Tối 6/10, tại thành phố Vinh, Nhà xuất bản Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nghệ An, Thư viện tỉnh và Nhóm Vinh xưa tổ chức sự kiện “Vinh của ta” ra mắt và giới thiệu 2 cuốn sách Tìm dấu Vinh xưa của nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần và Vinh phố của tôi của nhà báo, nhà thơ Phạm Thuỳ Vinh, đồng thời trao giải cuộc thi “Vinh của tôi” do nhóm Vinh xưa tổ chức.

Tham dự sự kiện “Vinh của ta” có các ông/bà: Nguyễn Thị Thu Hường – Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên BTV, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Phạm Trọng Hoàng – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Như Khôi – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Văn Dũng – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng ban Tuyên giáo tỉnh; Trần Thị Mỹ Hạnh – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Hồ Mậu Thanh – Chủ tịch Hội LH VHNT Nghệ An;  Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LH VHNT Nghệ An; Nguyễn Bá Hảo – Phó Giám đốc Sở TT&TT; Nguyễn Vinh Quang – Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An. Tới dự còn có đại diện các ban, ngành, đơn vị, cơ quan trong tỉnh, các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, đại diện các nhà tài trợ cùng đông đảo độc giả.

Khách mời tham dự chương trình

Tác giả Phạm Xuân Cần là một người gắn bó với Vinh rất nhiều năm. Từ khi còn công tác, ở cương vị là Phó Bí thư Thành uỷ Vinh hay PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ, ông đã nghiên cứu và xuất bản một số đầu sách về Vinh. Từ khi nghỉ hưu (2017), ông đã dành toàn bộ thời gian, tâm trí để sưu tầm, nghiên cứu về Vinh, đặc biệt là đề tài Vinh xưa. Năm 2015, từ những bức ảnh quý giá về Vinh những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tác giả Phạm Xuân Cần đã tuyển và công bố cuốn Vinh xưa. Bộ sách ảnh Vinh xưa sau khi được ấn hành đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của độc giả trong và ngoài nước, cuốn sách này đã vinh dự cùng một lúc được trao 2 giải thưởng danh giá, giải Bạc sách đẹp và giải Đồng sách hay (Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016). Từ những bức ảnh, với niềm đam mê khám phá, “nhà Vinh học” Phạm Xuân Cần đã dấn thân vào cuộc Tìm dấu Vinh xưa.

Tác giả Phạm Xuân Cần giới thiệu về cuốn sách “Tìm dấu Vinh xưa”

Tìm dấu Vinh xưa là công trình đồ sộ dày hơn 700 trang với 2 phần: Phần 1(Tìm dấu Vinh xưa), Phần 2 (Tìm dấu người xưa). Qua những hình ảnh, tư liệu sống động về diện mạo đô thị Vinh, về những con người Vinh, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần đã dựng lại toàn cảnh về thành phố Vinh – Bến Thủy hơn 100 năm về trước. Đây là cuốn sách nghiên cứu về lịch sử, diện mạo, con người đô thị Vinh, với những công trình đô thị, kinh tế, dân sinh, với đủ mọi tầng lớp từ quan chức, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo, nhà văn, danh thủ thể thao, đặc biệt là các doanh nhân trong và ngoài nước đã góp phần tạo dựng nên đô thị Vinh.

Với nguồn tư liệu phong phú, mà hầu hết là các tư liệu, thông tin mới mẻ, được khai thác từ các trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước, nguồn tư liệu từ các gia đình, lần đầu tiên được công bố, cuốn sách đã mang lại cho người đọc những hiểu biết thú vị về đô thị Vinh. Bên cạnh nội dung khoa học với nhiều khám phá mới, cuốn sách cũng được trình bày bởi một phong cách phóng khoáng, đậm chất văn chương, ít thấy trong các công trình nghiên cứu cùng loại. Cùng với cuốn Vinh xưa, Tìm dấu Vinh xưa cũng có thể đóng vai trò như một công cụ tra cứu cho bạn đọc khi có nhu cầu tìm hiểu một công trình, một địa danh, một sự kiện, hay một nhân vật nào đó của Vinh xưa.

Tác giả Phạm Xuân Cần chia sẻ, cái đích ông hướng đến là muốn mô tả diện mạo đô thị và con người Vinh xưa. Ông cho biết thêm, đã có hàng chục cuốn sách nghiên cứu về lịch sử thành phố Vinh nhưng sự khác biệt của Tìm dấu Vinh xưa đó là: tập trung nghiên cứu về lịch sử đô thị, không đi vào lịch sử đấu tranh chính trị như các công trình khác; không khái quát chung mà đi vào từng địa danh, sự kiện, nhân vật lịch sử cụ thể; nguồn tư liệu được khai thác từ các thư viện, trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn tư liệu ảnh và tư liệu gia đình; vừa nghiên cứu, vừa công bố trên mạng xã hội, tạo cảm hứng lịch sử rộng rãi, đồng thời thu thập xác minh thêm tư liệu; công trình phóng khoáng, cởi mở… Tác giả cũng bày tỏ niềm tin, niềm hy vọng rằng thành phố Vinh đã từng là một đô thị phát triển, và sẽ có cơ hội phát triển rực rỡ trong tương lai.

