm 1936 ông viết đơn xin mở một tờ báo ở Vinh, cùng với ông Nguyễn Đức Minh.

Ngày 21/08/1936, Bộ Nội vụ gửi cho Khâm sứ Trung Kỳ tại Huế văn bản số 66q phúc đáp công văn số 522 ngày 12/08/1936 của Khâm sứ Trung Kỳ. Trong đó Bộ Nội Vụ khẳng định rằng họ không có thắc mắc gì với việc 2 ông Nguyễn Đức Minh và Võ Quí Huân được phép xuất bản tờ báo “L’ activité Indochinoise” (Đông dương hoạt động) với 3 thứ tiếng là Tiếng An Nam, tiếng Pháp và tiếng Hoa. Theo đó, Toàn quyền Đông Dương đã ra Quyết định số 4748 ngày 10/10/1936 cho phép ông Võ Quí Huân và ông Nguyễn Đức Minh xuất bản tại Vinh tờ báo “Đông dương hoạt động” với 3 thứ tiếng là Tiếng An Nam, tiếng Pháp và tiếng Hoa.

Trụ sở tòa soạn báo đặt tại số 41 đại lộ Destenay (nay là đường Phan Đình Phùng), thành phố Vinh.

Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, ngày 6/1/1937 số đầu tiên của tờ Đông Dương hoạt động đã ra mắt bạn đọc. Theo báo CAND tham gia viết báo cùng ông còn có các ông Lê Văn Chất (sau này là luật sư, Chánh án các Tòa án Quân sự trong kháng chiến chống Pháp), Huỳnh Tấn Phát (sau này là luật sư, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ).

Thế nhưng, tuổi thọ của tờ báo thật ngắn ngủi, chỉ vẻ vẹn ba tháng, với 10 số báo. Số cuối cùng là số ra ngày 7/4/1937.

Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa biết được nội dung tờ báo đề cập những vấn đề gì và lý do gì mà báo phải đình bản. Các bài báo đã viết về Võ Quý Huân lâu nay hầu như đều cho rằng: do báo có nội dung chống Pháp nên bị nhà cầm quyền đình bản, sau đó Võ Quý Huân phải trốn sang Pháp để đi học.

Chân dung nhà báo Võ Qúy Huân. Nguồn ảnh: Báo Đại Đoàn kết.

Thế nhưng, theo những tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia 4 (Đà Lạt) thì có vẻ câu chuyện không căng thẳng đến như vậy. Ngoài những tài liệu về việc cấp phép cho tờ báo ra đời, còn có một lá thư của Võ Quý Huân gửi Khâm sứ Trung Kỳ và Công sứ Vinh, ngày 20/04/1937. Trong thư Võ Quý Huân sử dụng lời lẽ nhẹ nhàng, mềm mỏng. Ông cho biết ông là chủ tờ báo “Đông Dương hoạt động” với mục đích phục vụ chính quyền và cố gắng tạo ra sự thấu hiểu lẫn nhau giữa chính quyền và người dân bị cai trị. Ông nói ông muốn thể hiện một vai trò khách quan, và biến tờ báo của ông thành thành một công cụ truyền đạt thông tin một cách rõ ràng các mong muốn cũng như các mệnh lệnh của chính quyền. Và đây cũng là nơi để người dân thể hiện các yêu cầu, đòi hỏi của mình. Ông đã nhiều lần đăng bài nói rằng ông sẵn sàng làm việc cho chính quyền, đặc biệt là trong các lĩnh vực có quan hệ trực tiếp với người dân, ông muốn làm họ hiểu về mối quan hệ hợp tác giữa Pháp và An Nam và khuyên họ theo chế độ bảo hộ của Pháp.

Nhưng không may là tờ báo phải đình bản vì có lẽ, ông tự thừa nhận, do ông thiếu kinh nghiệm và cũng vì chính quyền nhìn nhận tờ báo của ông quá hà khắc. Nguyên nhân của sự việc này có lẽ xuất phát từ việc do ông còn trẻ, nên nhiều lần đã trở thành nạn nhân của các lời gợi ý, của sự hợp tác với một số nhân vật muốn nịnh bợ đám đông, đã xui ông đưa ra một số ý kiến thiên vị, có động cơ xấu và các ý kiến đó đã được đưa vào tờ báo, mà ông không thể có thời gian để xem xét, kiểm duyệt do quá bận các vấn đề tài chính. Một phần nữa là do một số bài báo của ông vấp phải thành kiến của một số thầy tu, giáo sĩ, họ hiểu sai ý tưởng tốt đẹp của ông và cho rằng ông vi phạm các điều trong giáo lý của Nhà Thờ. Họ đã dành cho ông những lời quở trách rất nặng nề. Vốn xuất thân từ gia đình theo đạo Thiên chúa, ông chỉ biết chịu đựng và không thể chứng minh được, dẫn đến bạn bè ông, các độc giả chính của ông đã không còn tin ông nữa.

Và ông tuyên bố đình chỉ xuất bản từ ngày 07/04/1937, đồng thời cũng tuyên bố bỏ nghề báo.

Có thể bức thư này chỉ là cách để Võ Quý Huân thu xếp ổn thỏa với chính quyền để hướng đến mục tiêu khác.

Sau đó ông sang Pháp và câu chuyện như mọi người đã biết.

Trong Kháng chiến chống Pháp Võ Quý Huân là Giám đốc Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung bộ. Võ Quý Huân chính là người đã chỉ huy tháo dỡ máy móc, thiết bị 2 nhà máy Xe lửa Trường Thi và Điện Bến Thủy lên rừng núi phía tây. Tại đây ông đã cho ra mẻ gang đầu tiên dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Không thể mang theo người vợ Nga và đứa con gái khi cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, sau này Võ Quý Huân kết hôn với cô Khanh, hoa khôi thành Vinh, con gái chủ hiệu vàng Bảo Nguyên nổi tiếng.

Phạm Xuân Cần

Kỳ 1: Vương Đình Quang – Nhà báo Nghệ từng làm thư kí cho cụ Phan và cụ Huỳnh

Kỳ 2: Vợ chồng nhà giáo Nguyễn Đức Bính – Nguyễn Thị Du 

Kỳ 3: Nguyễn Đức Giảng – một nhà báo, nhà văn viết bằng tiếng Pháp