Nhà báo Thùy Hương thể hiện sâu lắng bài thơ “Vinh của ta” của Phạm Thùy Vinh

Nếu như tác giả Phạm Xuân Cần chọn hướng đi sâu vào việc nghiên cứu về diện mạo Vinh xưa nhằm tái hiện lịch sử thì tác giả Phạm Thuỳ Vinh lại ngẫu hứng, thổn thức với vẻ đẹp bình dị của mảnh đất và con người Vinh nay. Là một người con Thái Bình, lập gia đình và làm việc ở Vinh, hiện nay với cương vị là Phó Chủ tịch Hội LH VHNT, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam, tác giả Phạm Thuỳ Vinh đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học về Vinh.

Tác giả Phạm Thùy Vinh chia sẻ tại buổi ra mắt sách

Cuốn sách Vinh phố của tôi của tác giả Phạm Thùy Vinh được tập hợp chủ yếu từ các bài báo viết cho chuyên mục “Bốn mùa qua phố” của báo Nghệ An trong nhiều năm về trước. Cuốn sách này còn có một phần nhỏ những ghi chép trên facebook cá nhân tác giả. Đó là những nghĩ suy, những cảm xúc trên đường đi làm, đi chợ, giờ đón con, hay ngồi cà phê với bè bạn… Những ghi chép mà tác giả gọi là ghi chép vụn, “những mảnh vụn của nỗi buồn, niềm vui, đã giúp tôi lớn lên mỗi ngày, đã giúp tôi yêu thêm nơi chốn mà tôi muốn mình thuộc về. Những bé mọn đã làm nên tôi của hôm nay, tôi của bây giờ”.

Tại buổi giới thiệu sách, tác giả Phạm Thùy Vinh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình khi nhắc đến gia đình, đồng nghiệp, những người bạn, những cộng sự đã động viên, giúp đỡ, thôi thúc tác giả cho ra đời cuốn sách. Tác giả chia sẻ thêm, đây chỉ là một cuốn sách bé nhỏ chứa đựng cảm xúc của một cô dâu người Bắc khi về đây, để bày tỏ tình yêu với thành phố Vinh. Đó cũng như là một lời cảm ơn, lời tri ân của tác giả với thành phố này.

PGS.TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch thường trực Hội LH VHNT tỉnh Nghệ An chia sẻ trong chương trình

Nói về 2 cuốn sách này, PGS.TS Đinh Trí Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LH VHNT tỉnh Nghệ An chia sẻ: Cả hai cuốn sách đều rất giá trị. Cuốn Tìm dấu vinh xưa là một cuốn lịch sử về đô thị, còn Vinh phố của tôi là cuốn tùy bút văn chương, nhưng cả hai cuốn sách đều xuất phát từ một cái chung là tấm lòng yêu tha thiết thành phố Vinh. Với Vinh phố của tôi là tiếng lòng của tác giả – một người tuy không sinh ra và cũng không phải là quê quán ở Vinh – nhưng lại gắn bó sâu nặng, tha thiết với mảnh đất này. Vinh phố của tôi mang chất trữ tình sâu đậm. Mỗi con phố, hàng cây, vỉa hè, chợ cóc… với tác giả đều gợi nên những ký ức đẹp, những nỗi niềm gắn bó thân thương, như là một phần máu thịt của mình. Và cái tôi tác giả giàu xúc động, luôn sống hết mình với cảnh với người, bên cạnh những con đường, những ngõ phố, vỉa hè, ngã 3, ngã 4… là bóng dáng những người lao động nghèo: chị bán hàng nước vỉa hè, bác thợ sửa xe, chị bán hàng xén chợ cóc…”.

Tác giả 2 cuốn sách chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh và các đơn vị

Được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô, Tìm dấu Vinh xưa và Vinh phố của tôi là những cuốn sách gửi gắm trong đó rất nhiều thông điệp sâu sắc, là món quà giá trị cho những người yêu và gắn bó với thành phố Đỏ, để bồi đắp thêm tình yêu thành phố, góp phần dựng xây một thành Vinh ngày càng giàu đẹp.

Cũng trong chương trình, Ban quản trị nhóm Vinh xưa đã công bố và trao giải cuộc thi “Vinh của tôi”. Với mong muốn có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, nghiên cứu về Vinh, nhóm Vinh xưa đã tổ chức thành công cuộc thi “Vinh của ta”.

Sau một tháng phát động (20/8 – 20/9/2023), cuộc thi đã nhân được sự hưởng ứng và ủng hộ của đông đảo các thành viên Vinh xưa và bạn bè trong nước và nước ngoài. Ban Tổ chức đã nhận được hàng trăm tác phẩm dự thi. Đã có hàng chục tác phẩm văn, thơ, ảnh dự thi được chọn đăng trên Tạp chí Sông Lam.

Ban tổ chức cuộc thi “Vinh của tôi” trao giải cho các tác giả đoạt giải

Kết quả cuộc thi “Vinh của tôi”:

Về văn xuôi: Giải Nhất: tác giả Lê Thị Kim Hương: Chùm 2 tác phẩm “Có một thành Vinh trong tôi”, và “Tóc ngắn”;  2 Giải Nhì: Nguyễn Minh Nguyệt (Vũng Tàu): “Thương về miền gừng cay muối mặn”, Đinh Hiền Lương (Hà Nội): “Lãng đãng Vinh xưa”; 3 Giải Ba: Chu Trọng Huyến (90 tuổi, tp Vinh): “Mười hai khúc Vịnh”, Tôn Hy (88 tuổi, Đà Nẵng): Chùm ba tác phẩm: “Nhớ về trường cũ”; “Người Vinh gần 100 năm trước”; “Quà vặt của học trò trường Cao Xuân Dục”, Đặng Thị Thanh An (94 tuổi, tp Hồ Chí Minh): “Vinh, thời học trò trước năm 1946”. 4 giải Khuyến khích: Trần Quang Thanh: “Đường Lê Mao, con đường của những tán cây và kỷ niệm”, Võ Thị Thu Hương: “Thương nhớ thành Vinh”, Việt Hồ: “Quà sáng”, Đàm Quỳnh Ngọc: “Cửa vào thành phố”.

Giải bài viết được nhiều người thích nhất: Trần Anh Nghĩa: “Chuyện Tết xưa” (545 like)

Về Thơ: Không có giải Nhất; giải Nhì: Ngô Trí Sinh: “Vinh, một thời tôi đã biết”, 3 giải Ba: Trịnh Oanh Lan (Thanh Hóa): “Đêm hội tụ thành Vinh”, Nguyễn Viết Lợi: chùm 3 bài: “Viết ở đường Lê Mao”, “Khoảng trời riêng” và “Phố quê”, Lê Đình Sơn: “Hoa gạo thành Vinh”, 5 giải Khuyến khích: Nguyễn Ngọc Yến: “Chùm thơ Đường”, Lê Hồng: “Quán Bàu”, “Sân bay Vinh”, Nguyễn Thị Thanh Yến: chùm 2 bài “Viết cho Vinh tuổi 60”, “Nói với Vinh của ta”, Nguyễn Đức Cơ: chùm 2 bài “Viết bên mộ Đội Cung”, “Với La sơn Phu tử”, Hoàng Cẩm Thạch: chùm hai bài “Yêu Vinh và em”, “Gái Vinh”.

Về Ảnh tư liệu: 2 giải Nhất: Cố NSNA Lê Văn Vĩnh: bộ ảnh về Vinh những năm 1950 – 1970, Werner Geroges và Lê Huy (CHLB Đức): bộ ảnh về Vinh những năm 1977- 1980;  1 Giải Nhì: Thúy Nguyệt “Cha kính yêu”; 3 giải Ba: Nguyễn Bằng Quyền (Hoa Kỳ): Lễ cưới ông Nguyễn Đức Thuyết, năm 1940, Phạm Đình: chùm 2 ảnh “Đội văn nghệ lớp 5C, trường C2 Phạm Hồng Thái, năm 1961) và “Lớp 9C trường C3 Vinh, sơ tán ở Hưng Tây, năm 1966), Đào Tỉnh: “Hội nghị CTV báo Nghệ Tĩnh năm 1978”, và “GĐ ông Nguyễn Trọng Phòng, năm 1950”; 4 giải Khuyến khích: NSNA Dũng Nghệ chùm 4 ảnh: Đường Đinh Công Tráng 1987; Phố Quang Trung 1987; Rước dâu trên đường Lê Lợi 1987; Cổng thành 1990, Chu Trọng Tuấn với chùm 4 ảnh: Đền Hồng Sơn, 1989; Ga Vinh, 1988; Nghĩa trang Thái Lão, Đền Nguyễn Xí, 1989; KS Kim Liên, 1990; Tuyết Hoa Phan: Tốp ca nữ nhà tôi bên ngôi nhà đá rửa, 1989; Thảo Thơm: SV Sư phạm thành Vinh 1989.

Chương trình khép lại với nhiều cảm xúc sâu lắng, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người tham dự với những thông điệp tích cực để thắp thêm niềm yêu thương, niềm tự hào đối với thành phố Vinh, để Vinh sẽ trở thành thành phố đáng sống, đáng tự hào không chỉ của mảnh đất miền Trung mà của cả nước.

Nội dung: Lê Nhung
Ảnh: Hồ Đình Chiến